02 tháng 5 2016

CHUYỆN NGÔI NHÀ NHỎ VEN ĐƯỜNG_NHỮNG TRÒ CHƠI CỦA MẤY CHỊ EM

Suốt từ khi học lớp Một cho đến khi tốt nghiệp cấp III, mình chỉ ở cùng gia đình ba năm rưỡi (học kỳ II của lớp 2, sau đó là lớp 3-4 và lớp 7). Khoảng thời gian thật ngắn ngủi so với cả đời người. Mỗi khi nói chuyện mẹ vẫn bảo mẹ thương mình nhất, xa gia đình, tự lập từ nhỏ. Vậy nhưng chỉ 3 năm rưỡi đó đã đọng lại khá nhiều kỷ niệm của những tháng ngày ở Sapa cùng gia đình.

Nhà mình khi đó nằm cạnh con đường quốc lộ mà mọi người vẫn gọi là đường Trung quốc, từ Lao Cai chạy xuyên qua Sapa rồi đến Phong Thổ, Lai Châu, Điện Biên. Khi mình từ Hà Nội chuyển về vào giữa năm lớp 2 thì chị Tú là chị cả mới đang học lớp 8. Năm chị em lít nhít, hơn kém nhau chưa tới hai tuổi, đứa học sáng đứa học chiều. Lý do để bố mẹ đưa mình về Sapa học cũng hết sức giản dị - các chị đi học sáng hết, không có người nấu bữa cơm trưa.

Còi cọc, bé tý ty, như mọi đứa trẻ ngày đó, buổi sáng mình và em Thực ở nhà, làm đôi việc vặt và chịu trách nhiệm bữa cơm trưa cho cả nhà. Nghĩa là nấu nồi cơm. Ra vườn quanh nhà tìm món rau gì đó nấu. Còn thức ăn mặn thì khỏi cần, vì đó là thứ ít thường xuyên J Buổi chiều đi học, rồi tối tối mấy chị em ngồi vòng quanh chiếc bàn học bài dưới ánh đèn dầu tù mù. Cuộc sống vật chất của chúng mình ngày đó có lẽ không khác gì với cuộc sống những đứa trẻ ở vùng sâu vùng xa mà bây giờ mình vẫn thường xuyên đi ngang qua. Quần áo mặc lại của nhau, cứ từ chị chuyển cho em, quần rách của bố mẹ còn tận dụng hai cái ống may cho con. Không điện, và đương nhiên là không ti vi. Sách báo hiếm hoi. Tờ báo duy nhất cho bọn trẻ là Thiếu niên Tiền phong. Nhưng bố luôn mua rất nhiều sách. Và bọn mình thì cắm mặt vào bất cứ thứ gì có chữ, dù đó là báo Toán học Tuổi trẻ, mà khi đã trở thành một ông nông dân chính hiệu thì bố vẫn giữ thói quen đặt dài hạn, hay những thứ khó đọc đối với trẻ con mà về sau, khi đọc lại, mình nhận ra mình đã đọc nó từ những ngày xửa ngày xưa ấy – kiểu như Đi về nơi hoang dã của Nhật Tuấn chẳng hạn.

Cuộc sống hết sức giản đơn như vậy mà sao với bọn trẻ chúng mình ngày đó vẫn ngập tràn niềm vui. Ngôi nhà nhỏ 3 gian gồm gian buồng của bố mẹ, gian giữa là phòng khách đồng thời có chiếc giường một cho em Thực, rồi một gian cạnh đó ngăn cách bởi tấm ri đô mỏng là hai chiếc giường đôi cho 4 chị em gái. Mỗi giường có một chiếc chăn bông ấm, mùa đông có thêm tấm chăn cũ lót làm đệm. Thế là đã sang lắm rồi. Ngoài cửa gió rít ù ù, lùa qua những khe hở thông thống chỗ chân tường (ngày đấy khi làm nhà thường không trát vách xuống tận nền mà để trống một đoạn tới 15cm) và mọi khe hở khác, còn trong này chúng mình nằm trên giường ấm áp, trêu chọc nhau, gọi với sang phòng bố mẹ. Dù mùa đông hay hè thì cả nhà luôn dậy sớm. Bao việc phải làm, nấu cơm ăn bữa sáng, gánh nước, quét nhà, rửa ấm chén, cho lợn ăn… Những buổi sáng mùa đông rét buốt ấy mẹ chỉ gọi bọn mình dậy khi bếp lửa dưới bếp đã cháy bùng bùng, ấm áp, thế mà mình và cậu em nhiều khi còn ưỡn ẹo mãi. Các chị lớn hơn thì không được phép như vậy. Đơn giản là không được, bố mẹ gọi là phải dậy ngay, không cần giải thích nhiều. Nhiều hôm trời lạnh đến mức tụi mình còn phải dùng chiếc gáo tôn đập phá vỡ lớp băng mỏng trên mặt bể để lấy nước.

Khi trời đã ấm, sáng sáng cả mấy chị em ra đường quốc lộ sau nhà cùng nhau chạy vài vòng tập thể dục xuống tận cống huyện. Con đường ngày đó gập gềnh. Giờ thì nhà cửa sát bên đường, nhưng ngày đó dọc con đường không có một nhà nào, nếu có thì cũng ở tít sâu phía trong, còn dọc đường quốc lộ chỉ là tả luy mọc đầy cây cỏ dại. Chiếc rãnh bên đường lúc nào nước cũng chảy róc rách, trong veo. Trên đường chạy thỉnh thoảng tụi mình dừng lại, ngó nghiêng tìm những chú cua đá thập thò rất nhanh dưới những tảng đá nhỏ. Rồi bọn mình ngóng xem khi nào thì cây trứng cua chỗ cống huyện chín. Những quả trứng cua vàng rộm, quả li ti hệt như trứng cua kết thành chùm, vị ngọt tan nơi đầu lưỡi. Những bụi mâm xôi hay bọn mình còn gọi là đùm đũm chín mọng đỏ hoặc vàng chìa ra mời gọi nơi vách tả ly. Rồi những mầm gai, mầm sun sún chấm muối. Chả thiếu thứ gì mà bọn trẻ chúng mình không cho vào mồm dù mẹ thường xuyên nhắc không được ăn uống linh tinh, dọa là rắn đã mút quả trước đó... Mình cứ nhớ mãi hình ảnh chị Kiều tóc cắt ngắn xù lên quanh đầu, nét mặt rạng rỡ, chạy ngược con đường quốc lộ đoạn gần rẽ về nhà, hai tay khum giữ vốc cát to đùng vừa vét ở cống ven đường, bảo mang về gom cho bố xây bể J

Cả buổi sáng dài chỉ có mình và Thực ở nhà với nhau. Làm xong việc vặt, mình và Thực thường bày đủ trò nghịch ngợm. Mùa đông thì đó có thể là trò dùng ống bơ nấu cơm trên chậu than sưởi, hoặc ra ngoài vườn làm một cái bếp bé tí xíu để nấu nồi cơm ống bơ ấy. Có hôm mẹ bất chợt về, hai chị em đang nấu chiếc ống bơ trên chậu than, giấu vội đi, bao lâu sau mới nhớ lôi ra thì nó đã mốc xanh mốc đỏ. Trời ấm thì hai chị em chơi đánh khăng, thỉnh thoảng có thêm bọn trẻ hàng xóm, Tuấn hoặc Khoa, con nhà cô Hòa chú Ruân ngay cạnh đó, cùng tham gia. Mình vẫn còn nhớ trình đánh khăng của mình ngày đó cao ra phết, hihi. Rồi bọn mình ra ngồi chơi ở đầu ngõ, chơi đồ hàng trên hai hòn đá khá vuông vức, được bố xếp rõ với ý đồ để cho bọn trẻ ngồi. Mà cứ mùa hè đến thì ngồi ở hòn đá đó có thể ngửi thấy mùi hoa hồng từ cây hồng bạch bên tay phải, bụi hồng khác bên tay trái, và những chùm hồng leo, lúc nào cũng mời chào đám cánh cam về ở ngay cách đó hơn mét. Giờ thì mọi người đua nhau đi mua giống hoa hồng đó, gọi là hồng cổ Sapa cơ đấy J Đối diện bụi hồng leo là mấy cây phù dung mà giờ mình chả còn gặp lại ở đâu. Những cánh phù dung mỏng manh, sáng nở ra mang màu khác để rồi chỉ qua trưa đã chuyển màu rồi chiều tàn.

Những đêm trăng đẹp hiếm hoi, bọn trẻ nhà mình và nhà cô Hòa chú Ruân tụ tập chơi cùng nhau. Trò chơi được ưa thích là trận giả, trốn tìm, thả đỉa ba ba. Nhưng điều đọng lại trong mình mãi là những buổi biểu diễn. Trăng sáng vằng vặc soi rõ khoảnh sân nhỏ nhà. Mấy diễn viên chính là mình và chị Kiều (chị Tú và chị Vân ngày đó đã hơi lớn, không còn tham gia trò quá trẻ con này nữa) lấy chiếc khăn bông bay buộc túm ở đầu một chút rồi choàng qua đầu mình, người này làm MC thì người kia làm ca sỹ, được giới thiệu lên hát bài này bài nọ. Khán giả thường sẽ có bố mẹ mình và cô chú Hòa Ruân. Bài nào cũng được khán giả nhiệt liệt hưởng ứng, kể cả khi ca sỹ quên béng và phải dừng lại giữa chừng J

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét