13 tháng 4 2013

CUỐN SÁCH DỞ DANG (2)



Đó là một sáng mùa hè. Cô vừa cười vừa bước vào phòng chúng tôi, một căn phòng bị đám nho xanh trên bức tường bên ngoài cửa sổ nhỏ làm cho ảm đạm, u ám. Từ lúc cô bước vào, dường như có một ô cửa sổ khác. Làm sao cô có thể cười nhiều thế được nhỉ? Mỗi khi cô cười tôi cũng cười. Tôi dễ chịu phát hiện ra điều này lại càng làm cô cười nhiều hơn. Tôi chẳng bao giờ để ý xem lúc cười trông tôi thế nào, nhưng từ lúc đó tôi hoàn toàn tin rằng khi cười trông khuôn mặt tôi đẹp hơn. Sự tự tin đó làm tôi bỗng dưng viết nhanh hơn, từ một nghìn lên hai nghìn từ một ngày.
Tôi luôn luôn đánh mất ô, hết chiếc này đến chiếc khác. Trời mưa chỉ là để tôi đánh mất ô – trên xe buýt, trong quán ăn, trong hiệu sách tôi vô tình ghé vào, bên bảng tin… Cái hôm tôi để quên ô ở một hội nghị khoa học nào đó, cô chạy theo tôi, gọi và cười, đưa lại chiếc ô cho tôi. Tôi bị ngập trong tiếng cười của cô, sung sướng dễ chịu đến mức quên cả cảm ơn cô.
Nghe giọng cô, nghe tiếng cô cười và cảm thấy có một ô cửa sổ khác trong phòng trở thành điều quan trọng nhất trong cuộc đời tôi. Cô làm việc chăm chỉ, không bỏ ngày nào. Sự nhẹ nhàng của cô, câu chuyện của cô, việc cô đánh rơi một chiếc cúc hay nỗi bực bội nho nhỏ vì cô không thể mua được đôi ủng tốt… tất cả đều dần lẫn lộn với những số liệu lịch sử tôi đọc và những dòng tôi viết. Tôi mong muốn chia sẻ tất cả những gì tôi có và tất cả những gì tôi viết với cô.
Cuộc sống của tôi trở nên rắc rối hơn nhiều so với khi chưa biết cô. Tôi luôn chỉ cho cô xem những cuốn sách tôi thấy hay và có ích. Mỗi khi tôi nói với cô về tổ tiên đáng khâm phục của chúng tôi, về lịch sử đã tàn tạ như dòng thủy triều, trong tôi dâng lên một tình cảm chưa hề có trước đây: hạnh phúc.
Tôi thậm chí còn bắt đầu đi xem. Tôi nhớ lại một bộ phim. Ngày ấy mọi người nói rằng bộ phim rất dở, loại phim người ta quên ngay khi thậm chí còn chưa ra khỏi rạp. Nhưng bộ phim đó với nữ diễn viên gợi tôi nhớ đến cô, lại đảo lộn trái tim tôi. Tôi tìm thấy trong mình sự dũng cảm không ngờ. Tôi lấy giấy bút viết cho cô, hẹn gặp cô lúc 9h, bên cạnh cây cầu nhỏ, hệt như trong phim. Thậm chí những lời tôi viết cũng được vay mượn từ bộ phim. Tôi say sưa với hình ảnh cô chạy tới gặp tôi dưới cây gạo.
Tôi đến sớm hơn một giờ, chờ cô để nhìn thấy cô đến. Đã quá chín giờ. Mười giờ cô vẫn chưa đến và tôi nghĩ chắc tôi viết sai giờ hẹn hay ngày hẹn. Rất có thể, dù tôi đã lấy lá thư ra khỏi phong bì mấy lần, đọc đi đọc lại rồi mới cho vào phong bì gửi đi. Tôi không dám tin chắc là vào giây phút đó trí óc tôi đủ minh mẫn, hay thần kinh tôi đủ vững. Tôi đã gặp những chuyện tương tự rồi. Ví dụ như với môn toán hồi ở trường trung học, một câu hỏi trong kỳ thi yêu cầu cho biết đáp số của 50/2. Tôi viết nó đúng là 50/2. Tôi không biết mình đã kiểm tra câu trả lời bao nhiêu lần nhưng chẳng hiểu sao trí óc tôi bướng bỉnh cứ nghĩ đến phép tính 50/3, một phân số không chia hết. Liệu tôi có thể nhầm hệt như vậy, viết 12h trưa hay 8h tối thay cho 9h sáng.
Tôi thấy đói nhưng không dám rời cây cầu nhỏ đi ăn trưa. Cứ chốc chốc tôi lại tháo kính ra lau để không bỏ lỡ dáng hình cô nhưng nó vẫn mờ mờ như mọi khi. Tôi ước giá tôi đừng vứt nó trong túi lẫn với những chìa khóa, bấm móng tay và những gì gì nữa, hay cẩu thả vứt nó xuống bàn, mắt kính quay xuống dưới để bây giờ mắt kính cứ mờ mờ. Tại sao bây giờ trông chúng lại tồi tệ hơn bao giờ hết thế nhỉ?
Tôi bắt đầu tự hỏi mình hay bỗng dưng cô bị ốm. Tôi cảm thấy lo lắng đến thắt ruột thắt gan. Hay cô gặp tai nạn lúc đang đi tới đây. Nếu có chuyện gì xảy ra với cô tôi sẽ không bao giờ có thể tha thứ cho bản thân mình, thậm chí kể cả khi tôi bị đày xuống địa ngục và bị trừng phạt gấp mười lần như vậy.
Tiếng ầm ĩ của dòng xe cộ và người dần lặng đi lúc cuối ngày. Ánh đèn đường sáng lên ở phía xa, hào phóng tỏa ánh sáng màu da cam lên tôi, cứ như an ủi tôi. Tôi lê bước về nhà, tuyệt vọng, giữa bóng tối. Hạnh phúc buổi sáng dường như chưa từng tồn tại.
Sáng hôm sau, ngay khi tôi còn chưa bước chân vào văn phòng, khi tôi còn đang đi trên con đường nhỏ giữa hai hàng cây xanh, tôi đã nghe thấy tiếng cô cười. Lạy trời! Thế là cô vẫn sống, vẫn khỏe mạnh và hạnh phúc. Một lúc lâu, tôi đứng dưới mái hiên ngôi nhà, không dám bước vào bên trong, sợ một ấn tượng nào khác có thể phá vỡ niềm hạnh phúc tôi đánh mất và giờ đây đã tìm lại được. Tôi trào nước mắt biết ơn mà thậm chí không biết phải cảm ơn ai và vì cái gì.
Vẫn cười ngọt ngào như mọi khi, cô nói với tôi:
-         Mời anh làm quen với chồng chưa cưới của em. Chúng em muốn mời anh tới dự buổi lễ thành hôn của chúng em vào chiều thứ Bảy.
Anh ta khỏe mạnh, cao, đẹp trai. Anh ta nhiệt tình bắt tay tôi.
Vừa nói cô vừa đưa cho tôi một gói nặng bọc giấy nâu được buộc dây. Đó là những cuốn sách tôi cho cô mượn. Nhìn họ tôi hạnh phúc nghĩ về đám cưới của họ, về việc trông họ mới đẹp dôi làm sao. Dường như những nỗi đau của tôi, sự tự trách mình bên cây cầu hôm trước chưa hề xảy ra và cũng không hề tồn tại lá thư mà tôi đã hành hạ mình lâu đến thế để gửi đi.
Hôn lễ được tổ chức không cầu kỳ, với một bầu không khí vui vẻ và thoải mái, giống như một nhóm bạn bè tự dưng gặp nhau. Đó chính là cách cô vẫn làm mọi việc. Đây là lần đầu tiên tôi lọt vào một nhóm đông mà không cảm thấy lúng túng.
Chú rể ngồi ngay cạnh tôi. Anh ta kể với tôi anh ta là nhà địa chất. Anh ta giải thích cho tôi với một vẻ vô cùng khoái trá về chuyện các chấn động gây nên động đất hình thành như thế nào, chuyện người ta chuẩn bị dùng máy cảm nhận từ xa thay cho la bàn, búa, kính phóng đại để bảo vệ các nguồn khoáng sản tự nhiên ra sao. Anh ta nói chuyện với tôi cứ như anh ta không phải là chú rể mà là một người khách đến để nói lời chúc mừng.
Tôi cười. Cách anh ta nói chuyện mà không thèm quan tâm anh ta có đang khiến người cùng đối thoại chán ngấy hay không có gì đó giống tôi. Anh ta rất yêu thích công việc của mình và tin chắc rằng ngành địa chất rất có ích cho thế giới và là một ngành khoa học tuyệt vời. Tôi khâm phục anh ta và thậm chí bắt đầu nghi ngờ liệu tôi có sai lầm không khi suốt những năm tháng qua tôi nghiên cứu lịch sử chứ không phải địa chất. Thỉnh thoảng anh ta lại đưa tôi một điếu thuốc lá. Anh ta rõ ràng đang rất hạnh phúc và nhiệt tình nên chẳng còn hơi sức quan tâm đến chuyện tôi có hút thuốc và tôi có muốn hút thuốc hay không.
Tất nhiên là tôi nhận điếu thuốc – tôi không thể từ chối lời mời nhiệt thành của anh ta được. Anh ta là người đàn ông cô yêu, và hơn thế, chính tôi cũng rất thích anh ta. Tôi không biết tôi có phải nuốt cái chỗ khói kinh khủng đó hay hít vào. Từ những trang quảng cáo tôi nhìn thấy trong bệnh viện rằng hút thuốc lá gây nên ung thư phổi, tôi đoán rằng phải hít vào. Tôi nhớ không sai, bệnh viện là nơi tôi biết khá rõ, nơi tôi đến thường xuyên hơn cả trừ văn phòng và nơi ở. Ngay từ hơi đầu tiên tôi đã bị ngạt nhưng tôi cố gắng hết mức để không ho mặc dù một cố gắng như vậy làm mắt tôi đầy nước. Chẳng đỡ chút nào và tôi sợ tất cả những cái này sẽ khiến anh ta chú ý và anh ta sẽ tự buộc tội mình về việc làm một người chịu khổ đến vậy.
Cô đi đến bên chúng tôi, tươi cười, mắt long lanh. Cô chìa cho tôi chiếc ly pha lê rất đẹp và mời tôi uống chúc mừng họ. Tôi nhận cốc rượu vang và ngay lập tức có tiếng kêu vo vo trong đầu. Rượu nặng nhưng trái tim tôi nhẹ bỗng. Thật kỳ lạ khi tôi cảm thấy như vậy nhưng tôi thấy thật hạnh phúc, như thể chính bản thân mình cưới vợ.
Mãi khuya hôm đó tôi mới rời tiệc cưới, nơi hai người vây quanh tôi bằng bầu không khí hạnh phúc. Đó là vào giữa tháng Mười. Trời vẫn còn khá ấm, còn tôi ở trong trạng thái vô cùng phấn chấn. Tôi vắt áo khoác qua vai, đi về nhà dưới ánh trăng. Tôi không biết do điếu thuốc hay do rượu nhưng tôi thấy mình đang bay bổng. Trong tiếng gió rì rào tôi như nghe thấy những tiếng thì thầm, cười khe khẽ từ những cây bồ kết và cây dương bên đường.
Tôi nhớ khúc ca của Schubert chú rể vừa hát:
Những khúc hát dịu dàng của lòng anh
Hát em nghe qua màn đêm.
Và tôi nhớ nét mặt nàng lúc nghe anh ta hát.
Một nỗi ham muốn yếu ớt tràn ngập trái tim tôi. Tôi muốn có một bờ vai mềm mại bên cạnh mình, muốn có ai đó dựa mái đầu tóc xoăn lên vai tôi. Tôi sẽ choàng chiếc áo khoác của mình quanh vai nàng như những hiệp sỹ Tây Ban Nha dùng áo choàng che cho người phụ nữ của mình.
Tôi vấp phải hòn đá nên cúi xuống và nhìn thấy bóng mình trên mặt đất. Đôi vai nhỏ như đôi vai trẻ con. Hình như tôi có ít hơn mọi người ba chiếc xương sườn, người tôi chúi về phía trước một cách đau đớn. Bỗng dưng tôi chợt hiểu ra rằng tôi là một kẻ ngu xuẩn biết bao – chẳng bao giờ có người phụ nữ nào muốn tựa đầu họ lên đôi vai giống như vai tôi.
Hỡi người thương mến vô cùng
Ngọn gió đêm nay
Mang tiếng khóc của ta đến với nàng.
Vừa bước vào phòng tôi đã thả vật người xuống ngang chiếc giường nhỏ, với sang tận chiếc tủ đầu giường và nắn nót viết chữ cái đầu trong tên cô: S. Tôi không cảm thấy đau đớn lắm. Dần dần mắt tôi mờ đi và chữ cái đó biến thành một thiên thần có cánh bay trên đầu tôi. Tôi nhắm mắt lại. Đêm đó tôi đã mơ một giấc mơ hạnh phúc thật đẹp nhưng chuyện đó lâu quá rồi và tôi không còn nhớ rõ ràng nữa.
Chẳng bao lâu sau cô rời bỏ viện chúng tôi, cùng nhà địa chất của mình đi khắp đất nước. Năm tháng trôi qua. Tôi hiểu rằng bây giờ cô cũng hom hem như tôi nhưng vì không bao giờ gặp lại cô nên tôi vẫn nhớ hình ảnh cô như khi chúng tôi chia tay nhau, hình ảnh một cô gái luôn luôn cười vô cớ, rạng rỡ, vui vẻ như khi người ta ngủ và mơ giấc mơ đẹp.
Mọi người nói rằng tình yêu là ham muốn vô tận, đau đớn và rồ dại rồi lại sung sướng; những nỗi đau giống như địa ngục đóng băng, những đêm mất ngủ tuyệt vọng. Trong cuộc đời mình, chưa bao giờ tôi nếm trải những tình cảm rắc rối, phức tạp và đau đớn, ngọt ngào đến vậy. Nhưng tôi rất biết ơn cô. Dù tôi chẳng bao giờ đứng trước cửa sổ phòng cô đêm này qua đêm khác mong chờ bóng cô xuất hiện, cô vẫn mang may mắn lại cho tôi. Nhờ có cô tôi hiểu được niềm hạnh phúc và cảm thấy nỗi cay đắng tỏa ra từ chiếc cửa sổ kia. Nhờ có cô tôi cảm thấy hạnh phúc chỉ với một chữ cái tên cô bên cạnh mình.
(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét