24 tháng 9 2023

NHẬT KÝ NEPAL_05_CHẠM TRÁI TIM VÀO EVEREST!

 

Thực ra mình không quá xa lạ với núi tuyết. Ngày sống ở bên Nga mình đã có cơ hội đi thăm Elbrus, ngọn núi cao thứ hai ở châu Âu, bước chân trên những lớp băng vĩnh cửu tầng tầng lớp lớp và chụp những kiểu ảnh đứng trên băng như thể đang đứng trên những đám mây bồng bềnh. Dù thế, Everest vẫn cuốn hút mình. Đọc một số bài viết về dịch vụ bay ngắm núi Everest mình quyết định chơi lớn 😊 – mua vé bay một chuyến như vậy, dù rằng giá vé khá chát – 240 đô cho 1 tiếng bay, tức 4 đô/1 phút ngồi máy bay ngắm cảnh. Mình chả mua sắm gì suốt cả chuyến đi (thực ra cũng chả có nhu cầu mua sắm gì) và mình thà không mua gì để chi tiền cho trải nghiệm này. Hơi băn khoăn về sự an toàn của những chuyến bay đến gần núi Everest, mình lọ mọ tra thêm. May quá, những tai nạn máy bay như vậy rất hiếm hoi, đại để xác suất cũng chỉ như những chuyến mình vẫn bay thôi. Nếu trời mưa hay mây nhiều, không ngắm được thì người ta sẽ hoàn lại tiền. Okela, quyết!

Những chuyến bay mùa này bay bằng máy bay thương mại cỡ nhỏ, loại 50 -70 chỗ mà người ta sẽ chỉ bán những vé cạnh cửa sổ để ngắm núi tuyết. Từ tháng 10 trở đi sẽ có thêm dịch vụ bằng máy bay trực thăng, giá vé đắt hơn tương đối, hình như khoảng 1000 đô. Vì được thiết kế để ngắm nắng sớm nên các chuyến bay đều sớm – 6.15, và như vậy mình phải dậy sao cho 5h kém 15 xuất phát từ khách sạn. Lúc mình ra đến sân bay mới hơn 5h chút xíu. Sân bay nội địa nhỏ xíu, chủ yếu là khách du lịch nước ngoài, trong đó đám đi ngắm cảnh như mình khá đông, hôm mình đi có tới 3 chuyến. Ngồi chờ rất lâu thì tụi mình được gọi ra máy bay. Những chiếc xe ô tô chở khách ra máy bay cũ kỹ, mùi xăng nồng nặc.

Kể ra leo lên một chiếc máy bay nhỏ xíu như vậy cũng hơi run. Chiếc của mình có 12 hàng, mỗi hàng 4 ghế, và hàng dưới cùng 2 ghế, tổng cộng có 25 vé được bán ra. Mình ngồi ở hàng cuối cùng, số ghế 13A. Máy bay cất cánh và toàn bộ thung lũng Kathmandu có thể được thu vào tầm mắt. Bao quanh thung lũng là núi non trùng điệp, màu vẫn còn xanh lắm. Không biết có phải do nữ thần giữ gìn mà rừng còn xanh đến thế. Nếu vậy mình cũng muốn ở Việt Nam có nữ thần, kakaka.

Máy bay sẽ bay dọc theo chiều dài của dãy Himalaya một đoạn, ngang qua những đỉnh chính rồi vòng lại để hành khách ngồi bên nào cũng sẽ có cơ hội ngắm các đỉnh núi tuyết. Bạn tiếp viên phát cho mỗi hành khách một tờ bản đồ đánh dấu chỉ rõ những đỉnh núi nên chú ý, và cứ mỗi khi bay gần đến đó thì bạn ấy sẽ đến bên từng người, chỉ cho biết đâu là ngọn núi đó trong số rất nhiều những ngọn núi chỉ cao thấp hơn nhau một chút xíu. Nepal sở hữu 8 trong số 14 đỉnh cao nhất của dãy Himalaya, vậy nên với họ những thứ như Phanxiphan nhà mình chỉ được coi là đồi thôi 😊. Mình chả thể nhớ được tên đỉnh nào ngoài Everest và cũng không có ý định tìm hiểu sâu nên chỉ mải mê dán mắt vào dãy núi trắng hùng vĩ xa xa kia – một vẻ đẹp đến ngạt thở. Nếu bay từ Nepal đi Lhasa (Tây Tạng) hoặc Bhutan thì máy bay sẽ bay ngang qua dãy núi, chắc hẳn sẽ còn được chiêm ngưỡng nhiều cảnh kỳ thú hơn nữa. Nhưng với những máy bay thương mại nhỏ thế này, độ bay thấp, họ không thể đến gần núi hơn do vấn đề an toàn, càng không thể bay bên trên dãy núi do đó chính là đường biên giới với Trung Quốc. Ngắm nhìn dãy núi, mình nhớ đến cuốn sách “Con đường mây trắng” của Govinda (đối với mình, đến tận giờ đây vẫn là cuốn sách thú vị nhất về Phật giáo Tây Tạng và những bí ấn của vùng đất này), đặc biệt đoạn mô tả cảnh ông đi ngựa qua một con đèo ở độ cao khoảng 6000m của dãy Himalya từ Srilanka vào Tây Tạng năm 1947, hành trình qua những tu viện Phật giáo, sống hơn ba tháng ở một nơi giống hang động hơn là nhà ở để nghiên cứu và chép lại những bức bích họa của một ngôi đền, nơi lạnh đến mức nước chỉ vừa rót ra ít phút thì đã đóng băng. Và hành trình của ông vượt dãy Himalay để trở về Ấn độ. Vừa ngắm dãy núi tuyết trắng trùng trùng điệp điệp, mình tự hỏi sức mạnh bí hiểm nào đã giúp ông vượt qua những cung đường, những gian khổ như vậy từ cách đây tới hơn 2/3 thế kỷ.

Người Nepal tin rằng các vị thần của họ ngự ở trên đỉnh núi. Có phải vì họ có nhiều nơi cho thần linh
trú ngụ mà họ có nhiều các vị thần
đến vậy? Hay chính các vị thần đã ban tặng cho họ những ngọn núi tuyệt vời đến như thế?


Những rặng núi phủ tuyết trắng trùng trùng điệp điệp, đẹp đến ngạt thở và bên dưới là bồng bềnh mây trắng khiến mình như trôi trong một giấc mơ

Chặng về mình không được ngắm núi tuyết nữa mà chỉ được ngắm mây và những ngọn núi xanh mướt cây cối chầm chậm trôi qua bên dưới. Khoảng 7.30 mình đã về lại đến sân bay và chưa đến 8h thì đã có mặt ở khách sạn, ăn sáng để chuẩn bị cho ngày lang thang cuối cùng ở Kathmandu.

Kathmandu nằm trong thung lũng, vậy nên bốn bề là núi, vẫn còn được rừng che phủ xanh mướt

Thế là mình đã có một chuyến đi đến Nepal thật nhiều cảm xúc. Dù mình chẳng đặt được bước chân nào lên chặng đường leo núi – nói cho sang mồm ấy mà, chứ thực ra dân không chuyên thường chỉ đi bộ đến những nơi gọi là base camp, tức các trạm ở chân núi. Và mình không mơ đến chuyện một lúc nào đó leo gì hết, chẳng bao giờ mình có thể chạm tay vào Everest, thì sáng hôm ấy, trái tim mình đã chạm tới Everest, khi mình cảm nhận sự vĩ đại dường nào của thiên nhiên, sự vô cùng vô tận của vũ trụ mà Đấng tạo hóa đã ưu ái cho mình có cơ hội được nhìn thấy. Mình định bắt chước giới trẻ, ngửa lòng bàn tay để chụp hình ảnh dãy núi nằm gọn trong lòng bàn tay nhỏ bé hoặc để bàn tay úp chạm một ngón tay vào đỉnh núi. Ý định không thành vì ánh sáng không cho phép, chắc cả vì không biết cách nữa. Vậy nhưng chắc chắn trái tim mình đã chạm vào Everest rồi!


23 tháng 9 2023

NHẬT KÝ NEPAL_04_ẤN ĐỘ GIÁO VÀ PHẬT GIÁO, TẠI SAO LẠI PHẢI PHÂN BIỆT?

Cùng với ba khu cố đô, những danh lam khác của Kathmandu được liệt kê trong danh sách di sản văn hóa vật thể của UNESCO bao gồm Boudhanath – đại diện cho trường phái Phật giáo Tây Tạng và Swayambhunath (còn được gọi là Monkey Temple/Đền Khỉ, đơn giản vì ở đó có nhiều khỉ) đại diện cho Phật giáo Newar (Đây là tên gọi của những cư dân bản địa của thung lũng Kathmandu). Phật giáo và Ấn độ giáo ở Nepal hòa quyện chặt chẽ. Nepal vừa có ngôi đền thiêng nhất trong Ấn độ giáo (đấy là theo ý kiến của người Nepal, có thể người Ấn độ không nghĩ vậy 😊) Pashupatinath, – lại vừa là quê hương của Đức Phật – thành phố Lumbini/Lâm tì ni, vừa có Bảo tháp Boudhanath.

Bảo tháp Swayambhunath hay Đền Khỉ là một ví dụ tuyệt vời về sự pha trộn và hòa hợp đến kinh ngạc giữa Ấn độ giáo và Phật giáo. Bảo tháp/Ngôi đền nằm cách trung tâm thành phố vài km, trên một ngọn đồi mà từ đó có thể nhìn thấy trọn vẹn toàn bộ thung lũng Kathmandu bên dưới. Hôm mình đến đang là ngày cuối của một lễ hội, đền thờ rất đông, và theo lời anh chàng hướng dẫn viên, ở đây ngày nào chả là lễ hội, hôm nay kết thúc lễ hội này thì ngày mai là lễ hội khác ý mà. Có lẽ thế thật, vì ngay sau đó, khi mình rời Đền Khỉ đến Patan Durbar Square thì cũng gặp ngay ở đó một lễ hội khác, người ta chăng bạt và có phần biểu diễn văn nghệ kéo dài suốt thời gian mình ngồi ăn trưa rồi lang thang ở bảo tàng ngay cạnh đó, chắc phải đến hai tiếng chưa hết. Các cô gái Nepal múa đẹp tuyệt vời, những động tác múa bụng rất dẻo như trong những bộ phim Ấn độ ngày xưa. Nhạc Nepal cũng những giai điệu na ná. Và ngoài đường thì mình chả phân biệt được phụ nữ Nepal và Ấn độ vì họ mặc đồ khá giống nhau.

Đền Khỉ hôm mình đến đông nghẹt người đi lễ, chả rõ là người Nepal hay người Ấn độ. Một bảo tháp thờ Phật nằm ở chính giữa ngôi đền với mái vòm trắng và tháp vàng lấp lánh có thể nhìn thấy từ xa nhiều km. Bảo tháp là một địa điểm hành hương quan trọng của các tín đồ Phật giáo từ thế kỷ thứ 5. Bảo tháp có 4 mặt, và ở mỗi mặt đều có một đôi mắt lớn, bên trên là một con mắt thứ ba của Đức Phật. Ngay cạnh bảo tháp là một loạt các đền thờ và các đền đài nhỏ khác trong đó có cả ngôi đền thờ thần Shiva của Ấn độ giáo. Không chỉ người theo Phật giáo coi đây là một địa điểm linh thiêng, người Ấn độ giáo cũng coi đây là địa điểm linh thiêng. Anh chàng hướng dẫn viên bảo mình, tại sao lại phải phân biệt Ấn độ giáo hay Phật giáo, chúng tôi tôn kính cả hai và chúng tôi có thể cầu nguyện ở đền thờ nào cũng được. Câu chuyện qua lại một hồi và mình kết luận, nhưng rõ ràng đến khi chết thì mỗi người sẽ phải đứng về phía một tôn giáo nào đó, vì nếu ai theo Phật giáo thì sẽ muốn được hỏa thiêu ở một địa điểm không phải là đền Pashupatinath, còn người theo Ấn độ giáo thì rất muốn được hỏa thiêu ở đó, đúng không? Anh chàng công nhận.

Ngay bên cạnh bảo tháp kiến trúc chóp tròn là đền thờ với mái vòm hai tầng đặc trưng của Nepal và nhiều các điện thờ nhỏ
Cách bảo tháp vài bước chân người ta đang xếp hàng rất dài để được vào đền thờ thần Shiva!
Lọt vào giữa một lễ hội nhỏ ở Đền Khỉ
Lọt vào một lễ hội khác ở Patan Durbar Square và xin được tấm hình với cô gái trong trang phục của người Newar. 

Tương tự như vậy, khi mình đến thăm Bảo tháp Boudhanath, nơi được coi là một trong những chốn linh thiêng bậc nhất của Phật giáo thì ở đó cũng tràn ngập người Nepal. Cô đồng nghiệp người Nepal, người tự nhận mình theo Ấn độ giáo cho biết người Nepal theo Ấn độ giáo cũng coi đây là địa điểm linh thiêng và thường đến để cầu nguyện. Bảo tháp Boudhanath đại diện cho trường phái Mật tông Tây Tạng. Do những biến đổi của thời cuộc, khá nhiều người Tây Tạng đã phải di cư sang Nepal, họ sống thành một khu ở gần Bảo tháp Boudhanath, buôn bán, làm ăn và thực hành tôn giáo ở đây. Bảo tháp khá lớn, có đường kính khoảng 100m và chiều cao 36m. Dòng người đông đúc đi vòng quanh bảo tháp theo chiều kim đồng hồ, vừa đi vừa quay các bánh luân xa được gắn vòng quanh chân bảo tháp, chắc hẳn với niềm tin sâu xa rằng các năng lực cao đẹp được tập trung trong lúc hình thành một bánh luân xa sẽ bám giữ trong thể vật chất của vật đó, theo một cách nào đó, được động viên và trao truyền lại cho người quay nó. Cũng giống như bảo tháp Swayambhunath, trên bốn mặt của thân bảo tháp Boudhanath đều có hình đôi mắt to lớn của Đức Phật dõi nhìn và bên trên trán là con mắt thứ ba, được coi là con mắt của trí huệ do tu tập mà có. Và đỉnh chóp của tháp là mái vàng được mạ vàng kết hợp với lọng, mang biểu tượng của sự cao quý.

Bảo tháp nổi lên trên nền trời chiều
Ảnh bảo tháp: chôm trên mạng

Dù tháng 9 vẫn là mùa mưa, mình đã may mắn không gặp mưa nhiều trong những ngày ở đây. Hôm đến thăm Bảo tháp Boudhanath, sau khi đi một vòng quanh bảo tháp, ngắm trọn vẹn từ mọi hướng, vòng thứ hai mình dành thời gian cho các cửa hàng phần lớn bán đồ Tây Tạng san sát đứng cạnh nhau dọc theo con đường đi vòng quanh bảo tháp. Mình dễ dàng phân biệt được những người đàn bà Tây Tạng do thường họ có khuôn mặt tròn xoe và quần áo dân tộc khác biệt. Những người đàn ông Tây Tạng thì mình chỉ phân biệt được nếu họ mặc quần áo dân tộc. Các cửa hàng bán đồ lưu niệm như bánh luân xa, bát hát/singing ball, đồ bạc, khăn casơmia và đặc biệt rất nhiều cửa hàng bán tranh đường ca/thanka, cho mình tha hồ được ngắm. Cô bạn đồng nghiệp người Nepal tỏ ý tặng mình một bức, mình chân thành cảm ơn nhưng nói mình không thể treo được, cô bạn bảo, không sao, tớ sẽ treo ở nhà mình. Đấy, người theo Ấn độ giáo và sẵn lòng treo tranh Phật giáo trong nhà. Một ví dụ rất rõ nét về sự hòa hợp của hai tôn giáo trong xã hội Nepal.

