13 tháng 4 2013

CUỐN SÁCH DỞ DANG (1)



                                                                                                                         Trương Kiệt
Trương Kiệt sinh năm 1937. Mặc dù yêu thích văn học, bà lại học kinh tế tại trường Đại học kinh tế Quốc dân Bắc Kinh vì bị thuyết phục như vậy sẽ có lợi cho đất nước hơn. Sau đó bà làm việc ở văn phòng công nghiệp và xưởng phim. Bà bắt đầu viết năm 40 tuổi, vào khoảng cuối cuộc Cách mạng văn hoá. Hiện nay, bà là một trong những cây bút nổi tiếng nhất và gây tranh cãi nhất của Trung Quốc. Truyện ngắn của bà, Đứa trẻ từ rừng, nhận giải thưởng một trong những truyện ngắn hay nhất năm 1978; tiểu thuyết Đôi cánh nặng nề (Virago, 1987) được giải thưởng Hội nhà văn Trung Quốc. Hiện tại bà là hội viên Hội nhà văn Trung quốc và làm việc cho Hội văn hoá nghệ thuật Bắc Kinh. Bà tham gia Đảng Cộng sản từ khi còn rất trẻ. Tuy nhiên, trong thời kỳ Cách mạng văn hoá bà bị tố dữ dội và nhiều tác phẩm của bà ngày nay vẫn còn gây tranh cãi đặc biệt.
Tôi biết tôi sẽ không bao giờ quay trở lại nơi đó một lần nữa. Khi tôi đóng cửa, đuổi con mèo già nua, mà tôi đặt tên là Nhà sử học vĩ đại, ra khỏi cửa lần cuối cùng, nó trở nên hằn học với tôi do cách đối xử làm nhục nó như thế này. Nhưng dù sao nó cũng rất kiên nhẫn và có lòng tự trọng nên nó không thể gào lên hay cào tôi. Nó chỉ đơn giản trèo lên bệ cửa sổ, cuộn người lại, nhìn tôi qua tấm kính với đôi mắt như muốn nói rằng nó thấu hiểu mọi điều.
Âm thanh rì rào của hàng dương, tiếng ầm ĩ của con đường, tiếng cậu bé hàng xóm đang thổi kèn… giờ đây tất cả đều nghẹt lại, xa vời. Tôi tự hỏi không biết thằng bé có mệt khi cứ phải cố gắng thổi mỗi một nốt suốt từ sáng tới giờ. Nhưng giờ đây tôi sẽ không còn phải dây dưa thêm với những âm thanh này, với những cơn đau chúng tạo nên tận sâu trong óc tôi.
Tôi nghĩ cần phải cẩn thận và khoá cửa sổ nhưng nó hỏng đã lâu lắm rồi, đến mức khung cửa sổ giờ đã long cả ra và xộc xệch đến mức không thể đóng vào cho tử tế. Dù cố thế nào tôi cũng chẳng đóng vào nổi. Đó không phải là lỗi của đội bảo dưỡng đã không làm cẩn thận công việc của họ suốt một thời gian dài; tôi thích coi đó là một dấu hiệu nữa về sự hờ hững của tôi trong việc làm cho cuộc sống dễ chịu hơn. Bình thường, tôi dùng một chiếc dây buộc khung cửa. Như vậy, mở cửa sổ là một việc làm hết sức khó chịu, nhưng thật ra chẳng mấy khi tôi mở. Đã từ lâu, tôi yếu ớt như một đứa trẻ đẻ non và thậm chí chỉ những ngọn gió nhẹ ban đêm hay sự thay đổi nhiệt độ nhỏ nhất cũng gây nên cho tôi những cơn khó chịu bí hiểm. Tôi luôn mong ước các bệnh viện ngăn phòng kín để những người già yếu hom hem như tôi có chỗ nghỉ ngơi.
Do đóng cửa lâu ngày nên phòng tôi luôn có mùi ẩm mốc, giống như mùi một cái kho, hay mùi của căn phòng có người bệnh nằm một thời gian dài. Nhưng mấy đêm cuối này tôi mở cửa sổ, tôi muốn những ngọn gió thơm hương mùa xuân thổi vào mỗi góc phòng, xua đi mọi dấu vết cuộc sống của tôi đã thấm vào căn phòng tất cả những tháng năm này. Đó là những làn gió ấm áp, đáng yêu nhưng nó làm cho tôi ho, họng tôi đầy đờm, giống như ống khói dính muội. Giá mà tôi cũng có thể cạo nó đi như cạo ống khói.
Đây có lẽ là điều cuối cùng tôi có thể làm cho một ai đó. Hay đó là điều đầu tiên? Tất nhiên, tốt hơn cả là quét vôi lại bức tường nhưng bây giờ thì đã quá muộn để làm việc đó. Sớm hay muộn rồi sẽ có những người thuê nhà mới và tôi không muốn họ phải khó chịu do bất cứ sự nấn ná nào của tôi. Nhưng thậm chí nếu họ bực bội về những gì tôi để lại nơi này thì tôi cũng đã ở quá xa và sẽ chẳng nghe thấy gì.
Hai hôm trước bệnh viện gọi cho tôi thông báo rằng hôm nay tôi phải đến. Chàng thanh niên nói chuyện với tôi có giọng nói du dưong giống như một ca sỹ, cứ như thể anh ta đang hát một mình. Anh ta giục giã tôi đi cùng một người đến đó và người kia sẽ chờ tôi, bên dưới cây gạo hay bên cạnh chiếc cầu nhỏ. Nhưng thay vào đó tôi sẽ đi qua cánh cửa dẫn tới… ai mà biết được dẫn tới đâu?
Sau cú điện thoại đó, tôi bắt đầu nhìn lại cuộc đời mình theo cách những người sắp chết hay làm. Tôi ngạc nhiên tại sao trước kia tôi không làm việc này? Liệu chúng ta có buộc phải đợi cho tới lúc đã quá muộn để có thể làm một việc gì đó thì chúng ta mới bắt đầu nhớ lại tất cả những món nợ cũ, lớn hay nhỏ, không thể tính được, mà giờ đây chẳng còn cách nào giải quyết? Mỗi người trong chúng ta chỉ có thể trải qua những bí ẩn của cái chết một lần. Thật là nghiệt ngã khi chúng ta bước vào thế giới bí ẩn này mang trong lòng niềm hối tiếc chưa giải quyết xong mọi việc. Nhưng trong thực tế, cuộc sống của tôi vô nghĩa và buồn thảm, là một cuộc sống bình thường nhất. Trong cuộc sống đó hoàn toàn chẳng có gì hay ho làm chất liệu cho các nhà văn – không bi kịch, không đỉnh điểm hạnh phúc. Thật đáng thương cho những người phải viết điếu văn cho tôi. Có lẽ đó sẽ là bản điếu văn ngắn nhất từ trước tới nay, bản điếu văn chỉ đọc trong hai phút.
Hình như tên tôi đặt ra là để làm mọi người lúng túng. Nó là một cái tên vô duyên, khó đọc, cứng nhắc và tầm thường. Dù vậy, nó thường xuất hiện hai năm một lần trên gáy những cuốn sách về lịch sử nhà Minh, nnững cuốn sách dày bốn, năm trăm trang, khá đắt, thường nằm ở những giá dưới cùng trong các hiệu sách. Tôi luôn biết rất rõ rằng khi cuốn sách tiếp theo của tôi ra đời thì những cuốn cũ vẫn chưa bán hết, nhưng tôi không thể kìm mình và thỉnh thoảng lại đi tới hiệu sách xem liệu trong số những cuốn sách chưa bán hết có bớt đi cuốn nào không. Thậm chí chỉ bớt đi một cuốn cũng là dấu hiệu đáng mừng. Rồi tôi lỉnh đi giống như một tên trộm, sợ rằng ai đó sẽ phát hiện ra chính tôi là tác giả những cuốn sách chưa bán hết kia. Tôi cảm thấy tôi đã lãng phí tất cả những trang giấy đó và lừa dối độc giả của mình bằng cách làm họ mất thời gian đọc chúng. Điều đó làm trái tim tôi nặng trĩu. Tôi biết hầu như tôi chẳng có tài năng gì, nhưng tôi dường như bị bỏ bùa mê vào việc dâng hiến mọi ý nghĩ, tâm hồn, thậm chí cả thể xác mình cho việc nghiên cứu lịch sử của tổ tiên. Tôi không thể không viết. Tôi còn có gì để mà sống? Một người hoàn toàn cô đơn như tôi?
Lúc nãy, ông Lý, một người hàng xóm, hỏi vẻ quan tâm liệu ông có thể giúp gì trong lúc tôi nằm bệnh viện? Liệu ông có cần đem thư và điện tới bệnh viện ngay hay chờ khi nào đi thăm tôi ông sẽ mang tới cả thể? Chẳng cần mang tới ngay đâu, tôi nói với ông như vậy. Khi nào tiện thì ông có thể nhờ ai đó đem đến cho tôi.
Ngoài thư từ tôi gửi cho các nhà xuất bản và tạp chí, những nơi vẫn nhận bài viết của tôi, và thư từ họ gửi đến, thi thoảng có thêm những mẩu thư của những con mọt sách đầu óc đơn giản muốn tranh luận với tôi về một cuộc chiến nào đó xảy ra ở đâu đó, trong thời kỳ nào… tôi hoàn toàn không có thư từ riêng. Và do lâu nay ốm yếu tôi ít làm việc nên thậm chí những lá thư như vậy cũng chẳng có bao nhiêu.
Giờ đây, khi nói về chuyện này, tiện thể lại có vài điều để nói về việc không có cuộc sống riêng tư: bạn ít có những mối ràng buộc hơn, không ai đau khổ khi bạn bắt đầu xuống dốc cả. Tuy vậy, nếu quả thật tôi đến được thiên đàng, tôi sẽ cảm thấy buồn khi nghĩ rằng chẳng có ai trên trái đất đau khổ vì tôi cả. Đó không phải vì tôi không biết sống hoà hợp với mọi người mà đơn giản vì tôi không có may mắn kết bạn được với ai. Đồng nghiệp ở viện nghiên cứu rất tốt và tôn trọng tôi. Mọi người đối xử tốt với tôi, nhưng tôi thường có xu hướng làm họ sợ hãi, hay tôi nhầm lẫn giữa lịch sự thông thường với biểu hiện quan tâm? Tôi sợ tôi đã mất hàng giờ, hàng giờ trích dẫn những chứng cớ để chỉ ra rằng cuốn sách lịch sử của nhà sử học Hạ Hạ Tấm gương phổ quát về lịch sử đời Minh đầy những đánh giá sai mà tôi chẳng mảy may quan tâm tới việc các thính giả của tôi có thấy thú vị hay không, hay tôi có đang thử lòng kiên nhẫn của họ không… Mỗi khi phải đi thăm ai trí óc tôi ở lại với những dòng chữ đầy trên bàn và hi vọng người tôi đến thăm sẽ không có nhà. Khi đó, để lại một tờ giấy ngắn ngủi, tôi có thể đáp ứng đòi hỏi về tính lịch sự mà mất ít thời gian nhất. Nếu gặp họ ở nhà, tôi thường nói những câu vô nghĩa, như kiểu “Trời mấy hôm nay đã ấm dần lên”, rồi sau đó nhắc lại tới ba lần. Những nghi thức xã hội này làm tôi kiệt sức, tính cục mịch và sự thiếu tế nhị của tôi làm những người khác hoàn toàn lúng túng, không biết phải tiếp đón tôi như thế nào. Khi tôi đứng lên ra về, khuôn mặt chủ nhà lộ vẻ vui sướng đầy biết ơn rằng ông ta không còn phải kéo dài sự hành hạ tinh thần này nữa.
Cuộc sống hàng ngày của tôi hoàn toàn xoay quanh công việc. Vào những ngày lễ, khi bếp ăn của viện đóng cửa tôi không bao giờ biết được chắc chắn lúc nào mình sẽ ăn sáng, trưa hay tối. Không ai nhiệt tình phát triển công nghiệp ăn uống và may mặc Trung Quốc hơn tôi. Tôi nóng lòng chờ đợi khi toàn bộ công việc ăn uống được giảm thiểu xuống chỉ còn là những tuýp thức ăn đơn giản giống như những tuýp thuốc đánh răng. Tôi nóng lòng chờ đợi người ta làm quần áo bằng giấy, chăn gối cũng vậy, để những thứ của tôi khỏi lúc nào cũng giống những mảnh giẻ bẩn. Tất nhiên, tôi thích quần áo, chăn gối sạch sẽ như tất cả mọi người, nhưng tôi không có thời gian, cũng chẳng có năng khiếu quan tâm đến việc đó.
Nhưng giờ đây, những nỗi bực mình vặt vãnh như thế này chỉ còn là chuyện quá khứ và tôi tự hỏi bản thân: trong cuộc sống của tôi còn có cái gì hay ho đáng xem lại? Có còn gì hơn ngoài vài đồng tôi vay chỗ này hay chỗ khác, hay một cuộc gọi mà tôi quên không trả lời? Trong một câu chuyên cổ tích của Andersen, vào một đêm đông lạnh lẽo, một người đàn ông già vào lúc hấp hối đã nhìn thấy toàn bộ cuộc sống của mình qua hàng nước mắt u ám. Và điều đó khiến tôi nhớ rằng chỉ có một dòng nước mắt trong cả cuộc đời đơn điệu dài dằng dặc của tôi. Không phải dòng nước mắt u uất của người đàn ông mà là dòng nước mắt duy nhất từ hồi tôi còn trẻ trung, từ cái thời có sự vẻ vang, có sự rạng rỡ mang màu sắc ngọc trai. Chỉ mãi tận bây giờ, khi cả nó cũng sắp bị chôn theo cùng với tôi, tôi mới dám đem nó lên từ đáy sâu tâm hồn.
(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét