30 tháng 4 2014

CHUYỆN NHÀ TÔM Ở NƯỚC ANH_ĐẶT CHÂN ĐẾN NƯỚC ANH



Quyết định được nhận học bổng mới là bước đầu tiên vì sau đó mình vẫn còn biết bao việc phải làm và thông thường sinh viên sẽ lên đường để nhập học vào kỳ xuân, tức đầu năm, hoặc kỳ thu, tức sau gần 1 năm kể từ khi được thông báo trúng tuyển. Mình thì chả vội gì, ở nhà một năm chờ cún lớn, nhập học vào năm 2007 là hợp lý. Tuy nhiên, khá nhiều việc phải làm. Nào chọn trường, liên hệ nộp hồ sơ, làm mọi thủ tục với trường, với Bộ, tìm hiểu việc đưa con trai và phu quân cùng sang, rồi cuối cùng mới đến chọn đường bay, mua vé và ra đi. Mình chọn Đại học Tổng hợp Leicester. Lý do trước hết là trường có ngành học phù hợp. Rồi xếp hạng của trường cũng hợp lý để việc học không quá vất vả nhưng cũng vừa đủ “danh giá” :-). Khi mình chọn trường đó xếp hạng 19 và trong năm mình học ở đó thì trường đã nhảy bật lên hạng 12. Lý do khác để mình chọn thành phố Leicester còn vì sinh hoạt ở đó khá rẻ so với các thành phố khác. Về sau thì thấy mình đã không nhầm, cả về việc chọn trường học lẫn môi trường ở. 

Tiếp theo thì phải tìm hiểu xem bay đường nào cho thuận tiện, sẽ từ đó về thành phố của mình ra sao... Lần đầu tiên đi châu Âu, quả thực còn biết bao điều bỡ ngỡ. Rất may mắn, qua mạng, mình liên lạc được với vợ chồng V. và H. May mắn hơn nữa, V. làm việc tại đúng trường Đại học Tổng hợp Leicester. Vợ chồng V. và H. rất nhiệt tình giúp đỡ, hẹn sẽ ra ga đón và đồng ý cho mình ở nhờ trong những ngày đầu khi chưa ổn định.

Ngày 6/8/2007, sau khi để lại cún ở Sapa với bà và bác, mình ra đi, có phu quân và con trai đi tiễn, thực chất là mình sang trước ổn định nhà cửa, hai bố con sẽ sang sau nửa tháng. Mình và Th. hẹn nhau bay cùng một chuyến. Chuyến bay chuyển tiếp ở Sing với 6 tiếng đồng hồ chờ đợi. Suốt cả chuyến bay dài dằng dặc mình chả chợp mắt nổi phút nào, ban đầu thì mình và Th còn nói chuyện, sau thì mệt, chả ai buồn nói gì. Máy bay lượn vòng trên sân bay Manchester trong một ngày trời ảm đạm. Từ trên nhìn xuống, những dãy nhà thấp, thường chỉ 2 tầng, màu xám hoặc màu nâu gạch, buồn tẻ không chịu nổi. Trời ơi, chả nhẽ đây là chân trời mình mơ ước, nền văn hóa mình mong muốn được đắm mình trong đó? Đã tìm hiểu từ trước, tụi mình kéo va ly xuống bến tàu, mua vé rồi chia tay. Th. về Nottingham, thành phố gần khu rừng với câu chuyện nổi tiếng về Robinhood, còn mình thì sẽ phải đi tới gần 3 tiếng nữa để đến Leicester. Thế mà suýt toi với đoạn lên tàu. Suýt nữa thì mình lên con tàu đi về Chester chứ không phải Leicester vì hai từ đấy phát âm phần cuối hoàn toàn giống nhau.

Niềm náo nức biến mất từ lúc nảo lúc nào như chưa từng tồn tại. Mình buồn bã nhìn những bụi cây vùn vụt lướt qua. Làm gì có cái cảnh cây cối rực rỡ dưới nắng hè như McEwan mô tả rất ấn tượng trong cuốn Trên bãi biển Chasil. Ấn tượng đọng lại chỉ là những lùm cây thấp, nhiều nhất là cây hoa cơm nếp giống như ở Sapa, cả hoa màu vàng và màu tím, nếu dùng nước của nó để vo gạo, ngâm một lát thì khi đồ sẽ ra xôi màu vàng hoặc tím. Xa xa là những cánh đồng, những cây sồi với tán lá đặc trưng mà về sau thì mình sẽ thấy đẹp, nhưng lúc đó tuyệt nhiên không có cảm giác gì ngoài nỗi buồn, cảm giác lo lắng trĩu nặng trong lòng.

Hai cái valy nặng, cho cả một năm cơ mà. Lần đầu đi tàu ở châu Âu, cái gì cũng bỡ ngỡ. Cửa không tự động mở mỗi khi đến ga mà phải ấn nút, mình rất lo, chỉ sợ không nghe thấy thông báo tên ga hoặc không mở được cửa để xuống, hoặc một sự cố gì khác giời mà biết được. Ơn trời, mọi việc đều ổn thỏa. Cái ga nhỏ xíu xiu, chỉ có vài đường chờ tàu. Khệ nệ kéo được 2 valy ra khỏi ga thì đã thấy V. đứng chờ để đưa mình về.

Thế là mình đã tự lao đầu vào một thế giới khác, nơi mọi thứ với mình thật lạ lẫm. Mặc dù V. và H. tỏ ra thân thiện, nhưng dù sao mới chỉ là lần đầu gặp gỡ, nên mình không khỏi ngại ngần. H. nói ngay, chị đã đến đây thì đừng ngại, đằng nào chị cũng đến rồi. Mình thật lòng rất biết ơn H. và V. Tụi mình đã trở thành bạn bè từ đó. Giờ nhà H. tận nơi xa, chả mấy khi liên lạc, nhưng những tình cảm ấm áp thì còn lại mãi trong lòng mình và mình tin, bất cứ khi nào, nếu mình cần sự giúp đỡ của nhà H. hay ngược lại, tụi mình sẽ giúp nhau hết lòng. Nhà H. là căn hộ chỉ có một phòng ngủ. Phòng khách khá rộng cũng đồng thời là bếp, buổi tối mình trải đệm ngủ ở đó. Bé Sam nhà H. lúc đó 8 tháng, kém cún nhà mình 4 tháng. Nhìn H. nựng nịu con bé, mình nhớ con gái cồn cào.  

Đến nhà H. buổi sáng, ngay chiều hôm đó mình lang thang ra phố, ngó nghiêng vài văn phòng nhà đất, hỏi V. và H. chuyện thuê nhà. Chẳng hề dễ dàng vì thường phải có người bảo lãnh. Ai bảo lãnh cho mình bây giờ, huhu. Học bổng của mình chỉ có 450 bảng/tháng, mình mà chìa cái đó ra thì chả ma nào cho thuê vì ngần đó theo chuẩn của họ còn chả đủ tiền ăn. Vào ký túc xá thì quá đắt, tụi mình chưa nghĩ đến, và e chừng lúc đó cũng hết hạn đăng ký. Lang thang ngoài đường, rối bời chưa biết làm sao với vụ nhà cửa, nghĩ không biết mình có điên không, bỏ nhà bỏ cửa sang đây để rồi giờ thành không nhà không cửa. Đi từ phố này sang phố khác, nước mắt mình cứ ứa ra. Buổi tối, D., một cô bạn đã sang trước mình ít lâu gọi điện hỏi thăm, mình khóc như mưa như gió làm về sau nàng cứ nhắc mãi. Ở nhà chưa có mạng, những ngày đầu mình vào thư viện thành phố, nơi có thể sử dụng mạng miễn phí 30’/ngày, chát với chị Th. vài câu, nước mắt mình lại tuôn như suối.

Đôi hôm sau, khi V. dẫn mình vào văn phòng hỗ trợ sinh viên thì tìm được giải pháp. Hiện có một căn hộ nhỏ, cách trường 15 phút đi bộ, giá rất phải chăng – 300 bảng, mỗi tội phải giữa tháng 9 mới được lấy. Vì là dịch vụ hỗ trợ sinh viên nên không phải đặt cọc nhiều cũng như không cần người bảo lãnh hay chứng minh tài chính. Như thế là tốt quá rồi, nhưng cũng có nghĩa nhà mình sẽ phải ở nhờ V. và H. khá lâu nữa. Và trong lúc này V. và H. đã chuyển sang một căn hộ khác có 2 phòng ngủ và 1 phòng khách trên đường London Road, chênh chếch ga Leicester. Tất cả các phòng đều nhỏ xíu xìu xiu, chắc căn phòng mình ở, mà về sau cả nhà  sẽ ở đó thêm một tháng chỉ khoảng 8m2.

Việc tiếp theo là xin học cho con. Mọi việc khá thuận lợi. Những giấy tờ cần thiết đã được chuẩn bị từ Việt Nam nên các thủ tục xong ngay. Mình chả cầu kỳ chọn trường vì đằng nào cũng có biết gì đâu. Từ nhà đi bộ đến trường con mất khoảng 20 phút. Rồi mở tài khoản ngân hàng, đăng ký số bảo hiểm...

Dù sao cũng tạm gọi là ổn định. Giờ chỉ còn chờ hai bố con sang. Sáng 22/8 hai bố con hạ cánh ở sân bay Paris, rồi từ đó nối chuyến tiếp đến Manchester. Thấy mọi người nói sân bay Charles de Gaulle rất rộng, mình chỉ sợ hai bố con lạc, dặn dò hai bố con đủ thứ trước khi bay nhưng khi đón được ở sân bay Manchester mình mới thở phào nhẹ  nhõm. Giờ thì mình đi lại đoạn đường Manchester-Leicester lần thứ hai, đã thấy có phần quen thuộc hơn rồi.

Cuộc sống mới của cả nhà bắt đầu mà dù không phải lúc nào cũng thuận tiện, giờ nghĩ lại mình vẫn thấy quyết tâm đi học và đưa cả nhà đi theo là đúng đắn.

4 nhận xét:

  1. Doc bai ba'c TA viet tha^y nho' thoi gian o Leicester phe^'t. Loay hoay cung 6-7 nam roi ddo'.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ngồi viết lại thấy như trải qua những ngày tháng ở đó. Và lần gặp nhà Vũ ở Sài Gòn thế mà vèo cái đã 3 năm rồi đấy. Cả nhà khỏe nhé.

      Xóa
  2. Một quyết định quá đúng ấy chứ, nó làm thay đổi bao thứ cho em và cho cả Tôm nữa.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chả rõ nó có tác động gì đến Tôm không. Bạn ấy thì chị biết rồi mà :(.

      Xóa