Trong một lớp học vẽ tranh thanka
Rất nhiều cửa hàng bán tranh thanka, một loại tranh thờ mà giờ đã bị thương mại hóa
Cửa hàng bán đồ lưu niệm

Một đất nước với những phong tục rất độc đáo, ngày nào cũng có một lễ hội nào đó. Chắc vì thế người dân cần nhiều ngày nghỉ và trên thực tế họ có tới 36 ngày nghỉ chính thức mỗi năm. Vụ này thì ghen tỵ với các đồng nghiệp Nepal quá. Thêm cả ngày nghỉ lễ của Mỹ nữa thì có lẽ các bạn ấy có tới 40 ngày nghỉ mỗi năm ý chứ. Một đất nước mà ông vua (và kể từ 2008 họ không còn vua nữa thì thủ tướng) theo Ấn độ giáo lại cần được ban phước bởi một Kumari xuất thân từ dòng họ của thái tử Tất Đạt Đa hay chính là Đức Phật sau này. Đối với người Nepal, Chủ Nhật là ngày đầu tiên trong tuần. Cuối tuần của họ bắt đầu từ chiều thứ Sáu cho đến hết thứ Bảy. Đây cũng là đất nước duy nhất mà quốc kỳ không phải hình vuông hay chữ nhật mà là hai hình tam giác chồng lên nhau nữa. Chắc mình phải ở thêm một đôi tuần nữa mới khám phá được hết những nét độc đáo của đất nước này 😊

Chiếc xe chở đoàn cán bộ của chính phủ Mỹ đi tham quan :)
Phương tiện phổ biến ở Kathmandu. Nhìn thế này là đoán được hạ tầng giao thông thế nào rồi 

 

17 tháng 9 2023

NHẬT KÝ NEPAL_03_NAMASTE, KUMARI!/XIN CHÀO NỮ THẦN!

Truyền thống thờ nữ thần sống, trong tiếng Nepal gọi là Kumari, được bắt đầu từ thế kỷ 18, vào triều đại nhà Malla. Theo truyền thuyết, nhà vua cuối cùng của triều đại Malla thường có giấc mơ gặp nữ thần Taleju và chơi cờ với nữ thần. Một đêm nhà vua nảy lòng dục với nữ thần, khiến nữ thần nổi giận, nhắn rằng sẽ không quay lại và triều đại này sẽ diệt vong. Nhà vua nhận ra lỗi lầm, tha thiết cầu xin nữ thần tha thứ và tiếp tục bảo vệ cho vương quốc. Cuối cùng, nữ thần ban cho nhà vua đặc ân rằng bà sẽ xuất hiện dưới hình hài một bé gái còn tinh khiết/chưa từng chảy máu từ bất kể vết xước nào. Đồng thời cô bé đó phải xuất thân từ dòng dõi gia tộc Shakya, gia tộc đã sinh ra thái tử Tất Đạt Đa. Truyền thống được bắt đầu như vậy.

Ngoài xuất thân từ dòng dõi cao sang, các nữ thần còn được tuyển chọn hết sức khắt khe dựa trên 32 dấu hiệu/tiêu chí như về mắt, làn da, tính tình... từ khi mới ở độ tuổi 3-5 và khi được chọn sẽ phải rời xa gia đình vào sống trong đền. Khi kỳ kinh đầu tiên xảy ra, hoặc trong trường hợp bạo bệnh, các nữ thần sẽ hết nhiệm kỳ, trở lại với gia đình, trở lại với cuộc sống bình thường.

Người dân tin rằng các nữ thần có sức mạnh rất lớn. Khi mình hỏi một đôi bạn đồng nghiệp, tức những người có thể coi là trí thức, câu trả lời là nữ thần ngày nay mang tính biểu tượng nhiều hơn, nhưng với vô vàn người dân thường ngoài kia, có lẽ họ không nghĩ vậy. Trong suốt lịch sử kể từ khi truyền thống Kumari được khởi đầu, tất cả các vị vua đều phụ thuộc rất lớn vào việc có được Kumari ban phước, tức chấm một dấu đỏ gọi là tikka lên trán hay không. Và không một ai có thể ép buộc Kamuri ban phước, vậy nên nếu Kamuri không ban phước cho nhà vua, điều đó báo hiệu một tai họa. Ví dụ được người dân nhớ rõ là năm 1954, vua Tribhuvan đã cùng hoàng tử Mahendar tới Kumari Chen (nơi ở của Kumari) để xin dấu tikka nhưng Kumari chỉ ban dấu cho hoàng tử mà không ban cho nhà vua. Ngay trong năm đó vị vua chết ở tuổi 49 vì bệnh tim và hoàng tử Mahendra lên ngôi. Hoàng tử trở thành nhà vua Mahendra và chết vào năm 1971, khi ông không kịp xuất hiện để xin dấu tikka vào dịp lễ hội Kumari Jatra của năm. Cậu hướng dẫn viên còn bảo mình, trong số các kiến trúc ở Kathmandu Square, nhờ có sức mạnh của nữ thần mà Kumari Chen hầu như không bị hư hại gì trong trận động đất năm 2015.

Câu chuyện về nữ thần sống khiến mình rất tò mò và muốn tìm mọi cách để được nhìn thấy nữ thần sống khi đến Kathmandu trong chuyến đi này. Không chỉ có một nữ thần mà có tới 7, có sách nói thậm chí là 10 nữ thần sống ở các khu vực khác nhau trong toàn bộ thung lũng Kathmandu, nhưng nữ thần hoàng cung – the Roayl Kumari, sống tại Kathmandu Durbar Square là nữ thần nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng lớn nhất. Quy định đối với Kumari ở mỗi nơi cũng khác. Ở Bhaktapur Square Kumari sống trong ngôi đền cạnh cung điện 55 cửa sổ. Việc chụp ảnh ngôi đền đó dù từ xa, hay chụp dòng ghi chú ở bức tường trong khuôn viên trước cửa đền cũng là không được phép, vậy nên làm gì có chuyện được nhìn thấy hay gặp nữ thần. Nữ thần ở Kathamandu Square thì xuất hiện hàng ngày trong một khoảng thời gian vô cùng ngắn ngủi và du khách phải căn thời gian cẩn thận nếu muốn được nhìn thấy nữ thần. Trong lúc lang thang trên mạng mình đọc được một bài viết nói về việc có thể đến thăm, thậm chí chụp ảnh cùng nữ thần sống ở Patan Square. Vì vậy, lên kế hoạch cho ngày cuối cùng ở Kathmandu, mình nhấn mạnh với cậu hướng dẫn viên rằng ưu tiên của mình là được nhìn thấy hoặc gặp Kumari. Trong bữa liên hoan chia tay tối hôm trước, khi cô bạn đồng nghiệp hỏi kế hoạch của mình cho ngày cuối cùng rảnh rỗi ở Kathmandu, nghe bảo mình muốn đi gặp Kamuri, và mình sẽ đứng chầu chực dưới sân, nếu mãi nữ thần không xuất hiện thì mình sẽ hét toáng lên “Namaste, Kumari! Namaste, Kumari!/Xin chào nữ thần! Xin chào nữ thần!” cô ấy phì cười bảo, tớ rất thích cách suy nghĩ của cậu. Hihi, chi tiết này mình bắt chước một bạn trên mạng ý mà, chứ mình chưa kịp nghĩ ra 😊.

Đến Kathmandu Square lúc hơn 10.30, mình bảo cậu hướng dẫn mình muốn chờ ở Kumari Chen để không bỏ lỡ dịp duy nhất trong ngày nữ thần xuất hiện, thường vào khoảng 11.00. Kumari Chen về cơ bản giống như những khu khác trong cố cung, là một tòa nhà kín bốn mặt, trong đó có một mặt có lối ra, các mặt khác thì chỉ có cầu thang đi lên các tầng 2 và 3, tất cả hướng vào một chiếc sân rộng khoảng 60m2. Kumari sẽ xuất hiện ở ô cửa sổ nhỏ trên tầng 3. Trong sân có tấm biển ghi “Tuyệt đối cấm chụp ảnh Kumari!”. Đến gần 11h thì khoảng sân nhỏ chỉ rộng khoảng 60m2 đã khá đông, mình đếm được khoảng 100 người, phần lớn là khách du lịch phương Tây và hướng dẫn viên. Một người đàn ông trẻ đứng từ ô cửa sổ trên tầng 3 nói đi nói lại, Không được chụp ảnh, cất hết máy ảnh đi! Mọi người cũng tự giác bảo nhau cất hết và ngước mắt lên chờ đợi. Mình chờ khá lâu, có lẽ khoảng 11.10 gì đó thì nữ thần hiện ra trên khung cửa. Một khuôn mặt xinh đẹp hình trái xoan, mặt và tóc đều trang điểm cầu kỳ, đặc biệt là đôi mắt được kẻ rất dài sang hai bên và trang phục màu đỏ. Khuôn mặt hoàn toàn không có một biểu cảm nào, và đó cũng là yêu cầu bắt buộc. Kumari tuyệt đối không được giao tiếp với người ngoài, không được biểu lộ bất cứ tình cảm nào trên khuôn mặt. Kumari mà buồn bực hoặc giận dữ thì đó sẽ là điềm rất xấu. Kumari chỉ ra khỏi nơi ở trong những dịp lễ hội, một năm không quá 15 ngày và mỗi khi ra ngoài chân không được chạm đất, luôn phải được khiêng bằng kiệu hoặc bế. Kumari hiện thời, tên là Trishna Shakya, bắt đầu nhiệm kỳ năm 2017, khi cô bé 5 tuổi, tức hôm nay, khi mình thấy thì cô bé 11 tuổi. Đám khách du lịch tò mò được chiêm ngưỡng Kumari trong khoảng 5-7 giây và sau đó nữ thần trở lui vào phòng, đám khách du lịch tản đi, để rồi hôm sau lại có đám khác đến đứng dưới khung cửa sổ chờ đợi. Và đó cũng là những giây phút duy nhất trong ngày khi Kumari được nhìn thoáng ra thế giới bên ngoài.   

Kumari hoàng gia sống tại khu vực Kathmandu Durbar Square. Bức ảnh này có lẽ được chụp trong một lễ hội và khi đó Kumari được trang điểm với con mắt thứ ba ở giữa trán
Mình đang đứng chờ đây, trong khoảnh sân nhỏ của Kumari Chen, bốn phía đều là các dãy nhà với nhiều phòng nhỏ, và một lát nữa thì Kumari sẽ xuất hiện vài giây ngắn ngủi từ khung cửa sổ tầng 3

Ở Patan thì lại khác, Kumari sống trong một ngôi nhà nhỏ cách khu vực cung điện và đền đài chính khoảng 500m. Cậu hướng dẫn viên dặn mình khi thấy Kumari thì chắp tay, cúi đầu để xin tikka, thậm chí có thể xin chụp ảnh cùng Kumari. Thế nếu tôi không muốn xin dấu tikka thì sao? Không sao cả. Okie, vậy tôi sẽ chỉ chắp tay nói Namaste/Xin chào thôi và xin chụp một kiểu ảnh. Nữ thần của cậu mà, có phải của tôi đâu, mình nghĩ thầm. Ngôi đền của Kumari, giống như mọi kiến trúc khác, từ bên ngoài có thể thấy được trang trí, trạm trổ rất cầu kỳ, cũng là kiến trúc nhà bốn mặt nhìn vào khoảng sân chung. Mình thấy cậu ấy chuẩn bị một ít tiền nên cũng chuẩn bị theo. Một người phụ nữ, là người chăm sóc Kumari, xuất hiện từ cửa sổ tầng hai, sau đôi câu trao đổi thì cậu hướng dẫn viên bảo mình đi lên đó. Tụi mình bỏ dép, bước vào một khung cửa nhỏ, bên trong có cầu thang hẹp và tối dẫn lên tầng hai. Một tấm rèm đã cũ, cáu bẩn che cánh cửa chỗ đầu cầu thang tầng hai. Cậu hướng dẫn viên vén tấm màn, chờ đợi. Chút xíu thì có người đàn ông mang ra một chiếc chậu và bình nước, rót cho bọn mình rửa tay rồi dẫn tụi mình vào căn phòng nhỏ tiếp theo. Căn phòng nơi Kumari tiếp khách khá nhỏ, chắc chỉ hơn chục mét. Tấm thảm trải sàn màu đỏ, rất bẩn, có lẽ hàng thế kỷ chưa giặt, thêm tàn hương và đủ mọi thứ vương trên đó. Cậu hướng dẫn viên nhắc mình ngồi bắt chân kiểu kiết già hoặc bán kiết già. Đối diện chỗ mình ngồi là một chiếc ghế bành đỏ được coi là ngai của Kumira, bọc đệm đỏ và cũng cáu bẩn như mọi vật dụng khác trong căn phòng. Bên dưới chân ngai là vài chiếc đĩa nhỏ đựng đồ đã cúng xong còn để đó – quả chuối, hạt đỗ, tàn hương và những thứ gì gì nữa. Ngay sát bên phải ngai là vài món đồ - chiếc chậu nhựa nhỏ, mấy món đồ lặt vặt khác vứt lỏng chỏng. Các cửa sổ ở đây bằng gỗ, chỉ có những ô thoáng rất nhỏ, mang lại cho căn phòng ánh sáng yếu ớt. Ít phút sau người phụ nữ bế Kumari ra đặt lên ngai, chân Kamuri đặt vào chiếc chậu phía bên dưới. Cậu hướng dẫn viên tiến lên, cung kính quỳ lạy hôn chân Kumari. Kumari chấm tay vào chiếc đĩa đựng phẩm đỏ rồi chấm lên trán cậu hướng dẫn viên. Chờ cậu hướng dẫn viên lui xuống thì mình tiến lên, đặt một ít tiền vào chiếc đĩa ở gần chân Kumari và xin phép chụp một kiểu ảnh. Người chăm sóc giải thích Kumari cần có thời gian và không gian riêng tư và bế Kumari vào phòng. Tất cả diễn ra trong khoảng 2-3’. Vẫn là một khuôn mặt không chút biểu cảm, nhưng vì nhìn gần hơn, liệu có phải mình thấy cô bé có đôi mắt rất buồn?

Kumari tại cố đô Patan. Ánh sáng trong căn phòng rất yếu và thời gian không cho phép nên mình vội vàng đưa máy lên xin phép bấm một kiểu.
Nơi mình đến thăm Kumari ở Patan đây

Tò mò đến thế và giờ thì mình đã được nhìn thấy Kumari rồi đấy. Không chỉ là 5 giây thoáng qua khung cửa sổ mà tận mặt luôn. Thăm cả phòng tiếp khách, phần nào biết Kumari sống thế nào nữa. Nếu là một bà mẹ Nepal có lẽ mình cũng giống các bà mẹ khác, vô cùng tự hào khi con gái được chọn làm nữ thần sống. Nhưng vì mình không phải bà mẹ Nepal, nên mình chỉ thấy thương các cô bé. Một tuổi thơ bị tước đoạt, báo trước một tương lai đầy thử thách khi các em hết nhiệm kỳ, quay trở lại với cuộc sống thông thường. Và trộm nghĩ thêm, sự thịnh vượng của một đất nước phụ thuộc vào các Kumari như thế này ư? Có phải vì thế mà Nepal vẫn còn nghèo đói đến thế? Mình thương các cô bé, mình thương cả đất nước Nepal. Nhưng họ có cần mình thương không, hay mình đây mới đáng được thương nhỉ?

Nói thêm, ba khu cố đô - Kathmandu Durbar Square, Bhaktapur Durbar Square và Patan Durbar Square đều được xây dựng vào cùng một thời điểm nên kiến trúc có khá nhiều điểm chung. Bên cạnh các tòa cung điện dành cho gia đình hoàng gia là rất nhiều đền thờ.

Đôi góc trong cung điện ở Kathmandu Durbar Square
Đặc điểm chung là những đường nét chạm trổ tinh xảo. Cửa sổ chỉ có các ô thoáng rất nhỏ để kẻ thù khó lọt vào qua đường đó.
Ngôi đền này rất lớn, kiểu mái đặc trưng nằm sát cạnh cung điện trên Kathmandu Durbar Square nhưng mỗi năm chỉ mở cửa một ngày. 
Một ngôi đền nhỏ trong quần thể tại Kathmandu Durbar Square
Bên tay trái là các ngôi đền, tay phải là cung điện tại Patan Durbar Square.

Ngôi đền bằng đá thờ thần Krishna tại Patan Durbar Square
Ngôi đền này không thờ vị thần nào, mà do các hoàng tử xây để tưởng nhớ 8 bà vợ của nhà vua bị hỏa táng theo khi vua chết, nằm ngay sát cạnh các ngôi đền khác



15 tháng 9 2023

NHẬT KÝ NEPAL_02_LẠC BƯỚC THỜI GIAN Ở BHAKTAPUR – THÀNH PHỐ CỦA NHỮNG NGƯỜI MỘ ĐẠO

 Nằm trọn vẹn trong thung lũng Kathmandu là ba thành phố/ba cố đô cổ - Kathmandu, PatanBhaktapur. Ba cố đô này từng là nơi trị vì của các vương triều khác nhau, mỗi cố đô có một khu quảng trường, bao quanh là các cung điện và đền đài mà các sách du lịch gọi là Durbar Square hay có nghĩa là Quảng trường cung điện. Bhaktapur, trong tiếng Nepal có nghĩa là thành phố của những người mộ đạo nằm cách trung tâm Kathmandu khoảng 13km.

Rời ngôi đền thiêng Pashupatinath, mình mất thêm khoảng 30 phút và đến Bhaktapur vào khoảng hơn 10h trong một buổi sáng Chủ nhật nắng đẹp, trời mát mẻ vì Kathmandu nằm ở độ cao khoảng 1400m, thuộc khu vực ôn đới, lại đang vào cuối mùa mưa. Bhaktapur hiện ra như trong một câu chuyện cổ - một bảo tàng của nghệ thuật và kiến trúc. Những tường gạch mang màu đỏ thẫm của thời gian, những đền, tháp hình dáng riêng của xứ sở này vươn lên trên bầu trời xanh ngắt. Khu cung điện và các đền đài cổ xưa được xây dựng lần đầu tiên từ thế kỷ 15 (một số nguồn trên Internet thì nói được xây lần đầu tiên từ thế kỷ 3-5 gì đó), sau đó được xây dựng thêm và được sử dụng cho đến cuối thế kỷ 18, khi vương quốc cổ này bị xâm chiếm. Khu cố đô khá lớn, cổng tham quan dẫn thẳng vào khu cung điện chính với điểm nhấn là Cung điện 55 cửa sổ và Cổng vàng. Nếu như đặc điểm của Tử Cấm Thành là hoành tráng, tầng tầng lớp lớp các cung điện hiện ra khi từ ngoài đi vào, lần lượt qua hết sân này đến sân khác, các bậc đá sân rồng màu trắng và rất to, thì điểm khác biệt của các cung điện ở Kathmandu là sự tinh xảo. 

Cung điện 55 cửa số

Cung điện 55 cửa sổ từng là nơi ở của 55 bà vợ của vua với mỗi ô cửa sổ là môt phòng dành cho một bà. Trải qua bao thời gian và những lần trùng tu, lần gần nhất sau trận động đất năm 2015, những ô cửa gỗ giờ có màu nâu sẫm, với những nét chạm trổ rất tinh mà nếu để ý có thể phân biệt đâu là những miếng/tấm/thanh mới được trùng tu/thêm vào, và những chỗ đã có từ xa xưa. 

Cánh cổng vàng đây. Hic, điện thoại của mình lởm quá, nên hình ảnh chẳng thể hiện được hết vẻ đẹp

Cánh cổng vàng được trang trí cực kỳ đẹp với các họa tiết bằng đồng mạ vàng của Garuda, con vật cưỡi của thần Vishnu, các stupa cách điệu, sư tử, voi... cùng tượng nhỏ 4 đầu 10 tay của thần Taleiju, vị thần bảo hộ của vương triều Malla. Cánh cổng được xây dựng từ thế kỷ 17, có tuổi đời hơn 400 năm. Cánh cổng vàng dẫn vào cung điện 55 cửa sổ, nối tiếp cạnh đó là ngôi đền thiêng của người Hindu, mà như thường lệ người ngoại đạo không được bước chân vào. Mình đứng từ xa ngoài cổng vào đền, thèm thuồng nhìn vào bên trong với những cây cột, cửa, cửa sổ, các chi tiết trong điện thờ, tất cả được chạm trổ rất cầu kỳ trên gỗ.

Quần thể khu cung điện khá rộng, các con đường nhỏ xíu kết nối 4 quảng trường với nhau, mà ở mỗi một quảng trường lại có các kiến trúc, đền đài. Vô vàn các đền đài thờ các vị thần mà dù rất cố mình cũng chả thể nào nhớ được tên ngoài đôi ba cái tên quen thuộc – Vishnu, Shiva, Krisna, Taleju Bhawani...

Bhaktapur nhìn từ trên cao (Ảnh: Chôm trên mạng)
Quảng trường chính của hoàng cung với đền Vatsala

Đền Nyatapola thờ nữ thần Shiddhilaxmi
Dọc một hành lang của cung điện

Kiểu cửa gỗ và cửa sổ đặc trưng cho các cung điện ở Kathmandu

Khác với nhiều nơi, khi đền chùa/cung điện thường tách biệt hơn khỏi cuộc sống thường ngày, ở Bhaktapur cuộc sống len lỏi vào tận nơi từng là cố đô. Dọc các con đường nhỏ xíu kết nối các quảng trường và các khu là nhà ở, nhà hàng, cửa hàng bán đồ lưu niệm. Những ngôi nhà/cửa hàng/quán trọ nhỏ, có cái trông sáng sủa nhưng nhiều chỗ khá luộm thuộm, xe máy phóng vèo vèo qua các con phố/ngõ hẹp và cả quảng trường. Xe ô tô cũng đi vào đây luôn và nếu gặp xe ô tô thì ở nhiều đoạn người đi bộ sẽ phải nép vào để nhường cho chiếc xe nhỏ xíu đi qua được. Những chiếc xe cũ kỹ, thường do Ấn độ sản xuất, đến cả biển số cũng ghi theo chữ/số Nepal, hoàn toàn khác với hệ số thông thường. Bọn mình bảo nhau, đến cả số còn chả thèm theo thế giới thì phát triển thế quái nào được. Một số ngôi nhà xung quanh quảng trường cũng đồng thời là nhà hàng/cửa hàng. Cuộc sống thường ngày và di tích đan xen, tạo nên một nét độc đáo. Một điều khiến mình ngạc nhiên nữa là ở các ngã ba thường hay có một gian nhà trống một một mặt, thậm chí có thể trống cả hai hoặc ba mặt. Kể cả những gian nhà đó trông cũng cổ, vẫn những cột gỗ và các riềm trang trí cầu kỳ. Những người Nepal đến đó ngồi chơi cờ, tán chuyện.

Một địa điểm nghỉ ngơi của người dân, mấy người đàn ông đang đánh cờ

Một con phố nhỏ len lỏi ngay giữa khu bảo tồn

Khung cửa sổ con công, được so sánh như Mona Lisa của Nepal nằm ngay trên con phố nhỏ. Anh chủ tiệm bán hàng lưu niệm nhiệt tình mời mình lên tầng 2 để từ đó ngắm cho rõ và chụp ảnh tốt hơn.

Hơn hai tiếng dạo quanh Bhaktapur, mình như lạc vào một thế giới nào khác, hư hư thực thực. Giây phút này mình chả cần cậu mèo máy Doremon nào cả, mình đang trôi vào quá khứ ở chính nơi đây rồi. Mình cứ tự hỏi, tại sao mà cách đây tới 400 năm người ta đã có thể xây dựng được những đền đài đẹp đến như vậy. Và lại còn giữ được đến tận bây giờ, cho mình được lạc vào không gian cổ xưa đó, dù chỉ trong một buổi sáng ngắn ngủi. Và nếu gọi Bhaktapur là thành phố của những người mộ đạo thì điều đó dễ dàng được minh chứng bằng số lượng rất lớn các đền thờ, các vị thần, lễ hội và hình ảnh người dân cung kính. Mình hỏi bạn đồng nghiệp, trong tôn giáo của các bạn có quy định những ngày nào phải đến đền thờ không, các bạn có cầu nguyện hàng ngày không. Câu trả lời là ở văn phòng có một phòng để cầu nguyện, có người cầu nguyện sáng tối hàng ngày, có người không, cũng không có quy định về việc đến đền thờ, nhưng đối với chúng tôi đó là văn hóa hàng ngày.

Dù Bhaktapur vô cùng độc đáo, lộng lẫy và trang nghiêm, dù mình đã được chiêm ngưỡng rất rất nhiều đền đài, các kiến trúc khác nhau, cái lớn cái nhỏ, cái nào cũng khiến mình choáng ngợp, cậu hướng dẫn viên bảo, yên tâm, còn nhiều thứ để xem lắm!


12 tháng 9 2023

NHẬT KÝ NEPAL_01_AI RỒI CŨNG LÊN THIÊN ĐƯỜNG!

Kể từ khi dịch bộ phim Hình ảnh huyền bí, nghệ thuật thiêng liêng năm 2010, một bộ phim nói về tranh đường ca/thangka xuất phát tại Nepal vào thế kỷ 11, rồi khi đọc cuốn Con đường mây trắng của Govinda cũng vào thời gian 2010-2011 gì đó, mình đã mơ một lúc nào đó được đến khu vực Nepal và Tây Tạng, khám phá nền văn hóa độc đáo của khu vực này. Dù vậy, chưa khi nào mình có thể đi, vì luôn có những ưu tiên cần làm trước, chủ yếu liên quan đến bọn trẻ. Trong thời gian làm cho Aus4Skills, chứng kiến một cậu người Úc thường xuyên bay đến Nepal, mình ghen tỵ lắm, nhưng dự án chỗ mình đâu có gì liên quan đến Nepal nên mình hoàn toàn không có cơ hội. Thật may, lần này thì cơ duyên đã đến khi mình được cử đi dự một hội thảo ở Nepal.

Đường chim bay từ Hà Nội đến Kathmandu không quá xa. Khổ nỗi, chả có chim nào bay thẳng như vậy được, kiểu gì cũng phải bay qua Thái Lan, Sing, Malaysia hoặc Ấn Độ. Và như vậy chim đi máy bay thường phải bay xuôi rồi lại ngược lên, vòng vèo mất tới hơn 10 tiếng mới đến được Kathmandu. Nếu tính thêm thời gian ra sân bay sớm theo quy định và thời gian transit nữa thì tổng cộng mất khoảng 15 tiếng từ khi rời khỏi nhà cho tới khi check in được vào khách sạn. Vậy là gần nửa đêm tối thứ Bảy, sau hơn 15 tiếng trên đường, trong đó có khoảng gần 6 tiếng chết dí trong một chỗ ngồi rất chật chội trên một chiếc máy bay nhỏ xíu của Singapore Airlines thì mình được hạ cánh xuống Nepal.

Sân bay Tribhuvan nhỏ xíu, là mấy dãy nhà hai tầng gạch đỏ mà từ các bức tường đến gạch lát nền đều đã khá cũ. Mình đã điền đơn xin visa online từ mấy hôm trước, giờ chỉ còn nộp lệ phí và lấy visa. Mọi thủ tục diễn ra nhanh gọn nên chỉ khoảng 20' mình đã qua hết các cửa. Sân bay khá gần trung tâm thành phố và sau khoảng 20’ nữa thì bọn mình đã về đến khách sạn Shanker, một tòa nhà trước kia là cung điện, được xây vào đầu thế kỷ 20 theo phong cách thuộc địa Anh (dù Nepal không từng là thuộc địa) kết hợp với các chi tiết trang trí của văn hóa địa phương, nhìn từ bên ngoài rất trang nhã nhưng nội thất bên trong cũ kỹ, phòng tắm nhỏ xiu và toàn bộ khách sạn lắt léo như một cái mê cung.

Thủ đô Kathmandu có tới 7 địa danh được liệt kê trong danh sách di sản của UNESCO. Được trọn vẹn một ngày Chủ nhật rảnh rỗi, phải tranh thủ thôi. Điểm đến đầu tiên của bọn mình là Đền thờ Pashupatinath, một tổ hợp đền thờ được coi là thánh địa thiêng liêng của những người theo Ấn độ giáo, thờ thần Shiva và được xây dựng vào thế kỷ 17. Tổ hợp đền thờ nằm dọc con sông Bagmati, là nơi linh thiêng để thiêu người chết, vậy nên ở đó luôn luôn có các đống củi chất sẵn chờ sử dụng. Lúc bọn mình đến thì có một đống đang cháy. Cậu hướng dẫn viên giải thích rằng người theo Ấn độ giáo ai cũng muốn được thiêu ở đây vì ở nơi này họ gần các thần linh hơn và dễ dàng được lên thiên đàng. Mình trêu bảo, hoặc địa ngục. Cậu chàng xua tay, không không, đây là địa ngục rồi, ai rồi cũng lên thiên đàng hết 😊. Mình đã dịch trọn vẹn một bộ phim về nghi lễ hỏa thiêu của người Ấn độ và khá tò mò về nghi lễ đó, thì đây, bây giờ mình đã được chứng kiến tận mắt. Dòng sông thiêng Bagmati thực ra chỉ như một con suối, chiều rộng chắc khoảng 10-15m, nước rất nông, chỗ nông chắc đến đầu gối, chỗ sâu cũng chả quá bụng, bẩn thỉu, ô nhiễm vô cùng. Cứ thiêu xong một người là họ gạt hết cả tro và gỗ cháy dở xuống sông, và cách đó mấy chục mét ngược lên phía trên thì nhiều tín đồ đang tắm trước khi vào ngôi đền thiêng, là nơi chỉ dành riêng cho các tín đồ Ấn độ giáo, bọn mình không được phép vào. Quãng sông ngắn nơi các tín đồ tắm cũng là nơi người chết sẽ được làm nghi lễ bằng cách nhúng thi thể người chết, hoặc đơn giản hơn nhúng đôi chân xuống nước để tẩy rửa mọi tội lỗi trước khi mang đi hỏa thiêu. Bọn mình không sang bờ sông bên đó mà leo các bậc thang lên khu đồi phía đối diện, từ trên cao nhìn xuống dòng sông, ngôi đền và những đám thiêu. Chốc chốc các cơn gió mang lại một mùi khó tả, chắc hẳn là mùi thiêu người chết hòa trong mùi nhang khói và các loại cây cỏ riêng biệt dùng khi thiêu người chết.

Khu đền nhìn từ xa, với các đống củi chất trên các ô dùng để thiêu người phía bên kia con sông thiêng 

Toàn bộ tổ hợp đền khá rộng nhưng bọn mình không được vào khu đền chính. Thực ra nếu họ có cho vào thì mình cũng ngại ngần, vì ở con đường hẹp chạy dài bên ngoài đền chính, ngoài hai đám đang thiêu, lúc đứng từ trên cao nhìn xuống mình thấy người ta mang một xác khác đi thiêu, đơn giản đặt trên một chiếc cáng hẹp, phủ vải trắng. Để so sánh thì khu vực đó có lẽ không khác nhà tang lễ bao nhiêu. Và mặc dù khuôn viên toàn bộ khu đó khá rộng nhưng khoảng cách giữa đền thờ chính và nhà dân có lẽ hẹp, vậy nên đứng từ trên cao nhìn xuống, ngay phía sau đền thờ là những ngôi nhà dân lô nhô, lộn xộn, rất khác với những đền thờ mình gặp ở Myanmar, luôn luôn tách biệt, vươn lên đẹp đẽ.

Các bậc thang lên quả đồi phía đối diện đền chính. Dọc theo bên đường là các tháp nhỏ, phần lớn cũng thờ thần Shiva

Khu đền chính nhìn từ trên cao
Tín đồ tắm trước khi vào đền (Ảnh chôm trên mạng)

Trong khu đền có thể dễ dàng bắt gặp các sadhu – mà bạn hướng dẫn viên giải thích đó là các tu sỹ sống cuộc sống khổ hạnh, được tôn sùng và coi như thánh sống. Nếu muốn chụp ảnh với các sadhu thì phải trả tiền. No, cảm ơn, mình vốn rất ít quan tâm đến việc chụp ảnh cùng người này người nọ, nên tất nhiên chẳng hứng thú gì, không kể là nhìn các sadhu bôi màu đỏ vàng lên mặt, tóc tai như rễ tre, ngồi bệt trên bệ đá, chân tay nhìn cáu bẩn, thật sự không muốn đến gần. Mình hỏi cậu hướng dẫn viên, họ sống cuộc sống khổ hạnh và được coi như thánh sống, thế tại sao họ lại ra đây ngồi kiếm tiền. Không có câu trả lời, kakaka.



Hình ảnh một sadhu đây. Mình chôm ảnh trên mạng, vì mình thấy có gì đó sai sai nếu cho tiền thánh để chụp ảnh thánh :)

Ôi, thế kỷ nào rồi mà còn mông muội thế này nhỉ. Mình rùng mình nghĩ đến chuyện người ta có thể rất thoải mái khi tắm ở nơi ô nhiễm thế này. Điều đó cho thấy một trình độ dân trí rất thấp. Số lượng trẻ em thất học, nghèo đói rất cao, và sau thảm họa động đất năm 2015 thì số lượng trẻ em bị bán làm nô lệ tăng vọt. Y tế vô cùng nghèo nàn và lạc hậu. Cơ sở hạ tầng vô cùng tệ, có lẽ là như Việt Nam những năm 80 - số km đường bộ rất khiêm tốn và vào mùa mưa thì rất nhiều nơi sẽ không sử dụng được. Vậy nên ban đầu, khi google mình đã ngạc nhiên khi biết rằng đoạn đường Pokhara - Kathmandu chỉ có 200km mà đi xe bus mất tới 6-7 tiếng. Trải nghiệm 15' ở Kathmandu là liên tưởng được ngay - những chiêc xe bus cũ kỹ, không có điều hòa, những con đường ngoằn nghèo bé tý, cảm giác hai xe tránh nhau còn chật vật, và vì giao thông ngược với ở Việt Nam (người lái ngồi bên phải, xe chạy ở làn đường bên trái) nên thường xuyên có cảm giác thót tim. Hay cậu hướng dẫn viên nói đúng, với nhiều người, cuộc sống nào có khác gì địa ngục?? Mình hỏi cậu ấy, vậy ở những nơi không ở cạnh dòng sông thì thiêu xong rồi làm thế nào. Làng nào của chúng tôi cũng cạnh một dòng sông hết, chúng tôi có hơn 8000 con sông. Và mình cũng được biết thêm họ có rất ít nghĩa địa. Tới 80% dân số theo Ấn độ giáo, toàn thiêu thế này, đâu cần chôn. Vả lại núi đầy, cần thì có chỗ ngay, cậu ấy bảo thế. Ừ, được chôn trên một sườn núi cao, hướng ra những ngọn núi tuyết đẹp tuyệt vời của dãy Himalaya hùng vĩ thì nếu nghĩ đó là thiên đường cũng không sai! Thế thì ai cũng lên thiên đường cả, đúng quá rồi còn gì :)


11 tháng 9 2023

KHI CON GÁI NGHỈ HÈ_02

 

Vậy là con gái ở nhà đã được tròn 3 tháng. Đây là mùa hè cuối cùng con ở nhà lâu thế này, nếu mọi việc suôn sẻ thì chỉ tháng 8 sang năm con đi rồi. Vả lại, các con mỗi ngày mỗi lớn, mẹ sẽ không còn được thấy các con ở lứa tuổi này nữa.

Trừ hơn một tuần ở trên Sapa thăm bà là được nghỉ ngơi thực sự, toàn bộ thời gian còn lại, tiếng là nghỉ hè nhưng con rất bận. Các buổi diễn nối tiếp nhau khá dày, thường 2-3 buổi/tháng, rồi có những hoạt động khác nữa, vậy nên con thường xuyên bận rộn. Có hôm con xin phép ngủ lại bên nhà cũ vì con tham gia một sự kiện về văn hóa Nhật bản nào đó. Một hôm khác thì sau bữa ăn tối, con xin phép sang Hà Nội và ngủ lại nhà cũ, vì học sinh của con mai biểu diễn, em ấy chưa tự tin, vừa gọi cho con, muốn con luyện cùng thêm một lúc. Đi tập cả ngày, vừa đi cả tiếng về đến nhà, ăn được bữa tối lại phải đi. Mẹ xót nàng lắm, nhưng mẹ biết không ngăn nổi nàng. Vậy nên mẹ đành phải nghĩ, con vui là tốt rồi. Và như vậy chẳng phải là con rất có trách nhiệm trong công việc hay sao.

Gần đến 2/9 mẹ rủ rê hai anh em đi nghỉ, vì cả mùa hè mà mấy mẹ con không thể thu xếp lịch đi nghỉ cùng nhau, cún bảo, mùng 2/9 con diễn rồi, con không đi được đâu. Thấy mẹ xị mặt, nàng bảo, biết làm sao được, nghệ sỹ là như thế. Hic, đành vậy chứ biết làm sao. Bù lại hôm đó mẹ báo cho bà, rồi trước giờ truyền hình trực tiếp thì bà gọi điện cho tất cả các bác để cả nhà cùng xem chương trình Điều còn mãi. Con chỉ là một nhạc công trong dàn nhạc lớn, hình ảnh con chỉ lướt qua lúc này lúc khác nhưng chỉ như vậy cũng đủ để bà ngất ngây. Mẹ trêu, bà sung sướng, tự hào không. Bà bảo, có chứ, bà tự hào đã đẻ ra đứa con giỏi giang để nó nuôi dạy nên đứa cháu giỏi giang cho bà, thế là bà quá giỏi còn gì, kakaka. Vụ này thì do bà nghe mẹ kể mẹ trêu con, hỏi con rằng mẹ có giỏi không, đố con đẻ và nuôi dạy được một đứa con như mẹ nuôi dạy con đấy. Con đồng tình, đúng là khó thật 😊. Sau buổi diễn ngày 2/9 thì hôm sau nàng được một hôm ở nhà ngủ vùi đến trưa, nghỉ ngơi sau cả quãng thời gian dài hết chương trình này đến chương trình khác mà cùng lúc đó vẫn phải luyện các bài để chuẩn bị cho việc nộp đơn vào đại học. Hình như cả mùa hè con chỉ được ngủ vùi như vậy có vài hôm, còn thường xuyên hơn cả sẽ là ra khỏi nhà vào sáng sớm, y như mẹ đi làm, và thường xuyên về nhà muộn hơn mẹ.

Hai anh em đã lớn nên không còn cảnh trêu nhau, hét toáng lên mách mẹ nữa. Em Cốm là sợi dây kết nối cả nhà, chủ đề em Cốm luôn làm hai anh em gần nhau hơn. Tuy vậy, mẹ vẫn không hài lòng về việc hai anh em không bảo được nhau, rồi đi về không chào nhau, đại để vậy. Có hôm mẹ ngồi nói chuyện với anh Tuấn, dặn dò anh em phải yêu thương nhau, Tuấn bảo, giọng vẻ nghiêm túc nhưng lại rất hài, mẹ biết không, bọn con đoàn kết cực, bọn con chẳng cãi nhau gì cả. Khi mẹ đi vắng bọn con mỗi đứa một phòng, chả ai nói chuyện hay cãi nhau gì cả. Hê hê, rất đúng sự thật. Vì con gái bận, nhiều hôm không ăn tối, thỉnh thoảng Tuấn lại lên giọng theo kiểu trêu mẹ, đâm bị thóc, chọc bị gạo hướng vào em, đấy mẹ thấy chưa, mẹ thấy ai là người đi dạo cùng mẹ, ở nhà ăn cơm với mẹ, chăm sóc mẹ chưa (hihi, toàn mẹ chăm sóc chàng thì có), hoặc Dương chẳng coi cái nhà này ra gì mẹ nhỉ, mẹ toàn chiều hư em, mẹ biết vì sao Dương dám làm như thế không, vì em biết em làm gì mẹ cũng không mắng em. Các kiểu như vậy, kakaka. Tất nhiên, có những hôm sẽ là bực bội thực sự chứ không phải kiểu trêu như vậy, khi con gái bận, không đi ăn được và mẹ bảo, hôm nay em bận, thôi mẹ con mình ăn ở nhà, chờ hôm sau em rảnh. Có hôm con gái về sớm, lúc mẹ bảo em đang ở nhà rồi Tuấn lại trêu mẹ kiểu khác, ôi quý hóa quá nhỉ, sao hôm nay Dương về sớm thế. 

Tuần này mẹ đi công tác cả tuần vậy nên tối qua ba mẹ con rủ nhau đi ăn tối. Sau bữa ăn mẹ và Cún sang WestBay để mẹ mua ít kẹo vừng và kẹo lạc. Thấy cửa hàng My Kingdom nàng đòi vào ngay. Nàng bảo, hôm nay con vừa lĩnh lương, con phải thưởng cho mình một tý. Vậy là nàng mua 4 chú little pony. Mẹ rên rỉ, con có nhất thiết phải mua nhiều thế không, nhà mình đã bao nhiêu rồi. Con gái ranh mãnh liếc mẹ, tiền này con tự kiếm, tự tiêu, mẹ không có ý kiến nhé. Hic, mẹ già thua rồi. Cô con gái tôi thật funny, đi làm như người lớn, đi biểu diễn trông thật chững chạc, vậy mà vẫn chơi đồ chơi, và thỉnh thoảng đeo cái túi là một con thú bông trông cực kỳ nhí nhảnh con cá cảnh. Ôi ôi, mẹ già từ chối hiểu điều này 😊.

Quản lý tài chính là một vấn đề khác. Nàng đi biểu diễn nên đương nhiên có cátxê. Mẹ dặn nàng ít nhất phải dành dụm một nửa. Mùa hè này nàng đã gom và đưa mẹ giữ hộ một khoản nho nhỏ, tất nhiên sau khi đã đốt rất nhiều vào các vụ hẹn hò ăn uống với vô vàn bạn của con mà mẹ không thể nào biết được cũng như váy áo và những món đồ kiểu như trên. Vụ này thì con gái mẹ giỏi thật. Theo trend, mẹ có thể viết rằng trong lúc các bạn cùng trang lứa đang mải mê uống trà sữa thì con gái đã đi biểu diễn như một nhạc công chuyên nghiệp và kiếm tiền. Còn mẹ thì hứa sẽ giúp tiền của con sinh sôi nảy nở, nhể 😊.

Mùa hè đã hết. Tuy vậy, con chưa vào SG mà còn ở lại đây tập để chuẩn bị cho vở Công nữ Anio, diễn xong mấy buổi của chương trình đó mới bay vào SG. Dàn nhạc đã gửi công văn cho trường để con nghỉ đến tận gần cuối tháng 9 luôn. Mẹ thì cứ có con ở nhà là thấy vui và ấm áp rồi. Mục tiêu của con giờ đã rất rõ ràng, việc thi tốt nghiệp lớp 12 chỉ để có bằng cấp 3, vậy nên con học muộn đôi ba tuần mẹ thấy chả vấn đề gì.

Cảm ơn cô con gái của mẹ. Cảm ơn Chúa đã ban con cho mẹ và mẹ đang tận hưởng những khoảng thời gian rất ngọt ngào cùng các con đây. Yêu các con thật nhiều!

08 tháng 9 2023

CHUYỆN CHÀNG TRAI ĐI HỌC FPT_08_PHÙ, THẾ LÀ SẮP VỀ ĐÍCH RỒI!

 Thế là 8 kỳ học đã qua. Suốt trong 8 kỳ đó có một môn con phải thi lại và một môn con cố tình không đăng ký học – môn võ 3. Đến giờ thì chàng trai biết rõ rằng chàng trai muốn tốt nghiệp, muốn có tấm bằng nên kiểu gì cũng phải cố qua môn võ thôi. Kỳ trước chàng đã đóng tiền để học lại môn đó nhưng do đóng muộn, trường không xếp được lớp, chàng cũng có đôi phần lười nên không tìm mọi cách. Kỳ này thì chả còn trốn vào đâu được. Chàng trai có một cái mụn nhỏ ở gan bàn chân, chỉ hơi khó chịu chút chứ không có gì to tát. Kỳ trước chàng đã nghĩ đến chuyện tìm cách chuyển từ môn võ sang cờ vua và cái mụn nhỏ là một lý do tuyệt vời. Vậy nên kỳ này chàng đợi đến lúc chuẩn bị xếp lớp thì đi làm một cái phẫu thuật nhỏ - không biết có gọi là phẫu thuật được không, vì nó chỉ là đốt tia laze. Dù thế, đúng quy trình, bác sỹ ghi cho chàng một đơn thuốc với lời dặn dò hạn chế vận động hay vận động nhẹ gì đó. Sau một vài hôm gửi thư qua thư lại với nhà trường giải quyết vấn đề thủ tục, một hôm khi mẹ đang ngồi ở phòng khách chàng lao ra, mặt mũi cực kỳ hỉ hả khoe toáng lên về việc đã được chuyển từ học võ sang học cờ vua. Chàng đấm ngực tự hào mẹ thấy con giỏi không và khoái chá và bảo, ảo thật mẹ ạ, con không hiểu họ định dạy cái gì và đánh giá cái gì, vì đây là môn Cờ vua 3 rồi, con không học Cờ vua 1-2, vậy mà họ nhận vào được 😊. Mừng quá, thế là coi như xong môn võ. Nói thật, mẹ cũng chả tin họ dạy cái gì khó khăn ở môn cờ vua đâu. Chắc chắn con sẽ qua được nhẹ nhàng thôi.

Kỳ này chàng có ít môn, ngoài môn võ/cờ vua thì còn 2 môn nữa. Mỗi tuần chàng phải lên trường 3 lần, thứ Hai đến tận trưa mới đi và tối muộn mới về, còn thứ Ba và thứ Năm đi từ sớm và cũng về sớm luôn. Ngoài ra còn đồ án, nhưng đồ án là phần các con có thể chủ động về thời gian hẹn gặp giáo viên hướng dẫn, hoàn toàn có thể online và những lần gặp ấy mẹ hình dung cũng ít ỏi lắm, vài lần trong cả kỳ thôi.

Gửi cho con học phí kỳ cuối, mẹ sung sướng bảo chàng trai thế là từ giờ mẹ không còn phải đóng học phí cho con nữa rồi. Chàng trai thỉnh thoảng cũng nửa đùa nửa thật, mẹ chiều con nốt đi, mẹ sắp sửa không được chiều con nữa rồi đấy. Đúng vậy, chỉ vài tháng nữa con ra trường, đi làm, khi đó con sẽ chẳng cần gì vài trăm hay một đôi triệu của mẹ nữa. Vậy nên thỉnh thoảng chàng trai xin thêm cho những nhu cầu đột xuất – đi ăn cùng bạn hay gì gì nữa, mẹ luôn sẵn lòng chiều chuộng chàng.

Tưởng mọi việc suôn sẻ nhưng ngay buổi học đầu tiên của môn cờ vua chàng đã gặp sự cố. Tận tối hôm trước trường vẫn chưa xếp phòng, điều đó có nghĩa là học online, thậm chí còn có cả đường link nữa rồi, vậy nên chàng trai ung dung sáng hôm sau sẽ dậy để kịp học online, nào ngờ ngay tối hôm trước thì trường đã xếp phòng cho việc học trực tiếp. Tất nhiên chàng trở tay không kịp, coi như bị đánh dấu không học buổi đó. Buổi học thứ hai bị sự cố tiếp – xe của chàng phải dừng giữa đường thay lốp mất 15’, chàng vào lớp muộn 20, và dù đã giải thích rõ ràng, cô giáo vẫn đánh dấu chàng không học buổi hôm đó. Con sẽ không được nghỉ thêm bất kỳ một buổi nào nữa mẹ ạ. Mẹ biết không, lớp con có mỗi một mình con đấy, vậy nên cô giáo cho con học cùng các em năm dưới. Hóa ra học cũng nghiêm chỉnh, không chỉ chơi cờ mà nhiều thứ hay phết. Con thấy cũng thích mẹ ạ, chàng kết luận.

Chắc chắn sẽ còn nhiều chuyện vui để kể cho mẹ trong kỳ này. Mẹ mừng quá. Vậy là con sắp kết thúc một chặng đường quan trọng. Chặng đường mà đã có lúc nào đó mẹ tưởng mình không thể bước chân vào ý. Đúng là cứ đi rồi sẽ đến. Mẹ con mình cùng đếm ngược đến đích của con nhé! Yêu con thật nhiều!