Mình chẳng còn nhớ bao
nhiêu về những ngày đầu tiên đi học, trường mới, bạn mới, và cả cuộc sống hoàn
toàn mới ấy nữa. Những kỷ niệm về hai năm ở với anh chị và học ở lớp chuyên
Toán đó đọng lại mảng này mảng nọ, thỉnh thoảng lại thay nhau hiện lên. Nhưng
chắc chắn đã không hề dễ dàng.
Nhà anh chị khi ở khu tập
thể Tương Mai, khu lao động nghèo. Một gian nhà nhỏ, chiếc tủ kê giữa nhà ngăn
thành giữa phòng khách, cũng là nơi ngủ và một buồng bên trong. Sâu hơn nữa là
một gian cơi nới, và khoảng sân bé tý, có chiếc bể dùng chung với hàng xóm. Qua
khoảnh sân bé tý, mùa hè xanh rợp dây nho là chiếc cống chảy dài qua suốt cả
dãy nhà B4B, màu và mùi đều vô cùng đặc trưng của thời bao cấp.
Anh chị nghèo, đều là
giáo viên, anh dạy văn cấp II, rồi sau chuyển về làm chuyên viên Phòng Giáo dục,
chị làm Hiệu trưởng trường cấp I. Anh chị có ba con, con trai đầu hơn mình 4 tuổi,
con gái giữa hơn mình 2 tuổi, và thêm cậu út kém mình 3 tuổi. Sẽ chẳng bao giờ
mình quên được chiếc xe [gần như] cởi truồng mà anh vẫn đạp đi làm, chỗ pê đan
đã bị hỏng, long ra từ bao giờ, chỉ còn lại mỗi cái trục giữa để đặt chân, vì
đi lâu, trở nên trơn bóng và nhọn.
Mấy đứa cháu đều học trường
gần nhà. Riêng mình thì vì học lớp chuyên nên khá xa. Đoạn đường đấy gồm đi từ
nhà (giờ là ngõ 94, đường Tương Mai) ra ngã ba Trương Định-Tân Mai, xuôi đến
Đuôi cá, qua ga Giáp Bát, tiếp tục xuôi qua Thịnh Liệt, đến tận Hoàng Liệt thì
rẽ phải, đi theo con đường đất gồ ghề, hai bên là những mảnh ruộng cạn, khoảng
500m thì đến trường. Tổng cộng khoảng gần 5km, mình đi bộ hết hơn 1 tiếng. Lâu
lâu, nếu tiện đường thì anh Túc chở mình đến chỗ rẽ rồi để mình tự đi bộ vào.
Như mọi gia đình khác thời
bao cấp, sáng sáng anh chị mình dậy rất sớm nấu cơm. Cả nhà ăn vội vàng bát cơm
rồi đi làm, đi học. Ngày đầu tiên tất nhiên anh Túc chở mình vào tận trường, có
lẽ đưa vào tận lớp nữa. Sau đó, khi đã quen trường, quen lớp thì mình tự đi. Giờ
chứng kiến con trai vào cấp II tự đạp xe đi học một đoạn đường chưa đầy 2km
mình đã mừng lắm rồi, rơm rớm nước mắt dõi theo con, chả hình dung nổi cái con
bé gầy còm là mình ngày đó đi học xa tới gần 5km, ngày này qua ngày khác, nắng
rồi mưa, khi mới có 11 tuổi.
Từ Sapa về sống với anh
chị, bao điều bỡ ngỡ. Buổi sáng đi học, mà thường gần 1h chiều mới về đến nhà,
chiều mình sẽ học bài, rồi đến khoảng 4h chiều thì đi xách nước, chuẩn bị cơm
cho cả nhà. Cô cháu gái khó tính, mặt luôn cau có, nên mình chả thể trò chuyện
gì nhiều. Anh chị xoay làm thêm đủ kiểu để có đủ chi tiêu trong gia đình. Ngoài
việc ở trường, chị nhận đan len, móc khăn… vậy nên những lúc rỗi rãi mình cũng
học theo, đã đạt đến trình nhắm mắt đan thoăn thoắt J.
Rồi rang lạc húng lìu. Buổi sáng nhiều hôm anh sẽ phải đi làm sớm, qua các quán
nước để lại cho họ bán. Ngoài việc ngồi dán túi ni long, thường tuần một đôi tối
chúng mình sẽ cùng ngồi đóng lạc, quy trình công nghệ bao gồm đếm một số hạt lạc
nhất định cho vào túi ni lông, người ngồi bên cạnh sẽ chao qua ngọn đèn dầu để
dán kín, những chiếc túi dài khoảng 15cm, rộng khoảng 3.5-4cm sẽ đựng được 30-35
hạt, cỡ nhỏ hơn thì bớt lạc đi. Vừa làm tụi mình cũng được phép nhập khẩu phi
tang [ở mức độ vừa phải] những hạt lạc còi. Kỷ niệm mình nhớ mãi là có lần tụi
mình cho cả hòn sỏi vào túi lạc (lạc rang bằng cách quay cùng với sỏi cho giòn
đều), hôm sau anh Túc đi đưa lạc về kể người ta kêu ca ông cụ suýt bị gẫy răng,
hehe. Giờ viết lại vụ này mình còn chả nhịn được cười. Và cũng rùng mình khi
nghĩ lại một buổi tối cô cháu ngồi học, tụi mình ngồi đóng lạc cạnh đó, bất chợt
quay sang thấy gót chân nó muỗi bâu kín đen.
Gắn liền với thời bao cấp
là kỷ niệm tụi mình đi xếp hàng đong gạo, xếp hàng xách nước. Và những cái nhà
vệ sinh của thời bao cấp. Chỉ có thể dùng hai từ “rùng rợn” để mô tả.
Bọn trẻ con trong dẫy nhà
đó không nhiều. Mình lại không học cùng trường nữa nên ít chơi với bọn nó. Ở
nhà anh chị được một thời gian thì mình bắt đầu tập đi xe đạp, bằng xe chiếc xe
[gần như] cởi truồng của anh hoặc chiếc xe của chị, hoàn toàn xứng đáng là “cặp
đôi hoàn hảo”. Mấy đứa trong xóm chạy theo ê ê mình vì lớn như thế rồi mà còn
chưa biết đi xe đạp J.
Sống xa bố mẹ chẳng dễ
dàng gì. Mình đủ lớn để hiểu bố mẹ rất thương mình, vì lo cho tương lai của
mình, và cũng vì thấy mình học được, nên mới phải gửi mình ở nhà cô, rồi lại
nhà anh. Bố mẹ mình gửi tiền anh chị, đương nhiên, và anh chị là những người
tuyệt vời, luôn để cho mình cảm thấy sự ấm áp, điều mà đến tận bây giờ vẫn là
như thế, mình yêu quý anh chị tuyệt đối, nhưng con bé cháu đành hanh, và vẫn là trẻ con nữa, lúc này
lúc khác không bỏ lỡ cơ hội khiến mình tủi thân, bóng gió đến chuyện mình ăn nhờ
ở đậu, chuyện bố mẹ mình chỉ là nông dân... Và hay lấy cớ bận học để trút việc
nhà cho mình. Mình đã hạnh phúc trong hai năm đó, nhưng chắc chắn cũng không ít
lần rơi nước mắt.
Anh chị đều là những người
có tâm hồn. Những lúc vui vẻ chị vừa đan len vừa đọc thơ. Sách chất trong nhà rất
nhiều. Anh Túc thường vừa ngồi quay thùng lạc, vừa đọc sách, những cuốn sách giấy đen sì. Rồi những buổi tối
cả nhà ngồi đóng lạc lại là lúc nói chuyện thơ văn. Chính từ những câu chuyện đó mà mình biết đến Đoàn Phú Tứ, Bùi Giáng, Mộng Hồ, Anh Thơ, Nguyễn Bính... từ rất sớm. Có lần chị Hạnh về chơi,
thì thầm với anh Túc, trong trường sư phạm sắp tổ chức đêm nhạc Văn Cao, thứ nhạc
ngày đó còn hầu như bị cấm đoán. Thỉnh thoảng thấy anh cao hứng huýt sáo hoặc ngâm nga những bài hát tiền chiến. Rồi có lúc lại bật cho cả nhà nghe Robertino.
