30 tháng 3 2013

LỤC ĐỊA THỨ BA, LỤC ĐỊA CUỐI CÙNG (tiếp theo và hết)



Vào cuối tháng Tám, hộ chiếu và thị thực của Mala đã sẵn sàng. Tôi nhận được bức điện thông báo về chuyến bay của cô; nhà anh trai tôi ở Calcutta không có điện thoại. Cũng vào khoảng thời gian đó tôi nhận được một lá thư của vợ viết chỉ vài ngày sau khi chúng tôi chia tay. Không có lời gọi tên mở đầu: gọi tôi bằng tên riêng sẽ là một sự thân mật chúng tôi vẫn chưa có được. Bức thư chỉ có vài dòng: “Em viết bằng tiếng Anh để chuẩn bị cho cuộc hành trình. Ở đây em rất cô đơn. Bên đó có lạnh lắm không? Có mưa tuyết không? Em của anh, Mala.”
Những lời của vợ chẳng mảy may làm tôi động lòng. Chúng tôi mới chỉ ở bên nhau có vài ngày ít ỏi đếm trên đầu ngón tay. Nhưng dù vậy thì chúng tôi cũng đã bị buộc vào nhau; trong vòng sáu tuần, cô đã đeo một chiếc vòng ở cổ tay và bôi phấn màu đỏ lên đường ngôi tóc để nói với cả thế giới rằng cô đã có chồng. Trong sáu tuần đó tôi chờ đợi cô đến cũng như tôi sẽ chờ đợi tháng tiếp theo, hay mùa tiếp theo – một điều không tránh khỏi, nhưng ở thời điểm hiện tại thì lại chẳng có ý nghĩa gì. Tôi biết về cô ít đến nỗi thỉnh thoảng khi những đường nét khuôn mặt cô hiện lên trong trí nhớ, tôi không thể gợi lên toàn bộ khuôn mặt đó.
Vài ngày sau khi nhận được thư vợ, một hôm khi đi làm buổi sáng tôi nhìn thấy một người phụ nữ Ấn Độ khác ở bên kia đường đại lộ Masachusetts. Cô ta mặc chiếc sari và đang đẩy xe nôi. Đầu buông lơi của chiếc sari gần chạm đất. Một phụ nữ Mỹ dắt con chó đen nhỏ bị buộc xích đi gần cô ta. Bỗng dưng con chó sủa. Từ bên này đường tôi thấy người phụ nữ Ấn Độ run rẩy, dừng lại trên lối đi và lúc đó con chó nhảy lên cắn đầu buông lơi của chiếc sari. Người phụ nữ Mỹ mắng con chó, hình như xin lỗi rồi nhanh chóng bỏ đi, để lại người phụ nữ Ấn Độ một mình giữa đường, sửa sang chiếc sari và dỗ dành đứa trẻ đang khóc. Cô ta không nhìn thấy tôi ở bên này đường và cuối cùng đi tiếp. Giây phút đó tôi chợt nhận ra rằng những điều vặt vãnh như vậy chẳng bao lâu nữa sẽ trở thành mối bận tâm của tôi. Nghĩa vụ của tôi là phải chờ đón Mala, chăm sóc và bảo vệ cô. Tôi sẽ phải mua cho cô đôi ủng đông đầu tiên, chiếc áo khoác đầu tiên. Tôi sẽ phải bảo cô cần tránh những đường phố nào, xe cộ đi ra sao, nhắc cô mặc sari sao cho đầu buông lơi không lòng thòng trên đường. Tôi nhớ lại với một sự bực bội nho nhỏ rằng mới chỉ xa cách cha mẹ năm dặm cô đã khóc.
Không giống như Mala, lúc này tôi đã quen với hết thảy mọi việc: quen với đồ ăn bằng bột ngũ cốc và sữa, quen với những chuyến viếng thăm của bà Helen, quen với việc ngồi trên ghế băng cùng bà Croft mỗi chiều. Điều duy nhất tôi chưa quen được là Mala. Dù vậy, tôi vẫn làm điều cần phải làm. Tôi đến phòng nhà đất ở MIT và tìm thấy một căn hộ có đồ gỗ cách đó vài khu nhà. Căn hộ có một chiếc giường đôi, bếp riêng và phòng tắm, giá bốn mươi đôla một tuần. Thứ Sáu cuối cùng tôi đưa cho bà Croft tám đồng một đôla đựng trong phong bì và thông báo rằng tôi chuyển đi. Bà đặt chiếc chìa khóa phòng tôi vào ví. Điều cuối cùng bà yêu cầu tôi làm là đưa cho bà chiếc gậy chống bên bàn để bà có thể đi đến cửa và đóng nó lại sau lưng tôi.
- Tạm biệt cậu, - bà nói và lui lại vào trong nhà. Tôi không trông đợi một sự biểu lộ tình cảm nào nhưng dù sao tôi cũng hơi thất vọng. Tôi chỉ là một người thuê nhà, một người đàn ông trả bà chút tiền và ra vào nhà bà trong vòng sáu tuần. So với một thế kỷ, quãng thời gian đó thật ngắn ngủi.

Ở sân bay tôi nhận ra Mala ngay lập tức. Đầu buông lơi của chiếc sari không lòng thòng trên mặt đất mà được xếp vòng qua đầu cô như biểu hiện sự khiêm tối của cô dâu. Mẹ tôi cũng luôn vòng nó qua đầu như vậy cho tới khi cha tôi mất. Đôi tay khẳng khiu màu nâu của cô đeo đầy vòng vàng, trên trán cô có một hình tròn nhỏ màu đỏ và mép chân cũng được nhuộm đỏ. Tôi không ôm, hôn hay cầm tay cô. Thay vào đó tôi hỏi cô có đói không, lần đầu tiên bằng tiếng Băng-gan suốt từ khi tôi đến Mỹ.
Cô lưỡng lự rồi sau đó khẽ gật đầu,
Tôi nói với cô ở nhà tôi đã nấu món cari trứng.                                     
- Trên máy bay họ cho em ăn gì?
- Em không ăn gì cả.
- Suốt từ Calcutta á?
- Thực đơn viết là có món súp đuôi bò.
- Nhưng chắc chắn phải có những món khác nữa chứ.
- Ý nghĩ về đuôi bò làm em không còn muốn ăn gì nữa cả.
Khi chúng tôi về đến nhà, Mala mở một trong số những chiếc vali của cô và tặng tôi hai chiếc áo len, cả hai đều là len sáng màu, cô đan trong thời gian chúng tôi xa cách, một chiếc cổ chữ V, chiếc kia đan kiểu vặn thừng. Tôi thử mặc; cả hai chiếc đều hơi bị kích ở nách. Cô cũng mang sang cho tôi hai chiếc quần pijama, bức thư của anh trai tôi và một gói chè Darjeeling. Tôi chẳng có quà gì cho cô ngoài món cari trứng. Chúng tôi ngồi bên chiếc bàn trần trụi không phủ khăn, mỗi người nhìn chăm chăm vào đĩa của mình. Chúng tôi ăn bốc. Từ khi đến Mỹ tôi vẫn chưa làm khác đi.
- Ngôi nhà thật tuyệt, - cô nói, - và cả món cari trứng nữa.
Bằng tay trái cô giữ đầu chiếc sari vào ngực để nó không tuột khỏi đầu.
- Anh không biết nấu nhiều món.
Cô gật đầu, bóc vỏ mỗi củ khoai tây trước khi ăn. Một lúc nào đó, chiếc sari tuột xuống vai. Cô sửa lại ngay lập tức.
- Em không nhất thiết phải che đầu, - tôi nói. – Anh không để ý đâu. Ở đây điều đó không quan trọng.
Dù vậy cô vẫn giữ đầu được che kín.
Tôi chờ đợi để quen với cô, quen với sự có mặt của cô bên cạnh tôi, bên chiếc bàn và trong chiếc giường của mình nhưng một tuần sau chúng tôi vẫn còn là những người xa lạ. Tôi vẫn chưa quen với việc đi về nhà là một căn hộ tỏa mùi cơm và thấy rằng bồn rửa mặt trong phòng tắm luôn được đánh chùi sạch sẽ, hai chiếc bàn chải đánh răng của chúng tôi xếp cạnh nhau, một bánh xà phòng thơm Pears mang từ Ấn Độ sang nằm trong đĩa đựng xà phòng. Tôi vẫn chưa quen với mùi dầu dừa cô bôi lên đầu mỗi tối hay những âm thanh nhẹ nhàng phát ra từ những chiếc vòng khi cô đi lại trong căn hộ. Sáng sáng cô luôn tỉnh dậy trước tôi. Sáng đầu tiên khi bước vào bếp tôi thấy cô đã hâm nóng những gì còn lại và đặt một chiếc đĩa có ít muối ở rìa trên bàn vì cô nghĩ rằng tôi sẽ ăn sáng bằng cơm giống như hầu hết những ông chồng Băng-gan. Tôi nói với cô chỉ cần bánh bột ngũ cốc là đủ rồi và sáng hôm sau, khi vào bếp tôi thấy cô đã đổ bánh bột ngũ cốc vào bát của tôi. Một sáng cô cùng tôi đi dọc theo đại lộ Massachusetts tới MIT, nơi tôi cùng cô đi một vòng ngắn tham quan khu trường. Trên đường đi chúng tôi dừng lại ở cửa hàng đồ gia dụng và tôi đánh cho cô một chiếc chìa khóa để cô có thể tự mở căn hộ. Sáng hôm sau, trước khi tôi đi làm cô hỏi tôi vài đôla. Tôi miễn cưỡng đưa cho cô nhưng tôi biết rằng giờ đây cả điều đó cũng là bình thường. Khi tôi đi làm về thì trong ngăn kéo có thêm con dao gọt khoai tây, bàn được trải khăn và trên bếp là món cari gà với tỏi tươi và gừng. Ngày đó chúng tôi chưa có vô tuyến. Sau bữa ăn tôi đọc báo trong khi Mala ngồi bên chiếc bàn trong bếp, đan áo len cho mình bằng len màu xanh sáng hay viết thư về nhà.
Vào cuối tuần đầu tiên của chúng tôi, một ngày thứ Sáu, tôi đề nghị đi dạo. Mala đặt đồ đan xuống và biến vào phòng tắm. Khi cô xuất hiện tôi thấy hối tiếc là đã đưa ra lời đề nghị: cô đã thay đồ, mặc một chiếc sari lụa mới, đeo thêm vòng, cuộn tóc lên đỉnh đầu. Cô chuẩn bị như thể đi dự tiệc hay ít nhất là đi xem phim nhưng trong đầu tôi không hề có ý định đó. Không khi buổi tối thơm ngát. Chúng tôi đi qua vài khu nhà dọc theo đại lộ Massachusetts, nhìn vào cửa sổ các cửa hàng. Bỗng dưng, chẳng nghĩ ngợi gì, tôi dẫn cô đi dọc theo con phố yên tĩnh, nơi tôi đã một mình đi dạo biết bao đêm.
- Đây là nơi anh sống trước khi em đến, - tôi nói và  dừng lại bên hàng rào nhà bà Croft.
- Trong một ngôi nhà to như thế này ư?
- Anh có một phòng trong đó, ở phía sau ngôi nhà.
- Thế còn ai sống ở đây nữa?
- Một bà rất già.
- Cùng với gia đình à?
- Một mình
- Thế ai chăm bà ấy?
Tôi mở cổng. – Phần lớn là bà ấy tự chăm mình.
Tôi tự hỏi không biết bà Croft có còn nhớ tôi không, không biết bà có người thuê nhà mới để ngồi bên bà mỗi chiều hay không. Lúc bấm chuông tôi nghĩ tôi sẽ phải chờ lâu như ngày chúng tôi gặp gỡ lần đầu tiên, khi tôi còn chưa có chìa khóa. Nhưng lần này bà Helen mở cửa gần như ngay lập tức.
- Xin chào, mời anh vào đây. – Bà Helen nói, đôi môi tô son hồng của bà cười với Mala. – Mẹ tôi đang ở trong phòng khách. Anh có vào thăm bà chút không?
- Vâng, nếu bà muốn, thưa bà.
- Vậy thì tôi muốn chạy ra cửa hàng một chút, anh thấy không sao chứ. Mẹ tôi gặp một chuyện nho nhỏ. Những ngày này chúng tôi không thể để bà một mình, dù chỉ là trong giây lát.
Tôi khóa cửa sau lưng bà Helen và bước vào phòng khách. Bà Croft nằm ngửa, đầu gối lên chiếc gối màu hồng đào, một tấm chăn trắng mỏng phủ ngang người. Hai tay bà đặt trước ngực. Khi nhìn thấy tôi bà chỉ vào chiếc đi văng và bảo tôi ngồi xuống. Tôi ngồi xuống như bà bảo nhưng Mala đi tới chỗ cây đàn piano và ngồi xuống chiếc ghế giờ đây được đặt đúng chỗ của nó.
- Tôi bị gãy xương hông! – bà Croft tuyên bố cứ như thể thời gian chưa hề trôi qua.
- Ôi, lạy Chúa!
- Tôi bị ngã khỏi ghế.
- Tôi rất lấy làm tiếc, thưa bà
- Lúc đó là nửa đêm! Cậu có biết tôi làm gì không, chàng trai?
- Tôi lắc đầu.
- Tôi gọi cảnh sát!
Bà nhìn lên trần nhà và nhe răng cười điềm tĩnh, chìa ra một hàm răng nguyên vẹn màu xám. Không thiếu một chiếc nào!
- Cậu nói gì về chuyện này, chàng trai?
Dù hết sức sững sỡ tôi cũng biết mình phải nói gì. Không chút do dự tôi gào lên:
- Tuyệt vời!
Mala bật cười. Giọng cô đầy tình thân, mắt cô lấp lánh niềm vui. Trước kia tôi chưa bao giờ nghe thấy cô cười và lúc này cô cười khá to, đủ để bà Croft nghe thấy. Bà ta quay lại nhìn Mala chằm chằm.
- Cô ta là ai vậy, chàng trai?
- Cô ấy là vợ tôi, thưa bà.
Bà Croft ấn đầu xuóng góc gối để nhìn rõ hơn: - Cô có biết chơi piano không?
- Không, thưa bà, - Mala trả lời.
- Vậy thì đứng lên!
Mala đứng lên, chỉnh lại dải chiếc sari trên đầu và giữ nó trước ngực, và, lần đầu tiên kể từ khi cô đến tôi thấy có cảm tình với cô. Tôi nhớ lại những ngày đầu tiên của mình ở Luân Đôn khi tôi học cách đi tàu điện ngầm tới Quảng trường Russel, đi thang máy lần đầu tiên, không thể hiểu được khi người đàn ông gào lên “giáy” thì điều đó có nghĩa là giấy, không thể suy luận được, suốt cả một năm trời, khi người soát vé nói “Cẩn thận khe trống” trong lúc đoàn tàu chuyển bánh khỏi mỗi ga. Cũng giống như tôi, Mala đã đi rất xa khỏi nhà, không biết là cô sẽ đi đâu, hay cô sẽ thấy gì, chẳng vì lý do gì ngoài việc trở thành vợ tôi. Dù điều đó có vẻ lạ lùng nhưng trong lòng tôi biết rất rõ, một ngày nào đó, cái chết của cô sẽ làm tôi đau đớn và lạ lùng là cái chết của tôi cũng sẽ làm cô đau đớn. Tôi muốn ai đó giải thích điều này cho bà Croft lúc này đây vẫn đang xem xét kỹ lưỡng Mala từ đầu đến chân với một thái độ khinh thị bình thản. Tôi tự hỏi không biết đã có khi nào bà Croft nhìn thấy một phụ nữ mặc sari chưa, với một chấm đỏ trên trán và hàng đống vòng ở cổ tay. Tôi tự hỏi không biết bà sẽ phản đối cái gì. Tôi tự hỏi không biết liệu bà có nhìn thấy màu nhuộm đỏ vẫn còn trên chân Mala, ở tất cả mọi chỗ ngoại trừ phần được vạt chiếc sari che đi. Cuối cùng bà Croft tuyên bố với cùng một vẻ kinh ngạc và thích thú mà tôi biết rất rõ:
- Cô ta là một quý bà đích thực!
Giờ đây đến lượt tôi cười. Tôi cười rất nhẹ và bà Croft không nghe thấy gì. Nhưng Mala nghe thấy và lần đầu tiên, chúng tôi nhìn nhau và mỉm cười.

Tôi thích nghĩ về giây phút đó trong phòng khách bà Croft như giây phút đầu tiên khi khoảng cách giữa Mala và tôi bắt đầu rút ngắn lại. Dù chúng tôi vẫn chưa hoàn toàn yêu nhau nhưng tôi thích nghĩ về những tháng tiếp theo như tuần trăng mật của chúng tôi. Cùng nhau, chúng tôi khám phá thành phố và gặp gỡ những người Băng-gan khác, một số người tận giờ vẫn là bạn bè của chúng tôi. Chúng tôi phát hiện ra rằng người đàn ông tên là Bill bán cá tươi trên phố Prospect, và rằng cửa hàng ở Quảng trường Harvard tên là Cardullo bán lá nguyệt quế và đinh hương. Tối tối chúng tôi đi dạo ra sông Charles xem những con thuyền trôi trên sông, hay ăn kem ở Harvard Yard. Chúng tôi mua một chiếc máy ảnh Instamatic để ghi lại cuộc sống chung của chúng tôi và tôi chụp ảnh cô đứng trước tòa nhà công ty Prudential để cô gửi về nhà cho cha mẹ. Đêm đêm chúng tôi hôn nhau, đầu tiên còn ngượng ngùng nhưng chẳng mấy chốc đã dũng cảm hơn, và cùng nhau chúng tôi khám phá những khoái lạc và sự an ủi trong vòng tay nhau. Tôi kể cô nghe về chuyến du hành của tôi trên con tàu SS Roma, về Công viên Finsbury và YMCA, về những tối tôi ngồi trên ghế với bà Croft. Khi tôi kể cô nghe những chuyện về mẹ tôi, cô khóc. Chính Mala đã an ủi tôi khi một tối tôi đọc thấy trên tờ Thế giới lời cáo phó dành cho bà Croft. Suốt mấy tháng liền tôi không nghĩ về bà, - cho tới khi đó, sáu tuần mùa hè đã là một khúc nhạc dạo xa xưa trong quá khứ - nhưng giây phút biết về cái chết của bà tôi bị sốc mạnh, đến mức khi Mala ngẩng đầu lên khỏi mớ len đan dở, cô thấy tôi đang nhìn chằm chằm vào bức tường, tờ báo bị bỏ quên trong lòng và tôi không thể nói gì được. Bà Croft là cái chết đầu tiên tôi để tang vì cuộc đời bà là cuộc đời đầu tiên mà tôi ngưỡng mộ; cuối cùng thì bà cũng rời bỏ thế giới này, già nua, đơn chiếc, và chẳng bao giờ quay trở lại nữa.
Về phần tôi, tôi chẳng đi đâu xa. Mala và tôi sống ở một thị trấn cách Boston khoảng 20 dặm, trên một đường phố đầy cây rất giống như con phố nhà bà Croft, trong ngồi nhà của chính chúng tôi, có phòng cho khách, có mảnh vườn để trồng khoai tây. Giờ đây chúng tôi là công dân Mỹ vậy nên chúng tôi có thể có phúc lợi xã hội lúc cần. Dù rằng chúng tôi luôn về thăm Calcutta vài năm một lần và đem theo sang Mỹ nhiều quần pajama và chè Darjeeling hơn, chúng tôi đã quyết định sẽ sống ở đây suốt đời. Tôi làm việc ở thư viện một trường cao đẳng nhỏ. Chúng tôi có một cậu con trai học trường Harvard. Mala không còn vắt dải chiếc sari lên đầu nữa và về đêm cũng không còn khóc vì nhớ cha mẹ, nhưng thỉnh thoảng cô khóc vì nhớ con. Vậy là chúng tôi lái xe đến Cambridge thăm nó hay đưa nó về nhà nghỉ cuối tuần để nó được ăn món cơm bốc tay cùng chúng tôi và nói tiếng Băng-gan, những điều chúng tôi lo nó sẽ chẳng làm nữa sau khi chúng tôi chết đi.
Mỗi lần đi như vậy, dù đường đông nhưng tôi luôn lái xe theo đại lộ Massachusetts. Giờ đây tôi hầu như không nhận ra những ngôi nhà, nhưng mỗi lần khi qua đây, ngay lập tức tôi lại quay trở lại sáu tuần đó, cứ như thể chuyện vừa mới hôm qua. Tôi cho xe chạy chậm lại và chỉ vào con phố nhà bà Croft, nói với con trai tôi rằng nơi đây là ngôi nhà đầu tiên của tôi ở Mỹ, nơi tôi sống với một người đàn bà 103 tuổi.
Anh còn nhớ không? – Mala thường nói rồi cười, kinh ngạc, cũng như tôi, rằng đã có lúc nào đó chúng tôi là những người thật xa lạ. Con trai tôi lúc nào cũng tỏ vẻ ngạc nhiên, không phải ngạc nhiên về tuổi tác bà Croft, mà về chuyện tiền nhà tôi trả ít làm sao, một điều mà đối với nó không thể nào hiểu nổi, cũng như chuyện có một lá cờ Mỹ trên mặt trăng đối với người đàn bà sinh năm 1866. Trong đôi mắt con trai tôi, tôi nhìn thấy niềm khát vọng đã ném tôi qua thế giới. Vài năm nữa nó sẽ ra trường và đi con đường của nó, một mình và không được chở che. Nhưng tôi nhắc mình rằng nó có một người cha vẫn còn sống, một người mẹ hạnh phúc và mạnh khoẻ. Mỗi khi nó chán nản, tôi lại nó với nó rằng nếu tôi đã có thể sống được ở ba lục địa thì cũng chẳng có chướng ngại vật nào mà nó không thể vượt qua. Trong khi các nhà du hành vũ trụ, những người anh hùng, trải qua vài giờ trên mặt trăng, tôi ở lại nơi thế giới mới này suốt ba mươi năm. Tôi biết những gì tôi đạt được là rất bình thường. Tôi không phải là người duy nhất đi tìm số phận của mình ở một nơi xa quê hương, và tất nhiên, tôi cũng không phải là người đầu tiên. Có những lúc tôi cảm thấy lúng túng trước mỗi dặm đường tôi đi qua, mỗi bữa tôi ăn, mỗi người tôi quen biết, mỗi căn phòng tôi ngủ trong đó. Dầu tất cả những điều này thật bình thường, nhưng đã có những lúc nào đó nó vượt quá sự tưởng tượng của tôi.  
(Người dịch: Đặng Tuyết Anh, in trong cuốn "Người dịch bệnh", Jhumpa Lahiri, Nhà xuất bản Lao động, 2004)

29 tháng 3 2013

LỤC ĐỊA THỨ BA, LỤC ĐỊA CUỐI CÙNG (Phần 2)


Vợ tôi tên là Mala. Cuộc hôn nhân do anh trai và chị dâu tôi sắp đặt. Tôi chấp nhận lời đề nghị không phản đối mà cũng chẳng nhiệt tình. Đó là một nghĩa vụ tôi phải làm, cũng như mọi người đàn ông khác. Cô là con gái một thầy giáo dạy ở Beleghata. Người ta bảo tôi cô có thể nấu nướng, thêu thùa, vẽ phác thảo tranh phong cảnh, đọc thơ Tago, nhưng những tài năng này không thể bù đắp lại một điều hiển nhiên là vẻ ngoài của cô không được khả ái cho lắm, và vì vậy nhiều người đàn ông đã từ chối cô. Cô hai bảy tuổi, lứa tuổi mà cha mẹ đã bắt đầu lo sợ rằng cô sẽ chẳng bao giờ lấy được chồng, vậy nên họ vui lòng cho đứa con duy nhất đi xa tới nửa vòng trái đất để cứu cô khỏi cảnh gái già.
Năm đêm chúng tôi nằm cùng giường. Hàng đêm, sau khi đã bôi kem và tết mái tóc được buộc ở phía dưới bằng một dải nơ màu đen, cô quay lưng lại phía tôi và khóc. Cô nhớ cha mẹ. Dù chỉ năm ngày nữa tôi đã rời khỏi đất nước này, nhưng theo phong tục giờ đây cô thuộc về gia đình nhà tôi và trong sáu tuần tiếp theo cô phải sống với anh trai và chị dâu tôi, nấu ăn, dọn dẹp, pha chè, đem bánh kẹo mời khách. Tôi chẳng hề làm gì để an ủi cô. Tôi nằm ở phía của mình trên chiếc giường, đọc cuốn sách hướng dẫn dưới ánh đèn pin và tưởng tượng về cuộc hành trình trước mắt. Thỉnh thoảng tôi nghĩ về căn phòng nhỏ của mẹ tôi trước kia phía bên kia bức tường. Giờ đây, căn phòng đó hoàn toàn bỏ trống; chiếc giường hẹp từng là giường ngủ của bà chất đầy những rương hòm và các bộ chăn ga cũ. Gần sáu năm trước, trước khi rời đi Luân Đôn, tôi đã phải chứng kiến bà nghịch phân trong những ngày cuối cùng của mình. Trước khi thiêu bà, tôi đã dùng chiếc cặp tóc khêu sạch từng kẽ móng tay cho bà, và rồi sau đó, vì anh trai tôi không thể làm nổi, tôi đã đảm nhận vai trò người con cả, đưa ngọn lửa chạm vào thái dương để giải thoát linh hồn đau khổ của bà về với thiên đường.

Sáng hôm sau tôi chuyển tới căn phòng trong ngôi nhà bà Croft. Lúc mở cửa tôi nhìn thấy bà đang ngồi trên chiếc ghế của cây đàn piano, vẫn chỗ chiều hôm trước. Bà vẫn mặc chiếc váy đen đó, chiếc áo trắng hồ bột đó, hai tay cũng khoanh trong lòng theo cách ngày hôm trước. Trông bà ta giống ngày hôm qua đến mức tôi tự hỏi không biết có phải bà đã ngồi cả đêm trên ghế. Tôi đưa vali của mình lên tầng, đổ đầy bình nước sôi trong bếp và đi làm. Chiều hôm đó, khi tôi đi làm về, bà vẫn còn ngồi đó.
- Ngồi xuống đây, chàng trai! – bà ta đập đập vào khoảng trống bên cạnh mình.
Tôi rón rén ngồi xuống cạnh bà. Tôi có một túi đồ bên mình, nhiều sữa hơn, nhiều đồ ăn bằng bột ngũ cốc hơn và nhiều chuối hơn vì lúc sáng khi vào bếp tôi chẳng hề thấy có nồi, chảo hay đồ để nấu nướng. Chỉ có hai chiếc chảo duy nhất trong tủ lạnh, cả hai đều đựng một thứ nước thịt màu vàng nào đó và một chiếc ấm đồng trên bếp.
- Chào bà, thưa bà.
Bà hỏi tôi đã kiểm tra khóa chưa và tôi trả lời rằng đã.
Bà im lặng giây lát. Rồi bỗng dưng bà tuyên bố với vẻ hoài nghi và thỏa mãn hệt như tối hôm trước.
- Có một lá cờ Mỹ trên mặt trăng, chàng trai ạ!
- Vâng, thưa bà.
- Một lá cờ Mỹ trên mặt trăng! Điều đó thật là tuyệt vời chứ hả?
Tôi gật đầu, sợ cái điều tôi biết là đang đến.
- Vâng, thưa bà.
- Hãy nói “Tuyệt vời”.
Lần này thì tôi dừng lại, nhìn xung quanh xem nhỡ có ai ở đây nghe thấy, dù rằng tôi biết rõ là ngôi nhà hoàn tòan vắng vẻ. Tôi cảm thấy mình như một thằng ngốc. Nhưng đó là một yêu cầu nhỏ nhặt.
- Tuyệt vời! - tôi gào lên.
Trong vòng vài ngày, điều này trở thành thông lệ của chúng tôi. Sáng sáng khi tôi đi đến thư viện, bà Croft hoặc còn trong phòng ngủ của mình ở phía bên kia cầu thang hoặc đang ngồi ở ghế nghe tin tức hay nhạc cổ điển trên đài. Nhưng buổi chiều khi tôi về đến nhà thì bao giờ cũng là việc đó: bà đập tay xuống ghế, ra lệnh cho tôi ngồi, tuyên bố rằng có một lá cờ Mỹ trên mặt trăng, tuyên bố rằng điều đó là tuyệt vời. Tôi nói điều đó là tuyệt vời rồi sau đó chúng tôi im lặng ngồi bên nhau. Dù chuyện đó thật khó chịu và dường như kéo dài bất tận đối với tôi nhưng thực ra những cuộc chạm trán tối tối chỉ kéo dài khoảng mười phút; sau đó bà mơ màng ngủ, đầu đột ngột gục xuống ngực, cho phép tôi được tự do đi về phòng mình. Tất nhiên vào lúc đó chẳng còn lá cờ nào trên mặt trăng nữa. Tôi đọc báo thấy viết những nhà du hành vũ trụ đã hạ lá cờ xuống trước khi bay trở về Trái đất. Nhưng tôi không đủ can đảm nói điều đó với bà.

Sáng thứ Sáu, khi đến kỳ trả tiền thuê nhà cho tuần đầu tiên, tôi đi tới chỗ cây đàn piano trong phòng khách và đặt tiền lên mép cây đàn. Những phím đàn đã mờ xỉn và mất màu. Tôi ấn thử lên một phím nhưng chẳng một âm thanh phát ra. Tôi đã đặt tám tờ 1 đôla vào phong bì và viết tên bà Croft lên trên đó. Tôi không có thói quen để mặc tiền đó. Từ chỗ mình đứng tôi có thể nhìn thấy chiếc váy hình cái nơm của bà. Bà đang ngồi trên ghế nghe đài. Có vẻ như không nhất thiết phải bắt bà đứng lên và đi cả đoạn đường tới chỗ cây đàn. Tôi chưa bao giờ thấy bà đi lại và do cây gậy ba toong luôn chống dựa vào chiếc bàn tròn cạnh bà, tôi cho rằng bà làm việc đó rất khó khăn. Khi tôi đến bên chiếc ghế, bà nhìn tôi chằm chằm và hỏi:
- Cậu có việc gì?
- Tiền thuê nhà, thưa bà.
- Đặt lên mép bên trên đàn piano!
- Tôi có tiền ở đây, - tôi chìa chiếc phòng bì ra cho bà nhưng những ngón tay đặt trong lòng bà không hề động đậy. Tôi hơi cúi người và đặt chiếc phong bì vào tay bà. Sau giây lát bà cầm lấy và gật đầu.
Tối đó, khi tôi về nhà bà không đập tay xuống ghế nữa. Dù không phải là thói quen nhưng tôi vẫn ngồi xuống bên bà như mọi khi. Bà hỏi tôi đã kiểm tra khóa cửa chưa nhưng không nhắc tới lá cờ trên mặt trăng nữa. Thay vào đó bà nói:
- Cậu rất tốt!
- Xin lỗi, thưa bà gì ạ?
- Cậu rất tốt!
Chiếc phong bì vẫn ở nguyên đó trong tay bà.

Ngày Chủ nhật có tiếng gõ cửa phòng tôi. Một người phụ nữ đứng tuổi tự giới thiệu là con  gái bà Croft, tên là Helen. Bà ta đi vào phòng tôi và nhìn các bức tường như thể tìm xem có sự thay đổi nào không, nhìn những chiếc áo treo trong tủ, những chiếc cà vạt treo trên nắm đấm cửa, hộp đồ ăn bằng bột ngũ cốc trong tủ com mốt, bát và thìa bẩn trong bồn rửa. Bà ta thấp, béo, tóc ngắn màu sáng bạc và tô môi hồng nhạt. Bà ta mặc chiếc váy mùa hè không tay, cổ đeo một chuỗi hạt nhựa màu trắng, cặp kính có dây đeo đung đưa trước ngực. Bắp chân bà ta đầy những mạch máu màu xanh đậm còn bắp tay thì nhẽo ra, chùng xuống. Bà ta nói với tôi bà sống ở Arlington, một thị trấn dọc theo đại lộ Massachussets đi tiếp lên.
- Mỗi tuần tôi tới đây một lần đem cho mẹ tôi đồ dùng. Bà ấy đã tống cổ anh đi chưa?
- Chưa, thưa bà.
- Một số cậu thanh niên thì vừa chạy vừa la hét. Nhưng tôi nghĩ mẹ tôi thích anh. Anh là người đầu tiên mẹ tôi gọi là quý ngài đấy.
- Tôi cũng không được như vậy mà.
Bà ta nhìn tôi, nhận thấy đôi chân trần của tôi (tôi vẫn còn cảm thấy chưa quen với việc đi giầy ở trong nhà và luôn bỏ chúng ra trước khi bước vào phòng mình).
- Anh mới đến Boston à?
- Mới đến Mỹ, thưa bà
- Từ đâu vậy? – bà ta nhướn đôi lông mày.
- Tôi từ Calcutta, Ấn Độ.
- Vậy ư? Chúng tôi có một thanh niên Brazil, khoảng một năm trước đây. Anh sẽ thấy Cambridge là một thành phố đa sắc tộc.
Tôi gật đầu và bắt đầu tự hỏi không biết cuộc truyện trò của chúng tôi sẽ kéo dài bao lâu. Nhưng đúng vào giây phút đó chúng tôi nghe thấy giọng bà Croft the thé vang lên ở cầu thang. Khi bước ra hành lang chúng tôi nghe thấy bà hét:
- Cô phải xuống đây ngay lập tức!
- Cái gì vậy? Bà Helen hét lại.
- Ngay lập tức!
Tôi xỏ chân vào giày. Bà Helen thở dài.
Chúng tôi đi xuống cầu thang. Cầu thang quá hẹp nên chúng tôi không thể đi cạnh nhau được vậy nên tôi đi sau bà Helen. Bà ta có vẻ như chẳng vội vàng gì và có một lúc nào đó kêu ca rằng đầu gối bị đau.
- Mẹ lại đi mà không chống gậy chứ gì? – bà Helen nói vọng xuống. – Mẹ biết mẹ không được phép đi lại không chống gậy cơ mà.
Bà ta dừng lại, đặt tay lên lan can và quay lại nhìn tôi: - Thỉnh thoảng mẹ tôi lại bị ngã.
Lần đầu tiên bà Croft có vẻ như bị tổn thương. Tôi hình dung bà trên nền nhà, bên cạnh chiếc ghế băng, nằm ngửa, nhìn lên trần nhà, hai chân về hai hướng. Nhưng khi chúng tôi xuống đến chân cầu thang bà đang ngồi ở đó như mọi khi, hai tay đặt trong lòng. Dưới chân bà là hai túi đồ. Khi chúng tôi đứng trước mặt bà, bà không vỗ tay lên ghế hay bảo chúng tôi ngồi xuống. Bà nhìn chúng tôi.
- Gì vậy mẹ?
- Như thế là không phải phép!
- Cái gì không phải phép?
- Không phải phép khi một người đàn bà và một quý ông chưa có vợ nói chuyện riêng với nhau mà không có người đi kèm!
Bà Helen nói bà ta đã sáu mươi tám tuổi, đủ già để là mẹ tôi, nhưng bà Croft khăng khăng rằng tôi và bà Helen cần phải nói chuyện với nhau ở dưới nhà, trong phòng khách. Bà còn nói thêm là một phụ nữ như bà Helen nói ra tuổi của mình và mặc váy cao hơn cổ chân cũng là không phải phép.
- Để mẹ biết, mẹ ạ, bây giờ là năm 1969 rồi. Mẹ sẽ làm gì nếu như có một hôm nào đó mẹ ra khỏi nhà và nhìn thấy một cô gái mặc váy ngắn?
Bà Croft khịt khịt mũi: - Mẹ sẽ báo công an bắt cô ta.
Bà Helen lắc đầu và nhặt một túi đồ. Tôi nhặt túi kia lên rồi đi theo bà ta qua phòng khách vào bếp. Hai chiếc túi đựng đầy những hộp súp. Bà Helen dùng cái mở hộp mở hết hộp này đến hộp khác. Bà ta đổ chỗ súp cũ trong chảo vào bồn rửa, tráng qua chiếc chảo dưới vòi nước, đổ súp từ những hộp mới mở vào chảo rồi lại đặt chúng vào tủ lạnh.
- Mấy năm trước mẹ tôi còn có thể tự mở hộp súp, - bà Helen nói. Bà ấy không thích là giờ đây tôi làm việc đó thay cho bà. Nhưng chiếc đàn piano đã làm hỏng tay bà ấy rồi.
Bà Helen đeo kính lên, nhìn tủ bát và trông thấy những gói chè của tôi.
- Chúng ta sẽ uống chè chứ?
Tôi đổ đầy nước vào ấm rồi đặt lên bếp.
- Xin lỗi bà, nhưng chiếc đàn piano làm sao?
- Ngày trước mẹ tôi dạy đàn. Suốt năm mươi năm. Bằng cách đó bà đã nuôi chúng tôi khôn lớn sau khi cha chúng tôi mất.
Bà Helen chống hai tay lên hông, nhìn chiếc tủ lạnh mở. Bà ta đưa tay vào sâu trong tủ, lấy ra một thanh bơ và vứt nó vào sọt rác.
- Cần phải thế, - bà ta nói và đặt những hộp súp chưa mở vào chạn bát.
Tôi ngồi ở bàn xem bà Helen rửa bát đĩa bẩn, buộc túi rác lại, tưới nước cho những cây cảnh phía trên bồn rửa và đổ nước sôi vào hai cốc. Bà ta đưa cho tôi một cốc không có sữa, dây gói chè lòng thòng bên ngoài. Sau đó bà ta cũng ngồi xuống bên bàn.
- Xin lỗi, thưa bà, nhưng như vậy đủ chưa?
Bà Helen uống một ngụm chè. Son môi bà ta để lại một vệt màu hồng ở rìa cốc phía trong. – Cái gì đủ?
- Súp trong nồi ấy, Như vậy đã đủ đồ ăn cho bà Croft chưa?
- Bà ấy không ăn gì khác cả. Bà ấy đã không còn ăn đồ rắn kể từ khi tròn một trăm tuổi. Đó là, để tôi nghĩ xem… ba năm trước.
Tôi sững sờ. Tôi vẫn nghĩ bà Croft khoảng tám mươi tuổi, có thể là chín mươi. Tôi chưa bao giờ gặp một người nào sống hơn một thế kỷ. Chuyện người đàn bà sống cô đơn này là bà góa càng làm tôi sững sờ hơn. Chính việc góa chồng đã khiến mẹ tôi sau đó phát điên. Cha tôi, thủ quỹ ở Bưu điện General của Calcullta chết vì bệnh viêm não khi tôi mười sáu tuổi. Mẹ tôi không thể quen được với cuộc sống không có ông; sau cái chết của ông bà rơi vào thế giới tối tăm mà cả tôi, cả anh tôi, cả những người thân thích, cả những bệnh viện tâm thần ở đại lộ Rashibihari đều không thể cứu được bà. Điều làm tôi đau đớn hơn cả là chứng kiến bà vô ý đến thế, nghe thấy bà ợ sau bữa ăn hay đánh rắm trước mặt đám đông mà chẳng mảy may lúng túng. Sau cái chết của cha tôi, anh tôi bỏ học và bắt đầu làm việc ở nhà máy đay, nơi anh cố gắng để nuôi nấng cả gia đình. Việc của tôi là ngồi bên mẹ, trông nom bà đồng thời ôn thi trong khi bà đếm đi đếm lại những chiếc vòng trên tay mình cứ như thể chúng là những hạt bàn tính. Chúng tôi cố gắng trông nom bà. Một lần bà đã nửa trần truồng đi lang thang tới tận bến xe lửa trước khi chúng tôi có thể đưa bà về.
- Tôi rất vui lòng đun lại súp cho bà Croft mỗi tối, - tôi đề nghị, lấy túi chè ra khỏi cốc của mình và xiết cho nước chảy ra hết. – Có đáng là gì đâu.
Bà Helen nhìn đồng hồ, đứng dậy và đổ chỗ chè còn lại trong cốc vào bồn rửa.
- Nếu là anh thì tôi sẽ không làm như vậy. Cái đó sẽ giết bà ấy mất.

Tối đó, khi bà Helen đã về Arlington và chỉ còn lại mình tôi cùng bà Croft, tôi bắt đầu cảm thấy lo lắng. Giờ đây, khi tôi biết bà bao nhiêu tuổi, tôi lo sợ rằng nhỡ có chuyện gì xảy ra với bà ban đêm hay ban ngày khi tôi đi vắng. Dù giọng bà còn đầy sinh lực và bà có vẻ độc đoán nhưng tôi biết thậm chí chỉ vết xước nhỏ hay cơn ho cũng có thể giết chết một người già như vậy; tôi biết, mỗi một ngày bà sống là một điều kỳ diệu. Dù bà Helen tỏ ra khá thân thiện, trong tôi vẫn có một phần nhỏ lo lắng rằng bà ta sẽ buộc tội tôi là vô tình nếu có chuyện gì đó xảy ra. Bà Helen hình như chẳng lo lắng gì. Bà ta đến rồi đi, mang súp đến cho bà Croft, Chủ ngật này tới Chủ nhật khác.
Cứ như vậy sáu tuần của mùa hè đó trôi qua. Chiều chiều, sau những giờ làm việc ở thư viện, tôi trở về nhà, ngồi vài phút trên chiếc ghế của cây đàn pinao với bà Croft. Tôi đem lại cho bà một chút tình bạn. Tôi quả quyết với bà rằng tôi đã kiểm tra khóa cửa, tôi nói với bà rằng lá cờ trên mặt trăng thật tuyệt vời. Có những tối tôi ngồi bên bà khá lâu sau khi bà đã mơ màng ngủ, vẫn còn kinh sợ chuyện bà đã sống lâu biết bao trên trái đất này. Thỉnh thoảng, tôi cố hình dung thế giới mà bà đã sinh ra vào năm 1866 – một thế giới mà tôi tưởng tượng đầy những người phụ nữ mặc váy dài đen và những cuộc chuyện trò tao nhã trong các phòng khách. Giờ đây, khi tôi nhìn đôi bàn tay bà với những khớp ngón tay phồng lên đặt trong lòng, tôi tưởng tượng ra chúng thon dài và mịn màng đang gõ vào những phím đàn piano. Thỉnh thoảng, trước khi đi ngủ tôi xuống dưới nhà để biết chắc bà còn ngồi thẳng thắn trên ghế hay an toàn trong phòng mình. Tôi chẳng thể làm gì hơn cho bà ngoài những cử chỉ quan tân nho nhỏ này. Tôi không phải là con trai bà và ngoài 8 đôla ra thì tôi chẳng nợ nần gì bà.
(Còn nữa)

LỤC ĐỊA THỨ BA, LỤC ĐỊA CUỐI CÙNG (Phần 1)



Cuốn sách Interpreter of Maladies được mình và anh Ngân Xuyên (Bút danh của Phạm Xuân Nguyên) dịch và Nhà xuất bản Lao động in cuối năm 2004. Thật tiếc khi những câu chuyện đẹp đẽ như vậy, giống số phận sách vở nói chung, nhanh chóng mất hút vào khoảng không. Bây giờ chẳng thể mua cuốn đó ở đâu, có chăng là tìm trong một số thư viện. Mình vốn muốn post lại nhiều những thứ đã dịch từ lâu, chỉ để cho mình và một vài người thân thiết, nhưng cứ lười, vả lại, qua mấy đời máy tính, giờ chẳng còn bản mềm, phải ngồi đánh máy lại. Một hôm cô bạn thân hỏi truyện ngắn “Lục địa thứ ba, lục địa cuối cùng”, một truyện ngắn trong tập đó, chắc để gửi cho một người vẫn đang tha hương. Cô bạn đã giúp mình có động lực đánh máy lại, quyết tâm đưa lên đây những câu chuyện mình đã dịch từ lâu. Tập truyện sẽ được đưa lên không theo thứ tự như trong sách in mà chỉ là phút ngẫu hứng của người dịch. Tuy là truyện ngắn nhưng mỗi truyện đều khá dài, sẽ được post thành 2 hoặc 3 entries. Tặng mình, tặng nhiều những người bạn mình đang sống cuộc sống tha hương, tuy mọi việc đều tốt đẹp mà không tránh khỏi nhiều giây phút chạnh lòng nhớ cố hương.

Lời giới thiệu:
Jhumpa Lahiri sinh tại London, gốc người Bengal. Cô lớn lên tại Rhode Island, Hoa Kỳ. Hiện cô sinh sống tại New York. Truyện ngắn của cô xuất hiện trên nhiều tạp chí khác nhau. Tập truyện “Người dịch bệnh” (Interpreter of Maladies) của cô giành giải thưởng Pulitzer năm 2000 cho thể loại truyện hư cấu, giải thưởng cuốn sách đầu tay hay nhất của New York và giải thưởng PEN/Hemingway.
Những câu chuyện tuyệt vời của Jhumpa Lahiri kể về cuộc sống của những người Ấn Độ tha hương, về những người loay hoay giữa những phong tục nghiêm ngặt mà họ thừa hưởng và một thế giới mới đầy trở ngại mà họ phải đối đầu hàng ngày. Dù bối cảnh ở Boston hay ở Băng-gan, những câu chuyện tràn đầy tính hài hước và những yếu tố huyền ảo này không chỉ gần gũi với người xa xứ mà còn gần gũi với rất nhiều đối tượng khác.
Tác phẩm của Jhumpa Lahiri gắn liền với mọi mặt thường gặp của cuộc sống và cách nhìn các chi tiết rất tinh tế, sắc bén là một điểm nổi bật của cô (trích Lời nói đầu).

Lục địa thứ ba, lục địa cuối cùng (1)
Tôi rời Ấn Độ năm 1964 với một tấm bằng thương mại và một số tiền vào những ngày đó tương đương 10 đôla Mỹ. Suốt ba tuần tôi lênh đênh trên con tàu SS Roma, một tàu chở hàng lớn của Ý, trong một buồng hạng ba ngay sát đầu máy. Con tàu đã chở tôi xuyên qua suốt biển Ả Rập, biển Đỏ, Địa Trung Hải và cuối cùng cập bến nước Anh. Tôi sống ở phía Bắc Luân Đôn, khu Finsbury Park, trong một ngôi nhà toàn những người Băng-gan độc thân không một xu dính túi giống như chính tôi, tất cả đều phải chiến đấu để học tập và lập thân ở nước ngoài.
Tôi tham dự những buổi thuyết trình ở Sở giao dịch chứng khoán Luân Đôn và miệt mài học trong thư viện trường để có thể vượt qua các kỳ thi. Chúng tôi sống cùng nhau ba hoặc bốn người một phòng, dùng chung một buồng vệ sinh lạnh lẽo duy nhất và thay nhau nấu những nồi cari trứng mà sau đó chúng tôi ăn bốc trên một chiếc bàn phủ giấy báo. Ngoài công việc của mình chúng tôi chẳng có gì phải lo lắng nhiều. Vào những ngày cuối tuần, chúng tôi chân đất, mặc những chiếc quần pijama, uể oải đi lại, uống chè và hút thuốc Rothmans hay đi xem crikê ở sân vận động Lord. Có những ngày cuối tuần căn nhà chật đầy người Băng-gan, những người chúng tôi tự làm quen ở cửa hàng rau quả, trong tàu điện ngầm. Chúng tôi nấu thêm nhiều cari trứng, bật nhạc của Mukhesh trên chiếc đài quay đĩa hiệu Grendig và nhét bát đĩa bẩn vào bồn tắm. Thỉnh thoảng lại có ai đó trong ngôi nhà rời ra ngoài sống với người phụ nữ mà gia đình anh ta ở Calcutta đã quyết định chọn cho anh ta làm vợ. Năm 1969, khi tôi ba sáu tuổi, cuộc hôn nhân của chính tôi được thu xếp. Cũng vào khoảng thời gian đó, tôi nhận được lời mời làm một công việc chính thức ở Mỹ, phòng nghiệp vụ tại một thư viện ở MIT [Học viện Công nghệ Massachusettes]. Lương khá hậu hĩnh, đủ để chu cấp cho một gia đình và thêm nữa, tôi có vinh dự được một trường đại học danh tiếng thuê. Vậy là tôi làm thị thực và chuẩn bị cho chuyến viễn du xa hơn.
Lúc đó tôi đã có đủ tiền để đi máy bay. Đầu tiên tôi bay tới Calcutta để tham dự đám cưới của chính mình và một tuần sau tôi bay tới Boston để bắt đầu công việc mới. Trong suốt chuyến bay tôi đọc cuốn Sách hướng dẫn về Bắc Mỹ dành cho sinh viên, một cuốn sách giải trí tôi mua trước khi rời Luân Đôn với giá bảy siling sáu pen, trên đường Tottenham Court, vì dù rằng tôi không còn là sinh viên nhưng về ngân sách thì tôi cũng chẳng khác gì. Tôi phát hiện ra rằng người Mỹ lái xe bên phải đường chứ không lái bên trái. Họ gọi thang máy là “elevator” chứ không phải “lift”, đường điện thoại bận thì nói là “engaged” thay cho “busy”. “Bạn sẽ nhanh chóng nhận thấy nhịp điệu sống ở Bắc Mỹ khác hẳn với nhịp điệu sống ở Anh”, cuốn sách hướng dẫn viết. “Mỗi người đều cảm thấy cần phải đạt đến đỉnh cao. Đừng mong đợi  có những khoảng thời gian rảnh rỗi”. Trong khi chiếc máy bay lượn vòng phía trên cảng Boston, viên phi công thông báo một ngày lễ của đất nước: hai người Mỹ đã đặt chân lên mặt trăng. Mấy hành khách vỗ tay. “Chúc mừng nước Mỹ!” một người hét lên. Bên hàng ghế đối diện tôi thấy một người phụ nữ làm dấu thánh.
Tôi ngủ đêm đầu tiên ở YMCA [Hội thanh niên Cơ đốc giáo], ở Quảng trường Trung tâm của Cambridge, một nơi nghỉ rẻ tiền mà cuốn sách hướng dẫn mách bảo. Từ đó tôi có thể đi bộ đến MIT và chỉ vài bước là đến bưu điện và siêu thị Purity Supreme. Trong phòng kê một giường đơn, một chiếc bàn. Trên tường là cây thánh giá nhỏ bằng gỗ. Tấm biển trên cửa thông báo tuyệt đối không được nấu nướng trong phòng. Ô cửa sổ trần trụi nhìn ra đại lộ Massachussets, một đường phố hai chiều lớn. Tiếng còi ô tô ầm ĩ kéo dài hết đợt này đến đợt khác. Còi báo nhấp nháy liên tục báo hiệu những ca cấp cứu, những đoàn xe buýt ầm ĩ lao qua, cửa sầm sầm mở ra rồi đóng lại. Cứ như vậy suốt cả đêm. Những âm thanh của đường phố luôn làm đầu tôi ong ong, đôi lúc đến đinh tai nhức óc. Tôi cảm thấy nó thấm rất sâu, vào tận xương tuỷ, như thể âm thanh đều đều, giận dữ của con tàu SS Roma. Nhưng ở đây không có boong tàu để lẩn tránh, không có đại dương xanh lấp lánh để tâm hồn tôi rung lên vì xúc động, không có những ngọn gió nhẹ giúp khuôn mặt tôi dịu đi, không có ai để trò chuyện cùng. Tôi quá mệt mỏi để có thể đi lại trong hành lang ảm đạm của YMCA trong chiếc quần pajama. Thay vào đó tôi ngồi bên bàn, nhìn chăm chăm ra ngoài cửa sổ, nhìn toà thị chính Cambridge và dãy những hàng quán nhỏ. Sáng hôm sau tôi đến trình diện tại nơi làm việc của mình ở thư viện Deway, một toà nhà màu be trông giống như cái pháo đài. Tôi đi mở một tài khoản ngân hàng, thuê một hộp thư, mua một chiếc bát và một thìa nhựa ở cửa hàng Woolworth – cửa hàng mang cái tên tôi biết từ khi còn ở Luân Đôn. Tôi đến siêu thị Purity Supreme, đi tới lui giữa các kệ hàng, chuyển đổi unsơ thành gram và so sánh giá cả với giá cả bên Anh. Cuối cùng tôi mua một hộp sữa bìa các tông nhỏ và một gói đồ ăn sẵn làm bằng bột ngũ cốc. Đó là bữa ăn đầu tiên của tôi ở Mỹ. Tôi ngồi bên bàn và ăn. Tôi thích món này hơn bánh hamburger hay bánh mì kẹp xúc xích, những lựa chọn duy nhất cho tôi ở tiệm cà phê trên đại lộ Massachusets. Ngoài ra, đến lúc đó tôi vẫn chưa có gì phải than vãn. Thậm chí cả cái việc vặt đi mua sữa cũng là điều mới mẻ với tôi: ở Luân Đôn sáng sáng người ta mang sữa đựng trong bình thuỷ tinh đến cho chúng tôi.

Trong vòng một tuần thì tôi đã tự điều chỉnh được bản thân ít nhiều. Tôi ăn đồ ăn sẵn bằng bột ngũ cốc và uống sữa, cả sáng và tối đều vậy. Tôi mua thêm vài quả chuối để thay đổi, dùng thìa xắt từng lát mỏng vào bát. Thêm vào đó tôi còn mua chè gói và một chiếc bình thót cổ mà người bán hàng ở cửa hàng Woolworth gọi là phích (anh ta nói với tôi rằng trước kia kiểu bình thót cổ như vậy được dùng để đựng rượu uýt ki, một thứ mà tôi cũng chưa bao giờ nếm). Bằng giá một cốc chè trong quán cà phê, buổi sáng trên đường đi đến chỗ làm tôi đổ nước sôi đầy bình và có được bốn cốc chè để uống trong ngày. Tôi mua một hộp sữa to hơn và bắt chước một cư dân khác của YMCA để nó ở chỗ có bóng mát trên bệ cửa sổ. Để giết thời gian, tối tối tôi đọc báo Quả địa cầu Boston ở dưới tầng, trong một căn phòng rộng rãi với những ô cửa kính bẩn thỉu. Tôi đọc hết mọi bài báo và những phần quảng cáo để làm quen với cuộc sống và khi mỏi mắt thì tôi đi ngủ. Chỉ có điều tôi ngủ không ngon. Đêm nào tôi cũng phải để mở cửa sổ vì đó là nguồn cung cấp không khí duy nhất trong căn phòng ngột ngạt, nhưng khi đó tiếng động quả là không thể chịu đựng nổi. Tôi hay nằm trên giường, lấy ngón tay bịt chặt tai, nhưng khi vừa mơ màng thiếp đi thì những ngón tay tôi lỏng ra và luồng âm thanh ầm ĩ lại đánh thức tôi dậy. Những chiếc lông chim bồ câu thường bay xuống bệ cửa sổ, và một tối, khi rót sữa vào món đồ ăn bằng bột ngũ cốc tôi phát hiện ra sữa đã chua. Dù vậy tôi cũng quyết định ở lại YMCA sáu tuần nữa, cho đến khi vợ tôi làm xong hộ chiếu và thị thực. Khi nào vợ tôi sang thì tôi sẽ phải thuê một nơi ở tử tế. Thỉng thoảng tôi lại nghiên cứu mục nhà cửa trên báo hay dừng lại ở phòng nhà đất của MIT vào lúc nghỉ trưa để xem có gì phù hợp với túi tiền của mình. Chính là bằng cách đó mà tôi phát hiện ra một căn phòng cần cho thuê ngay lập tức, trong ngôi nhà trên một con phố yên tĩnh, giá tám đôla một tuần. Tôi ghi ngay số điện thoại, tìm kiếm đồng xu cần thiết trong số những đồng tiền vẫn còn xa lạ đối với tôi, nhỏ và nhẹ hơn đồng siling nhưng nặng và sáng hơn đồng paisa [đơn vị tiền của Ấn Độ] và gọi từ trạm điện thoại công cộng.
- Ai đấy? – một phụ nữ hỏi. Giọng bà ta lanh lảnh mạnh mẽ.
- Xin chào bà. Tôi gọi đến về việc căn phòng cho thuê.
- Harvard hay Viện?
- Xin lỗi. Cái gì ạ?
- Anh từ trường Đại học Harvard hay Viện?
Hiểu ra rằng Viện là nói tắt thay cho Học viện Công nghệ Massachusetts, tôi trả lời ngay:
- Tôi làm việc ở thư viện Deway, - tôi ngập ngừng rồi nói thêm, - ở Viện.
- Tôi chỉ cho các cậu trường Harvard hay Viện thuê nhà thôi.
- Vâng, thưa bà.
Bà ta cho tôi địa chỉ và hẹn gặp lúc 7h tối hôm đó. Tôi ra khỏi nhà nửa tiếng trước giờ hẹn, cuốn sách hướng dẫn trong túi, hơi thở thơm tho với nước súc miệng Listerine. Tôi đi dọc theo con phố đầy bóng cây, vuông góc với đại lộ Massachussets. Cỏ dại mọc lơ thơ giữa những viên gạch lát phần đường đi bộ. Dù trời nóng tôi vẫn mặc áo vét và đeo cà vạt, coi sự kiện này cũng quan trọng như bất kỳ một cuộc phỏng vấn nào khác; tôi chưa bao giờ sống trong nhà của một người nước ngoài. Ngôi nhà có một hàng rào lưới bao quanh, quét vôi trắng với đường trang trí màu nâu sẫm. Không giống như những ngôi nhà trát vữa đứng thành hàng, nơi tôi sống ở Luân Đôn, ngôi nhà này đứng hoàn toàn biệt lập, mái lợp gỗ. Một đám những cây đầu xuân phủ kín phía trước và hai bên ngôi nhà. Khi tôi bấm chuông, người phụ nữ lúc trước nói chuyện với tôi qua điện thoại hét lên dường như ngay phía bên kia cánh cửa:
- Xin chờ một phút!
Vài phút sau một bà cụ rất già và nhỏ bé mở cửa. Một đám tóc trắng như cước được sắp xếp giống như một chiếc túi nhỏ trên đầu bà ta. Trong khi tôi bước vào thì bà ta ngồi xuống chiếc ghế gỗ dài đặt bên dưới chân cầu thang hẹp trải thảm. Khi đã yên vị trên chiếc ghế, trong một vùng ánh sáng nhỏ, bà ta nhìn tôi chằm chằm với một sự tập trung hoàn toàn. Bà ta mặc một chiếc váy dài màu đen xoè ra giống như một cái lều cứng trên nền nhà, áo sơ mi hồ bột với những diềm đăng ten ở cổ và tay áo. Đôi bàn tay đặt trong lòng có những ngón tay dài, xanh xao, những khớp ngón tay phồng lên, móng tay cứng, màu vàng. Tuổi tác đã làm biến đổi đường nét của bà ta đến mức giờ đây bà ta gần giống như một người đàn ông với đôi mắt sắc sảo, teo lại và những đường nhăn nổi bật ở hai bên mũi. Đôi môi bà ta nứt nẻ và nhợt nhạt, gần như biến mất, lông mày cũng vậy. Trông bà ta thật dữ tợn.
- Khoá cửa lại! – bà ta ra lệnh. Bà ta hét lên dù rằng tôi chỉ đứng cách bà ta có vài bước chân. - Móc vào và bấm nút kia thật chặt! Đó là điều đầu tiên anh sẽ phải làm khi anh vào nhà, hiểu không?
Tôi khoá cửa ngôi nhà như bà ta bảo và quan sát. Bên cạnh chiếc ghế băng người đàn bà đang ngồi là một cái bàn nhỏ. Chân bàn, cũng giống như chân người đàn bà, được một tấm ren phủ kín hoàn toàn. Trên bàn là một chiếc đèn, đài bán dẫn, ví da có móc gài bằng bạc và điện thoại. Một cây gậy batoong phủ đầy bụi dựng cạnh bàn. Bên phải tôi là phòng khách với những giá sách và đồ gỗ tồi tàn cũ kỹ. Trong góc phòng là một chiếc đàn piano vĩ đại, trên nóc chất đầy giấy tờ. Chiếc ghế của cây đàn không thấy đâu cả, hình như đó là chiếc ghế người đàn bà đang ngồi. Ở một nơi nào đó trong ngôi nhà, đồng hồ ngân nga bảy tiếng.
- Anh là một người có kỷ luật, - người đàn bà tuyên bố. Tôi nghĩ anh cũng sẽ như vậy với căn phòng thuê.
- Tôi có giấy chứng nhận, thưa bà.
Trong túi áo vét của tôi có một giấy chứng nhận làm việc cho MIT, tôi mang theo người để chứng minh rằng tôi thực sự làm việc ở đó.
Bà ta chăm chăm nhìn vào tờ giấy rồi sau đó thận trọng đưa nó lại cho tôi, cầm nó trong tay như thể đó là một đĩa thức ăn đầy chứ không phải tờ giấy. Bà ta không đeo kính, và tôi tự hỏi không biết liệu bà có đọc được dòng nào trong đó không.
- Anh chàng cuối cùng lúc nào cũng muộn! Vẫn còn nợ tôi 8 đôla nữa chứ! Những thanh niên của Harvard đã không còn như trước kia! Chỉ có những thanh niên của Harvard và Viện ở trong ngôi nhà này. Viện giờ thế nào, chàng trai?
- Rất tốt ạ.
- Anh đã kiểm tra khoá chưa?
- Rồi ạ, thưa bà.
Bà ta lấy tay đập vào khoảng trống bên cạnh mình trên chiếc ghế và bảo tôi ngồi xuống. Bà ta im lặng trong giây lát. Rồi bà ta ngân nga, cứ như thể chỉ mình bà ta biết điều này:
- Có một lá cờ Mỹ trên mặt trăng.
- Vâng, thưa bà.
Cho đến tận lúc này tôi vẫn chẳng mấy để ý đến cuộc đổ bộ lên mặt trăng. Tất nhiên báo chí viết nhiều về chuyện này, rất nhiều, hết bài này đến bài khác. Những phi công vũ trụ đã đặt chân lên bờ biển Thanh Bình, vượt xa bất cứ ai trong lịch sử nền văn minh, tôi đọc thấy như vậy. Trong vòng tiếng giờ đồng hồ họ thám hiểm bề mặt mặt trăng. Họ thu thập mẫu đã, miêu tả khung cảnh xung quanh (một vẻ hoang vu lộng lẫy, theo như lời một nhà du hành vũ trụ), nói chuyện qua điện thoại với tổng thống và cắm một lá cờ lên mặt trăng. Chuyến du hành được chào đón như thành tựu vĩ đại nhất của con người. Tôi đã nhìn thấy những bức ảnh to kín cả trang báo trên tờ Thế giới, bức ảnh các nhà du hành vũ trụ trong những bộ quần áo phồng căng. Tôi đã đọc về việc những ai ở Boston đang làm gì vào giây phút các nhà du hành vũ trụ đặt chân xuống mặt trăng – một chiều Chủ Nhật. Một người đàn ông nói rằng lúc đó ông ta vừa lái một chiếc thuyền hơi vừa dí đài vào tai; một phụ nữ nói lúc đó bà đang nướng bánh cho các cháu.
Người đàn bà gào lên:
- Một lá cờ trên mặt trăng, chàng trai ạ! Tôi nghe thấy trên đài! Điều đó thật tuyệt, đúng không?
- Vâng, thưa bà.
Nhưng bà ta không thoả mãn với câu trả lời của tôi. Thay vào đó bà ta ra lệnh:
- Hãy nói “Tuyệt vời!”
Lời yêu cầu làm tôi cảm thấy vừa lúng túng vừa bị lăng mạ. Nó làm tôi nhớ lại cách người ta dạy tôi bảng cửu chương khi tôi còn là đứa trẻ. Chúng tôi ngồi bắt chéo chân, không có giày và bút chì, trên nền ngôi trường học có mỗi một phòng tên là Tollygunge và nhắc lại lời thầy giáo. Lời yêu cầu đó cũng làm tôi nhớ lại đám cưới, khi tôi đã nhắc lại theo vị mục sư những vần thơ tiếng Phạn mà tôi hầu như không hiểu gì, những cái đã gắn tôi vào với vợ mình. Tôi im lặng.
- Hãy nói “Tuyệt vời!”, - người đàn bà lại gào lên.
- Tuyệt vời, - tôi lắp bắp.
Tôi phải nhắc lại lần thứ hai để bà ta có thể nghe thấy. Bản chất tôi là người nói năng nhỏ nhẹ và tôi đặc biệt lúng túng khi phải cao giọng với một người đàn bà nhiều tuổi vừa mới gặp nhưng bà ta dường như không cảm thấy bị mất lòng. Dù sao câu trả lời cũng làm vừa lòng bà ta và mệnh lệnh tiếp theo là:
- Đi xem phòng!
Tôi đứng dậy và leo lên cầu thang hẹp trải thảm. Có năm cánh cửa, hai cánh cửa mỗi bên hành lang cũng hẹp như cầu thang và một cánh cửa nữa ở phía cuối hành lang. Chỉ một cánh cửa hé mở. Trong phòng kê một chiếc giường đôi, một tấm thảm màu nâu hình ôvan, bồn rửa với những ống nước lộ ra và chiếc tủ com mốt. Một cánh cửa sơn trắng là cửa tủ quần áo, một cánh cửa khác dẫn vào toilet và phòng tắm. Giấy dán tường màu xám có những dải trắng ngà. Cửa sổ đang mở, tấm rèm ren rung rinh trong làn gió nhẹ. Tôi nâng tấm rèm lên để quan sát khung cảnh: một sân sau nhỏ với mấy cây ăn quả và những dây phơi quần áo. Tôi cảm thấy thoả mãn. Từ dưới chân cầu thang tôi nghe người đàn bà hỏi:
- Cậu quyết định thế nào?
Khi tôi quay lại căn phòng nhỏ đó và trả lời, bà ta cầm chiếc ví da lên khỏi mặt bàn, mở khoá, lục lọi và lấy ra một chiếc chìa khoá treo trên vòng sắt mỏng manh. Bà ta thông báo với tôi rằng bếp nằm ở phía sau, đi qua phòng khách là tới. Tôi được thoải mái sử dụng bếp chừng nào tôi biết giữ gìn trật tự ngăn nắp. Ga trải giường và khăn mặt bà ta sẽ cung cấp nhưng giữ chúng sạch sẽ là nhiệm vụ của tôi. Tiền nhà trả vào sáng thứ Sáu hàng tuần, đặt ở mép bàn, bên trên những phím đàn piano.
- Và không được phép có phụ nữ đến thăm!
- Tôi đã có vợ, thưa bà, - đây là lần đầu tiên tôi tuyên bố điều này với một ai đó.
Nhưng bà ta không nghe thấy.
- Không được cho phụ nữ đến thăm đâu đấy, - bà ta khăng khăng. Bà ta giới thiệu mình là Croft.
(Còn nữa)