13 tháng 4 2013

CUỐN SÁCH DỞ DANG (Tiếp theo và hết)



Tôi nghĩ rằng đã đến lúc tôi phải đi, nhưng vẫn còn quá nhiều công việc chưa giải quyết xong. Tại sao tôi lại tìm cách lôi chúng ra bây giờ, vào những giây phút cuối cùng này? Tôi đã có ý định sắp xếp gọn gàng tất cả những cuốn sách nhét cẩu thả, lộn xộn trên giá, sắp xếp lại theo từng thời kỳ để người sở hữu sau sẽ dễ dàng tra cứu. Tôi vẫn chưa sửa mấy chỗ trong bài báo về Chu Nguyên Chương, người sáng lập ra triều đại nhà Minh, về đội quân những người khởi nghĩa nông dân.
Tất cả những gì tôi cố gắng làm vào đêm cuối cùng là những việc rất nhỏ trong phạm vi sức lực của tôi. Tôi xóa đi chữ cái đầu viết trên mặt bàn, đốt tờ giấy nâu gói những cuốn sách ngày xưa – nó tan ra khi tôi đụng vào – cả mẩu dây nữa. Tôi không muốn những kỷ vật tôi giữ gìn suốt bao năm trời bị người khác vô tình vứt đi như một thứ rác rưởi lúc người ta dọn dẹp đồ đạc sau cái chết của tôi. Tôi cũng không cho phép một bàn tay lạ xóa đi chữ cái kia.
Trong lúc tôi nhìn tàn lửa cuối cùng lụi dần, tôi nghĩ về tất cả những năm tháng đó, về chuyện tôi đã giữ gìn những kỷ vật đó như những báu vật vì nàng đã thở lên, đụng vào nó. Cứ như suốt những năm tháng đó tôi là một tên kẻ trộm, trộm cắp cái mà nàng chưa bao giờ ban cho tôi – cái chưa bao giờ thuộc về tôi – một mảnh nhỏ cuộc sống của nàng. Có lẽ đó là điều xấu xa nhất tôi phạm phải. Giá tôi có thể quỳ xuống trước mặt nàng xin tha thứ. Nàng thật tốt bụng, dịu dàng và rộng lượng đến nỗi tôi tin chắc nàng sẽ tha lỗi cho tôi và nói “Trong suốt cuộc đời, ai cũng cũng có lúc phạm sai lầm nào đó”.

Trong khi tôi nâng cái túi gọn ghẽ đựng vài đồ dùng thiết yếu lên thì chiếc bàn chải đánh răng rơi ra khỏi lỗ rách. Lúc cúi xuống nhặt, tôi nhìn lại căn phòng một lần nữa, căn phòng đã chia sẻ cùng tôi hơn nửa đời người. Chiếc bàn cũ đứng giữa phòng cô đơn, trông vô lý và cô độc, giống như một hòn đảo ít người biết đến ở Thái Bình Dương mà thậm chí một nhà thám hiểm hạng ba cũng không thèm quan tâm. Những sợi dây mắc màn tuột ra đã lâu, lủng lẳng ngay phía trên bàn. Những bức tường vàng, ố đen có cái vẻ hom hem, giống khuôn mặt già nua khô héo của tôi, khi chúng yếu ớt dựa vào nhau xung quanh đống đồ đạc lộn xộn. Cả những cuốn sách trên giá trông cũng buồn thảm và què quặt, không cuốn nào có bìa da đẹp đẽ với hàng chữ mạ vàng trên gáy để cho giá sách mang vẻ riêng biệt. Tất cả những cuốn sách bìa mềm đều nằm nghiêng, ngả ra ngoài giá sách giống như những chiếc lá trang trí héo rũ bị ngắt đã lâu lắm rồi. Mạng nhện chăng lơ lửng trên trần nhà xuống, trong góc phòng,
Hình ảnh căn phòng vô hồn làm tôi buồn nhớ, cứ như tôi đã hoài phí tuổi trẻ của nó mà chẳng đạt được gì. Nó đã có thể sạch sẽ, gọn gàng, sáng sủa như tất cả những căn phòng khác. Khi tôi nhìn thấy tất cả những cái này, một tình cảm mới mẻ khác bắt đầu tràn ngập lòng tôi. Tôi không thể gọi tên nó rõ ràng, nhưng vì nó mà tôi cảm thấy cuộc sống của tôi suốt từ đầu đến cuối đều thiếu một cái gì đó.
Thiếu cái gì? Mắt tôi lướt qua những giá sách bừa bộn, những cuốn sách mà tôi đã tằn tiện, tiết kiệm cả đời mình để mua, hay những cuốn sách tôi viết ra bằng chính mồ hôi và nước mắt. Tôi nhận ra rằng tôi có tất cả những cái này để lại cho rất nhiều người, nhưng không có một vật duy nhất để lại cho ai đó duy nhất. Đó chính là cái tôi thiếu, cái tôi đã bỏ qua.
Tôi biết rằng Đồng, anh chàng làm ở phòng tổ chức nhân sự của Viện sẽ tự tay ký vào chỗ trống trên tờ cam đoan, nơi mà lẽ ra người thân phải ký. Ước chi có một khuôn mặt yêu thương, đầy nếp nhăn giống như tôi, ngồi chờ trên chiếc ghế bên ngoài phòng phẫu thuật, lo lắng vì tôi, khóc vì tôi. Ước gì trên chiếc tủ cạnh giường tôi có những món ăn ngon do chính tay người ấy nấu. Cái đầu của tôi, cái đầu đã làm việc với hàng núi giấy lộn giống như một chiếc máy ghi chép cuối cùng đã thể hiện tài năng vô tận của nó trong việc tưởng tượng món ăn. Những buổi tiệc này có mùi vị ngon lành như khi tôi ăn trong chiếc đĩa nhôm của nhà bếp đã bị cạo đến bóng lên.
Nhưng, trong thực tế, thời gian cho việc ngồi tưởng tượng thế này đã hết rồi. Chẳng bao lâu nữa, người ta sẽ cho tro tàn của tôi vào một chiếc bình, sau đó đặt nó lên cái giá tối tăm nào đó. Cái bình sẽ nằm đó hứng bụi, chẳng được ai biết đến trong vòng ba năm rồi người ta sẽ quẳng chúng đi. Sẽ chẳng có ai muốn giữ cái bình cả. Khả năng có một ai đó muốn trộn tro của họ với tôi lại càng ít hơn.
Có tiếng khe khẽ ngoài cửa sổ. Khuôn mặt Nhà sử học vĩ đại với vẻ tập trung và ngạc nhiên áp vào tấm kính. Cái lạnh lùng, quan trọng ngày thường biến đâu mất. Tôi lập tức nhìn đi chỗ khác, không muốn chứng kiến nó nhìn thấy sự cô đơn trong trái tim tôi. Chúng tôi đã chia sẻ với nhau nhiều thứ và tôi muốn nó sẽ không cảm thấy mất mát khi tôi ra đi. Nó cào tay vào tấm kính như khi có người gõ cửa.
Nhiều năm trước, tôi nhặt nó ngoài phố và mang về nhà. Trên đời này có lẽ chẳng có con mèo nào lười nhác hơn nó. Đuôi nó ngắn giống như một mẩu giẻ. Bộ lông màu xám buồn tẻ bẩn tới mức bạn không thể biết màu lông thật của nó là gì. Nó ngồi giữa đường, không động đậy, không phát ra âm thanh nào trong khi dòng xe đạp, ô tô, xe tải cứ chạy ngang qua. Nó ngồi đó đơn giản, giống như đống giẻ bị vứt ra đường, cứ như thể nó không hề quan tâm mình còn sống hay đã chết. Một vòng bánh xe nhỏ quay cũng có thể nghiến nó bẹp dúm.
Tôi đổ nước vào chiếc bát ăn tắm cho nó. Tôi nghĩ nó không hiểu ý định tốt của tôi và tưởng rằng tôi đang định lột sống nó. Nó cào vào mu bàn tay tôi chảy máu sau đó nhảy lên chiếc đài vẫn đang bật và ngồi đó liếm chân. Nó nhìn tôi thận trọng, im lặng. Sau vài ngày quan sát cẩn thận, nó công nhận tôi là bạn, nhưng thậm chí cả khi đó cũng với một chút chiếu cố. Bất cứ khi nào tôi ngồi viết điên cuồng ở bàn nó đều nhìn tôi vẻ kiêu kỳ khinh khỉnh. Thái độ của nó như muốn nói, “Tất cả những cái ông viết đều vớ vẩn vô ích, ông bạn già ạ”. Khi tôi đọc thầm những bài báo, nó lười nhác nhắm mắt và nhịp nhàng lắc lư đầu. Mỗi đêm, trước khi ngủ, khi tôi tôn thờ ngồi ngắm chữ cái viết ở một bên bàn, nó ngồi bên cạnh, đầu tựa trên hai chân trước, nhìn vào khuôn mặt tôi vẻ khiêu khích, thương hại. Đến tận bây giờ, người tôi từ đầu đến chân vẫn còn đầy những vết bọ chó đốt đỏ, giống như khi lần đầu tiên nó đến với tôi.
Mỗi sáng nó thường dùng chân trước kéo những sợi tóc trắng ngày càng mỏng đi của tôi, bảo tôi đừng nằm ườn trên giường lười biếng nhìn trần nhà nữa. Mỗi khi tôi ngồi nghỉ, mệt mỏi nhắm đôi mắt già nua bắt đầu mờ đục, nó thường nhảy lên đầu gối tôi, liếm đôi tay có những đường gân và làn da nhăn nheo, hoặc chộp cổ tay tôi nghịch những ngón tay, nhưng thường nó rất thận trọng để không làm tôi đau.
Chính vì nó mà cuối cùng tôi bắt đầu để ý một chút tới việc phải cho chúng tôi ăn uống tử tế hơn. Thỉnh thoảng tôi mua thịt nguội. Tôi thường để thịt lên tờ giấy gói hàng dính mỡ. Trong lúc nó cuộn người phía bên kia, đối mặt với tôi, chúng tôi cùng ăn món thịt. Đội lúc, trí tưởng tượng của tôi trở nên bay bổng và tôi nghĩ rằng nếu cả hai chúng tôi biết uống, chúng tôi có thể chạm cốc và uống vì sức khỏe của nhau. Cảm ơn Trời phật đã gửi đến cho tôi một linh hồn động vật, kiên nhẫn đến thế và hiểu tôi đến thế, không bao giờ dùng lưỡi nó làm tôi đau. Tôi cầu mong sao cho người thuê nhà sau tôi sẽ tiếp nhận Nhà sử học vĩ đại và tôi mong rằng thậm chí nó sẽ vui lên chút ít. Tôi tin chắc nó có thể vui hơn, và rằng một ai đó sẽ nuôi nấng nó, nhưng dù sao thì cũng không chắc chắn lắm.
Từ lâu tôi đã thầm hy vọng rằng người thuê nhà sau tôi sẽ là người tràn đầy sức sống, sẽ trang hoàng căn phòng này giống như những căn phòng khác bằng rèm cửa màu trắng, chùm đèn pha lê treo rủ từ trần nhà xuống, một chiếc khăn trải bàn, một bức tranh phong cảnh đẹp treo trên tường, một lọ hoa cắm những bông hoa màu vàng nhẹ… Tốt nhất là một cô gái. Cô sẽ có bạn trai, bạn trai cô sẽ sửa chữa cửa sổ để cô có thể mở rộng ra cho ánh trăng rọi vào tràn ngập căn phòng, để ngọn gió nhẹ mang theo hương hoa bồ kết vào phòng mỗi khi tháng Năm đến, và có lẽ cả những dòng trong khúc hát của Schubert nữa. Khi đó căn phòng sẽ có cái vui vẻ, dễ chịu mà tôi không bao giờ có thể mang lại cho nó.
Tôi còn bỏ lại gì ở đây nữa? Vâng, tôi còn bỏ lại đây rất nhiều những mong muốn mà tôi vẫn cảm thấy rất rõ ràng, sắc sảo, vào tận lúc này, khi thời gian đã hết. Những mong muốn đó không nguội lạnh đi mà đọng lại trong trái tim tôi.
Tôi thường nghĩ rằng những tình cảm của tôi thuộc về quá khứ, thuộc về lịch sử, nhưng tôi biết tôi cũng mong mỏi tương lai giống như bất kỳ ai. Thậm chí giờ đây, khi cuộc sống gần kết thúc, tôi nhận ra rằng tôi chưa bao giờ hiểu mình cụ thể… Giá như…
Nhưng giờ đây, rõ ràng đã quá muộn để làm thêm một việc gì đó nữa, để trở thành một cái gì đó nữa, trong cuộc đời này…  

Người dịch: Đặng Tuyết Anh, đã in trong tập 29 truyện ngắn nữ thế giới, NXB Lao Động, 2002.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét