13 tháng 7 2013

PHÙNG CUNG_CON NÍU GIỌT MỒ HÔI ĐỨNG DẬY LÀM NGƯỜI

Mình đúng là tù nhân, bị nhốt trong nhà cả tuần rồi, trong khi hôm nay ở Sapa cả nhà rộn ràng mừng sinh nhật mẹ mình 70 tuổi. Chẳng như mọi khi, các bà chị không gọi điện "khoe đểu" gì, chỉ thương dì út hôm nay không được cùng gia đình. Nằm mãi, đọc mãi, hết truyện đến mấy thứ hết sức vớ vẩn trên mạng, mình dành thời gian post lại các bài cũ vậy. Đợt vừa rồi máy bị hỏng, tưởng không lấy lại được dữ liệu, mình đã rất phiền lòng, giờ thì tranh thủ post lại mau thôi.

PHÙNG CUNG_CON NÍU GIỌT MỒ HÔI ĐỨNG DẬY LÀM NGƯỜI
Đăng lần đầu 29/6/2012

Nếu có thể, mình chẳng bỏ qua những buổi giới thiệu sách vở. Dấu hiệu tuổi tác thể hiện rõ nét, giờ mình ít đọc những thứ best-seller mà thường thích đọc những thứ gai góc hơn chút. Vậy nên tối hôm qua, sau khi đã chờ đợi khá lâu buổi tọa đàm về Phùng Cung, lẽ ra phải được diễn ra từ 19/5 mà bị rời đến tận 28/6, sau giờ làm mình phóng xe đến Trung tâm Văn hóa Pháp. Một mình.
Là một nhân vật trong phong trào Nhân văn giai phẩm, theo nhiều người thì trước hết bị đập tơi bời với truyện ngắn Con ngựa già của chúa Trịnh viết khi ông còn khá trẻ, Phùng Cung chưa bao giờ có được sự “chiêu tuyết” như một số nhà văn nhà thơ cùng thời khi đó. Nếu như Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán… sau này đã được rất nhiều người biết đến, thì Phùng Cung vẫn là một tên tuổi còn vô cùng xa lạ. Đảm bảo hỏi 10 sinh viên khoa Văn thì có lẽ phải đến 9 em hoặc hơn có lẽ chưa nghe tên ông bao giờ. Mình không quá ngưỡng mộ ông, theo cách mình ngưỡng mộ Phùng Quán hay Hoàng Cầm, nhưng mình thích tìm hiểu về ông, cũng như về nhiều văn nghệ sỹ của giai đoạn đó, tìm hiểu lịch sử của giai đoạn đó, vậy nên mình thích đi nghe những buổi tọa đàm như hôm qua.

Bác Phạm Xuân Nguyên vốn là một tên tuổi “hót” trong lĩnh vực “đọc báo giùm bạn”, vậy nên vẫn như mọi khi bác ấy làm người dẫn chính. Bên cạnh là nhà thơ Thái Kế Toại (bác này từng là đại tá công an, A25, đồng thời là nhà thơ với bút danh Lê Hoài Nguyên), rồi nhà giáo Phạm Toàn (bút danh nhà văn Châu Diên) và nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, một dàn mà theo ý kiến chủ quan của mình chưa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhà thơ Thái Kế Toại đã có nhiều trải nghiệm với Phùng Cung, với nhiều nhà văn, nhà thơ khác trong vai trò công an văn hóa, vậy nên phần đầu đơn ca của bác, kéo dài tới khoảng 50 phút, khá thú vị và nhiều thông tin, dù không tránh khỏi có những giây phút bác bị sa đà, lạc đề. Mình không ấn tượng bao nhiêu với phần của bác Phạm Toàn, nói về “những con chữ hiện lên từ đáy chén trà”. Phần của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha nhấn mạnh nhiều đến nắng trong thơ Phùng Cung. Chỉ có vậy.

Hẳn nhiên, Phùng Cung được nhắc đến với bài thơ đầy khí phách “Bèo”:
Lênh đênh muộn dặm nước non/Lạc vào ao cạn/Vẫn còn lênh đênh.

Hay những câu thơ về mẹ trĩu nặng tình cảm, đọc lên khiến người ta rưng rưng:
Mồ hôi mẹ/ Tháng ngày đăm đăm/ nhỏ giọt/ Con níu-giọt mồ hôi/ Đứng dậy làm người

Hay những phân tích về ngôn ngữ vô cùng đẹp của miền quê. Thậm chí ở đoạn giao lưu với khán giả, có một chàng cướp mic, nói mình say mê Phùng Cung cỡ nào, thuộc bao nhiêu bài thơ có nắng của Phùng Cung ra sao, đòi đọc và phân tích 5 bài, nhưng nếu khán giả mệt thì xin phép được đọc 2 bài, bla bla. Tóm lại một anh chàng cuồng thơ nhưng rõ ràng là có hiểu biết và cũng khiến một số người bớt buồn ngủ. (Hì hì. Vụ này làm mình nhớ lại em bé cái hôm đi nghe tọa đàm về Quang Dũng, một em vô cùng dũng cảm đứng lên nói cháu thấy thơ cháu rất hay và mơ ước của cháu là được in thơ này nọ.)
Nhưng chỉ có vậy!

Mình vốn mọi khi chỉ ngồi nghe, không muốn lộ diện, nhưng hôm qua thì ngứa mồm quá. Vì những vấn đề được đưa ra còn rất hời hợt, người ta không đi đến tận cùng lý do tại sao Phùng Cung lại bị đánh đau đến thế, người ta không nhắc một chữ nào đến truyện ngắn Dạ ký, dù chưa từng được in ở Việt Nam, đã khiến ông lao đao, cũng chẳng nhắc đến những bài thơ đọc lên thấy rợn người của ông như bài Vay tuổi, bài “Thu xa”, bài “Đất nước”. Đấy chính là điều tối qua mình hỏi, nhưng đáp lại cũng chỉ là một câu trả lời của bác Phạm Xuân Nguyên, trả lời mà như chưa trả lời, vẫn né tránh. Hì hì, bác ấy còn bảo Dạ ký là tập truyện viết trong đêm nữa chứ. Thưa bác, đấy chỉ là một truyện ngắn thôi ạ. Bác ấy nói vì nó chưa được xuất bản ở Việt Nam nên nhiều người không biết, và vì vậy không nhắc đến. Trời ơi, khó quái gì, mời ai muốn thì google, một cú click chuột là ra tất. Còn phần trả lời của nhà giáo Phạm Toàn hay Nguyễn Thụy Kha về Nhân văn Giai phẩm thì không thể tệ hơn được, cảm giác như họ hiểu rất ít về phong trào này hoặc họ vẫn còn hết sức né tránh.

Dù sao mình vẫn enjoyed buổi tọa đàm theo cách của mình. Và mỗi lần đi nghe như vậy, mình đều thấy tiếc. Hội trường lịch sự, vấn đề thú vị, vậy mà chỉ có khoảng 100/300 ghế là có người ngồi. Cả một Hà Nội mênh mông, được coi là thủ đô lớn trên thế giới, với khoa Văn, khoa Báo chí trường Nhân văn, khoa Văn trường Sư phạm, Viện Văn học, rất nhiều nhà xuất bản, bao nhiêu tòa soạn báo, tạp chí…, tóm lại là rất nhiều người trong giới, vậy mà chỉ được một dúm người đến dự những sự kiện kiểu này.

Cứ bảo sao văn hóa đọc đi xuống!
Viết thêm: Mình mê cách Thụy Khuê phân tích về các nhà văn, nhà thơ, vô cùng sâu sắc và tinh tế. Cô ấy phân tích về Phùng Cung đây.
Còn đây là nhà văn Nhật Tuấn viết kỹ hơn về Dạ ký

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét