14 tháng 7 2013

VỀ MẸ



Bài này cô bạn mình viết cách đây đã gần chục năm. Xin phép cô bạn đưa về trang của mình. Một bài viết thật cảm động, chứa chan tình cảm, chẳng nói gì to tát mà có thể khiến người đọc hiểu. Tôn trọng cô bạn, dù muốn chuyển màu phông chữ mình cũng không làm. Văn là người, người cũng là văn. Điều này thật đúng với cô bạn mình, giản dị, lặng lẽ nhưng không hề tầm thường. Nếu so sánh, mình sẽ muốn so sánh cô bạn mình với một bông hoa oải hương, đẹp giản dị mà đầy nồng nàn.

Bạn viết về mẹ của bạn, mà dường như có cả mẹ mình, mẹ biết bao người trong đó. Chẳng nói được thành lời, xin mượn lời cô bạn để tỏ tấm lòng với mẹ.

Về mẹ
Vũ Thị Thanh
Tôi rời mẹ xa nhà từ những năm mười hai mười ba tuổi để đi học lớp chuyên, những năm cấp ba trọ học, rồi hơn 6 năm học đại học ở nước ngoài. Về nước lại vào làm việc tận miền Trung. Đi lấy chồng cũng quê xa biền biệt. Đến bây giờ nhìn lại quãng thời gian đã sống ba mươi mấy năm của cuộc đời, ngậm ngùi thấy được gần mẹ không đầy một nửa.

Đến bây giờ tôi vẫn không quên những hình ảnh khi tôi chừng 10 tuổi, chiều chiều thường bế em út chạy tận cầu sông đón mẹ đi dạy học về. Lúc ấy bao giờ mẹ cũng xuống xe, cho em út ngồi lên ghế sau xe và dắt bộ đi về cùng tôi. Dáng mẹ thanh thoát, mảnh dẻ, mùa đông mẹ hay mặc chiếc măng tô san màu vàng nhạt, là chấm điểm để tôi nhìn thấy mẹ từ xa trên bờ sông trước làng. Những năm ấy tôi nhớ trông mẹ vẫn còn trẻ lắm, dù là đã có 6 đứa con nheo nhóc vào cái thời mà cả nước khó khăn. Những lần mẹ nhào đất đóng cay để xây bếp, hai bắp chân trắng muốt bê bết đất. Những ngày chủ nhật, tôi và mẹ đội nón hái chè cả buổi sáng. Rồi mẹ lúi húi sao chè trong cái chảo to. Cái bếp lợp tranh khói um, mồ hôi trên mặt mẹ thi nhau giọt xuống như mưa. Có lẽ tôi chưa bao giờ thấy ai nhiều mồ hôi mặt như thế. Mùa hè những khi ở nhà mẹ hay vắt khăn mặt trên vai để lau mặt. Chiếc khăn lúc nào cũng ẩm mồ hôi của mẹ. Rồi mẹ đèo gạo cho tôi đi học chuyên xa nhà, mẹ vay tiền để cho các chị đi xem triển lãm Mỹ thuật ngoài Hà Nội. Đôi tay mảnh dẻ của mẹ hết đan thuê lại bóc lạc. Những năm học cấp hai tôi ốm liên miên, giữa đêm, những cơn hen xuyễn làm tôi không thở được, mẹ đỡ tôi ngồi dậy, bàn tay mẹ đấm nhẹ nhàng vào lưng cho tôi nhẹ thở. Sáng ra, cất cơn hen, mẹ nấu nước lá thơm rồi  tắm cho tôi như là tôi còn bé lắm. Thế mà ngày ấy dưới tôi còn những ba đứa em nhỏ.  Tôi không hiểu làm sao mà mẹ có thể kịp làm được tất cả mọi việc. Mẹ dạy tôi tập thêu, tập đan. Khi tóc tôi hơi bắt đầu dài mẹ mua riêng cho tôi chiếc lược sừng đen nhánh làm tôi sửng sốt vì mừng rỡ. Những buổi tối, mẹ vừa đan len vừa hát những bài hát Trầu Cau, Làng Tôi… cho chúng tôi nghe bằng giọng rất trong. Mẹ đọc thơ Mưa từ vòng ngọc của Phạm Thiên Thư, Đất nước của Nguyễn Đình Thi, rồi những bài thơ đời Đường do Tản Đà dịch, mẹ kể chuyện về các hoạ sỹ mà mẹ được học ở trường… Rồi mẹ cười, ánh mắt rất tươi, hàm răng trắng loá.

Năm tháng trôi đi cùng những nỗi vất vả hằn trên vai mẹ. Đến lúc hai chị và cả tôi chớm thành thiếu nữ thì tôi bỗng bàng hoàng nhận ra mẹ đã già đi từ lúc nào chẳng rõ. Cái dáng thanh thoát mảnh dẻ của mẹ ngày nào thành tất tưởi, vội vã. Mẹ đi lúc nào cũng như chạy. Quần áo thì toàn màu tối. Phiếu vải mẹ dành may quần áo cho hai chị lớn. Tôi bấy giờ đã học lớp 11 rồi. Nhà có 3 chiếc áo gụ nâu, tôi cùng mặc chung với mẹ. Thế mà ở lớp bạn bè khen tôi mặc áo nâu đẹp vì da trắng, làm tôi cứ thích mặc mãi. Rồi bao nhiêu chuyện hồi ấy diễn ra: Hai chị thi trượt đại học tới năm thứ 2, nhà nước đổi tiền, bố hàng chục năm không có sổ gạo, rồi trượt giá … Cuộc sống ngày ấy sao mà khốn khó, thiếu ăn triền miên. Thế nhưng không thấy mẹ kêu than một lời, và không hề mắng các chị lúc biết tin thi trượt. Khi giận, mẹ chỉ mắng các em nhỏ hay nghịch thôi, chưa bao giờ tôi thấy mẹ giục chúng tôi học bài, hay mở vở kiểm tra bài của chúng tôi. Bao giờ mẹ cũng tin tưởng, để chúng tôi tự nguyện tự giác.
Không phụ lòng mẹ, cả 6 chị em chúng tôi đều đã nên người, ngoài chị cả đi xuất khẩu lao động ở Nga vào những năm khó khăn, năm chị em tôi đều vào đại học, ra trường có việc làm. Rồi cả 6 chị em lần lượt yên bề gia thất. Công mẹ thật trời biển.

Tôi là phận gái, tính tình đa cảm, nông nổi, cả tin. Đi ra cuộc đời vấp ngã không chỉ một lần, mất lòng tin không chỉ một lần, rồi lại tự gượng dậy, lại đi, lại vẫn thấy tin yêu cuộc sống. Mẹ hiểu hết, không một lời trách mắng, không một lần đả động. Dẫu có buồn, nhưng không bao giờ mẹ nói, cũng chẳng khuyên, như ngày thơ bé, mẹ luôn cho tất cả chúng tôi được tự ý trong mọi chuyện. Không phải mẹ đứng ngoài cuộc, mà tính mẹ là thế. Mẹ chỉ hiểu, chia sẻ, cảm thông. Nhưng không can thiệp. Nhà có 6 chị em mà không có dâu, rể nào do mẹ chọn lựa, không phải tất cả đều như ý, nhưng ai cũng được mẹ tôn trọng và thương như con đẻ.

Sau này, khi đã trưởng thành, đi làm, đặc biệt là khi về nhà chồng, tôi mới hiểu mẹ đã yêu chúng tôi biết chừng nào. Bởi vì khi cho chúng tôi tự định đoạt cuộc đời mình trong mọi chuyện, mẹ đã lần thứ hai ban cho chúng tôi cuộc sống. Tôi được chứng kiến bao nhiêu người khổ sở, u ám chỉ vì áp lực gia đình. Bạn bè tôi có những đứa được cha mẹ ấn định cho không chỉ ngành nghề, bạn chơi, mà còn cả chỗ làm cho đến việc chọn vợ chọn chồng, rồi cách nuôi dạy những đứa trẻ mới sinh và bao điều khác trong cuộc sống. Thế mà cái áp lực kinh khủng ấy lại luôn nhân danh tình yêu và trách nhiệm.

Tôi viết những dòng này khi đã làm mẹ, và đứa con đầu lòng của tôi cũng là con gái. Ở nơi xa, nghĩ về mẹ mà thấy rưng rưng: Mẹ đã không chỉ sinh ra tôi, mẹ còn cho tôi nguyên vẹn cuộc sống để tự tôi tìm ra vẻ đẹp của nó. Và càng đi xa, lòng tôi lại càng quay về với mẹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét