Đợt nghỉ 1/5 nào nhà mình cũng về quê nội, vừa là thăm ông bà,
vừa là để ông chồng đi họp lớp. Năm nay cũng không là ngoại lệ. Trong lúc mình
một mình ở quê chồng thì tất cả các chị tụ tập với bố mẹ, có thêm cả gia đình
anh họ mình nữa. Lần nào cũng thế, hễ tụ tập đông vui với ông bà là hết chị này
đến chị khác gọi điện cho mình, “khoe đểu”, trêu chọc mình, Dì ghen không này,
cả nhà đang tụ tập vui ơi là vui. Hôm nay cũng thế, các chị gọi điện cho mình,
kể chuyện nhà đầy 3 mâm, ông cứ cầm ly rượu đứng lên ngồi xuống, đi hết bàn này
bàn khác, mắt cười lấp lánh với con cháu, chẳng ăn được gì. Rồi khi con cháu đi
thì xuống tận đường tiễn, cứ nhìn theo xe mãi.
Bài này viết từ lâu lẩu lầu lâu, Tết năm 2011, sau lười không
đưa lên. Hôm nay, các chị làm mình nhớ nhà, muốn về thăm bố mẹ quá. Dù rằng cái
tâm trạng “ở đằng đông nhớ đằng tây”, ở đây thì nhớ bố mẹ, về nhà đôi hôm lại
nhớ ngôi nhà nhỏ bé của riêng mình thì vẫn luôn hiện diện. Thời gian đúng như
người ta hay nói, “bóng câu qua cửa”, mới đây mà bố mẹ mình giờ đã già, yếu đi
nhiều. Đã từ lâu, sinh nhật bố mình hầu như năm nào mình cũng về, vậy mà với mẹ
dường như tụi mình có phần không chu đáo bằng. Năm nay cũng vậy, mình chỉ gọi
điện chúc mẹ. Thấy ân hận khi hình như mình chưa đặt việc đó thành một việc quan
trọng. Mẹ ơi, từ năm nay con sẽ đặt lịch, để cách gì con cũng về thăm mẹ đúng
vào ngày đó. Năm nay mẹ sẽ tròn 70 tuổi, càng là một lý do để tổ chức buổi sinh
nhật cẩn thận hơn. Con đưa lên bài viết muộn màng này, như một cách để bày tỏ
tình cảm của mình dù con biết mẹ chẳng đọc. Nhưng con tin, mẹ hiểu tình cảm của
chúng con.
Nước mắt chảy xuôi
Năm nay, theo lịch nhà mình lại về ăn Tết với bên ngoại. Cả nhà
về với ông bà sáng 29, cũng là sáng 30 Tết. Bà đã chuẩn bị đầy đủ, chẳng còn
thiếu thứ gì, từ những thứ luôn phải có vào dịp Tết, cho đến những thứ hết sức
nhỏ nhặt mà chỉ đơn giản mỗi khi về Hà Nội bà để ý thấy lũ cháu vẫn dùng. Bà
nhớ rõ loại sữa cháu uống, loại bánh cháu ăn, mua và để sẵn trong phòng cho đám
trẻ. Bà muối lọ dưa hành vì nhớ cậu con rể út thích ăn, chuẩn bị sẵn củi cho
bọn trẻ đốt, vừa để ấm, vừa là vui. Nghe cháu gái phụng phịu, Con không ăn
chuối, con ăn quýt cơ, bà vội vàng đi mua quýt. Chả thế mà trước hôm đi, con
gái bảo mẹ, Mai về với ông bà, ông bà chiều con, mẹ hết đường chống đỡ.
Nào chỉ có chiều cháu, bà chiều cả con dù con đã từ lâu không
mảy may còn là bé bỏng. Con gái út của bà chẳng đến nỗi vụng về, vậy mà bà chẳng
tin tưởng, toàn nhắc chị T. đến giúp em làm cơm những khi có đông người. Riêng
cái vụ sáng 30 Tết mà lang thang đi chơi cùng ông cũng đủ để nói lên việc con
gái út được bà chiều đến cỡ nào (phải chú thích thêm là đến lúc đó mọi việc đã
chuẩn bị gần xong hết rồi, mâm cơm cúng chiều 30 thì chiều đó mình sẽ làm cùng
chị giúp việc, không thì mọi người cười mình chết). Mấy chị em bảo, đúng là
phân công lao động, ông bà có mấy người con thì mỗi người phụ trách một mảng,
có bác phụ trách mảng bếp núc, bác thì phụ trách khoản sức khoẻ, riêng con gái
út được giao “điều phối” vụ ăn chơi, đúng sở trường.
Trưa mùng 2 Tết, cả nhà tụ tập, gần như tất cả con cháu. Năm nào
ông cũng muốn cả nhà chụp một bức ảnh toàn gia đình. Đầy người, sắp xếp mãi mọi
người mới vào hết được khung hình. Nhớ năm nào ông sung sướng khoe đi khoe lại
với khách, tôi là ông già mười sao (chả là năm đứa con nhân đôi lên thành 10,
và cũng chẵn 10 đứa cháu). Năm nay, nhà mình ở với ông bà đến hết mùng 4, nhà
bác V. cũng ở lại với ông bà đến tận hôm đó. Suốt gần ba ngày, nhà cửa ầm ầm
với 4 đứa trẻ. Vui thì rõ rồi nhưng đôi lúc cũng thấy hơi bị ngộ độc các loại
thuốc bổ do quá liều.
Mấy ngày Tết qua đi thật mau, hôm nay tất cả lại đi rồi. Lúc
chào ông bà để đi, cổ mình cứ nghẹn lại. Vẫn biết đó là quy luật, dù đông con
nhiều cháu thì vẫn đến lúc chỉ còn hai ông bà ở lại nhà, mà sao thấy thương ông
bà quá. Sẽ chỉ còn lại hai ông bà với chị giúp việc trong ngôi nhà rộng mênh
mông. May có chị T. ngày ngày ghé qua thăm. Rồi còn có người quản lý khách sạn,
khách của khách sạn. Ông bà dù sao cũng không phải mua vài đôi dép để cửa cho
bớt cảm giác cô đơn như trong truyện "Hàng xóm" của Chu Thùy Anh, vậy mà vẫn thấy
xót xa. Chị V. và chị K. muốn đón ông bà ra Lào Cai ở vài ngày trong những ngày
lạnh lẽo này, nhưng ông bà không muốn đi. Cũng phải thôi, East or West, home is
best. Thú vui của ông là vườn hoa, bị tách khỏi vườn hoa đó, ông mất vui nhiều.
Bố mẹ mình lúc nào cũng
luôn quan tâm và lo lắng đến con cái. Vậy mà bản thân mình nào đã làm được gì
nhiều nhặn cho bố mẹ. Mỗi năm, nhiều thì về thăm ông bà được vài lần, còn như
năm nay, ông bà thường xuyên có việc đi Hà Nội, thậm chí cả năm mình chẳng về
Sapa thăm ông bà. Về đón Tết với bố mẹ, đó là niềm vui của chính mình, vậy mà
bà vẫn quan niệm đó là chúng mình đang cố gắng mang lại niềm vui cho bố mẹ. Mẹ
ơi, nước mắt chảy xuôi. Chúng con chẳng bao giờ có thể báo hiếu đầy đủ những gì
bố mẹ dành cho chúng con. Đành tự an ủi rằng sống tử tế, nghe lời dặn dò của bố
mẹ cũng là một cách báo hiếu. Và cầu mong ông bà tổ tiên phù hộ cho bố mẹ mạnh
khoẻ lâu dài để chúng con được chăm sóc bố mẹ và có chỗ đi về.
Chị hiểu tâm trạng của em. Chắc chắn bố mẹ em hiểu tấm lòng của các con.
Trả lờiXóaVâng. Bố mẹ em có bao giờ đòi hỏi gì con cái đâu. Chỉ là mình rất mong về với ông bà thôi.
Xóa