Ghé thăm chú từ tháng 5/2019,
mình hứa với chú thím, và cũng tự hứa với lòng mình sẽ sang thăm chú thím, dành
thời gian cẩn thận chứ không phải ghé qua trong một chuyến công tác. Vậy nhưng
đầu năm 2020 dịch Covid bùng phát, việc đi lại bị gián đoạn tới gần 2 năm, rồi
những vấn đề trong cuộc sống khiến mình không cách gì thu xếp đi được. Năm
ngoái, trước khi nghỉ việc ở Aus4Skills mình cấp tốc làm visa, và chỉ sau ít bữa
thì nhận được – visa 3 năm hẳn hoi, thế là thoải mái để lên kế hoạch rồi. Chị
T. bảo chị cũng muốn đi thăm chú thím, nhưng thời gian của chị rất linh hoạt,
còn mình có được như vậy đâu. Cân nhắc một hồi, cuối cùng mình bảo, các bác
đăng ký đi theo tour rồi ở lại đôi ba hôm là tiện nhất, cứ chờ em chả biết đến
khi nào. Một lần sau khi đi về chị bảo, hôm nói chuyện, thím có nhắc cái Tuyết
nó hẹn sang thăm chú thím, làm mình càng cảm thấy như có một việc chưa hoàn
thành. Thỉnh thoảng nói chuyện với hai em, hỏi thăm về chú thím mà mình cứ thấy
trong lòng không yên, dù có ai trách mình gì đâu. Dịp 2/9 vừa rồi mình định tranh
thủ đi, nhưng hôm đó mình còn chẳng có đủ 4 ngày phép để nối các ngày nghỉ với
nhau, thế là đành bỏ lỡ. Cân nhắc thêm chút, mình quyết định xin nghỉ một tuần
nửa đầu tháng 10, vì nếu không đi dịp này thì đến đầu tháng 1/2024 mình mới có
thể xin nghỉ phép, mà khi đó lại vào Tết mất rồi. Và nửa đầu năm sau thì mọi ưu
tiên đều dành hết cho cô con gái chuẩn bị thi vào đại học, mình phải chuẩn bị
tinh thần nếu cần tháp tùng nàng. Chú thím đều đã nhiều tuổi, mình cứ lo không
nhanh thì chả biết còn có lúc nào gặp chú thím. Tự nhủ trong lòng như vậy và rất
may vé thời gian này cũng hợp lý nên mình quyết luôn.
Đón mình ở sân bay lúc nửa đêm là
cô em họ bằng tuổi – mặc dù tụi mình mới gặp nhau có một lần năm 2019 nhưng
mình thực sự cảm thấy ấm áp, thân tình nên quyết định chẳng khách sáo gì cả, nhờ
em đi đón và ở lại nhà em đôi hôm. Em bảo em đăng ký đón ba về nhà chơi, vì nếu
vào viện chỉ được một lúc thôi. Nhìn thấy chú, nước mắt mình rơm rớm. Chú giống
bố mình quá, giống từ nụ cười, khuôn miệng, dáng đi. Chú có vẻ không nhận ra
mình, nhưng cô Huệ thì chú nhận ra. Rồi mình gọi điện để mẹ và thím chào nhau.
Ngày hôm đó tất cả các cô em họ của mình, tổng cộng có đến 6 người, đều tụ tập
cùng chú thím, rồi buổi chiều hôm đó, sau khi đưa chú vào lại viện các em cho
mình đi một vòng thăm tất cả mọi nhà. Máu chảy ruột mềm. Chúng mình tuy mới gặp
nhau một đôi lần nhưng tình cảm thực sự ấm áp. Và mình vô cùng xúc động khi
nhìn thấy ở nhà em họ bàn thờ ông bà mình. Tấm ảnh nhìn ông bà rất buồn, xương
xẩu, khắc khổ. Cũng phải thôi, tấm ảnh đó hình như chụp ít ngày trước khi ông mất,
mà từ khi cải cách ruộng đất, khi bạt ngàn ruộng đất, nhà cửa đã bị tịch thu,
ông bà bị đuổi ra ở ngoài chuồng trâu, rồi ông bị đi tù, con cái bị đạp xuống
bùn đen, cuộc đời ông bà làm gì còn mấy niềm vui. Em họ mình chưa một lần gặp
ông bà, lại là con gái, vậy mà em hiếu thảo, thay ba thờ cúng ông bà khi chú dần
mất trí nhớ. Mình cứ ấn tượng mãi với điều này và cảm thấy như chúng mình trở
nên gần gũi hơn nữa.
Với chú, ký ức dường như đóng
băng ở một thời điểm nào đó. Chú không biết bố mình/bác Trung đã mất. Bọn mình
bảo nhau, thôi thế cũng tốt. Nếu đầu óc còn minh mẫn, chắc hẳn chú sẽ nhiều tâm
tư lắm. Cuộc sống của người tha hương khi đã lớn tuổi chắc chắn không dễ dàng
gì. Mình tin chú luôn tha thiết nhớ về quê hương, như bố mình vậy. Đến tận khi
bố đã yếu mẹ mình vẫn dỗ dành ông khỏe rồi tôi đưa ông về quê thăm mộ ông bà
nhé. Chú sẽ chẳng bao giờ được nhìn lại quê hương, được nhìn lại mảnh đất, khu
vườn tuổi thơ, mộ ông bà. Vậy thôi, chú không nhớ gì có lẽ lại tốt hơn. Chú
cũng không phải đau đáu nghĩ về bố mình, nghĩ về những người thân khác, góc bể
chân trời nhớ nhau nữa!
Mang tiếng sang tận Úc thăm chú
mà mình chỉ gặp chú một lần ngày hôm đó. Vì thực ra mình cũng chỉ có thể ngồi
bên chú, cầm tay chú một lát vậy thôi. Viện dưỡng lão làm hết mọi việc chăm
sóc, và mình vừa từ Việt Nam sang, muốn vào đó thì phải qua một đôi thủ tục.
Các em đón chú về hôm Chủ nhật nên cũng không tiện thứ Hai lại đưa vào thăm tiếp.
Năm nay chú đã 91 tuổi, chả biết liệu có lần nào mình gặp lại chú nữa không ☹.
Những người trong gia đình cứ lần lượt ra đi – bác Duyên, bố mình, anh Túc.
Chia tay thím, mình hẹn rồi cháu còn sang thăm thím chứ, thím bảo, khi đấy thì
gặp thím trên bàn thờ thôi. Mình trêu lại, nhỡ cháu ra đi trước thì sao, hai cô
em họ cũng hùa vào, bọn con cũng chuẩn bị tinh thần hết rồi.
Thế là mình đã làm được một việc
mà lòng cứ đau đáu lâu nay. Chú, các bác, các cô, hay như mấy anh họ, tuy mình
gọi bằng anh mà đã ngoài 80, khác gì những chiếc lá mong manh, nào ai biết còn
bám vào cành được bao lâu nữa. Thỉnh thoảng mình mở ra xem lại tấm ảnh chụp hôm
anh Túc sang nhà mình chơi, mấy anh em ngồi cà phê Bistro Garden, rồi chỉ ba tuần
sau anh ra đi mãi mãi. Niềm an ủi là trước khi anh mất mình kịp sang thăm anh mấy
lần và hy vọng chuyến đi chơi Ecopark để lại trong anh những kỷ niệm đẹp. Có lẽ
giờ này anh đang ở bên ông bà, bên bố mình, trong một thế giới bình an.
Mình ở xa tít, nhớ thương chú cũng
chỉ gửi vào những tin nhắn không thường xuyên lắm với hai cô em họ hay những câu
chuyện trong gia đình về những thửo xa xưa nào, vậy mà lòng cứ nao nao, nước mắt
ứa ra khi tạm biệt chú ở cổng nhà dưỡng lão. “Đừng rơi, đừng rơi, lá ơi/Có
ai góc bể chân trời nhớ nhau”. Lần đầu đến thăm chú, khi gọi điện để chú và
bố nói chuyện với nhau, mình thương bố mình và chú, như những chiếc lá mỏng
manh, chỉ một cơn gió cũng đủ dứt khỏi cành. Bây giờ thì một chiếc lá đã dứt khỏi
cành thật rồi. Buồn thật!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét