17 tháng 9 2023

NHẬT KÝ NEPAL_03_NAMASTE, KUMARI!/XIN CHÀO NỮ THẦN!

Truyền thống thờ nữ thần sống, trong tiếng Nepal gọi là Kumari, được bắt đầu từ thế kỷ 18, vào triều đại nhà Malla. Theo truyền thuyết, nhà vua cuối cùng của triều đại Malla thường có giấc mơ gặp nữ thần Taleju và chơi cờ với nữ thần. Một đêm nhà vua nảy lòng dục với nữ thần, khiến nữ thần nổi giận, nhắn rằng sẽ không quay lại và triều đại này sẽ diệt vong. Nhà vua nhận ra lỗi lầm, tha thiết cầu xin nữ thần tha thứ và tiếp tục bảo vệ cho vương quốc. Cuối cùng, nữ thần ban cho nhà vua đặc ân rằng bà sẽ xuất hiện dưới hình hài một bé gái còn tinh khiết/chưa từng chảy máu từ bất kể vết xước nào. Đồng thời cô bé đó phải xuất thân từ dòng dõi gia tộc Shakya, gia tộc đã sinh ra thái tử Tất Đạt Đa. Truyền thống được bắt đầu như vậy.

Ngoài xuất thân từ dòng dõi cao sang, các nữ thần còn được tuyển chọn hết sức khắt khe dựa trên 32 dấu hiệu/tiêu chí như về mắt, làn da, tính tình... từ khi mới ở độ tuổi 3-5 và khi được chọn sẽ phải rời xa gia đình vào sống trong đền. Khi kỳ kinh đầu tiên xảy ra, hoặc trong trường hợp bạo bệnh, các nữ thần sẽ hết nhiệm kỳ, trở lại với gia đình, trở lại với cuộc sống bình thường.

Người dân tin rằng các nữ thần có sức mạnh rất lớn. Khi mình hỏi một đôi bạn đồng nghiệp, tức những người có thể coi là trí thức, câu trả lời là nữ thần ngày nay mang tính biểu tượng nhiều hơn, nhưng với vô vàn người dân thường ngoài kia, có lẽ họ không nghĩ vậy. Trong suốt lịch sử kể từ khi truyền thống Kumari được khởi đầu, tất cả các vị vua đều phụ thuộc rất lớn vào việc có được Kumari ban phước, tức chấm một dấu đỏ gọi là tikka lên trán hay không. Và không một ai có thể ép buộc Kamuri ban phước, vậy nên nếu Kamuri không ban phước cho nhà vua, điều đó báo hiệu một tai họa. Ví dụ được người dân nhớ rõ là năm 1954, vua Tribhuvan đã cùng hoàng tử Mahendar tới Kumari Chen (nơi ở của Kumari) để xin dấu tikka nhưng Kumari chỉ ban dấu cho hoàng tử mà không ban cho nhà vua. Ngay trong năm đó vị vua chết ở tuổi 49 vì bệnh tim và hoàng tử Mahendra lên ngôi. Hoàng tử trở thành nhà vua Mahendra và chết vào năm 1971, khi ông không kịp xuất hiện để xin dấu tikka vào dịp lễ hội Kumari Jatra của năm. Cậu hướng dẫn viên còn bảo mình, trong số các kiến trúc ở Kathmandu Square, nhờ có sức mạnh của nữ thần mà Kumari Chen hầu như không bị hư hại gì trong trận động đất năm 2015.

Câu chuyện về nữ thần sống khiến mình rất tò mò và muốn tìm mọi cách để được nhìn thấy nữ thần sống khi đến Kathmandu trong chuyến đi này. Không chỉ có một nữ thần mà có tới 7, có sách nói thậm chí là 10 nữ thần sống ở các khu vực khác nhau trong toàn bộ thung lũng Kathmandu, nhưng nữ thần hoàng cung – the Roayl Kumari, sống tại Kathmandu Durbar Square là nữ thần nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng lớn nhất. Quy định đối với Kumari ở mỗi nơi cũng khác. Ở Bhaktapur Square Kumari sống trong ngôi đền cạnh cung điện 55 cửa sổ. Việc chụp ảnh ngôi đền đó dù từ xa, hay chụp dòng ghi chú ở bức tường trong khuôn viên trước cửa đền cũng là không được phép, vậy nên làm gì có chuyện được nhìn thấy hay gặp nữ thần. Nữ thần ở Kathamandu Square thì xuất hiện hàng ngày trong một khoảng thời gian vô cùng ngắn ngủi và du khách phải căn thời gian cẩn thận nếu muốn được nhìn thấy nữ thần. Trong lúc lang thang trên mạng mình đọc được một bài viết nói về việc có thể đến thăm, thậm chí chụp ảnh cùng nữ thần sống ở Patan Square. Vì vậy, lên kế hoạch cho ngày cuối cùng ở Kathmandu, mình nhấn mạnh với cậu hướng dẫn viên rằng ưu tiên của mình là được nhìn thấy hoặc gặp Kumari. Trong bữa liên hoan chia tay tối hôm trước, khi cô bạn đồng nghiệp hỏi kế hoạch của mình cho ngày cuối cùng rảnh rỗi ở Kathmandu, nghe bảo mình muốn đi gặp Kamuri, và mình sẽ đứng chầu chực dưới sân, nếu mãi nữ thần không xuất hiện thì mình sẽ hét toáng lên “Namaste, Kumari! Namaste, Kumari!/Xin chào nữ thần! Xin chào nữ thần!” cô ấy phì cười bảo, tớ rất thích cách suy nghĩ của cậu. Hihi, chi tiết này mình bắt chước một bạn trên mạng ý mà, chứ mình chưa kịp nghĩ ra 😊.

