Vậy là ngày 22/8/2007
hai bố con đã đặt chân đến Leicester. Lâu quá rồi, mình chả nhớ chính xác lắm,
nhưng hình như Tôm bắt đầu đi học buổi đầu tiên vào 27-28/8. Nhà cô H. chú V.
chật, ở nhà suốt cũng chả biết làm gì nên mình mong con sớm được đi học cho có
bạn bè và đỡ buồn. Chuẩn bị cho con sang Anh, vậy nên khi con mới 4 tuổi thì Tôm
đã được mẹ đăng ký cho học ở May School, ngày đó còn là một trong không nhiều
trung tâm dạy tiếng Anh trẻ em khá uy tín, thầy cô người nước ngoài. Dù thế,
khi sang Anh, tiếng Anh của Tôm vẫn chỉ hạn chế ở một vài câu chào hỏi chứ chưa
thể giao tiếp.
Mình thật tệ khi không
còn nhớ nổi tên ngôi trường đầu tiên ấy. Hai vợ chồng đưa con đến trường, đưa con vào tận
lớp, gặp cô giáo, trao đổi vài ba câu rồi để con lại. Ngày đó mình chẳng mảy
may nghĩ hay lo lắng gì, nhưng về sau nghĩ lại mới thấy thương con biết bao khi
quẳng con còn rất non nớt vào một môi trường hoàn toàn xa lạ như thế. Con đi học
về vui vẻ, không có vẻ bị trầm cảm hay lạ lẫm môi trường, nhưng chắc chắn con
đã không hề dễ dàng trong cái tuần đầu tiên ấy. Đón con xong, thường bọn mình để
cu cậu chơi ở một khu vui chơi nào đó trên đường về khá lâu rồi mới về nhà. Trường
này Tôm chỉ học 3-4 tuần nên mình chả có ấn tượng gì mấy.
Những buổi đầu đến lớp
Chơi ở công viên sau giờ học
Thời gian thấm thoắt
trôi, khoảng cuối tháng 9 thì nhà mình được nhận căn hộ. Cả nhà chuyển vài cái
valy đến căn hộ hai buồng trên đường Evington. Trên đường đưa con đi học, nhìn
thấy trường Medway gần nhà hơn, mình vào hỏi và thế là sau ít ngày chuyển được
con về trường Medway. Nói thêm, dù là trường Medway hay cái trường đầu tiên ấy
thì cũng chả khác nhau bao nhiêu. Dân da trắng trung lưu không sống ở trung tâm
thành phố mà thường ở các thị trấn vệ tinh, cách vài chục km, vậy nên ở trung tâm chỉ toàn bọn dân
nhập cư, mà có tới 50% dân số Leicester là đám gốc Ấn, còn lại thì các sắc dân
khác, chủ yếu là dân gốc Phi và Trung Đông. Lớp Tôm học có đôi ba bạn da
trắng nhưng các bạn ấy là người gốc Đông Âu. Lác đác trong trường có một số
bạn da trắng khác nhưng cũng chỉ toàn người gốc Ba Lan, Rumani, Nam Tư... Vậy nên dù
sang đến tận Anh, Tôm chả bao giờ học cùng bất kỳ một bạn người Anh “xịn” nào.
Buổi sáng thường hai mẹ
con tỉnh dậy lúc khoảng 8h kém 15. Trong lúc mình nhanh chóng làm món ăn sáng,
thường là đôi lát bánh mỳ nướng ăn với bơ hoặc xúc xích, chàng trai sẽ nằm nán
trên giường ít phút xem Teletubbies hoặc Postman Pat, những chương trình mà giờ
thỉnh thoảng nghe lại nhạc hiệu, mình như sống lại những giây phút, ngày tháng đó
cùng con. 8.35 hai mẹ con ra khỏi nhà, đi bộ khoảng 10’ là đến trường con. Con
mới 5 tuổi, còn thật bé bỏng. Cứ đi một đoạn là con kêu mỏi chân, bắt mẹ bế. Mẹ
bế nhưng hay trêu con, đặc biệt đoạn nào sắp gặp các bạn học sinh, mẹ lại bảo,
kìa, các bạn nhìn con, cười con kìa. Mỗi lúc như vậy, chàng trai lại rúc đầu
vào cổ mẹ, cứ tưởng như vậy là không ai nhìn thấy :-). Dù con đường chạy qua
trường con là đường nhánh, rất ít xe, ngày nào vào giờ đó cũng có một bác mặc
áo phản quang đứng cầm tấm biển, hễ thấy có em nào chuẩn bị qua đường, dù các
em đó đi một mình hay cùng bố mẹ, bác lại giơ biển lên, chặn xe để đảm bảo các
em qua đường an toàn. Bác lúc nào cũng tươi cười, vẫy tay và luôn miệng chào tất
cả mọi người. Tôm quý bác lắm, hôm nào cũng vẫy tay chào, miệng rối rít “Morning!
Morning!” rồi đến Giáng sinh năm đó Tôm còn làm thiệp tặng bác.
Lớp Tôm có hơn 20 bạn.
Tôm khi đó vào lớp 1 (Year 1), cùng với các bạn khác cũng 5 tuổi. Lớp học rộng
rãi, trang trí như ở mẫu giáo, bàn ghế cũng theo kiểu lớp mẫu giáo. Với một số
tiết học, các bạn sẽ ngồi xuống nền, quây thành nửa vòng tròn quanh chân cô. Thường
xuyên hơn cả là các bạn ngồi học theo nhóm, mỗi nhóm đã có sẵn một bàn với một
số đồ dùng học tập chung như kéo, bút, bút chì, tẩy, thước kẻ... Học sinh không
phải mua bất cứ sách vở, đồ dùng học tập gì hay nộp bất cứ khoản tiền gì ngoài tiền ăn trưa. Gia đình nào thực sự khó khăn thì sẽ nộp đơn để được xem xét miễn nộp cả bữa trưa luôn. Đồ dùng học tập chung được để sẵn
trên bàn, còn sách vở và đồ dùng của mỗi bạn được để trong các ngăn riêng. Thường
vừa vào đến lớp là Tôm sẽ đến ngăn tủ lôi vở vẽ ra rồi ngồi vào bàn mình
miệt mài vẽ. Giờ học rất nhẹ nhàng, một ngày từ 9h sáng tới 3h chiều có tới
3 lần nghỉ dài, gồm nghỉ sáng và chiều được ra sân chơi 30’ và nghỉ ăn trưa.
Ngoài những giờ học chính thức ít ỏi thì trong giờ tự đọc, các bạn sẽ tự chọn
sách ở giá, rồi giờ chơi với khá nhiều đồ chơi để sẵn trong lớp. Mình còn nhớ, ở
trong lớp của cái trường đầu tiên có một bồn cát to để đến giờ chơi các bạn thỏa
sức nghịch cát. Có lớp thì để trong đó một bồn nước to và đủ các thứ đồ chơi với
nước. Rồi thứ Sáu hàng tuần các bạn sẽ được phép mang theo đồ chơi đi học. Các bạn
thích ngày này lắm và bạn nào cũng cố gắng mang những món đồ độc hơn để khoe.
Buổi trưa thì Tôm ăn ở bếp ăn nhà trường với số tiền mẹ đóng hàng tuần là 8.5 bảng.
David, bạn thân của Tôm là người gốc Nam Tư. Gia đình bạn ấy chạy loạn sang Anh trong cuộc khủng hoảng Kosovo năm 1999.
Cô giáo phụ đạo tiếng Anh của con
Giờ học của các con
Tiếng Anh của Tôm còn rất
tệ, chả nói được, tất nhiên cũng chưa nhận được mặt chữ. Tuy vậy, trẻ con dường
như có một khả năng giao tiếp khác biệt, chỉ đi học ít ngày thì con đã có bạn.
Khi cần đi vệ sinh, cô giáo đeo một chiếc vòng đánh dấu vào tay con và cử một bạn
đi cùng. Sau khoảng một tuần đầu, khi muốn đi vệ sinh, con nói với cô “Toilet”.
Thêm ít ngày, con nói “I am toilet”. Sau khoảng tháng rưỡi thì con nói cả câu đầy
đủ “May I go to the toilet”. Cô thưởng cho con một miếng dán nhỏ. Mình mừng đến
chảy nước mắt dù vẫn biết rằng đó là điều hết sức bình thường. Tất nhiên mình
chả hình dung nổi chỉ khoảng 3 tháng sau khi sang Anh thì đã bị cô giáo phàn
nàn là con nói chuyện riêng trong lớp nhiều quá :-)
Mỗi tuần Tôm có 2 tiết
học riêng với một cô giáo để cô kèm cặp con thêm tiếng Anh. Cũng từ đây mà khả
năng hát của chàng được cô phát hiện khi cô thấy Tôm lẩm bẩm hát rất tốt bài
hát trong vở kịch Giáng sinh của cả lớp. Rồi Giáng sinh năm đó, tức đúng 4
tháng kể từ khi Tôm bước chân đến nước Anh, chàng đã có một màn trình diễn hoàn
hảo trước toàn trường, đơn ca 2 bài ngắn trong vở kịch Giáng sinh của lớp mình.
Sau buổi lễ, chàng trở nên nổi tiếng. Một cô giáo dạy lớp 2 vui mừng bảo sang
năm cậu bé sẽ vào lớp tôi. Thầy hiệu trưởng thì bảo, thế này là lớn lên có thể
kiếm triệu đô được rồi. Thế mà mình đã vô tâm biết bao khi không hề đưa con đi
chào thầy hiệu trưởng lúc năm học kết thúc, con chuẩn bị về Việt Nam. Giờ nghĩ lại vẫn
còn xấu hổ.
Cùng các bạn trước giờ biểu diễn
Tôm đơn ca trước toàn trường
Thế là chàng trai đã
hoàn toàn hòa nhập với môi trường, thân thiết với một số bạn trong lớp, tiếng
Anh khá lên theo từng tuần. Mình thì cũng ổn định việc học.
Quá tuyệt! Tôm lớn lên sẽ phải cảm ơn mẹ về entry nhiều cảm xúc với những ngày nhà Tôm ở nước Anh. Cún đọc chắc phải Gato với anh lắm. :-)
Trả lờiXóaEm nghĩ đúng là phải ghi lại, cho bọn trẻ con sau này. Và cả cho mình nữa. Cún chưa đọc, chắc chắn bạn ấy sẽ gato rồi :D
Xóa