Hoàng khi đó bắt đầu lớn,
15-16 tuổi, tập tành học đàn ghi ta. Mình học lỏm những nốt nhạc đầu tiên trong
bài Làng tôi. Cây đàn to, mình chỉ có thể đặt nó nằm ngang trên đùi, nhưng đã bập
bẹ bấm những nốt mà mình nhớ đến tận giờ, đồ mi sol lá sol, sol đố si la sol. Bố
rất muốn cho mình học violin, ở cung văn hóa thiếu nhi. Nhưng mơ ước chỉ là mơ
ước. Bố mẹ khi đó không thể có tiền cho một cây đàn violin, và đi học lại quá
xa. Chính điều mong mỏi ấy của bố mẹ là động lực để sau này mình quyết tâm học,
và giờ đây, mỗi lần về Sapa, khi bố bảo, con đánh đàn cho bố nghe đi, là mình
vô cùng vui sướng được ngồi đánh cho ông hết bản này đến bản khác [trong số tiết
mục vô cùng hạn chế của bản thân :)]
Mình đã được nuôi dưỡng trong một môi trường như thế suốt hai năm cấp II. Anh chị không dành được nhiều thời gian cho mình, cũng như chẳng thể dành nhiều thời gian cho các con. Và mình thì vốn là đứa trẻ ngoan, chỉ biết chăm chỉ đi học, về nhà lại học bài rồi làm việc nhà, chả gây rắc rối cho ai bao giờ. Tận bây giờ, cô Tuyết vẫn là tấm gương anh hay nêu cho đám trẻ học thêm tại nhà. Nhưng với mình, mình luôn biết ơn anh chị, biết ơn sự ngẫu hứng ban đầu của anh, sự chăm nom của anh chị với mình những năm sau đó. Chắc chắn hai năm đó đã đóng góp nhiều vào việc mình trở thành như ngày hôm nay, dù chả là gì to tát nhưng nếu không có những nấc thang đầu tiên đó, làm sao mình biết cuộc đời mình sẽ rẽ theo ngả nào, có thể giờ này đang ngồi quạt than nướng ngô cạnh nhà thờ Sapa, hoặc làm bà chủ khách sạn lớn, hì hì. Nhưng dù sao mình cũng thật khó hình dung mình trở thành một ai đó khác với mình bây giờ. Và chắc mình cũng không muốn khác đi một chút nào :)
Chào Tuyết Anh,
Trả lờiXóaHóa ra người bạn mà mình tưởng là tiểu thư con nhà cán bộ cũng vất vả nhỉ. Thời đó mỗi đứa một hoàn cảnh, ngay như Quốc Anh trong cái lớp chuyên toán ấy hay ăn xôi xéo buổi sáng mua ở cổng trường cứ tưởng là nó sướng nhưng đến nhà mới biết nó cũng phải còng lưng hơ túi thuốc lào trên ngọn đèn dầu để giúp bố mẹ giống như bạn đóng gói lạc ấy. Những dòng kỷ niệm của bạn làm ai cũng phải nhớ tới một thời, nhưng mấy ai viết lại được (trong số đó có mình). Bạn cứ viết đi nhé, mình sẽ là một độc giả của bạn.
Cho mình hỏi: không biết có phải người chị trong bài viết của bạn có tên là Nghiêm Hồng phải không?
Hì hì, thế là lại có mối liên hệ nào ở đây à. Hay bố mẹ Bình biết chị mình nhỉ? Chị mình là Nghiêm Thị Hồng, em gái nhà văn Nghiêm Đa Văn. Chị mình đẹp lắm, giờ già rồi vẫn đẹp.
XóaCảm ơn độc giả :)
Nếu thế thì đúng là cô Nghiêm Hồng (mình vẫn hay gọi tắt là như vậy) là Hiệu trưởng Trường cấp I Thị trấn Văn Điển rồi. Hay thật đấy, mình không nghĩ cô lại là chị của bạn. Hồi đó mình là học sinh duy nhất của trường được lên Hoàng Liệt học, chắc chắn phải được sự cho phép của cô rồi. Hồi học Đại học Bách khoa, mình hay đạp xe đạp trên đường Trương Định nên vẫn hay gặp cô đi ngược chiều đi làm hoặc đi về, mình vẫn gật đầu chào cô (học trò ngoan mà) và cũng được cô mỉm cười gật đầu đáp lễ. Có lần mình thấy cô còn đi với cô Tâm là cô giáo dạy văn lớp chuyên toán, mà hình như nhà cô Tâm cũng trong Tương Mai thì phải. Cô Hồng không dạy mình nên có thể cô không nhớ mình là cậu học trò nào nhưng mình thì vẫn nhớ cô.
XóaHay thiệt. Nhưng bây giờ thì mình đã nhớ lại có lúc nào đó chị mình nhắc đến cậu học trò từ trường Thị trấn Văn Điển học ở lớp chuyên :) Hôm nào cả bọn tụ tập nhỉ, mình cần nghe mọi người nói chuyện để có hứng thù và viết được thêm về quãng thời gian đó.
XóaGiống như em chị cũng có một tuổi thơ "dữ dội" phết. Giờ nghĩ lai vẫn tư hỏi chẳng biết sao mà vươt qua được. Đói, nghèo, đi học xa năm bẩy cây số mà cứ như không í.
Trả lờiXóaThực ra em chưa thấy đây là dữ dội. Dữ dội phải kể đến thời sống bên Nga. Có những điều em cứ phân vân có nên đăng hay không, mặc dù viết được một chút rồi. Nhiều câu chuyện cũng hết sức shocking, chả kém gì Nguyễn Văn Thọ hay Nguyễn Huy Hoàng đâu ạ.
Xóa