Không giống anh Tuấn, con gái biết rất rõ con muốn đi du
học. Khi học đến cuối cấp I con say mê nước Nhật, văn hóa Nhật, vậy nên khi đó
con mơ ước đi học ở Nhật. Sau khi con học đàn harp một thời gian ngắn, nhìn thấy
niềm say mê và sự chăm chỉ của con, các bác lãnh đạo ở dàn nhạc gợi ý có thể hỗ
trợ con tìm học bổng du học Nhật bản. Nhưng lúc đó con gái đã ở cuối cấp II, niềm say mê văn hóa Nhật vẫn còn nhưng con gái đinh ninh rằng
học đàn harp thì phải ở châu Âu chứ Nhật không phải là nơi con muốn đi. Thêm nữa,
mẹ không muốn con phải chịu ràng buộc với dàn nhạc nếu đi du học qua sự giới
thiệu của dàn nhạc. Mẹ cũng không muốn con bị ràng buộc bởi học bổng chính phủ,
mà cứ 1 năm học tương đương với 2 năm, tức con sẽ phải làm tại cơ quan nhà nước,
ở nơi họ phân công, trong vòng 8 năm (nếu chương trình đại học kéo dài 4 năm.) Vậy
nên hai mẹ con bảo nhau sẽ xin học bổng của trường và sử dụng học bổng Utachi
(mẹ ta chi 😊) thôi.
Công cuộc tìm trường thật gian nan, chẳng biết phải bắt đầu
từ đâu, vì ngành học của con – biểu diễn đàn harp, hay biểu diễn âm nhạc nói
chung, không phải là một ngành phổ biến, có nhiều người đi học để có thể hỏi
kinh nghiệm. Khi đưa con đến gặp bác M.C, một nhà phê bình âm nhạc có tiếng, để
xin lời khuyên (khoảng tháng 2/2023), hai mẹ con mông lung vô cùng. Bác M.C. dù
không cho được lời khuyên cụ thể nào, nhưng cũng giúp gợi ra một đôi hướng để
hai mẹ con tìm hiểu. Đọc trên báo chí, trong các cuộc chuyện trò, biết nhà ai
có con đi du học ngành biểu diễn âm nhạc là mẹ nhắc con tìm cách liên lạc hỏi
hoặc mẹ tự hỏi. Thông qua các anh chị lớn tuổi cùng trong nghề con cũng hỏi và
được giới thiệu một đôi trường. Một số trường hợp mẹ con mình biết thì toàn những
anh/chị/bạn có hồ sơ khủng, giải thưởng trong nước và quốc tế này nọ đủ cả. Con
học đàn harp muộn, lại vào thời kỳ dịch Covid, làm gì có cơ hội đi thi để mà có
bất kỳ giải thưởng nào. Bù lại, con có một danh mục các tiết mục biểu diễn cùng
Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia khá dày dặn, và ở tuổi 17 con đã có một buổi biểu
diễn độc tấu cùng dàn nhạc. Một hồ sơ như vậy không phải quá ấn tượng nhưng
cũng không tệ.
Hai mẹ con lọ mọ tìm hiểu, lướt qua một số các nước châu
Âu – Hà Lan, Bỉ, Pháp, Đức, Áo, Anh. Hà Lan có một số trường có chương trình giảng
dạy bằng tiếng Anh nhưng học phí khá đắt đỏ, thường trên 10.000 euro/năm. Bỉ có
ít lựa chọn, dù mẹ có một số bè bạn người Bỉ, có thể nhờ vả này nọ thời gian đầu.
Nếu định nộp hồ sơ trường của Pháp thì phải học thêm tiếng Pháp, mà ở Pháp không
có nhiều lựa chọn. Hungary có học viện âm nhạc rất tốt, nhưng tiếng Hung khó mà
sau này lại ít hữu ích nên hai mẹ con cũng loại. Tiếng Anh của con khá ổn, ôn
luyện thêm chút là đủ điều kiện nộp học, hai mẹ con tự tin như vậy, vậy nên các
trường giảng dạy bằng tiếng Anh là ưu tiên hàng đầu. Có khá nhiều trường ở Anh
dạy ngành đó, hai mẹ con thậm chí đã có một buổi thức rất khuya để nói chuyện với
Olivia, một cựu sinh viên người Anh ngành biểu diễn đàn harp mà con có cơ hội
làm quen khi bạn ấy biểu diễn cùng Dàn nhạc Giao hưởng từ hồi năm 2019. Olivia cho
địa chỉ e-mail đôi giáo viên dạy đàn harp của các trường nhạc bên Anh để con chủ
động liên hệ và trao đổi. Cuối cùng, vì học phí đắt đỏ ở Anh và không tự tin
xin được mức học bổng cao, con không liên hệ với ai. Cân nhắc mức học phí rất mềm
ở Đức và Áo và số lượng lớn các trường nhạc để lựa chọn, sau chương trình biểu
diễn độc tấu vào tháng 12/2022, con bắt đầu công cuộc học tiếng Đức, tức từ khoảng
cuối học kỳ I năm lớp 11. Qua một người bạn giới thiệu, con cũng liên hệ với một
trường nhạc ở Áo, gửi cho một thầy ở đó video buổi biểu diễn độc tấu của con và
nhận được phản hồi khá tích cực.
Nghĩ đến học phí đắt đỏ của các trường Mỹ, hai mẹ con
chưa khi nào tính chuyện nộp đơn vào trường Mỹ. Thật may mắn, trong một lần được
Dàn nhạc mời biểu diễn, con gặp nghệ sỹ violin Chuong Vu, hiện đang giảng dạy tại
Đại học North Texas. Chú hỏi thăm tình hình học tập, dự định tương lai của con
và khuyên con có thể nộp đơn vào trường chú hiện đang giảng dạy do trường có
chính sách ưu đãi rất tốt dành cho những sinh viên ngoại quốc có năng lực. Vậy
là có thêm một lựa chọn nữa.
Học tiếng Đức được một thời gian, chắc mới được 7-8 tháng
thì con gái bảo, con không cách gì đáp ứng được yêu cầu tiếng Đức trước khi nộp
hồ sơ đâu. Mẹ hoàn toàn hiểu – con vẫn phải học văn hóa, học đàn, song song với
đó là các chương trình biểu diễn khá thường xuyên và chuẩn bị bài để dự thi. Vậy
là lựa chọn nộp trường ở Áo hay Đức cũng bị loại. Rất may, hai mẹ con tìm hiểu
thêm và biết được học viện âm nhạc Sibelius ở Phần Lan có chương trình giảng dạy
bằng tiếng Anh với mức học phí khá mềm – 5000 euro/năm. Tốt quá. Chốt lại hai mẹ
con quyết định sẽ nộp trường ở Mỹ và trường ở Phần Lan. Cả hai trường đều nhận dự
thi qua video, không phải sang tận nơi thi trực tiếp. May quá là may, vì trong
kế hoạch dự kiến của hai mẹ con có mục phải đưa con đi thi trực tiếp, cũng có
nghĩa là phải hết sức lựa chọn trong việc nộp hồ sơ vì đâu có thể tập được nhiều
bản nhạc khác nhau theo yêu cầu của mỗi trường và cũng đâu có sức lực và tiền bạc
để đi thi ở nhiều nơi. Coi như tiết kiệm một mớ tiền, khởi đầu thế này là quá tốt
đẹp rồi!
Trường ở Mỹ con nhờ chú Chương giới thiệu với cô giáo,
trường ở Phần Lan con tự tìm thông tin về cô trên mạng. Mẹ đôi lần phải giục
giã nhưng đến tầm tháng 11/2023 thì con đã liên lạc với cả hai cô, viết thư giới
thiệu về bản thân, xin học cùng các cô một đôi buổi. Thật may, cô nào cũng nhanh
chóng trả lời thư, vui lòng dành cho con một đôi buổi học. Sau buổi học cùng
con thì cô nào cũng nói rằng ấn tượng về năng lực của con và khuyến khích con nộp
hồ sơ. Hai mẹ con sung sướng, cảm thấy nhẹ nhõm đôi phần.
Hai mẹ con phân công nhau những việc cần làm – mẹ giúp
con viết thư giới thiệu về bản thân và thư giới thiệu, con phải lo những việc
còn lại mà mẹ chẳng thể nào giúp được – chuẩn bị video dự thi, chuẩn bị chứng
chỉ tiếng Anh, dịch công chứng học bạ và nộp đơn online. Viết thì đôi dòng thế
này nhưng đó là rất nhiều công sức của con gái. Miệt mài ôn luyện tiếng Anh với
chị Cốm trong vòng 4 tháng, cuối cùng con cũng có chứng chỉ tiếng Anh với mức điểm
không cao, chỉ vừa đủ. Con gái hơi buồn nhưng mẹ bảo, đủ là được rồi, chỉ có
người Việt mới đi khoe chứng chỉ IELTS với nhau chứ Tây ai quan tâm. Vụ học bạ
khá lằng nhằng, mãi con mới mượn được học bạ từ phòng Đào tạo của trường. Trường
ở Mỹ không nhận bản dịch qua công chứng thông thường mà phải là bản dịch
cerfified/được xác thực. Mẹ không hiểu đó là gì luôn. May quá, có cô Tâm, bạn mẹ,
đã từng làm ở hệ thống trường đại học Mỹ giải thích về bản dịch cerfitified. Mẹ
nhờ nào cô Tâm, nào bác Hà, cả hai người đều đã mất thời gian mà vẫn không xác
nhận được bản dịch. Nhưng cũng từ cuộc trò chuyện với bác Hà mà mẹ lại nhớ đến
cô bạn có công ty dịch thuật nằm trong danh sách được chính phủ Mỹ công nhận. Loay hoay mãi mới xong vụ dịch cái học bạ, một việc tưởng chừng chỉ cần
mang ra công chứng là xong. Miệt mài thêm hơn 1 tuần vào cuối tháng 12, cuối
cùng thì các thư giới thiệu của con cũng hòm hòm, con gửi cho cô giáo và bác H.
để mọi người chủ động sửa lại theo ý mình nếu cần thiết và cho con xin chữ ký.
Phù, thế là công cuộc chuẩn bị đã hoàn tất!
Chúc mừng Thuỳ Dương
Trả lờiXóaMẹ con cháu cảm ơn ạ!
Xóa