Đến Kathmandu Square lúc hơn 10.30, mình bảo cậu hướng dẫn mình muốn chờ ở Kumari Chen để không bỏ lỡ dịp duy nhất trong ngày nữ thần xuất hiện, thường vào khoảng 11.00. Kumari Chen về cơ bản giống như những khu khác trong cố cung, là một tòa nhà kín bốn mặt, trong đó có một mặt có lối ra, các mặt khác thì chỉ có cầu thang đi lên các tầng 2 và 3, tất cả hướng vào một chiếc sân rộng khoảng 60m2. Kumari sẽ xuất hiện ở ô cửa sổ nhỏ trên tầng 3. Trong sân có tấm biển ghi “Tuyệt đối cấm chụp ảnh Kumari!”. Đến gần 11h thì khoảng sân nhỏ chỉ rộng khoảng 60m2 đã khá đông, mình đếm được khoảng 100 người, phần lớn là khách du lịch phương Tây và hướng dẫn viên. Một người đàn ông trẻ đứng từ ô cửa sổ trên tầng 3 nói đi nói lại, Không được chụp ảnh, cất hết máy ảnh đi! Mọi người cũng tự giác bảo nhau cất hết và ngước mắt lên chờ đợi. Mình chờ khá lâu, có lẽ khoảng 11.10 gì đó thì nữ thần hiện ra trên khung cửa. Một khuôn mặt xinh đẹp hình trái xoan, mặt và tóc đều trang điểm cầu kỳ, đặc biệt là đôi mắt được kẻ rất dài sang hai bên và trang phục màu đỏ. Khuôn mặt hoàn toàn không có một biểu cảm nào, và đó cũng là yêu cầu bắt buộc. Kumari tuyệt đối không được giao tiếp với người ngoài, không được biểu lộ bất cứ tình cảm nào trên khuôn mặt. Kumari mà buồn bực hoặc giận dữ thì đó sẽ là điềm rất xấu. Kumari chỉ ra khỏi nơi ở trong những dịp lễ hội, một năm không quá 15 ngày và mỗi khi ra ngoài chân không được chạm đất, luôn phải được khiêng bằng kiệu hoặc bế. Kumari hiện thời, tên là Trishna Shakya, bắt đầu nhiệm kỳ năm 2017, khi cô bé 5 tuổi, tức hôm nay, khi mình thấy thì cô bé 11 tuổi. Đám khách du lịch tò mò được chiêm ngưỡng Kumari trong khoảng 5-7 giây và sau đó nữ thần trở lui vào phòng, đám khách du lịch tản đi, để rồi hôm sau lại có đám khác đến đứng dưới khung cửa sổ chờ đợi. Và đó cũng là những giây phút duy nhất trong ngày khi Kumari được nhìn thoáng ra thế giới bên ngoài.   

Kumari hoàng gia sống tại khu vực Kathmandu Durbar Square. Bức ảnh này có lẽ được chụp trong một lễ hội và khi đó Kumari được trang điểm với con mắt thứ ba ở giữa trán
Mình đang đứng chờ đây, trong khoảnh sân nhỏ của Kumari Chen, bốn phía đều là các dãy nhà với nhiều phòng nhỏ, và một lát nữa thì Kumari sẽ xuất hiện vài giây ngắn ngủi từ khung cửa sổ tầng 3

Ở Patan thì lại khác, Kumari sống trong một ngôi nhà nhỏ cách khu vực cung điện và đền đài chính khoảng 500m. Cậu hướng dẫn viên dặn mình khi thấy Kumari thì chắp tay, cúi đầu để xin tikka, thậm chí có thể xin chụp ảnh cùng Kumari. Thế nếu tôi không muốn xin dấu tikka thì sao? Không sao cả. Okie, vậy tôi sẽ chỉ chắp tay nói Namaste/Xin chào thôi và xin chụp một kiểu ảnh. Nữ thần của cậu mà, có phải của tôi đâu, mình nghĩ thầm. Ngôi đền của Kumari, giống như mọi kiến trúc khác, từ bên ngoài có thể thấy được trang trí, trạm trổ rất cầu kỳ, cũng là kiến trúc nhà bốn mặt nhìn vào khoảng sân chung. Mình thấy cậu ấy chuẩn bị một ít tiền nên cũng chuẩn bị theo. Một người phụ nữ, là người chăm sóc Kumari, xuất hiện từ cửa sổ tầng hai, sau đôi câu trao đổi thì cậu hướng dẫn viên bảo mình đi lên đó. Tụi mình bỏ dép, bước vào một khung cửa nhỏ, bên trong có cầu thang hẹp và tối dẫn lên tầng hai. Một tấm rèm đã cũ, cáu bẩn che cánh cửa chỗ đầu cầu thang tầng hai. Cậu hướng dẫn viên vén tấm màn, chờ đợi. Chút xíu thì có người đàn ông mang ra một chiếc chậu và bình nước, rót cho bọn mình rửa tay rồi dẫn tụi mình vào căn phòng nhỏ tiếp theo. Căn phòng nơi Kumari tiếp khách khá nhỏ, chắc chỉ hơn chục mét. Tấm thảm trải sàn màu đỏ, rất bẩn, có lẽ hàng thế kỷ chưa giặt, thêm tàn hương và đủ mọi thứ vương trên đó. Cậu hướng dẫn viên nhắc mình ngồi bắt chân kiểu kiết già hoặc bán kiết già. Đối diện chỗ mình ngồi là một chiếc ghế bành đỏ được coi là ngai của Kumira, bọc đệm đỏ và cũng cáu bẩn như mọi vật dụng khác trong căn phòng. Bên dưới chân ngai là vài chiếc đĩa nhỏ đựng đồ đã cúng xong còn để đó – quả chuối, hạt đỗ, tàn hương và những thứ gì gì nữa. Ngay sát bên phải ngai là vài món đồ - chiếc chậu nhựa nhỏ, mấy món đồ lặt vặt khác vứt lỏng chỏng. Các cửa sổ ở đây bằng gỗ, chỉ có những ô thoáng rất nhỏ, mang lại cho căn phòng ánh sáng yếu ớt. Ít phút sau người phụ nữ bế Kumari ra đặt lên ngai, chân Kamuri đặt vào chiếc chậu phía bên dưới. Cậu hướng dẫn viên tiến lên, cung kính quỳ lạy hôn chân Kumari. Kumari chấm tay vào chiếc đĩa đựng phẩm đỏ rồi chấm lên trán cậu hướng dẫn viên. Chờ cậu hướng dẫn viên lui xuống thì mình tiến lên, đặt một ít tiền vào chiếc đĩa ở gần chân Kumari và xin phép chụp một kiểu ảnh. Người chăm sóc giải thích Kumari cần có thời gian và không gian riêng tư và bế Kumari vào phòng. Tất cả diễn ra trong khoảng 2-3’. Vẫn là một khuôn mặt không chút biểu cảm, nhưng vì nhìn gần hơn, liệu có phải mình thấy cô bé có đôi mắt rất buồn?

Kumari tại cố đô Patan. Ánh sáng trong căn phòng rất yếu và thời gian không cho phép nên mình vội vàng đưa máy lên xin phép bấm một kiểu.
Nơi mình đến thăm Kumari ở Patan đây

Tò mò đến thế và giờ thì mình đã được nhìn thấy Kumari rồi đấy. Không chỉ là 5 giây thoáng qua khung cửa sổ mà tận mặt luôn. Thăm cả phòng tiếp khách, phần nào biết Kumari sống thế nào nữa. Nếu là một bà mẹ Nepal có lẽ mình cũng giống các bà mẹ khác, vô cùng tự hào khi con gái được chọn làm nữ thần sống. Nhưng vì mình không phải bà mẹ Nepal, nên mình chỉ thấy thương các cô bé. Một tuổi thơ bị tước đoạt, báo trước một tương lai đầy thử thách khi các em hết nhiệm kỳ, quay trở lại với cuộc sống thông thường. Và trộm nghĩ thêm, sự thịnh vượng của một đất nước phụ thuộc vào các Kumari như thế này ư? Có phải vì thế mà Nepal vẫn còn nghèo đói đến thế? Mình thương các cô bé, mình thương cả đất nước Nepal. Nhưng họ có cần mình thương không, hay mình đây mới đáng được thương nhỉ?

Nói thêm, ba khu cố đô - Kathmandu Durbar Square, Bhaktapur Durbar Square và Patan Durbar Square đều được xây dựng vào cùng một thời điểm nên kiến trúc có khá nhiều điểm chung. Bên cạnh các tòa cung điện dành cho gia đình hoàng gia là rất nhiều đền thờ.

Đôi góc trong cung điện ở Kathmandu Durbar Square
Đặc điểm chung là những đường nét chạm trổ tinh xảo. Cửa sổ chỉ có các ô thoáng rất nhỏ để kẻ thù khó lọt vào qua đường đó.
Ngôi đền này rất lớn, kiểu mái đặc trưng nằm sát cạnh cung điện trên Kathmandu Durbar Square nhưng mỗi năm chỉ mở cửa một ngày. 
Một ngôi đền nhỏ trong quần thể tại Kathmandu Durbar Square
Bên tay trái là các ngôi đền, tay phải là cung điện tại Patan Durbar Square.

Ngôi đền bằng đá thờ thần Krishna tại Patan Durbar Square
Ngôi đền này không thờ vị thần nào, mà do các hoàng tử xây để tưởng nhớ 8 bà vợ của nhà vua bị hỏa táng theo khi vua chết, nằm ngay sát cạnh các ngôi đền khác



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét