23 tháng 11 2022

BỐ HÃY YÊN NGHỈ, BỐ NHÉ!

 5 ngày trôi qua từ hôm bố ra đi. Mình như trôi đi trong một giấc mơ, không để ý đến ngày tháng, mọi sự như trong một lớp sương mờ.

Ông bắt đầu yếu đi hồi đầu tháng 11. Tuần đầu tháng 11 đó mình đang sụt sịt, người gây gây sốt. Ngay khi khỏe lại, mình lập tức đi Sapa. Đúng là ông yếu hơn, ông không ngồi được bao nhiêu, nằm suốt cả ngày, lơ mơ trong giấc ngủ, ăn uống rất ít. Dù thế, trong vài ba ngày ít ỏi mình ở đó, mình vẫn có thể cùng bà nâng ông dậy, bón cho ông hôm thì mấy thìa cơm, hôm mấy thìa phở. Lên thăm ông ba hôm, mình chào ông về, dặn ông con về vài hôm rồi con lại lên. Về Hà Nội mới được 3 hôm thì nhận tin báo ông yếu hơn, sốt cao. Ngày nào cũng bao cú điện thoại qua lại, cứ nghe tiếng chuông điện thoại là mình sợ. Rồi bác sỹ thông báo ông bị Covid, lần lượt bác Tiến, bác Tú, bác Kiều đều bị lây. Thư, Vi đang ở thăm ông bị bà đuổi về ngay lập tức. Mình ở Hà Nội nhưng ruột nóng như lửa, cứ nhấp nhổm định đi Sapa, còn bà thì gàn. Thêm đôi hôm nữa thì mình bảo kệ con cứ lên, bây giờ bố còn nhận biết được, con lên để gặp bố, chứ mấy hôm nữa khéo bố chẳng còn nhận ra con. Nào ngờ, khi mình rời nhà ở Hà Nội vào sáng thứ Sáu ông vẫn còn tỉnh táo, vậy mà sau đó tình hình xấu đi rất nhanh. Khi mình về qua Lao Cai thì hai mẹ con đã thống nhất rằng cún sẽ đặt vé bay về ngay tối hôm đó. Chỉ ít phút sau, lúc xe chạy qua Tả phình, chị Kiều gọi điện mếu máo bảo, xe về đến nơi thì dì bắt xe ôm về ngay nhé. Mắt mình nhòe nước, vậy là ông đã không thể chờ mình thêm, dù chỉ 15’-20’.

Ông nằm đó, bình thản như đang trong giấc ngủ, khuôn mặt vẫn hồng hào, da thịt vẫn ấm. Bác Vân dặn mình không được chạm vào ông, sợ ông đau, vậy mà mình cứ muốn đặt tay lên má ông, cầm bàn tay ông. Cả đêm hôm đó bác Vân đọc kinh cho ông, các con cháu thay nhau ngồi bên ông trong những giây phút cuối, để được gần ông thêm chút nữa, để ông được ấm áp trong những giờ phút cuối bên gia đình. Ngắm nhìn ông, những hình ảnh, kỷ niệm với ông như một thước phim quay chậm cứ lúc này lúc khác lướt qua trí nhớ mình. Hình ảnh ông dạy mấy đứa con học khi chúng mình còn nhỏ, hình ảnh ông gầy gò, đưa mình đi Hà Nội đi học khoảng năm 84-85 gì đó, năm đó nước lụt lớn, chiếc thuyền mỏng manh như lá tre chở hai bố con qua sông để lên tàu ở bờ bên kia chỗ ga Bạch Hạc. Hình ảnh ông đạp xe từ Trương Định vào Cầu Giấy đưa mình đi thi chuyên ngữ năm 86. Hình ảnh ông tiễn mình ở sân bay Nội bài năm 1990, hình ảnh những khi ông về nhà mình chơi ở Hà Nội, mình chở ông đi thăm họ hàng, ngồi sau xe ông bảo tiếng xe máy như tiếng sóng con nhỉ. Sinh nhật mình năm 28 tuổi, ông mua tặng mình bộ Tuyển tập truyện ngắn Nga bốn cuốn dày cộp. Bao nhiêu kỷ niệm cứ hiện về trong đầu mình.

Mình hỏi đi hỏi lại, bà ơi bà đã kể cho ông nghe chuyện Thùy Dương đi biểu diễn bên Hàn Quốc chưa, chuyện Thùy Dương sắp có buổi solo nữa, rồi bà đã kể với ông con sắp đi làm lại chưa, để ông khỏi lo con gái thất nghiệp. Vừa hai hôm trước đó thôi mình có cuộc họp, thông qua một người bạn mình kết nối Michaud và Omega để Omega cân nhắc việc in sách của ông ấy bằng tiếng Việt. Michaud nói với bạn ở Omega về ông Đặng Trung, “dù ông ấy không công bố gì nhưng ông ấy là một học giả về Sapa. Tôi sẽ đưa vào lời tri ân ông Trung như một người đã giúp tôi rất nhiều trong nghiên cứu.” Mình định nói chuyện này với bà để nhờ bà nói với ông, như món quà Michaud gửi tới ông. Vậy nhưng thấy ông mệt, mình lại không nói, thầm nghĩ sẽ tự về nói với ông. Nhưng cơ hội đó đã không còn, và bây giờ mình tiếc nuối đã không nhờ bà một việc như vậy .

Họ hàng từ xa lần lượt đến. Đầu tiên là đoàn anh Túc đi ngay lúc chiều, khi vừa có tin ông mất. Rồi mấy đoán từ Lao Cai, Bắc Hà. Đến gần sáng thì có thêm các đoàn từ Thanh Hóa và Hà Nội đi xe đêm, bao gồm cả cún đã kịp bay ra Hà Nội lúc hơn 9h để lên xe lúc 10h đêm ở Nội Bài và hai cô cháu nội vừa về Hà Nội được đôi hôm, giờ lại lên với ông. Sáng/trưa hôm sau thì thêm các đoàn khác đi xe riêng từ Hà Nội, Yên Bái, Mậu A… Con cháu, người thân lên chia tay ông rất đông, chả biết rõ con số chính xác là bao nhiêu, có lẽ hơn 120 người, vì bữa ăn ba ngày sau khi đưa ông ra mộ về có 18 mâm, trong đó có hai xe đầy người đã lên đường về Hà Nội ngay mà không dự bữa cơm trưa đó do có việc gấp.

Đám tang ông diễn ra suôn sẻ với bài điếu văn do anh Như viết rất đẹp, khiến khối người sau đó tò mò hỏi ai viết điếu văn vậy. Anh Như và anh Túc, hai đứa cháu mồ côi mà ông đã dìu dắt từ nhỏ, đứng túc trực cạnh linh cữu ông đáp lễ, làm khối người thắc mắc hai anh có phải con riêng của ông không, kakaka. Chị cả đã chọn cho ông bà một khu đất tuyệt vời, nhìn ra dãy núi Hoàng Liên Sơn, với trời xanh và mây trắng, mà mình tin bất cứ ai cũng muốn có được một chỗ nằm đẹp đẽ như vậy. Nhà mình thương nhớ ông vô cùng, nhưng cũng hiểu rằng ông đã rất may mắn được ra đi nhẹ nhàng, thanh thản, đơn giản như đi vào một giấc ngủ dài. Cả nhà rất đoàn kết, không hề có chuyện bất đồng trong mọi chi tiết tổ chức tang lễ vì đã có bà, người thuyền trưởng vĩ đại, dù đau buồn nhưng vẫn vững vàng chèo lái con thuyền gia đình và ai cũng tôn trọng ý kiến bà tuyệt đối.  

Xen giữa rất nhiều giây phút chảy nước mắt vì nhớ thương ông vẫn không thiếu những giây phút rất hài và ấm áp, như nhà mình vẫn luôn thế. Trong lúc mình đang đứng cạnh bàn thờ để đáp lễ người đến viếng, có hai đồng chí Tây đi ngang qua nhà mình, vừa đi vừa nhiệt tình nhảy theo điệu nhạc đám ma, khiến mình không nhịn nổi cười. Một lần khác, khi mình ngó từ chỗ đứng đáp lễ vào nơi đặt áo quan của ông phía đằng sau, thấy ba cô cháu gái yêu quý của ông đều đang ngồi ở tư thế úp mặt vào đầu gối, vai rung rung. Mình cứ thắc mắc không biết bọn này đang cười hay khóc, mà lúc chúng nó nhìn lên rõ là mắt mọng nước cơ mà, nhưng cái điệu rung vai thì không giống khóc lắm. Tối hôm đó, khi đưa ông đi thiêu mình mới hỏi về việc đó, Vy bảo, khi đó Dương bảo là, nếu em chết thì cúng em trà sữa với pizza ý, em không thích ăn gà luộc đâu. Ối dồi ôi, mọi người cười một trận. Rồi một lúc khác mình bảo chị Vân, sau đây chúng ta động viên bà học đàn, để trí óc bà hoạt động, cho khỏi teo não. Nói xong hai chị em bảo nhau, có mà chúng ta teo não trước ý, bà thì còn lâu, khôn cực. Thế là lại cười. Bàn về việc xây mộ, khắc bia cho ông thì bọn trẻ con xông vào trêu bà rằng bao giờ bà mất mỗi năm chúng con sẽ đặt một lọ nước hoa loại đặc biệt, phiên bản dành riêng cho bà, rồi thiết kế váy riêng cho bà chứ không mua đồ hàng loạt, kakaka.

Bố ơi, bố đã sống một cuộc đời đầy ý nghĩa, luôn là một con người hiền lành, đức độ, yêu thương vợ con. Bố hãy thanh thản yên nghỉ nhé. Chúng con sẽ chăm lo mẹ chu đáo cho bố yên lòng. Mẹ và chúng con rất thương nhớ bố, nhưng cả nhà không bi lụy mà sẽ chỉ nhớ về bố với những kỷ niệm đẹp đẽ thôi. Bố vẫn ở đây cùng cả nhà, nheo ánh mắt nhìn cả nhà cười, như khi vừa kể một câu chuyện dí dỏm. Mẹ và chúng con rất yêu bố và nhớ về bố như vậy, bố nhỉ!

Bố vẫn hàng ngày nhìn chúng con cười như thế này đây

Bố hãy thanh thản ngắm núi và mây trời, bố nhé. Chỗ nằm đẹp quá đến nỗi Thùy Dương cũng đòi về nằm cùng ông bà đấy, ông ạ :P


4 nhận xét:

  1. Cho phép cháu được chia buồn cùng cô và gia đình. Mong rằng mọi người cố gắng vượt qua khó khăn này ạ.

    Trả lờiXóa
  2. Đọc mà cảm động quá! Ông đã sống một cuộc đời đầy màu sắc và ý nghĩa. Thật may mắn vì trước khi ông mất mươi hôm, vợ chồng con lên Sapa và có dịp vào thăm ông lần cuối.
    Mong ông an nghỉ.

    Trả lờiXóa