27 tháng 8 2015

NHỮNG KỶ NIỆM THỜI HỌC SINH_LỚP CHUYÊN TOÁN VÀ BẠN BÈ (02)

Bọn học trò tụi mình ngày đó ngoan lắm, tất nhiên không thiếu những trò nghịch ngợm trẻ con nhưng suy cho cùng vẫn là rất ngoan. Học trò lớp 5 và 6, độ tuổi 11-12, chắc cũng giống bọn trẻ nhà mình bây giờ, thậm chí còn tồ tệch, ngố hơn nhiều, vậy nên con trai và con gái ít chơi với nhau, chả có bao nhiêu kỷ niệm. Giống hệt bọn trẻ bây giờ, bọn mình cũng dùng phấn kẻ chia đôi bàn, đứa nào trót thò tay sang địa phận "đối phương" lập tức được khuyến mại một thước kẻ vào tay. Mình ngồi cùng bàn với Bình, một lần tụi nó trêu chọc, để cặp cậu ấy lên mặt bàn mình. Chả thèm nói năng gì, mình quăng bùm cái cặp sách nặng ra ngoài cửa sổ, thật ra thì lúc đó mình đã tự thấy mình đành hanh quá rồi, nên kỷ niệm đó theo mình mãi :). Với bọn con gái thì nhiều kỷ niệm lắm. Trong những giờ giải lao ngắn ngủi, một thời gian rất dài bọn mình say sưa với trò chơi tú tấn, nếu có 4 đứa chơi thì hai đứa một cặp, tấn sao cho người bên cạnh ôm một đống bài, sau đó thì chả ngẩng đầu lên nổi. Thật kỳ lạ, mình còn nhớ cả khuôn mặt tinh nghịch, nụ cười khoái chí của Xuân khi tống được cho đứa bên cạnh một đống bài tướng. Hình ảnh của mình ngày xưa giờ lặp lại ở con gái, trong những buổi đón con thấy nàng cũng ngồi ở sân trường mê mải chơi bài với các bạn, mẹ đến còn năn nỉ mẹ cho con chơi nốt ván đã. Rồi những lúc chạy đuổi nhau ngoài sân trường, hoặc mò ra gò đất cạnh trường hái những bông hồng dại màu hồng nhạt, bị người lớn nhắc nhở rằng ở đó có thể nguy hiểm, còn lại bom hay gì đó.

Mình nhanh chóng quen thân với bạn bè mới. Thân nhất là Tuyến. Có lần bố Tuyến đi công tác miền Nam về, Tuyến tặng mình chiếc khăn mùi xoa thơm nức mà mình cứ giữ mãi. Xuân ở Đại Kim, tròn như hạt mít. Sau Tết Xuân thường mang đôi chiếc bánh chè lam đến lớp cho tụi mình ăn. Những chiếc bánh chè lam hình tròn, thuôn dài, thơm nức mùi gừng và mùi bột, làm ấm những buổi sáng mùa đông lạnh lẽo. Còn mình thì sau mỗi kỳ nghỉ thường mang đến một túi hạt hướng dương nhỏ, mẹ rang cho từ Sapa, là hạt hướng dương vườn nhà dành dụm được. Sau mùa hè năm lớp 5 thì mình còn mang đến lớp bông hoa hướng dương mới thu hoạch, còn nguyên hạt trong đó, và có lẽ cả mấy bông bất tử nữa, về sau Huyền bảo lại với mình, đấy là lần đầu tiên được thấy hoa hướng dương :). Thoa cũng hơi tròn, tuy rằng vẫn kém Xuân tương đối, có bố làm hiệu trưởng tại chính ngôi trường bọn mình học. Cô bạn bí thư hoàn toàn phù hợp với chức vị đó. Tiếng nói của Thoa rất có uy tín. Chả thế mà có lần bọn con trai đùa nghịch gì bị Thoa mắng xơi xơi chả khác gì chị mắng em, hi hi. Khá nhiều lần tụi mình vào nhà Thoa chơi, đến mức tận bây giờ mình còn nhớ chiếc sân nhỏ, giếng nước và gian phòng khách. Phong dáng dấp khá cao so với cái đám còi cọc là mình, Mai Lan, Mai…, có bố làm bác sỹ và hoàn toàn có thể được xếp vào diện tiểu thư. Rồi Võ Lan Anh có mẹ làm ở cửa hàng lương thực, hình như còn có chức tước, mà có lần chị mình đã nhờ vả để mua gạo theo sổ :). Nguyễn Lan Anh thì xinh ơi là xinh. Rồi Hằng kều nhà ở Yên Sở, Mai Lan nhà ngay gần trường… Hai năm học ở đó mình và một số cô bạn cũng kịp đạp xe đi vòng quanh thăm nhà nhau đôi lần. Sinh nhật mình, mẹ gửi một túi hạt hướng dương nhỏ, chị mua cho mình mấy cành hồng có cả lộc, cắm vào chiếc bình nhỏ, rồi ít bánh kẹo. Mấy cô bạn đạp xe đến chơi, vui ơi là vui. Đến bây giờ mình thậm chí còn nhớ hình ảnh mấy cô bạn thập thò ngó vào cổng hỏi nhà :)

Cùng đường đi học với mình là Thu. Nhà Thu khi đó ở trong ga Giáp Bát. Tóc Thu dài, luôn tết và thả buông đằng sau. Cô bạn có nước da bánh mật, đôi mắt to tròn và miệng cười rất duyên. Khi biết bọn mình cùng đường, bọn mình hay đi học cùng nhau, đoạn đường bắt đầu từ Đuôi Cá đến chỗ rẽ vào trường với rất nhiều chiếc ao đầy hoa trang nở hầu như quanh năm, những bông hoa trắng, nhỏ xiu mà mình luôn thấy duyên dáng lạ kỳ. Sau một thời gian thì Thu có xe đạp, nhiều hôm Thu đèo mình về đến gần Đuôi Cá mình mới phải đi bộ tiếp. Sau một năm học thì mình cũng được bố mẹ mua cho xe đạp và mình lại chở Thu những hôm Thu không có xe. Chả hiểu có lần giận dỗi gì, mình cứ lẽo đẽo dắt xe đi bên cạnh mà Thu không cách gì chịu ngồi lên cho mình đèo. Hôm đó về mình bị anh mắng, rằng sao ngày xưa đi bộ thì giờ đó về đến nhà mà bây giờ đi xe đạp cũng đến tận khi đó mới về.

Vở ngày đó bán theo phân phối. Đầu học kỳ II, một ngày trời u ám và vẫn còn khá lạnh mình cùng mấy bạn trong lớp, không còn nhớ rõ tất cả, nhưng chắc chắn có Thoa, Huyền và Xuân, đến một cửa hàng tận Đại Kim để nhận vở cho lớp. Bọn mình đạp xe đi rất xa, qua những con đường làng, nơi có những chiếc ao xưa với những bậc đá cũ kỹ, có những người phụ nữ đang giặt giũ ở chân bậc đá, giờ mà quay vào phim thì rồ man rợ phải biết :). Cả bọn chờ lâu ơi là lâu mới nhận được vở. Bọn mình chia nhau những tập giấy thếp chất lượng kém được buộc thành từng bọc, lóc cóc chở về trường để hôm sau phân cho lớp. Chẳng thấy vất vả hay bực bội gì vì cả bọn vừa ngồi chờ vừa trêu chọc nhau, cười rõ nhiều.

Ngày 20/11 một lũ lít nhít đạp xe đi thăm thầy cô. Tự bàn bạc, tự chuẩn bị, đứa có xe chở đứa không có xe. Quà là túi cam và bó hoa. Ừ, cái thời xa xưa ấy, cam là món quà phổ biến nhất, đến nỗi trong nhà mình anh chị rất hay đùa gọi ngày Hiến chương là ngày Hiến cam các nhà giáo J. Khá xa, đến nhà cô Thủy ở tận Đại La, nếu lấy trường Hoàng Liệt làm xuất phát điểm thì có lẽ phải 7km chứ không ít. Mình không lưu giữ ký ức về việc đến nhà thầy Phú, chỉ nhớ cả bọn vào nhà cô Thủy, một căn phòng nhỏ, ở một ngõ nhỏ trên đường Đại La, chẳng đủ chỗ cho cả bọn, dù vẫn chưa đủ cả lớp, ngồi cẩn thận. Và bọn mình khi đó ở Hoàng Liệt thì cũng khác gì nhà quê đâu, nên trông bọn mình khi đó chắc cũng giống những đoàn học sinh ở quê đi thăm lăng Bác mà bây giờ thỉnh thoảng mình vẫn gặp khi phóng xe đến văn phòng mỗi sáng :). Có lẽ năm đó mình học lớp 5, vì sau khi có chuyện một nhóm học sinh của một trường nào đó ở Thanh Trì đi thăm thầy cô trên phố bị tai nạn, nhà trường khuyến khích học sinh không nên đi thăm thầy cô xa như vậy nữa.

Con đường từ đường quốc lộ vào trường khoảng 400-500m, hai bên bờ là ruộng khá sâu. Cuối năm 1984 xảy ra một trận lụt kinh khủng. Nước ngập sâu những mảnh ruộng hai bên đường, ngập sâm sấp con đường đó và có lẽ cả sân trường. Ngày cuối cùng đi học trước khi phải nghỉ, bọn mình dọ dẫm đi rất chậm trên con đường. Trên đường về, mình dừng lại ở đoạn gần đường rẽ vào chùa Sét bây giờ, đứng nhìn mãi chiếc ao ngập mênh mông, người dân đánh cá.

Nhà anh chị ở trong khu tập thể của người lao động, là vùng trũng, bị nước ngập mấy hôm liền. Đồ đạc kê cao lên, cả nhà sinh hoạt trên chiếc giường to ở gian ngoài. Buổi tối anh lội bì bõm trong nhà, nước ngang ống chân để cõng tụi mình vào gian trong. Vậy nhưng trường Tân Mai thì lại không phải nghỉ do không bị ngập. Mình phải làm nhiệm vụ đưa cậu cháu đi học. Bè được sáng tạo bằng một chiếc chảo to, mình lội nước đẩy cậu cháu trong mấy ngày hôm đó :).

Hai năm học chuyên Toán trôi qua nhẹ nhàng. Trường học đơn sơ, bạn bè giản dị và thân thiện. So với khi đi học lớp 3-4 ở Sapa mình suốt ngày bị bọn con trai trêu chọc và dọa đánh vì tội quá điệu (huhu, mình không hiểu khái niệm điệu mà bọn nó quan niệm là thế nào nữa) thì hai năm học này với mình thật nhẹ nhàng và vui vẻ biết bao. Mình ngày đó cũng gọi là có tý chức tước. Bạn bè nhắc đến việc mình là lớp trưởng trong khi bản thân mình lại quên béng. Ừ thế thì tại sao các thầy cô lại cho mình làm lớp trưởng nhỉ, hay vì anh mình khi đó làm ở Phòng Giáo dục. Chẳng nhẽ mình đã lạm dụng cái gọi là con ông cháu cha sớm như thế, kakaka. Điều an ủi là mình [có vẻ như] đã làm tốt công việc đó, hay ít ra thì cũng là một tấm gương về học khá để bạn bè ngưỡng mộ. Chẹp chẹp, ý này là về sau bạn bè nói chứ mình khi đó chẳng dám nghĩ thế.

Hết năm học lớp 6, do không có hộ khẩu Hà Nội, bố mẹ mình không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển mình về Sapa để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp cấp II. Chia tay thầy cô, bạn bè, mà bản thân mình khi đó cũng chả nghĩ sẽ gặp lại, xa xôi cách trở như vậy, vả lại cũng còn quá bé để nghĩ bất cứ điều gì. Rồi sau đây sẽ là những kỳ thi khác, những kỳ thi giống như từng nấc thang, dẫn mình theo một ngả đường mà mình chả thể nào hình dung được.

4 nhận xét:

  1. Hoàng Thăng Bình8/27/2015 11:29 SA

    Tuyết Anh cũng được trải nghiệm trận lụt năm 84 à. Nếu vậy thì chắc bạn phải học ít nhất là hết kỳ 1 năm lớp 7 với bọn mình rồi, tại sao mình cứ nhớ là bạn học mỗi lớp 6 thôi nhỉ? Đầu lớp 7 có thêm Tiến Sĩ từ trường Tứ Hiệp, Vĩnh Thanh, Ánh Tuyết, Nam từ trường Thị Trấn lên học nhưng các bạn đó chỉ học được một vài tuần gì đó thì trở về trường cũ, chỉ còn Sĩ là tiếp tục, vì lớp chuyên Toán đã học vượt chương trình xa quá. Mình còn nhớ hồi đó Sĩ còn bị đau chân, anh Sĩ phải cõng từ chỗ đường sắt vào tới lớp do đoạn đường bị ngập lụt.
    Khu Hoàng Liệt và Đại Kim bây giờ tương đối đẹp rồi nhé, những hình ảnh thân thuộc xa xưa chỉ còn trong ký ức của chúng ta và hôm nay nó được tái hiện trong bài viết của bạn đấy.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bình ơi, mình không thể nào nhầm được, mình học ở đó năm 83-84 (lớp 5) và 84-85 (lớp 6). Vậy nên mình trải nghiệm trận lụt khi mới vào lớp được vài tháng, ngày đó mình còn đi bộ mà, nên mới nhớ cái cảnh khoác áo mưa (ngày đó thường là một mảnh ni lông vuông) đứng lại chỗ gần đầm Sét bây giờ xem đánh cá.
      Mình vẫn nhớ Sỹ và Ánh Tuyết, Vĩnh Thanh thì quên rồi.
      À, đã bổ sung chi tiết quăng cặp ra ngoài cửa sổ theo yêu cầu của nguyên mẫu :)

      Xóa
  2. Hồi 84, mình nhớ trận lụt đó ngập tới tận sát gầm cầu Lủ, lúc đó còn là cầu sắt, chưa có cầu bê tông. MÌnh và Dũng không đi qua đầm Linh Đàm được như mọi khi mà phải đi ra phí đường Giải Phóng. Đến chỗ rẽ vào Hoàng Liệt, giờ là ngay chỗ đường vành đai 3 trên cao, thấy đường đi vào ngập ngang bụng người lớn. Thế là hai thằng lại rủ nhau đi bộ về.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xuân phải không nhỉ. Mình cũng nhớ rõ trận lụt ấy lắm. Nhớ cảnh bọn mình mặc áo mưa đi lò dò trên con đường đã bắt đầu ngập nước từ trường ra đường quốc lộ số 1 như thế nào.

      Xóa