23 tháng 4 2013

DÂNG LÊN CẢ TẤM LÒNG

Dịp nghỉ vừa rồi, một người bạn mình mới đi thăm Bái Đính, ngôi chùa với khá nhiều kỷ lục này nọ (sao cứ nói đến kỷ lục là mình lại dị ứng nhỉ?) Truyện trò đôi câu với người bạn làm mình bỗng có hứng post lại bài này, mình viết từ năm 2011, nhân một chuyến đi ngang qua và rẽ vào đó.



Lâu nay dân tình lũ lượt kéo nhau về Bái Đính đi lễ chùa và tham quan. Đã nghe/đọc đủ mọi thứ về khu đó nên tôi không mặn mà bao nhiêu. Dù vậy, vì tò mò, hôm vừa rồi, nhân có việc đi ngang qua khu vực đó, tôi cùng mẹ, một người chị họ và cô cháu ghé vào thăm.

Rằng to thì thật là to

Chả thế mà ngôi chùa được gắn tới mấy kỷ lục này nọ, được vô vàn người ca ngợi không tiếc lời, tôi mà nhận xét lung tung e phạm tội, vậy nên tôi chỉ nói về một chi tiết duy nhất. Khắp trên các bức tường - những bức tường dọc theo hai bên hành lang đi lên chùa chính kéo dài tới cả gần cây số, những bức tường của các chùa nhỏ hơn trong quần thể đó và những bức tường đồ sộ nơi chùa chính - là những ô trống, rộng khoảng 35-40cm và cao khoảng 50-60cm. Không tính toán/đếm cẩm thận nên tôi chẳng thể biết có bao nhiêu ô như vậy nhưng ước tính sơ sơ có lẽ khoảng từ 20.000-30.000 ô. Trong mọi ô trên các bức tường ở ngôi chùa chính là những bức tượng nhỏ màu vàng (nhà chùa nói rằng được dát vàng), cao khoảng 25-30 cm. Khi công đức 10.000.000 thì người công đức/gia đình người công đức sẽ được ghi tên lên một bức tượng như vậy (chỗ chân bệ) và bức tượng đó sẽ được đặt vào một ô trống trên các bức tường.

Tôi làm thử một phép tính nhẩm. Tạm lấy con số 25.000 ô trống ta có:
25.000 * 10.000.000 = 250.000.000.000

Xây chùa chiền hẳn nhiên là quan trọng, việc trang trí càng quan trọng hơn. Nhưng không rõ những ô tượng đó có thực sự làm ngôi chùa đẹp hơn? Hay những added values khác của những ô đó là gì? Ngược lại, rõ ràng số tiền này có thể giúp xây rất nhiều trường mẫu giáo, phòng bệnh viện, những cây cầu qua sông cho người nghèo, cứu giúp rất nhiều người đang trong cơn bạo bệnh mà không có tiền chữa tiếp?...  

Tôi tự hỏi, ai là người công đức những bức tượng như vậy. Những con người vô cùng sùng đạo, thành tâm đóng góp để làm ngôi chùa đẹp hơn (Liệu có bao nhiêu phần trăm nhỉ?) Những cặp vợ chồng hiếm muộn đã đi cầu xin biết bao nơi? (Rất đáng thông cảm). Những gia đình đang có người bệnh trọng, tìm đến chùa chiền như niềm hy vọng cuối cùng? (Liệu bao nhiêu phần trăm trong số đó đây?). Những người làm ăn, buôn bán, công đức một để mong nhận lại gấp nhiều nhiều lần. Những người tiền nhiều như nước (ở đâu ra thì không rõ), công đức đối với họ có lẽ cũng là một cách chuộc tội…

Mỗi khi đi chùa tôi cũng công đức, không nhiều, những đồng tiền nho nhỏ, nhưng hoàn toàn là những đồng tiền tôi bán chất xám của mình. Tôi tự biết mình chưa thật sự thành tâm. Bằng chứng là tôi không ăn chay niệm Phật cũng không đi lễ chùa mỗi ngày rằm mùng một, không đi dự những ngày lễ trọng, không phóng sinh... Tôi chỉ nhớ và thực lòng cầu xin mỗi khi tôi gặp vấn đề. Nhưng tôi luôn nhớ lời mẹ dặn, “thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tại chợ, thứ ba tại chùa”. Bắt chước cô bạn bảo “Tặng cả cuộc đời thì mới khó chứ tặng bó hoa thì khó gì”, tôi cũng lẩn thẩn nghĩ, dâng lên Phật cả tấm lòng thực sự hướng thiện, cả tấm lòng thực sự biết bớt “tham sân si”, biết nghĩ về người khác thì mới khó chứ chỉ dâng lên Phật 10.000.000 thì nào có khó gì. Thời buổi này, thiếu gì người chả biết làm gì cho hết tiền.

Đại loại cô bạn tôi bảo tặng và nhận cả cuộc đời đều rất khó, nên giống mọi người, cô ấy cũng chỉ thích nhận và tặng hoa thôi. Còn trong chuyện này, tôi tin chắc cô bạn sẽ đồng ý với tôi, chúng tôi không công đức 10 tr. để lấy một ô ghi danh, chúng tôi muốn lặng lẽ dâng lên Phật cả tấm lòng mình, trước hết là tại gia.

Nhưng tôi cũng tin những ô trống còn lại ở kia sẽ nhanh chóng được lấp đầy thôi.

Nào, ai muốn thì nhanh chân lên!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét