30 tháng 3 2013

LỤC ĐỊA THỨ BA, LỤC ĐỊA CUỐI CÙNG (tiếp theo và hết)



Vào cuối tháng Tám, hộ chiếu và thị thực của Mala đã sẵn sàng. Tôi nhận được bức điện thông báo về chuyến bay của cô; nhà anh trai tôi ở Calcutta không có điện thoại. Cũng vào khoảng thời gian đó tôi nhận được một lá thư của vợ viết chỉ vài ngày sau khi chúng tôi chia tay. Không có lời gọi tên mở đầu: gọi tôi bằng tên riêng sẽ là một sự thân mật chúng tôi vẫn chưa có được. Bức thư chỉ có vài dòng: “Em viết bằng tiếng Anh để chuẩn bị cho cuộc hành trình. Ở đây em rất cô đơn. Bên đó có lạnh lắm không? Có mưa tuyết không? Em của anh, Mala.”
Những lời của vợ chẳng mảy may làm tôi động lòng. Chúng tôi mới chỉ ở bên nhau có vài ngày ít ỏi đếm trên đầu ngón tay. Nhưng dù vậy thì chúng tôi cũng đã bị buộc vào nhau; trong vòng sáu tuần, cô đã đeo một chiếc vòng ở cổ tay và bôi phấn màu đỏ lên đường ngôi tóc để nói với cả thế giới rằng cô đã có chồng. Trong sáu tuần đó tôi chờ đợi cô đến cũng như tôi sẽ chờ đợi tháng tiếp theo, hay mùa tiếp theo – một điều không tránh khỏi, nhưng ở thời điểm hiện tại thì lại chẳng có ý nghĩa gì. Tôi biết về cô ít đến nỗi thỉnh thoảng khi những đường nét khuôn mặt cô hiện lên trong trí nhớ, tôi không thể gợi lên toàn bộ khuôn mặt đó.
Vài ngày sau khi nhận được thư vợ, một hôm khi đi làm buổi sáng tôi nhìn thấy một người phụ nữ Ấn Độ khác ở bên kia đường đại lộ Masachusetts. Cô ta mặc chiếc sari và đang đẩy xe nôi. Đầu buông lơi của chiếc sari gần chạm đất. Một phụ nữ Mỹ dắt con chó đen nhỏ bị buộc xích đi gần cô ta. Bỗng dưng con chó sủa. Từ bên này đường tôi thấy người phụ nữ Ấn Độ run rẩy, dừng lại trên lối đi và lúc đó con chó nhảy lên cắn đầu buông lơi của chiếc sari. Người phụ nữ Mỹ mắng con chó, hình như xin lỗi rồi nhanh chóng bỏ đi, để lại người phụ nữ Ấn Độ một mình giữa đường, sửa sang chiếc sari và dỗ dành đứa trẻ đang khóc. Cô ta không nhìn thấy tôi ở bên này đường và cuối cùng đi tiếp. Giây phút đó tôi chợt nhận ra rằng những điều vặt vãnh như vậy chẳng bao lâu nữa sẽ trở thành mối bận tâm của tôi. Nghĩa vụ của tôi là phải chờ đón Mala, chăm sóc và bảo vệ cô. Tôi sẽ phải mua cho cô đôi ủng đông đầu tiên, chiếc áo khoác đầu tiên. Tôi sẽ phải bảo cô cần tránh những đường phố nào, xe cộ đi ra sao, nhắc cô mặc sari sao cho đầu buông lơi không lòng thòng trên đường. Tôi nhớ lại với một sự bực bội nho nhỏ rằng mới chỉ xa cách cha mẹ năm dặm cô đã khóc.
Không giống như Mala, lúc này tôi đã quen với hết thảy mọi việc: quen với đồ ăn bằng bột ngũ cốc và sữa, quen với những chuyến viếng thăm của bà Helen, quen với việc ngồi trên ghế băng cùng bà Croft mỗi chiều. Điều duy nhất tôi chưa quen được là Mala. Dù vậy, tôi vẫn làm điều cần phải làm. Tôi đến phòng nhà đất ở MIT và tìm thấy một căn hộ có đồ gỗ cách đó vài khu nhà. Căn hộ có một chiếc giường đôi, bếp riêng và phòng tắm, giá bốn mươi đôla một tuần. Thứ Sáu cuối cùng tôi đưa cho bà Croft tám đồng một đôla đựng trong phong bì và thông báo rằng tôi chuyển đi. Bà đặt chiếc chìa khóa phòng tôi vào ví. Điều cuối cùng bà yêu cầu tôi làm là đưa cho bà chiếc gậy chống bên bàn để bà có thể đi đến cửa và đóng nó lại sau lưng tôi.
- Tạm biệt cậu, - bà nói và lui lại vào trong nhà. Tôi không trông đợi một sự biểu lộ tình cảm nào nhưng dù sao tôi cũng hơi thất vọng. Tôi chỉ là một người thuê nhà, một người đàn ông trả bà chút tiền và ra vào nhà bà trong vòng sáu tuần. So với một thế kỷ, quãng thời gian đó thật ngắn ngủi.

Ở sân bay tôi nhận ra Mala ngay lập tức. Đầu buông lơi của chiếc sari không lòng thòng trên mặt đất mà được xếp vòng qua đầu cô như biểu hiện sự khiêm tối của cô dâu. Mẹ tôi cũng luôn vòng nó qua đầu như vậy cho tới khi cha tôi mất. Đôi tay khẳng khiu màu nâu của cô đeo đầy vòng vàng, trên trán cô có một hình tròn nhỏ màu đỏ và mép chân cũng được nhuộm đỏ. Tôi không ôm, hôn hay cầm tay cô. Thay vào đó tôi hỏi cô có đói không, lần đầu tiên bằng tiếng Băng-gan suốt từ khi tôi đến Mỹ.
Cô lưỡng lự rồi sau đó khẽ gật đầu,
Tôi nói với cô ở nhà tôi đã nấu món cari trứng.                                     
- Trên máy bay họ cho em ăn gì?
- Em không ăn gì cả.
- Suốt từ Calcutta á?
- Thực đơn viết là có món súp đuôi bò.
- Nhưng chắc chắn phải có những món khác nữa chứ.
- Ý nghĩ về đuôi bò làm em không còn muốn ăn gì nữa cả.
Khi chúng tôi về đến nhà, Mala mở một trong số những chiếc vali của cô và tặng tôi hai chiếc áo len, cả hai đều là len sáng màu, cô đan trong thời gian chúng tôi xa cách, một chiếc cổ chữ V, chiếc kia đan kiểu vặn thừng. Tôi thử mặc; cả hai chiếc đều hơi bị kích ở nách. Cô cũng mang sang cho tôi hai chiếc quần pijama, bức thư của anh trai tôi và một gói chè Darjeeling. Tôi chẳng có quà gì cho cô ngoài món cari trứng. Chúng tôi ngồi bên chiếc bàn trần trụi không phủ khăn, mỗi người nhìn chăm chăm vào đĩa của mình. Chúng tôi ăn bốc. Từ khi đến Mỹ tôi vẫn chưa làm khác đi.
- Ngôi nhà thật tuyệt, - cô nói, - và cả món cari trứng nữa.
Bằng tay trái cô giữ đầu chiếc sari vào ngực để nó không tuột khỏi đầu.
- Anh không biết nấu nhiều món.
Cô gật đầu, bóc vỏ mỗi củ khoai tây trước khi ăn. Một lúc nào đó, chiếc sari tuột xuống vai. Cô sửa lại ngay lập tức.
- Em không nhất thiết phải che đầu, - tôi nói. – Anh không để ý đâu. Ở đây điều đó không quan trọng.
Dù vậy cô vẫn giữ đầu được che kín.
