Cùng với ba khu cố đô, những
danh lam khác của Kathmandu được liệt kê trong danh sách di sản văn hóa vật thể
của UNESCO bao gồm Boudhanath – đại diện cho trường phái Phật giáo Tây Tạng
và Swayambhunath (còn được gọi là Monkey Temple/Đền Khỉ, đơn giản vì ở
đó có nhiều khỉ) đại diện cho Phật giáo Newar (Đây là tên gọi của những
cư dân bản địa của thung lũng Kathmandu). Phật giáo và Ấn độ giáo ở Nepal hòa quyện chặt chẽ. Nepal
vừa có ngôi đền thiêng nhất trong Ấn độ giáo
(đấy là theo ý kiến của người Nepal, có thể người Ấn độ không nghĩ vậy 😊) – Pashupatinath, – lại vừa là quê hương của Đức Phật
– thành phố Lumbini/Lâm tì ni, vừa có Bảo tháp
Boudhanath.
Bảo tháp Swayambhunath hay Đền Khỉ là một ví dụ tuyệt
vời về sự pha trộn và hòa hợp đến kinh ngạc giữa Ấn độ giáo và Phật giáo. Bảo tháp/Ngôi đền nằm cách trung tâm thành phố vài km, trên một ngọn
đồi mà từ đó có thể nhìn thấy trọn vẹn toàn bộ thung lũng Kathmandu bên dưới. Hôm mình đến đang là ngày cuối của một lễ hội, đền thờ rất
đông, và theo lời anh chàng hướng dẫn viên, ở đây ngày nào chả là lễ hội, hôm
nay kết thúc lễ hội này thì ngày mai là lễ hội khác ý mà. Có lẽ thế thật, vì
ngay sau đó, khi mình rời Đền Khỉ đến Patan Durbar Square thì cũng gặp ngay ở
đó một lễ hội khác, người ta chăng bạt và có phần biểu diễn văn nghệ kéo dài suốt
thời gian mình ngồi ăn trưa rồi lang thang ở bảo tàng ngay cạnh đó, chắc phải đến
hai tiếng chưa hết. Các cô gái Nepal múa đẹp tuyệt vời, những động tác múa bụng
rất dẻo như trong những bộ phim Ấn độ ngày xưa. Nhạc Nepal cũng những giai điệu
na ná. Và ngoài đường thì mình chả phân biệt được phụ nữ Nepal và Ấn độ vì họ mặc
đồ khá giống nhau.
Đền Khỉ hôm mình đến đông nghẹt người đi lễ,
chả rõ là người Nepal hay người Ấn độ. Một bảo tháp thờ Phật nằm ở chính giữa
ngôi đền với mái vòm trắng và tháp vàng lấp lánh có thể nhìn thấy từ xa nhiều
km. Bảo tháp là một địa điểm hành hương quan trọng của các tín đồ Phật giáo từ
thế kỷ thứ 5. Bảo tháp có 4 mặt, và ở mỗi mặt đều có một đôi mắt lớn, bên trên
là một con mắt thứ ba của Đức Phật. Ngay cạnh bảo tháp là một loạt các đền thờ
và các đền đài nhỏ khác trong đó có cả ngôi đền thờ thần Shiva của Ấn độ giáo. Không
chỉ người theo Phật giáo coi đây là một địa điểm linh thiêng, người Ấn độ giáo
cũng coi đây là địa điểm linh thiêng. Anh chàng hướng dẫn viên bảo mình, tại
sao lại phải phân biệt Ấn độ giáo hay Phật giáo, chúng tôi tôn kính cả hai và
chúng tôi có thể cầu nguyện ở đền thờ nào cũng được. Câu chuyện qua lại một hồi
và mình kết luận, nhưng rõ ràng đến khi chết thì mỗi người sẽ phải đứng về phía
một tôn giáo nào đó, vì nếu ai theo Phật giáo thì sẽ muốn được hỏa thiêu ở một địa
điểm không phải là đền Pashupatinath, còn người theo Ấn độ giáo thì rất muốn
được hỏa thiêu ở đó, đúng không? Anh chàng công nhận.
