17 tháng 8 2015

NHỮNG KỶ NIỆM THỜI HỌC SINH_TRỞ THÀNH HỌC SINH CHUYÊN TOÁN CẤP II

Cách đây ít ngày, thầy giáo dạy văn lớp 7 gọi điện hỏi thăm mình, cú điện thoại sau 30 năm. Mình thấy áy náy và xấu hổ kinh khủng. Thầy chủ nhiệm và dạy mình môn Văn năm lớp Bảy. Mình là học trò cưng, mình vẫn nhớ thầy bảo mình “cười như mùa thu tỏa nắng”. Cũng chỉ mỗi năm đó rồi sau đó mình đi học xa, hết cấp III lại đi nước ngoài đằng đẵng 8 năm, về nước cũng chỉ ở Hà Nội. Thầy cô, bạn bè cấp I, cấp II dường như trở thành vô cùng xa cách. Vậy nên mình chưa một lần trở lại thăm thầy. Dù vậy, thật lòng mình chưa bao giờ quên thầy. Mình vẫn nhớ cách thầy giảng văn rất hay, và cũng thường xuyên ngẫu hứng. Mà một trong những ngẫu hứng của thầy là tặng cho mình điểm 10 Văn khi mình nói leo thầy vài câu thơ trong một bài chưa được thầy giới thiệu ở lớp. Hai thầy trò có bao điều để cười nói, rồi lập tức kết bạn với nhau trên facebook và mình hẹn lần sau về Sapa nhất định em sẽ đưa bọn trẻ đến nhà thầy chơi.

Tiếp theo, cuối tuần trước một người bạn thời cấp hai, cũng từ hơn 30 trước, bất ngờ gọi. Những cú điện thoại giống như một cơn gió mạnh, mở toang cánh cửa căn phòng quá khứ, khiến bao hồi ức của mình lũ lượt kéo về. Bỗng dưng có cảm hứng viết về những ngày xa xưa ấy.

Trở thành học sinh chuyên toán cấp II

Lý do mình trở thành học sinh lớp chuyên Toán đầu tiên của huyện Thanh Trì thật ra lại do mấy trò tiêu cực lèm nhèm của vài mống có chút quyền hành ở cái thị trấn bé xíu xiu đó. Ngày đó mình học hệ phổ thông 10 năm, cấp 1 gồm lớp 1-4, cấp II gồm 5-7 và cấp III gồm 8-10. Những năm lớp 3 và 4 mình học tại trường thị trấn, chị Kiều hơn mình hai tuổi cũng học ở đó. Chị làm liên đội trưởng, em làm lớp trưởng hay một “chức vụ” tương đương gì đó. Kể về vụ chức tước thì mình phú quý giật lùi rồi, ngày đó chức to thế mà giờ chả có chức tước gì, kakaka. Mình vốn là cái đứa chả nghĩ được điều gì to tát, vậy nên đành làm con ngoan trò giỏi. Bây giờ thỉnh thoảng mẹ vẫn kể lại, trong buổi tổng kết quan trọng, giời mới nhớ nổi cụ thể là gì, khi mình học cuối lớp 4, chị Kiều ngồi bàn chủ tịch, còn mình làm MC. Mẹ được mời với tư cách phụ huynh tham dự và tự hào vô kể về hai cô con gái.

Cũng vì thành tích học tập như vậy, mình được cử tham dự trại hè thiếu nhi tổ chức tại Bãi Cháy. Náo nức lắm. Nào mình đã bao giờ được biết đến biển. Nhìn thấy biển là một ước mơ xa vời. Ở cái thời bao cấp xa xôi ấy, không tồn tại khái niệm du lịch hay nghỉ mát. Dưới ánh đèn tù mù, mấy tối liền mẹ cặm cụi ngồi khâu cho mình một chiếc váy hoa bằng vải pô pơ lin có quai chéo sau lưng. Gần đến ngày đi thì người ta thông báo với bố mẹ mình là mình không được đi nữa. Cái trò bẩn thỉu ấy mà, suất đấy đã được ưu ái cho một tiểu thư nhà quan thị trấn, trong khi bố mẹ mình là nông dân thuần túy. Vụ này bố mình đã kể lại trong cuốn hồi ký của ông.

Thương con, bố mẹ mình bảo, thôi không được đi trại hè thì bố mẹ cho đi Hà Nội chơi. Khổ, đi chơi gì đâu, chỉ đơn giản đi cùng bố về Hà Nội, ở lại nhà cô, rồi ghé thăm một đôi họ hàng khác, quà cáp mang theo là mấy cân lê vườn nhà. Anh họ mình ngày đó làm ở Phòng GD Thanh Trì nổi hứng kiểm tra qua loa trình độ mình rồi bảo năm nay huyện Thanh Trì mở lớp chuyên Toán đầu tiên, hay cho em thi thử. Mình thi thử, đỗ và ở lại nhà anh chị học hai năm cấp II ở lớp chuyên Toán đó. Hôm rồi nghe cậu bạn bảo, mình cứ tưởng T.A là con ông cốp, vì bố mẹ chuyển đi nên phải chuyển theo, mình phì cười bảo, mình là con nhà nông dân chính hiệu đấy. Ơ thế hóa ra ngày đấy mình đã có dáng tiểu thư mà tự mình không biết à, hehe.

Hai năm xa nhà bắt đầu một cách tình cờ vậy thôi. Theo thuyết hỗn độn "Một con bướm vỗ cánh ở Tokyo có thể dẫn tới hậu quả là một cơn bão ở Florida một tháng sau đó", thì hai năm học đó chắc chắn đã có ảnh hưởng rất lớn đến những bước tiếp theo trong cuộc đời mình sau này.

2 nhận xét:

  1. Cuộc đời đẹp và ý nghĩa hơn nhờ những kỷ niệm tuổi học trò êm đềm này đấy em à.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thực ra kỷ niệm ở tuổi nào cũng vẫn đẹp. Em muốn ghi lại dần dần mà trí nhớ tệ quá nên chả nhớ được bao nhiêu. Tên thầy cô, bạn bè quên hết rồi.

      Xóa