Tôi chờ đợi để quen với cô, quen với sự có mặt của cô bên cạnh tôi, bên chiếc bàn và trong chiếc giường của mình nhưng một tuần sau chúng tôi vẫn còn là những người xa lạ. Tôi vẫn chưa quen với việc đi về nhà là một căn hộ tỏa mùi cơm và thấy rằng bồn rửa mặt trong phòng tắm luôn được đánh chùi sạch sẽ, hai chiếc bàn chải đánh răng của chúng tôi xếp cạnh nhau, một bánh xà phòng thơm Pears mang từ Ấn Độ sang nằm trong đĩa đựng xà phòng. Tôi vẫn chưa quen với mùi dầu dừa cô bôi lên đầu mỗi tối hay những âm thanh nhẹ nhàng phát ra từ những chiếc vòng khi cô đi lại trong căn hộ. Sáng sáng cô luôn tỉnh dậy trước tôi. Sáng đầu tiên khi bước vào bếp tôi thấy cô đã hâm nóng những gì còn lại và đặt một chiếc đĩa có ít muối ở rìa trên bàn vì cô nghĩ rằng tôi sẽ ăn sáng bằng cơm giống như hầu hết những ông chồng Băng-gan. Tôi nói với cô chỉ cần bánh bột ngũ cốc là đủ rồi và sáng hôm sau, khi vào bếp tôi thấy cô đã đổ bánh bột ngũ cốc vào bát của tôi. Một sáng cô cùng tôi đi dọc theo đại lộ Massachusetts tới MIT, nơi tôi cùng cô đi một vòng ngắn tham quan khu trường. Trên đường đi chúng tôi dừng lại ở cửa hàng đồ gia dụng và tôi đánh cho cô một chiếc chìa khóa để cô có thể tự mở căn hộ. Sáng hôm sau, trước khi tôi đi làm cô hỏi tôi vài đôla. Tôi miễn cưỡng đưa cho cô nhưng tôi biết rằng giờ đây cả điều đó cũng là bình thường. Khi tôi đi làm về thì trong ngăn kéo có thêm con dao gọt khoai tây, bàn được trải khăn và trên bếp là món cari gà với tỏi tươi và gừng. Ngày đó chúng tôi chưa có vô tuyến. Sau bữa ăn tôi đọc báo trong khi Mala ngồi bên chiếc bàn trong bếp, đan áo len cho mình bằng len màu xanh sáng hay viết thư về nhà.
Vào cuối tuần đầu tiên của chúng tôi, một ngày thứ Sáu, tôi đề nghị đi dạo. Mala đặt đồ đan xuống và biến vào phòng tắm. Khi cô xuất hiện tôi thấy hối tiếc là đã đưa ra lời đề nghị: cô đã thay đồ, mặc một chiếc sari lụa mới, đeo thêm vòng, cuộn tóc lên đỉnh đầu. Cô chuẩn bị như thể đi dự tiệc hay ít nhất là đi xem phim nhưng trong đầu tôi không hề có ý định đó. Không khi buổi tối thơm ngát. Chúng tôi đi qua vài khu nhà dọc theo đại lộ Massachusetts, nhìn vào cửa sổ các cửa hàng. Bỗng dưng, chẳng nghĩ ngợi gì, tôi dẫn cô đi dọc theo con phố yên tĩnh, nơi tôi đã một mình đi dạo biết bao đêm.
- Đây là nơi anh sống trước khi em đến, - tôi nói và  dừng lại bên hàng rào nhà bà Croft.
- Trong một ngôi nhà to như thế này ư?
- Anh có một phòng trong đó, ở phía sau ngôi nhà.
- Thế còn ai sống ở đây nữa?
- Một bà rất già.
- Cùng với gia đình à?
- Một mình
- Thế ai chăm bà ấy?
Tôi mở cổng. – Phần lớn là bà ấy tự chăm mình.
Tôi tự hỏi không biết bà Croft có còn nhớ tôi không, không biết bà có người thuê nhà mới để ngồi bên bà mỗi chiều hay không. Lúc bấm chuông tôi nghĩ tôi sẽ phải chờ lâu như ngày chúng tôi gặp gỡ lần đầu tiên, khi tôi còn chưa có chìa khóa. Nhưng lần này bà Helen mở cửa gần như ngay lập tức.
- Xin chào, mời anh vào đây. – Bà Helen nói, đôi môi tô son hồng của bà cười với Mala. – Mẹ tôi đang ở trong phòng khách. Anh có vào thăm bà chút không?
- Vâng, nếu bà muốn, thưa bà.
- Vậy thì tôi muốn chạy ra cửa hàng một chút, anh thấy không sao chứ. Mẹ tôi gặp một chuyện nho nhỏ. Những ngày này chúng tôi không thể để bà một mình, dù chỉ là trong giây lát.
Tôi khóa cửa sau lưng bà Helen và bước vào phòng khách. Bà Croft nằm ngửa, đầu gối lên chiếc gối màu hồng đào, một tấm chăn trắng mỏng phủ ngang người. Hai tay bà đặt trước ngực. Khi nhìn thấy tôi bà chỉ vào chiếc đi văng và bảo tôi ngồi xuống. Tôi ngồi xuống như bà bảo nhưng Mala đi tới chỗ cây đàn piano và ngồi xuống chiếc ghế giờ đây được đặt đúng chỗ của nó.
- Tôi bị gãy xương hông! – bà Croft tuyên bố cứ như thể thời gian chưa hề trôi qua.
- Ôi, lạy Chúa!
- Tôi bị ngã khỏi ghế.
- Tôi rất lấy làm tiếc, thưa bà
- Lúc đó là nửa đêm! Cậu có biết tôi làm gì không, chàng trai?
- Tôi lắc đầu.
- Tôi gọi cảnh sát!
Bà nhìn lên trần nhà và nhe răng cười điềm tĩnh, chìa ra một hàm răng nguyên vẹn màu xám. Không thiếu một chiếc nào!
- Cậu nói gì về chuyện này, chàng trai?
Dù hết sức sững sỡ tôi cũng biết mình phải nói gì. Không chút do dự tôi gào lên:
- Tuyệt vời!
Mala bật cười. Giọng cô đầy tình thân, mắt cô lấp lánh niềm vui. Trước kia tôi chưa bao giờ nghe thấy cô cười và lúc này cô cười khá to, đủ để bà Croft nghe thấy. Bà ta quay lại nhìn Mala chằm chằm.
- Cô ta là ai vậy, chàng trai?
- Cô ấy là vợ tôi, thưa bà.
Bà Croft ấn đầu xuóng góc gối để nhìn rõ hơn: - Cô có biết chơi piano không?
- Không, thưa bà, - Mala trả lời.
- Vậy thì đứng lên!
Mala đứng lên, chỉnh lại dải chiếc sari trên đầu và giữ nó trước ngực, và, lần đầu tiên kể từ khi cô đến tôi thấy có cảm tình với cô. Tôi nhớ lại những ngày đầu tiên của mình ở Luân Đôn khi tôi học cách đi tàu điện ngầm tới Quảng trường Russel, đi thang máy lần đầu tiên, không thể hiểu được khi người đàn ông gào lên “giáy” thì điều đó có nghĩa là giấy, không thể suy luận được, suốt cả một năm trời, khi người soát vé nói “Cẩn thận khe trống” trong lúc đoàn tàu chuyển bánh khỏi mỗi ga. Cũng giống như tôi, Mala đã đi rất xa khỏi nhà, không biết là cô sẽ đi đâu, hay cô sẽ thấy gì, chẳng vì lý do gì ngoài việc trở thành vợ tôi. Dù điều đó có vẻ lạ lùng nhưng trong lòng tôi biết rất rõ, một ngày nào đó, cái chết của cô sẽ làm tôi đau đớn và lạ lùng là cái chết của tôi cũng sẽ làm cô đau đớn. Tôi muốn ai đó giải thích điều này cho bà Croft lúc này đây vẫn đang xem xét kỹ lưỡng Mala từ đầu đến chân với một thái độ khinh thị bình thản. Tôi tự hỏi không biết đã có khi nào bà Croft nhìn thấy một phụ nữ mặc sari chưa, với một chấm đỏ trên trán và hàng đống vòng ở cổ tay. Tôi tự hỏi không biết bà sẽ phản đối cái gì. Tôi tự hỏi không biết liệu bà có nhìn thấy màu nhuộm đỏ vẫn còn trên chân Mala, ở tất cả mọi chỗ ngoại trừ phần được vạt chiếc sari che đi. Cuối cùng bà Croft tuyên bố với cùng một vẻ kinh ngạc và thích thú mà tôi biết rất rõ:
- Cô ta là một quý bà đích thực!
Giờ đây đến lượt tôi cười. Tôi cười rất nhẹ và bà Croft không nghe thấy gì. Nhưng Mala nghe thấy và lần đầu tiên, chúng tôi nhìn nhau và mỉm cười.

Tôi thích nghĩ về giây phút đó trong phòng khách bà Croft như giây phút đầu tiên khi khoảng cách giữa Mala và tôi bắt đầu rút ngắn lại. Dù chúng tôi vẫn chưa hoàn toàn yêu nhau nhưng tôi thích nghĩ về những tháng tiếp theo như tuần trăng mật của chúng tôi. Cùng nhau, chúng tôi khám phá thành phố và gặp gỡ những người Băng-gan khác, một số người tận giờ vẫn là bạn bè của chúng tôi. Chúng tôi phát hiện ra rằng người đàn ông tên là Bill bán cá tươi trên phố Prospect, và rằng cửa hàng ở Quảng trường Harvard tên là Cardullo bán lá nguyệt quế và đinh hương. Tối tối chúng tôi đi dạo ra sông Charles xem những con thuyền trôi trên sông, hay ăn kem ở Harvard Yard. Chúng tôi mua một chiếc máy ảnh Instamatic để ghi lại cuộc sống chung của chúng tôi và tôi chụp ảnh cô đứng trước tòa nhà công ty Prudential để cô gửi về nhà cho cha mẹ. Đêm đêm chúng tôi hôn nhau, đầu tiên còn ngượng ngùng nhưng chẳng mấy chốc đã dũng cảm hơn, và cùng nhau chúng tôi khám phá những khoái lạc và sự an ủi trong vòng tay nhau. Tôi kể cô nghe về chuyến du hành của tôi trên con tàu SS Roma, về Công viên Finsbury và YMCA, về những tối tôi ngồi trên ghế với bà Croft. Khi tôi kể cô nghe những chuyện về mẹ tôi, cô khóc. Chính Mala đã an ủi tôi khi một tối tôi đọc thấy trên tờ Thế giới lời cáo phó dành cho bà Croft. Suốt mấy tháng liền tôi không nghĩ về bà, - cho tới khi đó, sáu tuần mùa hè đã là một khúc nhạc dạo xa xưa trong quá khứ - nhưng giây phút biết về cái chết của bà tôi bị sốc mạnh, đến mức khi Mala ngẩng đầu lên khỏi mớ len đan dở, cô thấy tôi đang nhìn chằm chằm vào bức tường, tờ báo bị bỏ quên trong lòng và tôi không thể nói gì được. Bà Croft là cái chết đầu tiên tôi để tang vì cuộc đời bà là cuộc đời đầu tiên mà tôi ngưỡng mộ; cuối cùng thì bà cũng rời bỏ thế giới này, già nua, đơn chiếc, và chẳng bao giờ quay trở lại nữa.
Về phần tôi, tôi chẳng đi đâu xa. Mala và tôi sống ở một thị trấn cách Boston khoảng 20 dặm, trên một đường phố đầy cây rất giống như con phố nhà bà Croft, trong ngồi nhà của chính chúng tôi, có phòng cho khách, có mảnh vườn để trồng khoai tây. Giờ đây chúng tôi là công dân Mỹ vậy nên chúng tôi có thể có phúc lợi xã hội lúc cần. Dù rằng chúng tôi luôn về thăm Calcutta vài năm một lần và đem theo sang Mỹ nhiều quần pajama và chè Darjeeling hơn, chúng tôi đã quyết định sẽ sống ở đây suốt đời. Tôi làm việc ở thư viện một trường cao đẳng nhỏ. Chúng tôi có một cậu con trai học trường Harvard. Mala không còn vắt dải chiếc sari lên đầu nữa và về đêm cũng không còn khóc vì nhớ cha mẹ, nhưng thỉnh thoảng cô khóc vì nhớ con. Vậy là chúng tôi lái xe đến Cambridge thăm nó hay đưa nó về nhà nghỉ cuối tuần để nó được ăn món cơm bốc tay cùng chúng tôi và nói tiếng Băng-gan, những điều chúng tôi lo nó sẽ chẳng làm nữa sau khi chúng tôi chết đi.
Mỗi lần đi như vậy, dù đường đông nhưng tôi luôn lái xe theo đại lộ Massachusetts. Giờ đây tôi hầu như không nhận ra những ngôi nhà, nhưng mỗi lần khi qua đây, ngay lập tức tôi lại quay trở lại sáu tuần đó, cứ như thể chuyện vừa mới hôm qua. Tôi cho xe chạy chậm lại và chỉ vào con phố nhà bà Croft, nói với con trai tôi rằng nơi đây là ngôi nhà đầu tiên của tôi ở Mỹ, nơi tôi sống với một người đàn bà 103 tuổi.
Anh còn nhớ không? – Mala thường nói rồi cười, kinh ngạc, cũng như tôi, rằng đã có lúc nào đó chúng tôi là những người thật xa lạ. Con trai tôi lúc nào cũng tỏ vẻ ngạc nhiên, không phải ngạc nhiên về tuổi tác bà Croft, mà về chuyện tiền nhà tôi trả ít làm sao, một điều mà đối với nó không thể nào hiểu nổi, cũng như chuyện có một lá cờ Mỹ trên mặt trăng đối với người đàn bà sinh năm 1866. Trong đôi mắt con trai tôi, tôi nhìn thấy niềm khát vọng đã ném tôi qua thế giới. Vài năm nữa nó sẽ ra trường và đi con đường của nó, một mình và không được chở che. Nhưng tôi nhắc mình rằng nó có một người cha vẫn còn sống, một người mẹ hạnh phúc và mạnh khoẻ. Mỗi khi nó chán nản, tôi lại nó với nó rằng nếu tôi đã có thể sống được ở ba lục địa thì cũng chẳng có chướng ngại vật nào mà nó không thể vượt qua. Trong khi các nhà du hành vũ trụ, những người anh hùng, trải qua vài giờ trên mặt trăng, tôi ở lại nơi thế giới mới này suốt ba mươi năm. Tôi biết những gì tôi đạt được là rất bình thường. Tôi không phải là người duy nhất đi tìm số phận của mình ở một nơi xa quê hương, và tất nhiên, tôi cũng không phải là người đầu tiên. Có những lúc tôi cảm thấy lúng túng trước mỗi dặm đường tôi đi qua, mỗi bữa tôi ăn, mỗi người tôi quen biết, mỗi căn phòng tôi ngủ trong đó. Dầu tất cả những điều này thật bình thường, nhưng đã có những lúc nào đó nó vượt quá sự tưởng tượng của tôi.  
(Người dịch: Đặng Tuyết Anh, in trong cuốn "Người dịch bệnh", Jhumpa Lahiri, Nhà xuất bản Lao động, 2004)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét