12 tháng 9 2023

NHẬT KÝ NEPAL_01_AI RỒI CŨNG LÊN THIÊN ĐƯỜNG!

Kể từ khi dịch bộ phim Hình ảnh huyền bí, nghệ thuật thiêng liêng năm 2010, một bộ phim nói về tranh đường ca/thangka xuất phát tại Nepal vào thế kỷ 11, rồi khi đọc cuốn Con đường mây trắng của Govinda cũng vào thời gian 2010-2011 gì đó, mình đã mơ một lúc nào đó được đến khu vực Nepal và Tây Tạng, khám phá nền văn hóa độc đáo của khu vực này. Dù vậy, chưa khi nào mình có thể đi, vì luôn có những ưu tiên cần làm trước, chủ yếu liên quan đến bọn trẻ. Trong thời gian làm cho Aus4Skills, chứng kiến một cậu người Úc thường xuyên bay đến Nepal, mình ghen tỵ lắm, nhưng dự án chỗ mình đâu có gì liên quan đến Nepal nên mình hoàn toàn không có cơ hội. Thật may, lần này thì cơ duyên đã đến khi mình được cử đi dự một hội thảo ở Nepal.

Đường chim bay từ Hà Nội đến Kathmandu không quá xa. Khổ nỗi, chả có chim nào bay thẳng như vậy được, kiểu gì cũng phải bay qua Thái Lan, Sing, Malaysia hoặc Ấn Độ. Và như vậy chim đi máy bay thường phải bay xuôi rồi lại ngược lên, vòng vèo mất tới hơn 10 tiếng mới đến được Kathmandu. Nếu tính thêm thời gian ra sân bay sớm theo quy định và thời gian transit nữa thì tổng cộng mất khoảng 15 tiếng từ khi rời khỏi nhà cho tới khi check in được vào khách sạn. Vậy là gần nửa đêm tối thứ Bảy, sau hơn 15 tiếng trên đường, trong đó có khoảng gần 6 tiếng chết dí trong một chỗ ngồi rất chật chội trên một chiếc máy bay nhỏ xíu của Singapore Airlines thì mình được hạ cánh xuống Nepal.

Sân bay Tribhuvan nhỏ xíu, là mấy dãy nhà hai tầng gạch đỏ mà từ các bức tường đến gạch lát nền đều đã khá cũ. Mình đã điền đơn xin visa online từ mấy hôm trước, giờ chỉ còn nộp lệ phí và lấy visa. Mọi thủ tục diễn ra nhanh gọn nên chỉ khoảng 20' mình đã qua hết các cửa. Sân bay khá gần trung tâm thành phố và sau khoảng 20’ nữa thì bọn mình đã về đến khách sạn Shanker, một tòa nhà trước kia là cung điện, được xây vào đầu thế kỷ 20 theo phong cách thuộc địa Anh (dù Nepal không từng là thuộc địa) kết hợp với các chi tiết trang trí của văn hóa địa phương, nhìn từ bên ngoài rất trang nhã nhưng nội thất bên trong cũ kỹ, phòng tắm nhỏ xiu và toàn bộ khách sạn lắt léo như một cái mê cung.

Thủ đô Kathmandu có tới 7 địa danh được liệt kê trong danh sách di sản của UNESCO. Được trọn vẹn một ngày Chủ nhật rảnh rỗi, phải tranh thủ thôi. Điểm đến đầu tiên của bọn mình là Đền thờ Pashupatinath, một tổ hợp đền thờ được coi là thánh địa thiêng liêng của những người theo Ấn độ giáo, thờ thần Shiva và được xây dựng vào thế kỷ 17. Tổ hợp đền thờ nằm dọc con sông Bagmati, là nơi linh thiêng để thiêu người chết, vậy nên ở đó luôn luôn có các đống củi chất sẵn chờ sử dụng. Lúc bọn mình đến thì có một đống đang cháy. Cậu hướng dẫn viên giải thích rằng người theo Ấn độ giáo ai cũng muốn được thiêu ở đây vì ở nơi này họ gần các thần linh hơn và dễ dàng được lên thiên đàng. Mình trêu bảo, hoặc địa ngục. Cậu chàng xua tay, không không, đây là địa ngục rồi, ai rồi cũng lên thiên đàng hết 😊. Mình đã dịch trọn vẹn một bộ phim về nghi lễ hỏa thiêu của người Ấn độ và khá tò mò về nghi lễ đó, thì đây, bây giờ mình đã được chứng kiến tận mắt. Dòng sông thiêng Bagmati thực ra chỉ như một con suối, chiều rộng chắc khoảng 10-15m, nước rất nông, chỗ nông chắc đến đầu gối, chỗ sâu cũng chả quá bụng, bẩn thỉu, ô nhiễm vô cùng. Cứ thiêu xong một người là họ gạt hết cả tro và gỗ cháy dở xuống sông, và cách đó mấy chục mét ngược lên phía trên thì nhiều tín đồ đang tắm trước khi vào ngôi đền thiêng, là nơi chỉ dành riêng cho các tín đồ Ấn độ giáo, bọn mình không được phép vào. Quãng sông ngắn nơi các tín đồ tắm cũng là nơi người chết sẽ được làm nghi lễ bằng cách nhúng thi thể người chết, hoặc đơn giản hơn nhúng đôi chân xuống nước để tẩy rửa mọi tội lỗi trước khi mang đi hỏa thiêu. Bọn mình không sang bờ sông bên đó mà leo các bậc thang lên khu đồi phía đối diện, từ trên cao nhìn xuống dòng sông, ngôi đền và những đám thiêu. Chốc chốc các cơn gió mang lại một mùi khó tả, chắc hẳn là mùi thiêu người chết hòa trong mùi nhang khói và các loại cây cỏ riêng biệt dùng khi thiêu người chết.

Khu đền nhìn từ xa, với các đống củi chất trên các ô dùng để thiêu người phía bên kia con sông thiêng 

Toàn bộ tổ hợp đền khá rộng nhưng bọn mình không được vào khu đền chính. Thực ra nếu họ có cho vào thì mình cũng ngại ngần, vì ở con đường hẹp chạy dài bên ngoài đền chính, ngoài hai đám đang thiêu, lúc đứng từ trên cao nhìn xuống mình thấy người ta mang một xác khác đi thiêu, đơn giản đặt trên một chiếc cáng hẹp, phủ vải trắng. Để so sánh thì khu vực đó có lẽ không khác nhà tang lễ bao nhiêu. Và mặc dù khuôn viên toàn bộ khu đó khá rộng nhưng khoảng cách giữa đền thờ chính và nhà dân có lẽ hẹp, vậy nên đứng từ trên cao nhìn xuống, ngay phía sau đền thờ là những ngôi nhà dân lô nhô, lộn xộn, rất khác với những đền thờ mình gặp ở Myanmar, luôn luôn tách biệt, vươn lên đẹp đẽ.

Các bậc thang lên quả đồi phía đối diện đền chính. Dọc theo bên đường là các tháp nhỏ, phần lớn cũng thờ thần Shiva

Khu đền chính nhìn từ trên cao
Tín đồ tắm trước khi vào đền (Ảnh chôm trên mạng)

Trong khu đền có thể dễ dàng bắt gặp các sadhu – mà bạn hướng dẫn viên giải thích đó là các tu sỹ sống cuộc sống khổ hạnh, được tôn sùng và coi như thánh sống. Nếu muốn chụp ảnh với các sadhu thì phải trả tiền. No, cảm ơn, mình vốn rất ít quan tâm đến việc chụp ảnh cùng người này người nọ, nên tất nhiên chẳng hứng thú gì, không kể là nhìn các sadhu bôi màu đỏ vàng lên mặt, tóc tai như rễ tre, ngồi bệt trên bệ đá, chân tay nhìn cáu bẩn, thật sự không muốn đến gần. Mình hỏi cậu hướng dẫn viên, họ sống cuộc sống khổ hạnh và được coi như thánh sống, thế tại sao họ lại ra đây ngồi kiếm tiền. Không có câu trả lời, kakaka.



Hình ảnh một sadhu đây. Mình chôm ảnh trên mạng, vì mình thấy có gì đó sai sai nếu cho tiền thánh để chụp ảnh thánh :)

Ôi, thế kỷ nào rồi mà còn mông muội thế này nhỉ. Mình rùng mình nghĩ đến chuyện người ta có thể rất thoải mái khi tắm ở nơi ô nhiễm thế này. Điều đó cho thấy một trình độ dân trí rất thấp. Số lượng trẻ em thất học, nghèo đói rất cao, và sau thảm họa động đất năm 2015 thì số lượng trẻ em bị bán làm nô lệ tăng vọt. Y tế vô cùng nghèo nàn và lạc hậu. Cơ sở hạ tầng vô cùng tệ, có lẽ là như Việt Nam những năm 80 - số km đường bộ rất khiêm tốn và vào mùa mưa thì rất nhiều nơi sẽ không sử dụng được. Vậy nên ban đầu, khi google mình đã ngạc nhiên khi biết rằng đoạn đường Pokhara - Kathmandu chỉ có 200km mà đi xe bus mất tới 6-7 tiếng. Trải nghiệm 15' ở Kathmandu là liên tưởng được ngay - những chiêc xe bus cũ kỹ, không có điều hòa, những con đường ngoằn nghèo bé tý, cảm giác hai xe tránh nhau còn chật vật, và vì giao thông ngược với ở Việt Nam (người lái ngồi bên phải, xe chạy ở làn đường bên trái) nên thường xuyên có cảm giác thót tim. Hay cậu hướng dẫn viên nói đúng, với nhiều người, cuộc sống nào có khác gì địa ngục?? Mình hỏi cậu ấy, vậy ở những nơi không ở cạnh dòng sông thì thiêu xong rồi làm thế nào. Làng nào của chúng tôi cũng cạnh một dòng sông hết, chúng tôi có hơn 8000 con sông. Và mình cũng được biết thêm họ có rất ít nghĩa địa. Tới 80% dân số theo Ấn độ giáo, toàn thiêu thế này, đâu cần chôn. Vả lại núi đầy, cần thì có chỗ ngay, cậu ấy bảo thế. Ừ, được chôn trên một sườn núi cao, hướng ra những ngọn núi tuyết đẹp tuyệt vời của dãy Himalaya hùng vĩ thì nếu nghĩ đó là thiên đường cũng không sai! Thế thì ai cũng lên thiên đường cả, đúng quá rồi còn gì :)


2 nhận xét:


  1. Những trải nghiệm Nepan không dễ có. Chúc mừng Tuyết Anh. À "ai chết rồi cũng lên thiên đàng" - một cách lạc qua hóa sự kết thúc cuộc sống trần thế - hay đó chứ! Hi hi

    Trả lờiXóa
  2. Thế tại sao họ ngồi đây kiếm tiền kaka😁

    Trả lờiXóa