Chúng tôi đợi hai ngày ở Than Uyên chờ
tìm ô tô để đi tiếp nhưng không được. Vậy là lại phải tính đi bộ.
Đoạn đường Than Uyên – Mù Căng Chải
dài 50km. Đoàn người đã tập hợp với nhau khoảng gần chục gia đình. Chúng tôi cứ
đi, mệt thì dừng lại nghỉ. Trưa dừng lại nấu cơm ăn, tối tìm lán ngủ qua đêm.
Trên cái xe đạp chúng tôi chằng buộc đồ đạc như xe thồ thời kháng chiến, cái
ghi đông được buộc dài ra để dễ lái. Sau yên có cọc cao để cầm đẩy, mọi hành lý
của cải đều chằng buộc lên xe. Chạy giặc mà đông vui, hát hò như thời dân quân
đi chiến dịch. Đường đèo mới lạ, trời xuân nắng dịu, tuy chạy giặc nhưng có
người có ta, lòng vẫn thấy thanh thản, nhất là cảnh vật đang mùa xuân, thật lấy
làm kỳ thú. Dọc đường từ Sapa đến ngã ba rẽ đi Bình Lư, hoa đỗ quyên nở vàng
nơi vách đá. Thời đó, cảnh môi trường vẫn đang còn nguyên sơ, thật phong phú.
Đoạn đường Than Uyên, hoa bưởi nở rộ, đâu đâu hương hoa bưởi cũng thơm ngào
ngạt. Từ Than Uyên, chúng tôi đi sang Mù Căng Chải, đoạn đường qua Tú Lệ, gần
xa là từng vòm hoa ban trắng, khắp phố, núi đồi cảnh vật thật nên thơ.
Ngày 28/2 đoàn đi được khoảng 30km.
Còn cách Mù Căng Chải hơn chục km thì đã chiều tà. Thấy có một lán rộng của
người dân tộc bỏ trống, sẵn gần nơi có nước, tất cả dừng lại, tính chuyện nấu
ăn, tìm chỗ ngủ, thực hiện câu nói: tối đâu là nhà, ngả đâu là giuờng.
Sáng hôm sau, dậy cơm nước xong chúng
tôi lại đi tiếp. Khoảng trưa thì chúng tôi đến thị trấn Mù Căng Chải. Đây là
huyện lỵ nên có Ủy ban huyện và trụ sở các ban ngành, có chợ, đa số là dân tộc
Mông sinh sống, có suối chảy bám theo ven đuờng. Vì trong đoàn có nhiều trẻ nhỏ
nên cả đoàn tính chuyện lưu lại đây, chờ đón được xe rồi đi tiếp. Chúng tôi vào
công an huyện xin liên hệ thuê xe giúp nhưng đợi đã ba ngày vẫn không được. Lúc
này đã là ngày 1 tháng Ba. Chúng tôi bàn tính lại, những người có xe đạp đi trước,
rồi đến Nghĩa Lộ hoặc đâu đó thuê được xe thì quay lại đón đàn bà trẻ con. 9
người đạp xe đi tiền trạm, khoảng qua Tú Lệ thì nghỉ lại vì nơi đây có kho
lương thực của nhà nước, dễ có xe. May sao, đến trưa có xe chạy qua về phía Mù
Căng Chải, vậy phải chờ xe quay lại. Nửa chiều, xe quay lại. Chúng tôi cử người
ra liên hệ, van nài, nói khó, nhờ xe quay về Mù Căng Chải đón các gia đình. Ở
đây, lần đầu và cũng là lần duy nhất trong đời, tôi đã phải dùng câu tôi cắn cỏ lạy anh giúp gia đình chúng tôi.
Sau khi ngã giá 15 đồng một người, chỉ
tính đầu người lớn, xe quay lại đón người nhà. Chúng tôi cử ông Đôn quay lại
thu xếp. Còn đoàn người có xe đạp lại tiếp tục đi. Độ nửa chiều thì xe đã đón
được tất cả mọi người và đuổi kịp đoàn xe đạp. Ông lái xe dừng lại cho mọi
người đi xe đạp lên và buộc xe đạp xung quanh thùng xe. Xe qua thị xã Nghĩa Lộ
và khoảng chín giờ tối thì về đến Yên Bái. Về sau, chúng tôi được biết ông lái
xe tên Trường, là con rể bà Hai Thành người Sapa. Vẫn cảm thấy ơn ông lái xe,
sau khi ổn định, những năm 1980, tôi đã tìm đến nhà ông ấy và nói lời cảm ơn
lần nữa.
Cảnh thị xã Yên Bái những ngày ấy cũng
xô bồ đông đúc không kém, bà con chạy loạn ùn lại cả nơi đây. Tất cả bà con tìm
nơi vỉa hè rộng rãi hoặc vào các nhà tập thể bỏ trống hay chợ để trú qua đêm.
Gia đình chúng tôi tìm vào chợ Yên Bái. Trời bắt đầu mưa phùn, nền chợ nhớp
nháp. Chúng tôi chen chúc, tìm được một nền xi măng, trải ny lông trú qua đêm.
Ông Đôn tìm vào nhà em ruột là cô Giảng, có chồng là ông Toàn, làm ở Sở nông
nghiệp, cách chợ khoảng 3km. Ông Đôn bảo cô Giảng nấu cơm nóng sốt đem ra chợ
cho gia đình chúng tôi dùng đêm hôm đó. Tình cảm bạn bè khi hoạn nạn thật đầm
ấm, thắm thiết.
Ga Yên Bái là ga đầu mối, lại là ga
chạy giặc nên rất đông và khó chen lên tàu. Tàu khi ấy chạy miễn vé cho dân
chạy loạn, chen chúc, hỗn loạn. May sao, gia đình tôi có chú Ký là công nhân
lái tàu đoạn đường sắt Hà Nội–Lao Cai, nên chú đã thu xếp để hai gia đình anh
chị Phương và nhà tôi có chỗ ngồi xuôi tàu về Hà Nội.
Chập chiều ngày 3 tháng Ba, chúng tôi
về đến Hà Nội. Tôi để tất cả ở lại ga, còn tôi một mình tìm về nhà cháu Túc ở
Tương Mai. Cháu nấu cơm đem ra cho mọi người. Sau khi cơm nước, chúng tôi lại
lên tàu về Thanh Hoá. Con chó theo về đến Hà Nội thì chuyển cho cháu Túc, không
ngờ Túc dắt được một đoạn nó không quen nên dứt dây buộc chạy mất. Thật tiếc
một con chó khôn ngoan đã được dạy dỗ, thật thân thiết, không biết rồi ra ai
tóm được và là kiếp vào nồi.
Ngày mùng 4 tháng 3 gia đình tôi về
đến Bỉm Sơn. Trời đã tạnh ráo. Tôi để vợ con lại nhà Yến Bài ở nông trường Hà
Trung cho vợ con nghỉ ngơi và giặt giũ. Một mình tôi đạp xe về quê báo tin cho
thầy mẹ ở quê nhà yên tâm. Thầy mẹ và bà con xiết nỗi vui mừng, thầy thở dài ra
nhẹ nhõm: Hôm nay thầy mới thật nhẹ lòng. Còn những hôm trước đó, chị Quang
xuống nhà có nói những nỗi lo lắng là chẳng thấy tin tức gì, thầy vẫn nói cứng
là chúng nó (ý nói cả anh chị Phương) đều đã lớn cả, biết đường tiến lui, có e
gì. Thật ra thầy gan dạ chẳng tỏ ra bên ngoài thôi.
Hôm sau, tôi lên Bỉm Sơn đón vợ con
về. Bà con đến thăm hỏi, anh Quỳ mang sang giúp một thúng gạo, anh Quy giúp một
thúng khoai. Ngoài ra, về vật chất chúng tôi không còn nợ ai nữa. Đến mùa gặt,
thầy bảo mang thóc sang giả nợ anh Quỳ và tương đương về thóc gửi giả bác Quy.
Tuy nhiên, về tình cảm bà con trong quê ai cũng bảo nếu thiếu thốn bảo họ sẽ
giúp. Về tiền nong, về đến nhà là chúng tôi cạn tiền ngay, ngay cả trang trải
tiền xe cũng xem như còn nợ chỗ ông Hiệp đoạn đi từ Sapa sang đến Than Uyên.
Cũng may là còn mang được cái đài rađiô National cỡ to, tôi liền mang ra Phát
Diệm, chỗ anh Tân, nhờ bán giúp, vay tiền trước để lấy cái chi tiêu. Sau anh
bán cho được 1000 đồng.
Trong thời gian ở nhà, vợ tôi làm nội
trợ, giúp mẹ tôi đi chợ mua thức ăn, mình tôi xông xáo lên huyện Trung Sơn (Sát
nhập hai huyện Nga Sơn và Hà Trung), và đạp xe lên tận tỉnh Thanh Hoá để vào
công ty lương thực xin trợ cấp lương thực cho người chạy nạn, tránh giặc Tàu.
Gia đình chúng tôi được chế độ mua ba tháng lương thực nhưng nhập tiêu chuẩn về
Phát Diệm, vì Phát Diệm là thị trấn, mọi việc dễ hơn quê nhà là nông thôn.
Đến cuối tháng ba, chúng tôi nghe đài
báo, được biết giặc đã rút khỏi Sapa, ra Lao Cai và rút quân về nước. Lắng nghe
thêm ít hôm nữa thì vợ chồng tôi để tất cả các cháu ở lại với ông bà, mò về Sapa
xem tình hình để thu xếp mọi viêc.
Chúng tôi theo tàu lên được ga cuối là
ga Phố Lu và từ đó đi bộ lên Cam Đường. Sau đó chúng tôi đi tiếp đường vòng từ
Cam Đường lên Cốc San, rồi theo đường quốc lộ đi Sapa.
Những người cũ của Sapa lần lượt trở
về, gặp nhau, chúng tôi kết đoàn đi cho vui và vững tâm. Đoàn đi khoảng bốn
chục người. Hôm đó chúng tôi đi đến tận khuya thì tới Tắc cô (Trung Chải). Chân
chồn gối mỏi, cả đoàn chia nhau vào căn nhà cũ khá lớn ở ven đường nghỉ đêm.
Tâm lý vẫn còn hoang mang, sợ sệt, sợ giặc vẫn còn quanh quẩn đâu đây, sợ cả kẻ
lưu manh, kẻ lòng dạ bất lương, lợi dụng lúc quân hồi vô lệnh, nên qua đêm
chúng tôi thấp thỏm ngủ không yên. Tiếng chó sủa trong bản, con đom đóm to bay
qua cửa sổ cũng khiến chúng tôi giật mình, nhất là cánh đàn bà. Thế rồi đêm
cũng qua, khoảng non trưa thì chúng tôi về đến thị trấn, ai về nhà nấy, tìm
hiểu tình hình nhà mình.
Lúc qua nhà cô Huệ ở Hà Nội, tôi đã
phòng sẵn một mảnh bao xác rắn để làm
chiếu, một cái nồi nhỏ để nấu cơm, còn về đến nhà sẽ tuỳ nghi tính tiếp.
Về nhà thì thấy nhà bị phá cửa trống hoác, hòm quần áo đồ dùng bị lục soát hết
lượt này qua lượt khác, gạo mỡ sạch banh, cái gì lấy được đều bị những người về
trước nhặt hết. Trước hết là lớp cán bộ huyện, huyện uỷ, lớp bộ đội về tiếp quản
(tiểu đoàn 7 của sư đoàn 316), rồi cán bộ xã thôn và dân quân tự vệ. Thật ra
toàn là cán bộ và dân ta cả, quân Tàu nó không thèm lèm nhèm lấy cái gì của
dân. Về sau, tự bà con phát hiện đồ dùng của nhà mình hoặc ở nhà này hoặc ở nhà
kia. Chính ở xóm tôi, sau người ta phát hiện ra một tay huyện uỷ viên (tay Phạm
Hàm sau lên phó bí thư huyện uỷ) về trước đã thu thập khá nhiều của cải của bà
con xóm làng, nào là phích nước, rất nhiều chén bát, ngay cả cuốc xẻng. Sau tôi
chỉ bảo giả lại cho nhà tôi một cái xà beng và đôi thùng gánh nước để cảnh cáo.
Và từ đó tôi cạch không thèm tiếp xúc, trò chuyện nữa.
Ôi, quân Tàu tràn sang Sapa 4 ngày 3
đêm. Của cải mất mát, nhưng cái mất lớn nhất là làm tha hoá lớp cán bộ, mất
lòng tin ở nhau, cháy nhà ra mặt chuột.
Hai vợ chồng về nhà, thu dọn, quét
tước lại nhà cửa, sang hợp tác đăng ký lại công việc, rồi một mình tôi ở lại
trông nhà còn vợ tôi về quê thu xếp cho các con. Thực chưa đi học, chúng tôi
cho ở lại trong quê, cùng Vân Anh đi học ở trường của xã. Tuyết Anh được đưa ra
Hà Nội ở cùng cô Huệ đi học vì lúc này Tuyết Anh còn quá bé để đi bộ xuống
trường của xã cách nhà trên 2km. Còn Tú Anh và Thuý Anh theo mẹ lên Sapa.
Cuộc sống ổn định trở lại. Vợ tôi theo
tổ cán mỳ còn tôi lại bị phân sang tổ nề, công việc qua ngày để bảo đảm lẽ sinh
nhai trong Hợp tác xã.
Sau khi chạy Tàu về, rất may mảnh vườn
trồng đương quy lấy hạt giống vẫn còn, được chăm sóc tốt và cuối năm 1979 chúng
tôi thu được trên 2kg hạt, thành tiền là trên 1000 đồng, lại tu sửa được nhà
cửa và có tiền chi tiêu cho gia đình và các con ăn học.
Sau đợt chạy Tàu, nhiều bà con đã bỏ
Sapa để về xuôi. Trong thời gian này, tôi chuyển hạt giống cây thuốc về vùng
Đông Mỹ, Phát Diệm và quê nhà và cũng có tư tưởng chuyển gia đình về Phát Diệm
để gần thầy mẹ và cũng là để tránh xa vùng biên giới Trung quốc. Gia đình anh
chị Phương đã chuyển hẳn về Bỉm Sơn, bắt đầu buôn bán vặt và sau ít năm đã khá
hẳn lên, mua được đất khá rộng, đủ cho các con cháu làm nhà ở quay quần với
nhau. Anh chị đã xây được nhà, tuy chỉ là nhà cấp bốn nhưng cũng khá khang
trang, ngăn nắp.
Hết hè năm 1979 sang năm học mới, vì
muốn tính chuyện về Phát Diệm nên chúng tôi đã chuyển Vân Anh ra Phát Diệm học,
ở nhờ nhà anh chị Tân năm học 1979-1980. Đầu năm 1980, thầy tôi mất, Vân Anh do
ở Phát Diệm nên đã có mặt ngày đưa tang thầy.
Do vợ tôi không đồng tình nên việc
chuyển về Phát Diệm không thành. Năm học 1980-1981, chúng tôi lại chuyển Vân
Anh về Sapa. Tuyết Anh học ở Hà Nội hết năm lớp một, sang gần hết nửa học kỳ 1
lớp 2 thì chuyển về Sapa để còn có thể tham gia cơm nước, đỡ đần gia đình. Còn
Thực đã về Sapa từ cuối năm 1979 vì để ở quê đi chơi linh tinh ông nói không
được, mà ông thì cụt chân nên không theo cháu được. Vậy là từ giữa năm 1980,
tất cả gia đình tôi lại tập hợp đầy đủ, ổn định cuộc sống gia đình.