25 tháng 8 2015

NHỮNG KỶ NIỆM THỜI HỌC SINH_LỚP CHUYÊN TOÁN VÀ BẠN BÈ (01)

Tặng những người bạn chuyên Toán của tôi

“Ngôi trường 30 năm tôi chưa trở lại thăm
Vùng ký ức bụi mờ che phủ
Mê mải với tương lai, tôi vô tình khi nghĩ về quá khứ
Những bậc thang nào đã nâng bước chân tôi

Chớp mắt bóng câu, năm tháng vụt trôi
Viên sỏi nào đập tan cánh cửa vào quá khứ
Tôi tần ngần trước mỗi tầng bụi phủ
Những kỷ niệm học trò chầm chậm tuổi thơ trôi

Chợt thấy thân thương đến nao lòng trường lớp bạn bè tôi
Con đường nhỏ gập ghềnh ngày mưa nắng
Những giờ ôn thi trôi qua trong nắng hè nóng bỏng
Sân trường đơn sơ tán phượng ấp tuổi thơ mình”

Lớp chuyên Toán đầu tiên của huyện Thanh Trì ngày đó khá vắng, khoảng hơn 20 học sinh. Mình chả còn nhớ hết tên bạn bè trong lớp. Nhưng chắc chắn tất cả đều là các hạt giống đỏ được chọn lựa từ các trường trong huyện Thanh Trì, và chắc chắn không thiếu nhiều cô chiêu cậu ấm. Mang mặc cảm của một cô bé miền núi, thường được cô nhắc nhở “xứ mù thằng chột làm vua/trong nhà nhất mẹ nhì con”, lại không có bất cứ điều gì để tự hào về gia cảnh hay địa vị của bố mẹ, ngược lại là đằng khác, mình đã nỗ lực rất nhiều để khẳng định bản thân trong môi trường đó.

Thầy Phú được phân công dạy Toán lớp mình. Thầy khi đó còn rất trẻ, anh mình hay tấm tắc khen thầy dạy hay. Nhà thầy ở tít trên phố, hàng ngày phóng xe hơn chục cây xuống trường dạy lũ lít nhít bọn mình. Ngày đó có một chiếc xe máy là oách lắm í. Anh mình có lần vẻ bí mật bảo nhà thầy có điều kiện lắm đấy nhưng khổ thân thầy có một đứa con hơi bị chậm. Một đôi lần, khi bố từ Sapa về thăm, bố đèo mình đến thăm thầy. Hình ảnh đứa con bị down của thầy ám ảnh mình khá lâu mãi sau đó.

Lớp chuyên Toán nên đương nhiên số tiết toán nhiều hơn những lớp khác, chương trình học được nâng cao hơn. Mình chả nhớ mình đã học như thế nào, nhưng chắc chắn là kết quả không tệ. Đơn giản mình không được phép tệ, vì như vậy thì xấu mặt bố mẹ và xấu mặt anh mình J. Các môn khác mình học cũng rất đều. Thật tiếc, mảng ký ức về thời gian học ở đây như đã bị xóa sạch, mình chỉ còn nhớ láng máng tiết kỹ thuật có lần tụi mình học muối dưa, một điều quan trọng là khi rửa rau phải nhẹ tay để không bị dập, rồi có lần tụi mình học cắt may quần đùi với sản phẩm của mình là một chiếc quần đùi đồ chơi bé xíu. Rồi điểm thi học kỳ môn Lịch sử của mình được 10. Nói chung, bố mẹ chả bao giờ phải phiền lòng về việc học hành của mình hay cách cư xử khi ở với anh chị.

Không có nhiều những hoạt động ngoại khóa như trẻ con bây giờ, mỗi năm một lần tụi mình làm báo tường, thứ luôn khiến mình hết sức khổ sở. Thường thì mỗi đứa sẽ cố nặn ra một thứ bắt chước thơ, mà nếu gọi là thơ thì đúng là phỉ báng thi ca, viết cẩn thận lên trang giấy học trò, trang trí xung quanh một cách đẹp nhất có thể để rồi sau đó T.H, người rất có hoa tay, sẽ vẽ trang trí tờ giấy to (cỡ A1) và tụi mình dán những “kiệt tác” của mình lên đó. Mình vẫn còn nhớ mình ngưỡng mộ như thế nào những chú cá vàng với cái đuôi hết sức mềm mại mà cậu bạn đó vẽ trang trí cho tờ báo tường của lớp.

Rồi tụi mình cắm trại. Không có nhiều không gian và cũng chả lôi đâu ra trại đẹp đẽ. Chúng mình cắm trại ngay trong sân trường, mỗi trại là những tấm chăn mà tụi học trò phân công nhau mang đi, được khâu lại, căng lên và trang trí sao cho đẹp nhất có thể. Khi đó mình say sưa kể cho mấy đứa bạn về trại của tụi mình ở Sapa, được dựng lên ở sân quần, một chiếc sân rất rộng nhìn lên ngọn đồi thông 79 cây (Ngày đấy não đã bị tẩy ghê lắm nên nhắc đến con số 79 là thiêng liêng ghê gớm J).

Năm mình học lớp 6 trường tổ chức đi tham quan Côn Sơn, địa điểm khi đó vô cùng phổ biến với các trường ở Hà Nội do khoảng cách không quá xa. Tụi mình tự mang đồ ăn trưa. Đứa thì xôi chả, đứa mang bánh mỳ, đứa khác lại mang bánh khúc với món lá khúc tự tay tụi mình hái từ những mảnh ruộng cạn nước dọc theo con đường vào trường chiều hôm trước. Bữa trưa tụi mình ngồi trên sân chùa, vừa ăn vừa trêu chọc nhau và ngắm dòng sông uốn lượn bên dưới. Đã đi thăm lại Côn Sơn-Kiếp Bạc một số lần, nhưng kỷ niệm của chuyến tham quan đó theo mình mãi, như một kỷ niệm đáng nhớ của tuổi thơ nghèo khó, khi mỗi chuyến đi đều là một điều xa xỉ, là một sự kiện để mãi về sau mình còn khoe với bố mẹ, các chị, và cả những đứa bạn năm lớp 7 ở Sapa. Mình không còn giữ được tấm ảnh nào, nhưng vẫn nhớ rất rõ đôi ba tấm ảnh ngày đó, do cô của Mai Lan chụp cho, mình ngồi vắt vẻo trên cành đại :). Và một tấm ảnh khác chụp cùng Tuyến, tóc mình xõa ngang vai, tóc Tuyến ngang cằm. Mình nhớ cả chiếc áo mình và Tuyến mặc khi đó. Ngồi viết lại những dòng này, rất nhiều chi tiết của chuyến đi chầm chậm lướt qua như trong một đoạn phim quay chậm. Ôi, tuổi thơ thương nhớ của tôi. Hẳn một chuyến đi như vậy gây ấn tượng chẳng khác gì chuyến đi đến Disneyland của con trai mình bây giờ, khiến những chi tiết hằn sâu vào ký ức mình đến vậy.  

4 nhận xét:

  1. Hoàng Thăng Bình8/25/2015 10:26 CH

    Mình bắt đầu thấy phục tài viết lách của bạn rồi đấy. Hồi mới lên học chuyên toán, mình chẳng giỏi giang gì, còn bị xơi hai con ngỗng môn văn vì không biết cách học của cấp hai, nên hồi đó rất phục bạn lớp trưởng học giỏi. Mà hồi đó bạn học giỏi toán và ngoại ngữ chứ không phải giỏi văn đâu, Tuyết Anh còn nhớ bài toán làm sao qua một chiếc cầu có một anh lính đứng canh không cho bất kỳ ai đi qua, nhưng anh lính này có tật là cứ thức một phút, ngủ gật một phút và chiếc cầu này có độ dài mà một người chạy nhanh nhất cũng phải mất một phút mới qua được. Khi thày Phú nêu bài toán này ra mình nhớ bạn là người giải được. Mình thấy được sự thông minh, thú vị của lời giải nên từ đó thấy ham môn toán hơn. Bạn cũng như các bạn ở Hoàng Liệt hồi đó là những tấm gương của mình. Mình đã được gặp các bạn như Hùng, Xuân... ở lớp luyện đội tuyển của huyện Thanh Trì từ hồi học lớp 5, các bạn ấy giải bài "vừa gà vừa chó 36 con..." với bài "trăm trâu ăn trăm bó cỏ..." dễ như bỡn, thú thực lúc đó mình chả hiểu cách giải lắm, trong đầu mình luôn có một câu hỏi: làm sao các bạn ấy nghĩ ra được như thế nhỉ?
    Kỷ niệm học muối dưa cà bạn kể mình cũng nhớ là được cô dạy như vậy, ngoài ra còn được học khâu vá, thùa khuyết... nữa, đến bây giờ kiến thức đó vẫn hữu dụng, mình mới hướng dẫn cậu lớn nhà mình khâu đột lại được chỉ của quai cặp bị tuột.
    Cái lớp học ở cuối dãy bên tay phải mình vẫn nhớ như in, đầu hồi lớp là vườn trường, hồi đó còn được reo hạt một số loại rau thơm. Rất nhiều kỷ niệm cũng sống lại theo những dòng văn của bạn. Cảm ơn Tuyết Anh rất nhiều, mình đã gửi đường link cho các bạn trong lớp đọc rồi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sao cậu nhớ được nhiều chi tiết thế. Mình không còn nhớ bài toán cậu kể đâu. Còn vụ thùa khuyết thì mình vẫn nhớ như in. Cái sân trường đất nện, có 2-3 cây bàng, cây phượng nhỏ thôi, lớp học nhỏ, cũ kỹ, cửa sổ có chấn song bằng gỗ, mình cũng vẫn nhớ rất rõ. Nói chuyện với mọi người làm mình nhớ ra nhiều điều lắm. Mình phải cảm ơn Bình và mọi người giúp mình có hứng thú viết ấy chứ. Ấp ủ từ lâu lắm rồi mà cứ lười và cả không có hứng thú nữa.

      Xóa
  2. Kiểu này chắc chị cũng phải học em viết thôi. Ngày đi học chị luôn là trò giỏi chăm ngoan được các thầy cô cưng chiều yêu quý thậm chí có một cậu bạn (Xin vong linh bạn í thứ lỗi cho!) mỗi lần gặp cứ thắc mắc sao các thầy cô quan tâm đến Thơ nhiều thế nhỉ. Chả biết nói với cậu í thế nào nữa...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đôi lúc mình như bị thôi thúc nhất thiết phải viết ra. Càng ngày em càng thấy rõ văn học nghệ thuật mới thực sự là cái lẽ ra mình nên theo đuổi. Nhưng giờ thì "cơm áo không đùa với khách thơ", vậy nên phải làm việc nuôi con cái đã :)

      Xóa