Tương tự như vậy, khi mình đến thăm Bảo tháp
Boudhanath, nơi được coi là một
trong những chốn linh thiêng bậc nhất của Phật giáo thì ở đó cũng tràn ngập người
Nepal. Cô đồng nghiệp người Nepal, người tự nhận mình theo Ấn độ giáo cho biết người
Nepal theo Ấn độ giáo cũng coi đây là địa điểm linh thiêng và thường đến để cầu
nguyện. Bảo tháp Boudhanath đại diện cho trường phái Mật tông Tây Tạng. Do những biến
đổi của thời cuộc, khá nhiều người Tây Tạng đã phải di cư sang Nepal, họ sống thành
một khu ở gần Bảo tháp Boudhanath, buôn bán, làm ăn và thực
hành tôn giáo ở đây. Bảo tháp khá lớn, có đường kính khoảng 100m và chiều cao
36m. Dòng người đông đúc đi vòng quanh bảo tháp theo chiều kim đồng hồ, vừa đi
vừa quay các bánh luân xa được gắn vòng quanh chân bảo tháp, chắc hẳn với niềm tin
sâu xa rằng các năng lực cao đẹp được tập trung trong lúc hình thành một bánh
luân xa sẽ bám giữ trong thể vật chất của vật đó, theo một cách nào đó, được động
viên và trao truyền lại cho người quay nó. Cũng giống như bảo tháp Swayambhunath, trên bốn mặt của thân bảo tháp Boudhanath đều có
hình đôi mắt to lớn của Đức Phật dõi nhìn và bên trên trán là con mắt thứ ba, được
coi là con mắt của trí huệ do tu tập mà có. Và đỉnh chóp của tháp là mái vàng được
mạ vàng kết hợp với lọng, mang biểu tượng của sự cao quý.
Dù tháng 9 vẫn là mùa mưa, mình đã may mắn
không gặp mưa nhiều trong những ngày ở đây. Hôm đến thăm Bảo tháp Boudhanath,
sau khi đi một vòng quanh bảo tháp, ngắm trọn vẹn từ mọi hướng, vòng thứ
hai mình dành thời gian cho các cửa hàng phần lớn bán đồ Tây Tạng san sát đứng
cạnh nhau dọc theo con đường đi vòng quanh bảo tháp. Mình dễ dàng phân biệt được
những người đàn bà Tây Tạng do thường họ có khuôn mặt tròn xoe và quần áo dân tộc
khác biệt. Những người đàn ông Tây Tạng thì mình chỉ phân biệt được nếu họ mặc
quần áo dân tộc. Các cửa hàng bán đồ lưu niệm như bánh luân xa, bát hát/singing
ball, đồ bạc, khăn casơmia và đặc biệt rất nhiều cửa hàng bán tranh đường ca/thanka,
cho mình tha hồ được ngắm. Cô bạn đồng nghiệp người Nepal tỏ ý tặng mình một bức,
mình chân thành cảm ơn nhưng nói mình không thể treo được, cô bạn bảo, không
sao, tớ sẽ treo ở nhà mình. Đấy, người theo Ấn độ giáo và sẵn lòng treo tranh Phật
giáo trong nhà. Một ví dụ rất rõ nét về sự hòa hợp của hai tôn giáo trong xã hội
Nepal.
Một đất nước với những phong tục rất độc đáo,
ngày nào cũng có một lễ hội nào đó. Chắc vì thế người dân cần nhiều ngày nghỉ và
trên thực tế họ có tới 36 ngày nghỉ chính thức mỗi năm. Vụ này thì ghen tỵ với
các đồng nghiệp Nepal quá. Thêm cả ngày nghỉ lễ của Mỹ nữa thì có lẽ các bạn ấy
có tới 40 ngày nghỉ mỗi năm ý chứ. Một đất nước mà ông vua (và kể từ 2008 họ không còn vua nữa thì thủ tướng) theo Ấn độ giáo lại cần được
ban phước bởi một Kumari xuất thân từ dòng họ của thái tử Tất Đạt Đa hay chính là Đức Phật sau này. Đối với người Nepal, Chủ
Nhật là ngày đầu tiên trong tuần. Cuối tuần của họ bắt đầu từ chiều thứ Sáu cho
đến hết thứ Bảy. Đây cũng là đất nước duy nhất mà quốc kỳ không phải hình vuông
hay chữ nhật mà là hai hình tam giác chồng lên nhau nữa. Chắc mình phải ở thêm
một đôi tuần nữa mới khám phá được hết những nét độc đáo của đất nước này 😊
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét