29 tháng 3 2013

LỤC ĐỊA THỨ BA, LỤC ĐỊA CUỐI CÙNG (Phần 2)


Vợ tôi tên là Mala. Cuộc hôn nhân do anh trai và chị dâu tôi sắp đặt. Tôi chấp nhận lời đề nghị không phản đối mà cũng chẳng nhiệt tình. Đó là một nghĩa vụ tôi phải làm, cũng như mọi người đàn ông khác. Cô là con gái một thầy giáo dạy ở Beleghata. Người ta bảo tôi cô có thể nấu nướng, thêu thùa, vẽ phác thảo tranh phong cảnh, đọc thơ Tago, nhưng những tài năng này không thể bù đắp lại một điều hiển nhiên là vẻ ngoài của cô không được khả ái cho lắm, và vì vậy nhiều người đàn ông đã từ chối cô. Cô hai bảy tuổi, lứa tuổi mà cha mẹ đã bắt đầu lo sợ rằng cô sẽ chẳng bao giờ lấy được chồng, vậy nên họ vui lòng cho đứa con duy nhất đi xa tới nửa vòng trái đất để cứu cô khỏi cảnh gái già.
Năm đêm chúng tôi nằm cùng giường. Hàng đêm, sau khi đã bôi kem và tết mái tóc được buộc ở phía dưới bằng một dải nơ màu đen, cô quay lưng lại phía tôi và khóc. Cô nhớ cha mẹ. Dù chỉ năm ngày nữa tôi đã rời khỏi đất nước này, nhưng theo phong tục giờ đây cô thuộc về gia đình nhà tôi và trong sáu tuần tiếp theo cô phải sống với anh trai và chị dâu tôi, nấu ăn, dọn dẹp, pha chè, đem bánh kẹo mời khách. Tôi chẳng hề làm gì để an ủi cô. Tôi nằm ở phía của mình trên chiếc giường, đọc cuốn sách hướng dẫn dưới ánh đèn pin và tưởng tượng về cuộc hành trình trước mắt. Thỉnh thoảng tôi nghĩ về căn phòng nhỏ của mẹ tôi trước kia phía bên kia bức tường. Giờ đây, căn phòng đó hoàn toàn bỏ trống; chiếc giường hẹp từng là giường ngủ của bà chất đầy những rương hòm và các bộ chăn ga cũ. Gần sáu năm trước, trước khi rời đi Luân Đôn, tôi đã phải chứng kiến bà nghịch phân trong những ngày cuối cùng của mình. Trước khi thiêu bà, tôi đã dùng chiếc cặp tóc khêu sạch từng kẽ móng tay cho bà, và rồi sau đó, vì anh trai tôi không thể làm nổi, tôi đã đảm nhận vai trò người con cả, đưa ngọn lửa chạm vào thái dương để giải thoát linh hồn đau khổ của bà về với thiên đường.

Sáng hôm sau tôi chuyển tới căn phòng trong ngôi nhà bà Croft. Lúc mở cửa tôi nhìn thấy bà đang ngồi trên chiếc ghế của cây đàn piano, vẫn chỗ chiều hôm trước. Bà vẫn mặc chiếc váy đen đó, chiếc áo trắng hồ bột đó, hai tay cũng khoanh trong lòng theo cách ngày hôm trước. Trông bà ta giống ngày hôm qua đến mức tôi tự hỏi không biết có phải bà đã ngồi cả đêm trên ghế. Tôi đưa vali của mình lên tầng, đổ đầy bình nước sôi trong bếp và đi làm. Chiều hôm đó, khi tôi đi làm về, bà vẫn còn ngồi đó.
- Ngồi xuống đây, chàng trai! – bà ta đập đập vào khoảng trống bên cạnh mình.
Tôi rón rén ngồi xuống cạnh bà. Tôi có một túi đồ bên mình, nhiều sữa hơn, nhiều đồ ăn bằng bột ngũ cốc hơn và nhiều chuối hơn vì lúc sáng khi vào bếp tôi chẳng hề thấy có nồi, chảo hay đồ để nấu nướng. Chỉ có hai chiếc chảo duy nhất trong tủ lạnh, cả hai đều đựng một thứ nước thịt màu vàng nào đó và một chiếc ấm đồng trên bếp.
- Chào bà, thưa bà.
Bà hỏi tôi đã kiểm tra khóa chưa và tôi trả lời rằng đã.
Bà im lặng giây lát. Rồi bỗng dưng bà tuyên bố với vẻ hoài nghi và thỏa mãn hệt như tối hôm trước.
- Có một lá cờ Mỹ trên mặt trăng, chàng trai ạ!
- Vâng, thưa bà.
- Một lá cờ Mỹ trên mặt trăng! Điều đó thật là tuyệt vời chứ hả?
Tôi gật đầu, sợ cái điều tôi biết là đang đến.
- Vâng, thưa bà.
- Hãy nói “Tuyệt vời”.
Lần này thì tôi dừng lại, nhìn xung quanh xem nhỡ có ai ở đây nghe thấy, dù rằng tôi biết rõ là ngôi nhà hoàn tòan vắng vẻ. Tôi cảm thấy mình như một thằng ngốc. Nhưng đó là một yêu cầu nhỏ nhặt.
- Tuyệt vời! - tôi gào lên.
Trong vòng vài ngày, điều này trở thành thông lệ của chúng tôi. Sáng sáng khi tôi đi đến thư viện, bà Croft hoặc còn trong phòng ngủ của mình ở phía bên kia cầu thang hoặc đang ngồi ở ghế nghe tin tức hay nhạc cổ điển trên đài. Nhưng buổi chiều khi tôi về đến nhà thì bao giờ cũng là việc đó: bà đập tay xuống ghế, ra lệnh cho tôi ngồi, tuyên bố rằng có một lá cờ Mỹ trên mặt trăng, tuyên bố rằng điều đó là tuyệt vời. Tôi nói điều đó là tuyệt vời rồi sau đó chúng tôi im lặng ngồi bên nhau. Dù chuyện đó thật khó chịu và dường như kéo dài bất tận đối với tôi nhưng thực ra những cuộc chạm trán tối tối chỉ kéo dài khoảng mười phút; sau đó bà mơ màng ngủ, đầu đột ngột gục xuống ngực, cho phép tôi được tự do đi về phòng mình. Tất nhiên vào lúc đó chẳng còn lá cờ nào trên mặt trăng nữa. Tôi đọc báo thấy viết những nhà du hành vũ trụ đã hạ lá cờ xuống trước khi bay trở về Trái đất. Nhưng tôi không đủ can đảm nói điều đó với bà.

Sáng thứ Sáu, khi đến kỳ trả tiền thuê nhà cho tuần đầu tiên, tôi đi tới chỗ cây đàn piano trong phòng khách và đặt tiền lên mép cây đàn. Những phím đàn đã mờ xỉn và mất màu. Tôi ấn thử lên một phím nhưng chẳng một âm thanh phát ra. Tôi đã đặt tám tờ 1 đôla vào phong bì và viết tên bà Croft lên trên đó. Tôi không có thói quen để mặc tiền đó. Từ chỗ mình đứng tôi có thể nhìn thấy chiếc váy hình cái nơm của bà. Bà đang ngồi trên ghế nghe đài. Có vẻ như không nhất thiết phải bắt bà đứng lên và đi cả đoạn đường tới chỗ cây đàn. Tôi chưa bao giờ thấy bà đi lại và do cây gậy ba toong luôn chống dựa vào chiếc bàn tròn cạnh bà, tôi cho rằng bà làm việc đó rất khó khăn. Khi tôi đến bên chiếc ghế, bà nhìn tôi chằm chằm và hỏi:
- Cậu có việc gì?
- Tiền thuê nhà, thưa bà.
- Đặt lên mép bên trên đàn piano!
- Tôi có tiền ở đây, - tôi chìa chiếc phòng bì ra cho bà nhưng những ngón tay đặt trong lòng bà không hề động đậy. Tôi hơi cúi người và đặt chiếc phong bì vào tay bà. Sau giây lát bà cầm lấy và gật đầu.
Tối đó, khi tôi về nhà bà không đập tay xuống ghế nữa. Dù không phải là thói quen nhưng tôi vẫn ngồi xuống bên bà như mọi khi. Bà hỏi tôi đã kiểm tra khóa cửa chưa nhưng không nhắc tới lá cờ trên mặt trăng nữa. Thay vào đó bà nói:
- Cậu rất tốt!
- Xin lỗi, thưa bà gì ạ?
- Cậu rất tốt!
Chiếc phong bì vẫn ở nguyên đó trong tay bà.

Ngày Chủ nhật có tiếng gõ cửa phòng tôi. Một người phụ nữ đứng tuổi tự giới thiệu là con  gái bà Croft, tên là Helen. Bà ta đi vào phòng tôi và nhìn các bức tường như thể tìm xem có sự thay đổi nào không, nhìn những chiếc áo treo trong tủ, những chiếc cà vạt treo trên nắm đấm cửa, hộp đồ ăn bằng bột ngũ cốc trong tủ com mốt, bát và thìa bẩn trong bồn rửa. Bà ta thấp, béo, tóc ngắn màu sáng bạc và tô môi hồng nhạt. Bà ta mặc chiếc váy mùa hè không tay, cổ đeo một chuỗi hạt nhựa màu trắng, cặp kính có dây đeo đung đưa trước ngực. Bắp chân bà ta đầy những mạch máu màu xanh đậm còn bắp tay thì nhẽo ra, chùng xuống. Bà ta nói với tôi bà sống ở Arlington, một thị trấn dọc theo đại lộ Massachussets đi tiếp lên.
- Mỗi tuần tôi tới đây một lần đem cho mẹ tôi đồ dùng. Bà ấy đã tống cổ anh đi chưa?
- Chưa, thưa bà.
- Một số cậu thanh niên thì vừa chạy vừa la hét. Nhưng tôi nghĩ mẹ tôi thích anh. Anh là người đầu tiên mẹ tôi gọi là quý ngài đấy.
- Tôi cũng không được như vậy mà.
Bà ta nhìn tôi, nhận thấy đôi chân trần của tôi (tôi vẫn còn cảm thấy chưa quen với việc đi giầy ở trong nhà và luôn bỏ chúng ra trước khi bước vào phòng mình).
- Anh mới đến Boston à?
- Mới đến Mỹ, thưa bà
- Từ đâu vậy? – bà ta nhướn đôi lông mày.
- Tôi từ Calcutta, Ấn Độ.
- Vậy ư? Chúng tôi có một thanh niên Brazil, khoảng một năm trước đây. Anh sẽ thấy Cambridge là một thành phố đa sắc tộc.
Tôi gật đầu và bắt đầu tự hỏi không biết cuộc truyện trò của chúng tôi sẽ kéo dài bao lâu. Nhưng đúng vào giây phút đó chúng tôi nghe thấy giọng bà Croft the thé vang lên ở cầu thang. Khi bước ra hành lang chúng tôi nghe thấy bà hét:
- Cô phải xuống đây ngay lập tức!
- Cái gì vậy? Bà Helen hét lại.
- Ngay lập tức!
Tôi xỏ chân vào giày. Bà Helen thở dài.
Chúng tôi đi xuống cầu thang. Cầu thang quá hẹp nên chúng tôi không thể đi cạnh nhau được vậy nên tôi đi sau bà Helen. Bà ta có vẻ như chẳng vội vàng gì và có một lúc nào đó kêu ca rằng đầu gối bị đau.
- Mẹ lại đi mà không chống gậy chứ gì? – bà Helen nói vọng xuống. – Mẹ biết mẹ không được phép đi lại không chống gậy cơ mà.
Bà ta dừng lại, đặt tay lên lan can và quay lại nhìn tôi: - Thỉnh thoảng mẹ tôi lại bị ngã.
Lần đầu tiên bà Croft có vẻ như bị tổn thương. Tôi hình dung bà trên nền nhà, bên cạnh chiếc ghế băng, nằm ngửa, nhìn lên trần nhà, hai chân về hai hướng. Nhưng khi chúng tôi xuống đến chân cầu thang bà đang ngồi ở đó như mọi khi, hai tay đặt trong lòng. Dưới chân bà là hai túi đồ. Khi chúng tôi đứng trước mặt bà, bà không vỗ tay lên ghế hay bảo chúng tôi ngồi xuống. Bà nhìn chúng tôi.
- Gì vậy mẹ?
- Như thế là không phải phép!
- Cái gì không phải phép?
- Không phải phép khi một người đàn bà và một quý ông chưa có vợ nói chuyện riêng với nhau mà không có người đi kèm!
Bà Helen nói bà ta đã sáu mươi tám tuổi, đủ già để là mẹ tôi, nhưng bà Croft khăng khăng rằng tôi và bà Helen cần phải nói chuyện với nhau ở dưới nhà, trong phòng khách. Bà còn nói thêm là một phụ nữ như bà Helen nói ra tuổi của mình và mặc váy cao hơn cổ chân cũng là không phải phép.
- Để mẹ biết, mẹ ạ, bây giờ là năm 1969 rồi. Mẹ sẽ làm gì nếu như có một hôm nào đó mẹ ra khỏi nhà và nhìn thấy một cô gái mặc váy ngắn?
Bà Croft khịt khịt mũi: - Mẹ sẽ báo công an bắt cô ta.
Bà Helen lắc đầu và nhặt một túi đồ. Tôi nhặt túi kia lên rồi đi theo bà ta qua phòng khách vào bếp. Hai chiếc túi đựng đầy những hộp súp. Bà Helen dùng cái mở hộp mở hết hộp này đến hộp khác. Bà ta đổ chỗ súp cũ trong chảo vào bồn rửa, tráng qua chiếc chảo dưới vòi nước, đổ súp từ những hộp mới mở vào chảo rồi lại đặt chúng vào tủ lạnh.
- Mấy năm trước mẹ tôi còn có thể tự mở hộp súp, - bà Helen nói. Bà ấy không thích là giờ đây tôi làm việc đó thay cho bà. Nhưng chiếc đàn piano đã làm hỏng tay bà ấy rồi.
Bà Helen đeo kính lên, nhìn tủ bát và trông thấy những gói chè của tôi.
- Chúng ta sẽ uống chè chứ?
Tôi đổ đầy nước vào ấm rồi đặt lên bếp.
- Xin lỗi bà, nhưng chiếc đàn piano làm sao?
- Ngày trước mẹ tôi dạy đàn. Suốt năm mươi năm. Bằng cách đó bà đã nuôi chúng tôi khôn lớn sau khi cha chúng tôi mất.
Bà Helen chống hai tay lên hông, nhìn chiếc tủ lạnh mở. Bà ta đưa tay vào sâu trong tủ, lấy ra một thanh bơ và vứt nó vào sọt rác.
- Cần phải thế, - bà ta nói và đặt những hộp súp chưa mở vào chạn bát.
Tôi ngồi ở bàn xem bà Helen rửa bát đĩa bẩn, buộc túi rác lại, tưới nước cho những cây cảnh phía trên bồn rửa và đổ nước sôi vào hai cốc. Bà ta đưa cho tôi một cốc không có sữa, dây gói chè lòng thòng bên ngoài. Sau đó bà ta cũng ngồi xuống bên bàn.
- Xin lỗi, thưa bà, nhưng như vậy đủ chưa?
Bà Helen uống một ngụm chè. Son môi bà ta để lại một vệt màu hồng ở rìa cốc phía trong. – Cái gì đủ?
- Súp trong nồi ấy, Như vậy đã đủ đồ ăn cho bà Croft chưa?
- Bà ấy không ăn gì khác cả. Bà ấy đã không còn ăn đồ rắn kể từ khi tròn một trăm tuổi. Đó là, để tôi nghĩ xem… ba năm trước.
Tôi sững sờ. Tôi vẫn nghĩ bà Croft khoảng tám mươi tuổi, có thể là chín mươi. Tôi chưa bao giờ gặp một người nào sống hơn một thế kỷ. Chuyện người đàn bà sống cô đơn này là bà góa càng làm tôi sững sờ hơn. Chính việc góa chồng đã khiến mẹ tôi sau đó phát điên. Cha tôi, thủ quỹ ở Bưu điện General của Calcullta chết vì bệnh viêm não khi tôi mười sáu tuổi. Mẹ tôi không thể quen được với cuộc sống không có ông; sau cái chết của ông bà rơi vào thế giới tối tăm mà cả tôi, cả anh tôi, cả những người thân thích, cả những bệnh viện tâm thần ở đại lộ Rashibihari đều không thể cứu được bà. Điều làm tôi đau đớn hơn cả là chứng kiến bà vô ý đến thế, nghe thấy bà ợ sau bữa ăn hay đánh rắm trước mặt đám đông mà chẳng mảy may lúng túng. Sau cái chết của cha tôi, anh tôi bỏ học và bắt đầu làm việc ở nhà máy đay, nơi anh cố gắng để nuôi nấng cả gia đình. Việc của tôi là ngồi bên mẹ, trông nom bà đồng thời ôn thi trong khi bà đếm đi đếm lại những chiếc vòng trên tay mình cứ như thể chúng là những hạt bàn tính. Chúng tôi cố gắng trông nom bà. Một lần bà đã nửa trần truồng đi lang thang tới tận bến xe lửa trước khi chúng tôi có thể đưa bà về.
- Tôi rất vui lòng đun lại súp cho bà Croft mỗi tối, - tôi đề nghị, lấy túi chè ra khỏi cốc của mình và xiết cho nước chảy ra hết. – Có đáng là gì đâu.
Bà Helen nhìn đồng hồ, đứng dậy và đổ chỗ chè còn lại trong cốc vào bồn rửa.
- Nếu là anh thì tôi sẽ không làm như vậy. Cái đó sẽ giết bà ấy mất.

Tối đó, khi bà Helen đã về Arlington và chỉ còn lại mình tôi cùng bà Croft, tôi bắt đầu cảm thấy lo lắng. Giờ đây, khi tôi biết bà bao nhiêu tuổi, tôi lo sợ rằng nhỡ có chuyện gì xảy ra với bà ban đêm hay ban ngày khi tôi đi vắng. Dù giọng bà còn đầy sinh lực và bà có vẻ độc đoán nhưng tôi biết thậm chí chỉ vết xước nhỏ hay cơn ho cũng có thể giết chết một người già như vậy; tôi biết, mỗi một ngày bà sống là một điều kỳ diệu. Dù bà Helen tỏ ra khá thân thiện, trong tôi vẫn có một phần nhỏ lo lắng rằng bà ta sẽ buộc tội tôi là vô tình nếu có chuyện gì đó xảy ra. Bà Helen hình như chẳng lo lắng gì. Bà ta đến rồi đi, mang súp đến cho bà Croft, Chủ ngật này tới Chủ nhật khác.
Cứ như vậy sáu tuần của mùa hè đó trôi qua. Chiều chiều, sau những giờ làm việc ở thư viện, tôi trở về nhà, ngồi vài phút trên chiếc ghế của cây đàn pinao với bà Croft. Tôi đem lại cho bà một chút tình bạn. Tôi quả quyết với bà rằng tôi đã kiểm tra khóa cửa, tôi nói với bà rằng lá cờ trên mặt trăng thật tuyệt vời. Có những tối tôi ngồi bên bà khá lâu sau khi bà đã mơ màng ngủ, vẫn còn kinh sợ chuyện bà đã sống lâu biết bao trên trái đất này. Thỉnh thoảng, tôi cố hình dung thế giới mà bà đã sinh ra vào năm 1866 – một thế giới mà tôi tưởng tượng đầy những người phụ nữ mặc váy dài đen và những cuộc chuyện trò tao nhã trong các phòng khách. Giờ đây, khi tôi nhìn đôi bàn tay bà với những khớp ngón tay phồng lên đặt trong lòng, tôi tưởng tượng ra chúng thon dài và mịn màng đang gõ vào những phím đàn piano. Thỉnh thoảng, trước khi đi ngủ tôi xuống dưới nhà để biết chắc bà còn ngồi thẳng thắn trên ghế hay an toàn trong phòng mình. Tôi chẳng thể làm gì hơn cho bà ngoài những cử chỉ quan tân nho nhỏ này. Tôi không phải là con trai bà và ngoài 8 đôla ra thì tôi chẳng nợ nần gì bà.
(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét