15 tháng 9 2023

NHẬT KÝ NEPAL_02_LẠC BƯỚC THỜI GIAN Ở BHAKTAPUR – THÀNH PHỐ CỦA NHỮNG NGƯỜI MỘ ĐẠO

 Nằm trọn vẹn trong thung lũng Kathmandu là ba thành phố/ba cố đô cổ - Kathmandu, PatanBhaktapur. Ba cố đô này từng là nơi trị vì của các vương triều khác nhau, mỗi cố đô có một khu quảng trường, bao quanh là các cung điện và đền đài mà các sách du lịch gọi là Durbar Square hay có nghĩa là Quảng trường cung điện. Bhaktapur, trong tiếng Nepal có nghĩa là thành phố của những người mộ đạo nằm cách trung tâm Kathmandu khoảng 13km.

Rời ngôi đền thiêng Pashupatinath, mình mất thêm khoảng 30 phút và đến Bhaktapur vào khoảng hơn 10h trong một buổi sáng Chủ nhật nắng đẹp, trời mát mẻ vì Kathmandu nằm ở độ cao khoảng 1400m, thuộc khu vực ôn đới, lại đang vào cuối mùa mưa. Bhaktapur hiện ra như trong một câu chuyện cổ - một bảo tàng của nghệ thuật và kiến trúc. Những tường gạch mang màu đỏ thẫm của thời gian, những đền, tháp hình dáng riêng của xứ sở này vươn lên trên bầu trời xanh ngắt. Khu cung điện và các đền đài cổ xưa được xây dựng lần đầu tiên từ thế kỷ 15 (một số nguồn trên Internet thì nói được xây lần đầu tiên từ thế kỷ 3-5 gì đó), sau đó được xây dựng thêm và được sử dụng cho đến cuối thế kỷ 18, khi vương quốc cổ này bị xâm chiếm. Khu cố đô khá lớn, cổng tham quan dẫn thẳng vào khu cung điện chính với điểm nhấn là Cung điện 55 cửa sổ và Cổng vàng. Nếu như đặc điểm của Tử Cấm Thành là hoành tráng, tầng tầng lớp lớp các cung điện hiện ra khi từ ngoài đi vào, lần lượt qua hết sân này đến sân khác, các bậc đá sân rồng màu trắng và rất to, thì điểm khác biệt của các cung điện ở Kathmandu là sự tinh xảo. 

Cung điện 55 cửa số

Cung điện 55 cửa sổ từng là nơi ở của 55 bà vợ của vua với mỗi ô cửa sổ là môt phòng dành cho một bà. Trải qua bao thời gian và những lần trùng tu, lần gần nhất sau trận động đất năm 2015, những ô cửa gỗ giờ có màu nâu sẫm, với những nét chạm trổ rất tinh mà nếu để ý có thể phân biệt đâu là những miếng/tấm/thanh mới được trùng tu/thêm vào, và những chỗ đã có từ xa xưa. 

Cánh cổng vàng đây. Hic, điện thoại của mình lởm quá, nên hình ảnh chẳng thể hiện được hết vẻ đẹp

Cánh cổng vàng được trang trí cực kỳ đẹp với các họa tiết bằng đồng mạ vàng của Garuda, con vật cưỡi của thần Vishnu, các stupa cách điệu, sư tử, voi... cùng tượng nhỏ 4 đầu 10 tay của thần Taleiju, vị thần bảo hộ của vương triều Malla. Cánh cổng được xây dựng từ thế kỷ 17, có tuổi đời hơn 400 năm. Cánh cổng vàng dẫn vào cung điện 55 cửa sổ, nối tiếp cạnh đó là ngôi đền thiêng của người Hindu, mà như thường lệ người ngoại đạo không được bước chân vào. Mình đứng từ xa ngoài cổng vào đền, thèm thuồng nhìn vào bên trong với những cây cột, cửa, cửa sổ, các chi tiết trong điện thờ, tất cả được chạm trổ rất cầu kỳ trên gỗ.

Quần thể khu cung điện khá rộng, các con đường nhỏ xíu kết nối 4 quảng trường với nhau, mà ở mỗi một quảng trường lại có các kiến trúc, đền đài. Vô vàn các đền đài thờ các vị thần mà dù rất cố mình cũng chả thể nào nhớ được tên ngoài đôi ba cái tên quen thuộc – Vishnu, Shiva, Krisna, Taleju Bhawani...

Bhaktapur nhìn từ trên cao (Ảnh: Chôm trên mạng)
Quảng trường chính của hoàng cung với đền Vatsala

Đền Nyatapola thờ nữ thần Shiddhilaxmi
Dọc một hành lang của cung điện

Kiểu cửa gỗ và cửa sổ đặc trưng cho các cung điện ở Kathmandu

Khác với nhiều nơi, khi đền chùa/cung điện thường tách biệt hơn khỏi cuộc sống thường ngày, ở Bhaktapur cuộc sống len lỏi vào tận nơi từng là cố đô. Dọc các con đường nhỏ xíu kết nối các quảng trường và các khu là nhà ở, nhà hàng, cửa hàng bán đồ lưu niệm. Những ngôi nhà/cửa hàng/quán trọ nhỏ, có cái trông sáng sủa nhưng nhiều chỗ khá luộm thuộm, xe máy phóng vèo vèo qua các con phố/ngõ hẹp và cả quảng trường. Xe ô tô cũng đi vào đây luôn và nếu gặp xe ô tô thì ở nhiều đoạn người đi bộ sẽ phải nép vào để nhường cho chiếc xe nhỏ xíu đi qua được. Những chiếc xe cũ kỹ, thường do Ấn độ sản xuất, đến cả biển số cũng ghi theo chữ/số Nepal, hoàn toàn khác với hệ số thông thường. Bọn mình bảo nhau, đến cả số còn chả thèm theo thế giới thì phát triển thế quái nào được. Một số ngôi nhà xung quanh quảng trường cũng đồng thời là nhà hàng/cửa hàng. Cuộc sống thường ngày và di tích đan xen, tạo nên một nét độc đáo. Một điều khiến mình ngạc nhiên nữa là ở các ngã ba thường hay có một gian nhà trống một một mặt, thậm chí có thể trống cả hai hoặc ba mặt. Kể cả những gian nhà đó trông cũng cổ, vẫn những cột gỗ và các riềm trang trí cầu kỳ. Những người Nepal đến đó ngồi chơi cờ, tán chuyện.

Một địa điểm nghỉ ngơi của người dân, mấy người đàn ông đang đánh cờ

Một con phố nhỏ len lỏi ngay giữa khu bảo tồn

Khung cửa sổ con công, được so sánh như Mona Lisa của Nepal nằm ngay trên con phố nhỏ. Anh chủ tiệm bán hàng lưu niệm nhiệt tình mời mình lên tầng 2 để từ đó ngắm cho rõ và chụp ảnh tốt hơn.

Hơn hai tiếng dạo quanh Bhaktapur, mình như lạc vào một thế giới nào khác, hư hư thực thực. Giây phút này mình chả cần cậu mèo máy Doremon nào cả, mình đang trôi vào quá khứ ở chính nơi đây rồi. Mình cứ tự hỏi, tại sao mà cách đây tới 400 năm người ta đã có thể xây dựng được những đền đài đẹp đến như vậy. Và lại còn giữ được đến tận bây giờ, cho mình được lạc vào không gian cổ xưa đó, dù chỉ trong một buổi sáng ngắn ngủi. Và nếu gọi Bhaktapur là thành phố của những người mộ đạo thì điều đó dễ dàng được minh chứng bằng số lượng rất lớn các đền thờ, các vị thần, lễ hội và hình ảnh người dân cung kính. Mình hỏi bạn đồng nghiệp, trong tôn giáo của các bạn có quy định những ngày nào phải đến đền thờ không, các bạn có cầu nguyện hàng ngày không. Câu trả lời là ở văn phòng có một phòng để cầu nguyện, có người cầu nguyện sáng tối hàng ngày, có người không, cũng không có quy định về việc đến đền thờ, nhưng đối với chúng tôi đó là văn hóa hàng ngày.

Dù Bhaktapur vô cùng độc đáo, lộng lẫy và trang nghiêm, dù mình đã được chiêm ngưỡng rất rất nhiều đền đài, các kiến trúc khác nhau, cái lớn cái nhỏ, cái nào cũng khiến mình choáng ngợp, cậu hướng dẫn viên bảo, yên tâm, còn nhiều thứ để xem lắm!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét