Tết
năm nay nhà mình đón ở nhà ông bà nội. Không thể nói là không vui, nhưng dù sao
mình vẫn nhớ nhà, nhớ bố mẹ, nhớ những cái Tết xưa. Thèm được ngồi uống rượu
với ông, được chắp tay trước bàn thờ ông bà, cùng ông ngồi trò chuyện trong lúc
chờ hương tàn. Lấy chồng xa là thế đấy. Mà chả cứ chồng xa, sáng nay thấy cô
cháu gái kêu ca trên facebook rằng đi sắm Tết cùng mẹ chồng, chợt gặp mẹ mình
lủi thủi một mình đi sắm Tết. Hic. Post lại bài này từ 2 năm trước lên đây, cho
mình, cho cô cháu gái mới đi lấy chồng và những người đang ở nhà chồng mà nhớ bố mẹ đẻ.
Dù nhiều người kêu ca
Tết giờ chẳng còn thú vị gì, mình chẳng thấy thế. Công việc chuẩn bị tốn của
mình khá nhiều thời gian, và vô số tiền nữa chứ, nhưng mình thật lòng
thấy vui khi chuẩn bị và biếu quà Tết. Bắt chước những gì mình thấy mẹ làm từ
những năm thơ ấu, năm nào cũng vậy, mình chuẩn bị quà cho họ hàng ở Hà Nội, bố
mẹ hai bên, các chị và một số bạn bè thân thiết. Năm nay mình gửi mua ở Cao
Bằng được ít nấm hương, mang đi biếu mọi người ở Hà Nội thấy thật thích. Mình
và chị tặng mẹ một chiếc áo dạ khá đắt, hơn 3.5tr., bà rất sung sướng. Đôi lúc
thấy cũng tốn, nhưng suy cho cùng thì mình có tiền để mua quà, lại có những
người rất yêu thương để tặng (hẳn nhiên, có những nơi không phải rất yêu thương
nhưng vẫn là những tình cảm quý mến), mình rất nên cảm ơn Thượng đế, nếu có một
ngài như thế, vì đã cho mình những điều đó.
Mình nhớ những cái Tết
khi còn bé. Cả mấy chị em mình được mẹ chỉ bảo cẩn thận việc chuẩn bị Tết.
Ngoài việc gói bánh chưng mà mình đã kể ở entry trước, mẹ còn dạy tụi mình vô
số việc khác. Nói chung, như mình nhớ, khi các chị mình mới chỉ đâu đó học cấp
III thì mẹ mình đã có thể giao phó mọi việc chuẩn bị Tết cho đám con gái. Trang
hoàng nhà cửa là điều hẳn nhiên, nhưng còn những việc khác như gói bánh chưng,
nấu thịt đông, nấu măng, muối hành, làm dưa góp, làm bánh ngọt… Thời buổi khó
khăn, bánh kẹo cũng hiếm, mẹ chuẩn bị bột mì, trứng… rồi trước Tết làm một mẻ
bánh quy để tiếp khách. Cảm ơn mẹ thật đảm đang và dạy dỗ chúng mình cẩn thận
nên mấy chị em khi đi ra ngoài luôn được khen ngợi. Khi không phải dịp Tết, lúc
có thời gian rỗi rãi, mẹ làm bánh phở, bánh cuốn, bánh mỳ, bánh rán, bánh ngọt…
cho tụi mình ăn, nhờ đó mà mấy chị em cũng biết làm. Còn nhớ ngày ở bên Nga, có
lần mình làm bánh rán và mọi người rất ngạc nhiên về chuyện tại sao mình lại
biết làm.
Bao nhiêu công việc
chuẩn bị tất bật, cuối cùng, chiều 30 Tết, mọi việc đã xong xuôi, cả nhà ngồi
ăn bữa cơm chiều tất niên. Bao giờ cũng phải đầy đủ những món như giò lụa và
giò hoa (thường là bố mình tự gói), nem, canh măng, gà luộc, dưa góp, dưa hành.
Bố mình còn hay ngâm rượu nho của nhà nữa. Bữa cơm chiều 30 thật ấm cúng. Cả
nhà ngồi rất lâu, chuyện trò. Tụi mình còn nhỏ cũng được nhấp rượu màu. Mà bây
giờ nghĩ lại, mình thấy thật là không bình đẳng giới mấy. Chiếc bàn ăn thấp,
chỉ cao độ 25cm, ghế cũng thấp. Mỗi người bao giờ cũng ngồi đúng chỗ của mình
trên những chiếc ghế thấp. Bố mình ngồi trên một cái ghế cao hơn hẳn. Hàng bên
này có mình ngồi cạnh bố, rồi đến Thực, mẹ ngồi đầu nồi. Hàng bên kia thì chị
Kiều ngồi cạnh bố, rồi đến chị Vân và chị Tú ngồi đầu nồi. Sau này, có lần mình
trêu bố, ông nói rằng ông ngồi cao chỉ đơn giản để gắp cho dễ. Hihi, không biết
có đúng thế không nhỉ?
Tụi mình hay cố thức đến
tận giao thừa để chờ đốt pháo và nghe pháo nổ, cố chú ý nghe xem pháo nhà nào
nổ giòn hơn, dài hơn. Trước cửa nhà mình là nhà chú Ruân và cô Hòa. Nhà có 3
cậu con trai liền, tự quấn pháp đùng nên pháo nhà đó nổ rất to. Bao thời gian
đã qua đi, ngày xưa, chú Ruân toàn nhận mình là con dâu, cô Hòa có lần còn cho
mình chiếc quần lụa cũ, thế mà cậu con cả của cô chú chỉ hơn mình 1 tuổi đã mất
cách đây mấy năm rồi. Bỗng dưng chiều nay nhắc lại chuyện cũ này tự dưng thấy
hơi buồn.
Ăn bữa tất niên xong một
lát, mẹ mình lại chuẩn bị một mâm cỗ cúng giao thừa, đơn giản hơn mâm cơm cúng
chiều 30 một chút. Thường thì chỉ có bố mẹ mình và “cậu cả” Thực ngồi nhấm nháp
chút ít sau khi hạ cỗ giao thừa, còn đám vịt giời tụi mình được “miễn lễ”. Đấy,
lại một ví dụ nữa của chuyện trọng nam khinh nữ trong nhà mình:).
Sáng mùng một Tết thì
nhẹ nhàng rồi. Tụi mình dậy muộn, thường là ăn đơn giản để lưng buổi sáng cả
nhà sẽ ra nhà bác Chỉnh (anh trai mẹ mình) để chúc Tết và ăn trưa luôn ở đó. Bố
hay nhắc tụi mình khai bút sáng mùng một, thường là trước cả bữa sáng. Mình vẫn
nhớ có lần nào đó mình viết thật nắn nót một bài thơ. Em Thực mình cũng thế,
các chị thì mình quên mất rồi. Tiếc thật, chả còn giữ lại cái gì làm kỷ niệm.
Bố mẹ cũng hay mừng tuổi tụi mình ngay sáng mùng Một nữa. Mình chẳng nhớ là có
nhiều hay không nhưng chỉ nhớ chắc chắn là rất vui. Cậu cả nhà mình chắc vụ này
giống mẹ, khư khư giữ tiền mừng tuổi và nói rằng điều cậu cả cảm thấy happy
nhất về Tết là tiền mừng tuổi. Vụ này sẽ có hẳn một entry sau, khi hai mẹ con
đã tổng kết xong các món thu, hehe.
Sau khi ăn trưa ở nhà
bác Chỉnh xong thì thường nhà mình chia nhóm. Bố hoặc mẹ sẽ phải về nhà để tiếp
khách, còn người kia đi chúc Tết một số bạn bè thân thiết. Các chị sẽ dần được
giải phóng để đi chơi với bạn bè. Mình thì chẳng có bạn bè gì nhiều ở Sapa, vì
toàn học ở Hà Nội, Tết mới về, nhưng nhớ rất rõ là các chị mình tha hồ đi cùng
đám bạn, cười đến vỡ đường, đến nỗi có lần mẹ mình bảo các chị cười ở tận cống
huyện (có lẽ cách nhà độ 400-500m) mà ở nhà cũng nghe thấy và mắng là con gái
vô duyên. Chị Kiều mình hồi cuối cấp II đã xinh lắm, mắt lúng liếng, sắc như
dao cau, khối chàng đánh đu. Lên cấp III càng xinh hơn, tóm lại là “giai theo”
cứ hàng đàn. Chị Vân chị Tú nhà mình thì kém cạnh một chút nhưng cũng chẳng
thiếu bạn. Mẹ mình lại thích diện cho con gái, có năm nào đó, hồi nhung đỏ là
mốt, chị Vân, chị Kiều, mỗi chị nguyên xi một bộ nhung đỏ, rồi kẻ mắt, đánh
phấn… Chỉ có mỗi mình, chẳng bạn bè gì, bạn trai lại càng không, mang tiếng học
ở Hà Nội mà luôn giản dị hơn các chị. Mình còn nhớ Tết năm nào đó, mình ở nhà
một mình với mẹ, đọc truyện Kiều cho mẹ nghe, vì mẹ mình mắt kém, thích lắm
nhưng không đọc được lâu.
Mấy ngày Tết các bà chị
mình chơi bời tá lả. Có khi đến tận mùng 5-6 Tết các chị vẫn còn mải mê. Hihi,
mấy bà chị mình đúng là “khiếp thiệt”. Giờ chồng con đề huề, “rửa tay gác kiếm”
hết rồi, nhưng ai cũng vẫn giữ được những mối quan hệ bạn bè thật thân thiết.
Chả thế mà mỗi lần về Hà Nội, chị Kiều chả có mấy thời gian dành cho mình, có
một anh bạn cũ vẫn nhiệt tình đón đưa, mời đi ăn… rất chu đáo.
Những ngày Tết năm nay
đối với mình cũng vui. Các con mình cũng tá lả chơi bời với anh chị em họ, hết
quê nội lại quê ngoại. Ở quê nội thì Tuấn có thêm một cậu bạn khá thân, mỗi lần
về cứ hết chơi ở nhà này lại chạy sang nhà kia. Ở quê ngoại thì khỏi nói rồi,
hai cạ cứng chẳng để em Tuấn buồn, chăm sóc chu đáo, đặc biệt là anh Hiếu nhà
bác Vân. Mong mỗi dịp Tết sẽ đong thêm cho các con những kỷ niệm ngọt ngào mới,
giúp các con thêm yêu cuộc sống. Chúc các con thêm một tuổi mới sẽ thêm ngoan
ngoãn, mạnh khỏe và học giỏi. Mẹ yêu các con.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét