24 tháng 9 2023

NHẬT KÝ NEPAL_05_CHẠM TRÁI TIM VÀO EVEREST!

 

Thực ra mình không quá xa lạ với núi tuyết. Ngày sống ở bên Nga mình đã có cơ hội đi thăm Elbrus, ngọn núi cao thứ hai ở châu Âu, bước chân trên những lớp băng vĩnh cửu tầng tầng lớp lớp và chụp những kiểu ảnh đứng trên băng như thể đang đứng trên những đám mây bồng bềnh. Dù thế, Everest vẫn cuốn hút mình. Đọc một số bài viết về dịch vụ bay ngắm núi Everest mình quyết định chơi lớn 😊 – mua vé bay một chuyến như vậy, dù rằng giá vé khá chát – 240 đô cho 1 tiếng bay, tức 4 đô/1 phút ngồi máy bay ngắm cảnh. Mình chả mua sắm gì suốt cả chuyến đi (thực ra cũng chả có nhu cầu mua sắm gì) và mình thà không mua gì để chi tiền cho trải nghiệm này. Hơi băn khoăn về sự an toàn của những chuyến bay đến gần núi Everest, mình lọ mọ tra thêm. May quá, những tai nạn máy bay như vậy rất hiếm hoi, đại để xác suất cũng chỉ như những chuyến mình vẫn bay thôi. Nếu trời mưa hay mây nhiều, không ngắm được thì người ta sẽ hoàn lại tiền. Okela, quyết!

Những chuyến bay mùa này bay bằng máy bay thương mại cỡ nhỏ, loại 50 -70 chỗ mà người ta sẽ chỉ bán những vé cạnh cửa sổ để ngắm núi tuyết. Từ tháng 10 trở đi sẽ có thêm dịch vụ bằng máy bay trực thăng, giá vé đắt hơn tương đối, hình như khoảng 1000 đô. Vì được thiết kế để ngắm nắng sớm nên các chuyến bay đều sớm – 6.15, và như vậy mình phải dậy sao cho 5h kém 15 xuất phát từ khách sạn. Lúc mình ra đến sân bay mới hơn 5h chút xíu. Sân bay nội địa nhỏ xíu, chủ yếu là khách du lịch nước ngoài, trong đó đám đi ngắm cảnh như mình khá đông, hôm mình đi có tới 3 chuyến. Ngồi chờ rất lâu thì tụi mình được gọi ra máy bay. Những chiếc xe ô tô chở khách ra máy bay cũ kỹ, mùi xăng nồng nặc.

Kể ra leo lên một chiếc máy bay nhỏ xíu như vậy cũng hơi run. Chiếc của mình có 12 hàng, mỗi hàng 4 ghế, và hàng dưới cùng 2 ghế, tổng cộng có 25 vé được bán ra. Mình ngồi ở hàng cuối cùng, số ghế 13A. Máy bay cất cánh và toàn bộ thung lũng Kathmandu có thể được thu vào tầm mắt. Bao quanh thung lũng là núi non trùng điệp, màu vẫn còn xanh lắm. Không biết có phải do nữ thần giữ gìn mà rừng còn xanh đến thế. Nếu vậy mình cũng muốn ở Việt Nam có nữ thần, kakaka.

Máy bay sẽ bay dọc theo chiều dài của dãy Himalaya một đoạn, ngang qua những đỉnh chính rồi vòng lại để hành khách ngồi bên nào cũng sẽ có cơ hội ngắm các đỉnh núi tuyết. Bạn tiếp viên phát cho mỗi hành khách một tờ bản đồ đánh dấu chỉ rõ những đỉnh núi nên chú ý, và cứ mỗi khi bay gần đến đó thì bạn ấy sẽ đến bên từng người, chỉ cho biết đâu là ngọn núi đó trong số rất nhiều những ngọn núi chỉ cao thấp hơn nhau một chút xíu. Nepal sở hữu 8 trong số 14 đỉnh cao nhất của dãy Himalaya, vậy nên với họ những thứ như Phanxiphan nhà mình chỉ được coi là đồi thôi 😊. Mình chả thể nhớ được tên đỉnh nào ngoài Everest và cũng không có ý định tìm hiểu sâu nên chỉ mải mê dán mắt vào dãy núi trắng hùng vĩ xa xa kia – một vẻ đẹp đến ngạt thở. Nếu bay từ Nepal đi Lhasa (Tây Tạng) hoặc Bhutan thì máy bay sẽ bay ngang qua dãy núi, chắc hẳn sẽ còn được chiêm ngưỡng nhiều cảnh kỳ thú hơn nữa. Nhưng với những máy bay thương mại nhỏ thế này, độ bay thấp, họ không thể đến gần núi hơn do vấn đề an toàn, càng không thể bay bên trên dãy núi do đó chính là đường biên giới với Trung Quốc. Ngắm nhìn dãy núi, mình nhớ đến cuốn sách “Con đường mây trắng” của Govinda (đối với mình, đến tận giờ đây vẫn là cuốn sách thú vị nhất về Phật giáo Tây Tạng và những bí ấn của vùng đất này), đặc biệt đoạn mô tả cảnh ông đi ngựa qua một con đèo ở độ cao khoảng 6000m của dãy Himalya từ Srilanka vào Tây Tạng năm 1947, hành trình qua những tu viện Phật giáo, sống hơn ba tháng ở một nơi giống hang động hơn là nhà ở để nghiên cứu và chép lại những bức bích họa của một ngôi đền, nơi lạnh đến mức nước chỉ vừa rót ra ít phút thì đã đóng băng. Và hành trình của ông vượt dãy Himalay để trở về Ấn độ. Vừa ngắm dãy núi tuyết trắng trùng trùng điệp điệp, mình tự hỏi sức mạnh bí hiểm nào đã giúp ông vượt qua những cung đường, những gian khổ như vậy từ cách đây tới hơn 2/3 thế kỷ.

Người Nepal tin rằng các vị thần của họ ngự ở trên đỉnh núi. Có phải vì họ có nhiều nơi cho thần linh
trú ngụ mà họ có nhiều các vị thần
đến vậy? Hay chính các vị thần đã ban tặng cho họ những ngọn núi tuyệt vời đến như thế?


Những rặng núi phủ tuyết trắng trùng trùng điệp điệp, đẹp đến ngạt thở và bên dưới là bồng bềnh mây trắng khiến mình như trôi trong một giấc mơ

Chặng về mình không được ngắm núi tuyết nữa mà chỉ được ngắm mây và những ngọn núi xanh mướt cây cối chầm chậm trôi qua bên dưới. Khoảng 7.30 mình đã về lại đến sân bay và chưa đến 8h thì đã có mặt ở khách sạn, ăn sáng để chuẩn bị cho ngày lang thang cuối cùng ở Kathmandu.

Kathmandu nằm trong thung lũng, vậy nên bốn bề là núi, vẫn còn được rừng che phủ xanh mướt

Thế là mình đã có một chuyến đi đến Nepal thật nhiều cảm xúc. Dù mình chẳng đặt được bước chân nào lên chặng đường leo núi – nói cho sang mồm ấy mà, chứ thực ra dân không chuyên thường chỉ đi bộ đến những nơi gọi là base camp, tức các trạm ở chân núi. Và mình không mơ đến chuyện một lúc nào đó leo gì hết, chẳng bao giờ mình có thể chạm tay vào Everest, thì sáng hôm ấy, trái tim mình đã chạm tới Everest, khi mình cảm nhận sự vĩ đại dường nào của thiên nhiên, sự vô cùng vô tận của vũ trụ mà Đấng tạo hóa đã ưu ái cho mình có cơ hội được nhìn thấy. Mình định bắt chước giới trẻ, ngửa lòng bàn tay để chụp hình ảnh dãy núi nằm gọn trong lòng bàn tay nhỏ bé hoặc để bàn tay úp chạm một ngón tay vào đỉnh núi. Ý định không thành vì ánh sáng không cho phép, chắc cả vì không biết cách nữa. Vậy nhưng chắc chắn trái tim mình đã chạm vào Everest rồi!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét