27 tháng 4 2013

MỘT NGÀY TRÊN ĐẢO LÝ SƠN

(Đăng lần đầu 21/7/2011)
Vừa đi một chuyến miền Trung về, lòng còn đầy cảm xúc, lại thêm không khí rộn ràng, ở Quảng Ngãi ai ai cũng nhắc tới Lý Sơn, đến cả chị chủ quán cơm Bắc Sơn mà mình ghé vào mua cá bống cũng hỏi, Em đến dự lễ hội à, làm mình đầy hứng khởi đưa lại bài viết này từ tháng 7/2011, khi mình và cô bạn đến đó chơi.

Mình nghe tên đảo Lý Sơn đã rất lâu, từ ngày còn làm cho dầu khí và “đóng đô” ở Quảng Ngãi. Tỏi đặc sản của Lý Sơn thì nhiều người biết rồi, nhưng hòn đảo đó gần đây còn trở nên nổi tiếng hơn nhiều do những va chạm, tranh chấp với đám Tung Của.

Đã từ lâu mình muốn được đặt chân đến đó, ngắm những cánh đồng hành tỏi trồng trên cát trắng, đặt chân đến nơi đã từng là ngọn núi lửa, đi thăm ngọn hải đăng, đến viếng những ngôi mộ gió.... Bình thường thì sẽ ít người làm một cuộc hành trình khá rắc rối tít từ ngoài Bắc vào đây để mỗi đi thăm đảo, trừ đám dân phượt chuyên nghiệp. Mình có cái may mắn là năm nào cũng vào Quảng Ngãi công tác vài chuyến, nếu đi thì khá tiện. Dù thế, lâu lắm rồi mình vẫn chẳng đủ quyết tâm, cứ xong việc là vội vàng về với con. Lần này thì khác, tự cho phép bản thân 1 ngày rong chơi không nhớ đến chồng con. Hẹn hò với cô bạn từ cách đây cả tuần, sau khi đã xong việc ở một thị trấn thanh bình tại Quảng Nam, mình đi xe vào Quảng Ngãi để hôm sau đi tàu ra thăm đảo Lý Sơn. 

5h sáng hai cô đã khởi hành bằng xe máy từ thành phố Quảng Ngãi vì mọi người cho biết tàu ra đảo đi khá sớm. Cửa ải đầu tiên phải vượt qua là mua vé. Không xếp hàng gì hết, ai khỏe thì chen. Tụi mình đến đó từ 6h kém 20, hỏi mọi người có cần xếp hàng không. Không, bao giờ mở cửa thì xếp. Hơn 6h, cửa bán vé mở ra, tụi mình vội vàng đứng vào được gần sát cửa sổ. Đúng 5 giây sau, chỉ bằng một cái vung tay, tụi mình đã bị mấy thanh niên, toàn đám lực lưỡng, cho bắn tít ra xa cách ô cửa cả mét. May quá, có một em đứng sát ô cửa tự đề xuất mua hộ hai chị. Đoạn khởi đầu thế là may mắn rồi.

Đây là cảnh ở sát cảng biển Sa Kỳ lúc mới khởi hành:

 Tụi mình bỏ ghế trong khoang, lên bong tàu ngồi từ đầu đến cuối và mê mải chụp ảnh. Đi thuyền đã nhiều lần nhưng lần nào mình cũng vẫn tràn đầy cảm xúc với cảnh trời mây non nước, những con sóng không ngừng đổi màu. 

Màu biển thật lạ, rất khó gọi tên và thay đổi khá thường xuyên:




Chốc chốc lại có chú cá chuồn tung mình lên khỏi mặt nước, bay một quãng rồi rơi xuống biển trở lại, thân mình biếc xanh trong nắng sớm (ban đầu mình cứ tưởng là mấy con chim nhỏ, thắc mắc sao tụi nó chao xuống bắt cá mãi không bay lên). Có lẽ đây chính là hình ảnh "con chuồn còn bay nơi nơi" trong bài Xa khơi. Thế còn "con ráng chiều gọi bạn đường khơi" thì thế nào nhỉ?

Toàn bộ hòn đảo nhìn từ xa:

Miệng núi lửa cũ:

Sau hơn 1 giờ lênh đênh, bọn mình đến đảo lúc hơn 8h sáng. Hai cô gái ở Phòng Giáo dục huyện đón và đưa tụi mình về khách sạn. Nghỉ ngơi, loanh quanh, cũng phải gần 11h tụi mình mới ra được khỏi khách sạn. Đảo nhỏ xíu, từ đầu này tới đầu kia của đảo chỉ 7km. Tụi mình thuê một chiếc xe của khách sạn. Buồn cười thật, chứng minh thư mình quên ở khách sạn Quảng Ngãi, tiền đặt cọc cô ấy cũng chẳng cần, cứ lấy xe đổ xăng rồi đi. Hai đứa lang thang lên chùa Hang. Phong cảnh từ trên núi nhìn xuống thật đẹp. Đây là bãi biển trước cửa chùa.
Khách du lịch nơi đây vắng vẻ, ai thấy hai cô cũng thân thiện hỏi chào. Bữa trưa gồm mực, ốc và bánh đa rất ngon miệng. Ăn xong tụi mình lên quán nước gần đó nằm nghỉ võng (free nhé, nhưng hẳn nhiên tụi mình vui lòng mua của họ một chai nước), nghe tiếng biển ầm ì nho nhỏ, thỉnh thoảng lại có một con sóng vỗ oàm oạp vào vách đá.

Dân trên đảo có hai nghề chính là đánh cá và trồng hành tỏi. Tháng này mới chỉ là lúc chuẩn bị đất để trồng tỏi. Việc làm đất khá cầu kỳ. Hàng năm người ta đều phải thay lớp đất cũ dưới cùng, thay bằng lớp đất mới và trên cùng là lớp cát trắng. Mình không được ngắm ruộng tỏi (tỏi loại 1 mỗi củ chỉ có 1 nhánh, to như đầu ngón tay, còn gọi là tỏi cô đơn) nhưng đã chụp ảnh được khối ruộng hành. Đang mùa dưa hấu, những ruộng dưa lăn lóc đầy quả. Những thứ gì trên đảo có thì rẻ đến không thể hình dung nổi. Dưa loại nhỏ 1.000đ/kg, loại to hơn thì 2.500-3000.
Ruộng hành, ruộng dưa đây:



Buổi chiều tụi mình phóng xe lên ngắm miệng núi lửa cũ. Phong cảnh đẹp và hùng vĩ, dù rằng trông khá nguy hiểm, đường dốc và một bên là biển, chẳng có lan can gì hết. Hai cô nói đùa, khác gì ở Nevada cơ chứ. Đoạn đường vài trăm mét cuối lên miệng núi lửa còn rất xấu, dốc ngược, đá lổn nhổn. Mình đi xe lên được một đoạn, đành vứt đó đi bộ tiếp. Lúc hai cô rời khỏi đó thì trời đã chập choạng. Không dám đèo nhau, cô bạn đi bộ, thỉnh thoảng lại trượt trên con đường trơn đất, đá. Mình bóp phanh, căng người giữ cho chiếc xe xuống dốc chậm chậm trên con đường đâm thẳng xuống biển. Giờ nghĩ lại mình vẫn thấy run vì sợ. Mình hoàn toàn có thể yếu tay lái, không điều khiển nổi và sẽ cùng xe bay thẳng, bất đắc dĩ bị tống cổ lên chuyến tàu suốt, dông thẳng tới thiên đường hoặc địa ngục, zời biết. Hiện đang có dự án biến nơi đó thành một hồ chứa nước. Vậy nên chẳng bao lâu nữa, sẽ chẳng còn cơ hội cho mọi người ngắm miệng núi lửa đó.
Con đường lên miệng núi lửa:

Hoàng hôn trên đảo:

Ngoài hai địa danh chính nêu trên, tụi mình còn lang thang khá nhiều, đi thăm nơi tưởng niệm các chiến sỹ hy sinh bảo vệ Trường Sa năm xưa, thăm đình làng... Còn một nơi mình đã ghi từ trước mà không đến được, chùa Đục. Chắc hẳn sẽ còn có dịp mình quay lại nơi này.

Sáng hôm sau tụi mình bị muộn chuyến tàu cao tốc (mỗi ngày chỉ có 1 chuyến, giờ giấc không hoàn toàn cố định nhưng thường khoảng 6h). Hai cô đi tàu hàng về đất liền, ngồi trong một khoang tàu trần chỉ cao khoảng 1.2m, đồng hành cùng mấy chú bò ở phía bên ngoài. Mình vốn chưa từng là tiểu thư nên chẳng kêu ca gì. Ngược lại, đấy còn là một mặt khác của cuộc sống mà mình được biết thêm. Tàu chạy khá nhanh, chỉ mất 2 tiếng chứ không phải 3-4 tiếng như thời ngày xưa cô bạn mình đi.

Chuyến đi thật đáng nhớ. Thời tiết ủng hộ tụi mình, nắng vừa phải. Lần đầu tiên mình đến một hòn đảo và ở lại đó cả một ngày, tìm hiểu đời sống người dân nơi đó, biết được khối điều, biết được một số loại ốc mới, cây bàng vuông (còn gọi là cây phong ba) với chùm hoa như tia pháo hoa rất đẹp, được thực sự relax, ngắm cảnh đẹp, kèm theo là thơ văn và nhắc đến kỷ niệm thời xửa xưa nữa chứ (Tụi mình thỏa thuận ngay từ đầu sẽ không động chạm đến các vấn đề chính trị). Quá nhiều món ăn tinh thần trong một ngày. Đúng như lời cô bạn kết luận lúc về đến thành phố, “rượu tứ, chè tam, du hành nhị” và chẳng hề dễ dàng có được một người bạn đồng hành như vậy.

Cứ mỗi lần kết thúc một chuyến đi, mình lại mơ đến chuyến đi tiếp theo, đến những địa danh mình ao ước. Đôi lúc tự hỏi mình cầm tinh con gì và thầm nhủ chắc mình “cầm tinh ôtô” (cô bạn mình cứ cười về chi tiết này mãi). Thêm một địa danh nữa vào list of must visit và mình lại mơ tiếp đến những chuyến đi xa.

26 tháng 4 2013

MIỀN TRUNG THÁNG TƯ



Ngay trước đợt nghỉ lễ, mình có chuyến công tác mấy hôm vào miền Trung, một chuyến đi đọng lại khá nhiều điều thú vị. 

Đã đến Đà Nẵng nhiều lần, mà lần cuối cùng nào có xa xôi gì, vừa mới đầu tháng, vậy nhưng mình vẫn bị vẻ đẹp của thành phố này quyến rũ. Có lẽ sau Sapa, nơi mình mong muốn được sống chính là thành phố này. Cửa sổ khách sạn nhìn ngay ra sông Hàn. Chếch về một phía là cầu quay và cầu Thuận Phước. Buổi tối con sông, cây cầu lung linh trong làn ánh sáng đầy quyến rũ. Buổi sáng mặt nước phẳng lặng, bóng như gương, nói thật, biết khai thác và quảng bá tốt, kém gì sông Danube :-).

Cũng đã nhiều lần đi con đường từ Đà Nẵng vào Quảng Ngãi, nhưng lúc nào mình cũng thấy đoạn đường đó thật đẹp. Năm nay được mùa. Những ruộng lúa hai bên đường chỗ còn hơi xanh, chỗ đã ngả vàng, nhìn ngút tầm mắt. Trên đoạn đường mình qua, có những cánh đồng đã gặt xong, cò đậu trắng. Đi từ Đà Nẵng vào, đến gần sân bay Chu Lai sẽ bắt gặp những mảng cát trắng phau. Mình còn nhớ lần đầu tiên nhìn thấy cát trắng, trong chuyến đi vào Quảng Ngãi lần đầu tháng 3 năm 2009, mình đã ngạc nhiên và mê mải nhìn ngắm như thế nào. Những xóm làng miền Trung khác hẳn thôn xóm miền Bắc, thường có nhiều dừa và cau, vẫn còn giữ được khá nhiều tre, tạo vẻ đẹp duyên dáng rất đặc trưng. Những con sông miền Trung nước trong vắt, xanh biếc, lấp loáng, rặng tre mềm mại nghiêng đôi bên bờ. Có lẽ do được lớn lên cạnh một con sông đẹp như vậy nên Tế Hanh mới có thể viết bài thơ Nhớ con sông quê hương hay đến thế.

Lần đầu tiên mình được đến bãi biển Rạng, một bãi biển nhỏ nằm ngay cạnh sân bay Chu Lai và gần cảng biển Kỳ Hà. Nước trong vắt, bãi biển sạch, hạt cát không mịn mà hơi to, thô. Đang mùa cá chuồn, món cá chuồn nướng rất tươi ăn bên bãi biển thật ngon. Rồi cá khế hấp, ngao hoa luộc. Và đặc biệt là món cháo hàu mà mọi người quảng cáo rằng chỉ khu vực biển Rặng mới có loại hàu ngon đến thế. Hì hì, không biết có nên tin không, vì mình cũng luôn quảng cáo ngô luộc ngon nhất chỉ có ở Sapa. Dù sao thì cũng thật ngon.

Đến sân trường Đại học Phạm Văn Đồng vào lúc hơn 2h chiều, mình ngỡ ngàng trước một dàn đồng ca khủng khiếp. Chưa từng bao giờ mình chứng kiến ve kêu đến mức như vậy, như một dàn âm thanh cỡ lớn. Đứng gần tán cây, muốn nói chuyện tụi mình gần như phải hét lên. Còn bên dưới tán cây thì ve đái, hay một cách hoa mỹ là khóc, tạo thành cơn mưa bụi nho nhỏ, đi qua mình bị rơi hết vào mặt. Một điều khá thú vị là ve thường tập trung ở nơi có đông người, lại rất thích đậu trên cây me tây, một loại cây được trồng ở khá nhiều trường. Vì vậy, mấy sân trường nơi mình đến, ve kêu ra rả, thậm chí còn khiến học sinh bị ảnh hưởng. Cứ mối lần ve kêu ran ran, mình lại nhớ mấy câu thơ của Nguyễn Bính:
Hà nội cơ hồ loạn tiếng ve
Nắng dâng làm lụt cả trưa hè
Tôi đi ngửa cổ trên hè vắng
Xem những cành cây nó cưới nhau.
(Nhớ người trong nắng)
Còn hôm qua, lúc bị tiếng ve đập vào tai đến nhức óc, mình tò mò tự hỏi, nếu đi qua dưới vòm cây này không biết thi sỹ sẽ viết gì nhỉ?

Những ngày này, thành phố Quảng Ngãi rộn ràng với tuần lễ biển đảo. Trường ĐH Phạm Văn Đồng chủ trì hội thảo quốc tế chủ đề về Trường Sa, Hoàng Sa. Quốc tế thật, 15 nước tham gia, với những tiếng nói quan trọng chứ không chỉ vài nước như Lào, Cambodia. Với một chủ đề nhạy cảm như vậy, mình thèm được dự lắm, nhưng cần phải về nhà, và hơn nữa, khách tham dự rất ít ỏi, cả thảy có 60 người, được xét duyệt vô cùng kỹ lưỡng, nên dù có trực tiếp quen biết thầy hiệu trưởng (rất đẹp và phong nhã, dòng dõi hoàng tộc, và nhà thầy có một cà phê khá nổi tiếng tên là Tuế Mai Viên, với đôi cây vạn tuế cả trăm tuổi, vụ này lúc nào mình sẽ viết một entry riêng, hehe) thì mình cũng hầu như chả có cơ hội nào xin được vào cái phòng đó. Hội thảo chỉ là một hoạt động, còn khá nhiều các hoạt động khác nữa. Băng rôn chăng dọc các con đường lớn ở Quảng Ngãi, quảng cáo cho Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa (ôi trời, cụm từ này đọc đau cả miệng), một lễ về bản chất là tế sống những người lính trước khi họ lên đường đi làm nhiệm vụ. Mọi người náo nức, rủ mình ở lại đi Lý Sơn tham dự lễ hội. Ôi, cái gì cũng muốn nhưng phải về với đám tiểu yêu thôi. 

Một chuyến đi khá thú vị. Nào là nghe hát bài chòi, nào là ăn đặc sản biển ở biển Rạng, Quảng Nam, ăn món cá niêng vừa đắng mà lại vô cùng ý nhị ở Nghĩa Lâm, Quảng Ngãi, được biết thế nào là ve khóc như mưa, ngắm những khung cảnh hiền hòa thanh bình miền Trung… Nhớ lại chuyến đi Quảng Ngãi tháng Tư năm trước, khi mình cũng được lang thang nào núi Ấn, nào nhà máy lọc dầu, bãi biển Mỹ Khê, rồi cuối cùng là đứng ngắm pháo hoa trong lúc chờ đến giờ bay. Có phải mình có duyên với miền Trung tháng Tư không nhỉ?

23 tháng 4 2013

DÂNG LÊN CẢ TẤM LÒNG

Dịp nghỉ vừa rồi, một người bạn mình mới đi thăm Bái Đính, ngôi chùa với khá nhiều kỷ lục này nọ (sao cứ nói đến kỷ lục là mình lại dị ứng nhỉ?) Truyện trò đôi câu với người bạn làm mình bỗng có hứng post lại bài này, mình viết từ năm 2011, nhân một chuyến đi ngang qua và rẽ vào đó.



Lâu nay dân tình lũ lượt kéo nhau về Bái Đính đi lễ chùa và tham quan. Đã nghe/đọc đủ mọi thứ về khu đó nên tôi không mặn mà bao nhiêu. Dù vậy, vì tò mò, hôm vừa rồi, nhân có việc đi ngang qua khu vực đó, tôi cùng mẹ, một người chị họ và cô cháu ghé vào thăm.

Rằng to thì thật là to

Chả thế mà ngôi chùa được gắn tới mấy kỷ lục này nọ, được vô vàn người ca ngợi không tiếc lời, tôi mà nhận xét lung tung e phạm tội, vậy nên tôi chỉ nói về một chi tiết duy nhất. Khắp trên các bức tường - những bức tường dọc theo hai bên hành lang đi lên chùa chính kéo dài tới cả gần cây số, những bức tường của các chùa nhỏ hơn trong quần thể đó và những bức tường đồ sộ nơi chùa chính - là những ô trống, rộng khoảng 35-40cm và cao khoảng 50-60cm. Không tính toán/đếm cẩm thận nên tôi chẳng thể biết có bao nhiêu ô như vậy nhưng ước tính sơ sơ có lẽ khoảng từ 20.000-30.000 ô. Trong mọi ô trên các bức tường ở ngôi chùa chính là những bức tượng nhỏ màu vàng (nhà chùa nói rằng được dát vàng), cao khoảng 25-30 cm. Khi công đức 10.000.000 thì người công đức/gia đình người công đức sẽ được ghi tên lên một bức tượng như vậy (chỗ chân bệ) và bức tượng đó sẽ được đặt vào một ô trống trên các bức tường.

Tôi làm thử một phép tính nhẩm. Tạm lấy con số 25.000 ô trống ta có:
25.000 * 10.000.000 = 250.000.000.000

Xây chùa chiền hẳn nhiên là quan trọng, việc trang trí càng quan trọng hơn. Nhưng không rõ những ô tượng đó có thực sự làm ngôi chùa đẹp hơn? Hay những added values khác của những ô đó là gì? Ngược lại, rõ ràng số tiền này có thể giúp xây rất nhiều trường mẫu giáo, phòng bệnh viện, những cây cầu qua sông cho người nghèo, cứu giúp rất nhiều người đang trong cơn bạo bệnh mà không có tiền chữa tiếp?...  

Tôi tự hỏi, ai là người công đức những bức tượng như vậy. Những con người vô cùng sùng đạo, thành tâm đóng góp để làm ngôi chùa đẹp hơn (Liệu có bao nhiêu phần trăm nhỉ?) Những cặp vợ chồng hiếm muộn đã đi cầu xin biết bao nơi? (Rất đáng thông cảm). Những gia đình đang có người bệnh trọng, tìm đến chùa chiền như niềm hy vọng cuối cùng? (Liệu bao nhiêu phần trăm trong số đó đây?). Những người làm ăn, buôn bán, công đức một để mong nhận lại gấp nhiều nhiều lần. Những người tiền nhiều như nước (ở đâu ra thì không rõ), công đức đối với họ có lẽ cũng là một cách chuộc tội…

Mỗi khi đi chùa tôi cũng công đức, không nhiều, những đồng tiền nho nhỏ, nhưng hoàn toàn là những đồng tiền tôi bán chất xám của mình. Tôi tự biết mình chưa thật sự thành tâm. Bằng chứng là tôi không ăn chay niệm Phật cũng không đi lễ chùa mỗi ngày rằm mùng một, không đi dự những ngày lễ trọng, không phóng sinh... Tôi chỉ nhớ và thực lòng cầu xin mỗi khi tôi gặp vấn đề. Nhưng tôi luôn nhớ lời mẹ dặn, “thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tại chợ, thứ ba tại chùa”. Bắt chước cô bạn bảo “Tặng cả cuộc đời thì mới khó chứ tặng bó hoa thì khó gì”, tôi cũng lẩn thẩn nghĩ, dâng lên Phật cả tấm lòng thực sự hướng thiện, cả tấm lòng thực sự biết bớt “tham sân si”, biết nghĩ về người khác thì mới khó chứ chỉ dâng lên Phật 10.000.000 thì nào có khó gì. Thời buổi này, thiếu gì người chả biết làm gì cho hết tiền.

Đại loại cô bạn tôi bảo tặng và nhận cả cuộc đời đều rất khó, nên giống mọi người, cô ấy cũng chỉ thích nhận và tặng hoa thôi. Còn trong chuyện này, tôi tin chắc cô bạn sẽ đồng ý với tôi, chúng tôi không công đức 10 tr. để lấy một ô ghi danh, chúng tôi muốn lặng lẽ dâng lên Phật cả tấm lòng mình, trước hết là tại gia.

Nhưng tôi cũng tin những ô trống còn lại ở kia sẽ nhanh chóng được lấp đầy thôi.

Nào, ai muốn thì nhanh chân lên!