“Phố núi cao phố núi mờ
sương”
Phố núi thân thương
tuổi thơ tôi ở đó
Chiều lặng lẽ mây bay
về bên cửa
Em nhớ gì những năm
tháng tuổi thơ ơi
Theo đuổi một dự án nhỏ ở Nam Giang, trong vòng ba tháng, đây đã là lần
thứ năm mình đến thị trấn Thạnh Mỹ, trung tâm của huyện Nam Giang. Từ Đà Nẵng,
xe đi theo con đường 14G, chạy qua ngã ba Đại Lộc rồi từ đó phóng thẳng lên thị
trấn Thạnh Mỹ. Đường rất đẹp, xe chạy bon bon. Khi gần đến Thạnh Mỹ thì bên đường
có một đoạn người dân trồng dứa, bày bàn rất nhiều dọc đường. Chốc chốc lại bắt
gặp cả ngọn đồi phủ đầy những ngọn dứa vươn thẳng, mình mở cửa để trong thoáng
chốc, hương dứa, hương cây bỗng ngan ngát.
Buổi chiều tụi mình đi bộ từ nhà nghỉ ra quán ăn. Con đường chính của thị
trấn vào buổi chiều lâu lâu mới có một chiếc xe ô tô hoặc xe máy chạy qua, phá
vỡ bầu không khí tĩnh lặng. Bọn trẻ và cả người dân thấy có chàng/nàng Tây thì
tò mò lắm, nhìn rồi chào Hello ầm ĩ. Những ngọn núi bao quanh thị trấn lúc chiều
tà phủ một làn sương mỏng, gợi nhớ biết bao thị trấn Sapa của mình cái thưở xa
xưa ấy, hay những phố núi trong các câu chuyện mà mình nhớ nhất là chuyện Hành
trình ngày thơ ấu.
Vào những năm 80, khi mình còn chưa đầy 10 tuổi, thị trấn của mình đúng
là một nơi khỉ ho cò gáy. Điện chưa có. Tối tối bốn chị em ngồi quây quần quanh
chiếc bàn nhỏ, vừa đủ mỗi đứa một chỗ ngồi viết và một ngăn bàn đựng sách vở, cậu
út mà cũng là cả thường ngồi ở một bàn riêng, tất cả cùng học bài dưới ánh đèn
dầu tù mù. Mấy chị em ngoan lắm, chả để bố mẹ nhắc nhở gì, chỉ trừ bác cả thỉnh
thoảng dấm dúi đọc trộm truyện dưới gầm bàn, lâu lâu bị mẹ túm cổ mắng cho vài
câu J. Còn bác Kiều thì thông minh kinh khủng, học lớt phớt
nhưng luôn đứng đầu lớp. Bác hay thích dậy sớm học bài cần thuộc lòng, đọc váng
cả nhà. Có một khoảng thời gian ngắn, thi thoảng mình cũng nặn được vài câu thơ
con cóc, ông bà động viên, bảo gửi đi đăng báo. Nhưng rất may là mình chưa kịp
hành hạ ai bằng cái thứ mà mình tự cho là thơ đó J.
Thị trấn nhỏ, xa cách, tĩnh lặng. Những thị trấn gần hơn cả là Cam Đường
và Phố Lu thì cũng cách tới 50-70 km và việc đi lại không đơn giản, vậy nên thú
vui giải trí của bọn mình hết sức hạn chế. Sách báo hạn chế, không có khái niệm
du lịch, không có khái niệm tham quan, không có khái niệm ca nhạc ngoại trừ những
buổi văn nghệ cây nhà lá vườn. Vậy nhưng tụi trẻ con chúng mình cũng nhiều trò
lắm. Vào những tối trăng sáng và ấm trời, bọn mình và đám trẻ hàng xóm chơi trận
giả, chơi thả đỉa ba ba, chơi u, chơi biểu diễn văn nghệ. Trò nào cũng vui,
cũng cười đến đau cả bụng, nhưng đọng lại nhiều nhất vẫn là trò biểu diễn văn
nghệ. Trăng sáng vằng vặc, tụi mình kê mấy chiếc ghế ra sân cho khán giả là cô
Hòa chú Ruân hàng xóm và bố mẹ mình ngồi. Chị Tú và chị Vân không tham gia biểu
diễn, chắc do đã lớn. Còn chị Kiều và mình thì nhiệt tình lắm. Tụi mình lấy chiếc
khăn mỏng, buộc một đầu lại thành một kiểu khăn voan trùm, thay nhau ra giới
thiệu. Mình hát thì chị ấy giới thiệu và ngược lại. Cứ kết thúc một bài khán giả
lại nhiệt tình hoan hô J. Chả thế mà bà ngoại và các dì mình vẫn kể
mãi chuyện chị Kiều lúc còn nhỏ rất thích hát, nhưng cứ hát được một hai câu là
quên, thế là chị lại “cháu hát bài, cháu hát bài…” để bắt đầu bài mới, rồi lại
quên, hihi.
Điện chưa có nên đương nhiên là chưa có tivi. Lâu lâu mới có đội chiếu
bóng đến thị trấn và đối với đám trẻ bọn mình thì đấy đúng là ngày hội. Thường
người ta chiếu bóng ở sân quần, cũng có lần trời mưa thì ở trong nhà, chỗ giờ
đã bị đập đi, xây thành một khách sạn lớn ngay đối diện sân quần. Rồi có lần
màn ảnh được căng lên để chiếu ở chỗ giờ là con đường ngăn giữa nhà thờ và
khách sạn Hàm rồng. Mỗi lần đội chiếu bóng đến thị trấn là bọn trẻ xôn xao hết
cả lên. Có lần mình còn được bố mẹ cử đi mua vé từ chiều để đảm bảo có vé cho mấy
chị em đi xem. Một bí mật mình dấu suốt từ ngày ấy đến giờ là hôm đó đi mua vé
rất nhanh, nhưng lúc về mình vào nhà cái Phương (Nhận) chơi mãi đến gần tối mới
về và bảo bố mẹ là mình xếp hàng rất lâu. Đấy, con ngoan trò giỏi như mình mà
còn có lúc nói dối J. Nấu cơm ăn sớm, bọn mình cầm theo đèn pin,
thường cả nhà chỉ có 1 chiếc. Rồi mỗi đứa mang theo một chiếc ghế nữa (kiểu ghế
gỗ thấp mà giờ chỉ còn thấy ở nông thôn) để ngồi trong lúc xem chiếu bóng (hì
hì, ngày đấy không gọi là xem phim). Sao mà những bộ phim đọng lại trong mình
rõ nét đến thế. Bộ phim Nàng tiên cá mình xem ở chỗ con đường bên hông nhà thờ.
Mấy bộ phim Ấn độ, trong đó có cả Alibaba và 40 tên cướp mình xem ở sân quần,
và mình cứ nhớ mãi những nốt ruồi chấm trên trán rất đẹp, hay cảnh bị đuổi bắt
mà cô gái vẫn cứ hát mãi J. Và cả những bộ phim Việt Nam như Khi mẹ vắng
nhà, Nổi gió, Cánh đồng hoang, Em bé Hà Nội, và đặc biệt là Biệt động Sài gòn.
Bọn mình đã bàn tán bao nhiêu buổi về cô biệt động xinh đẹp do Thu An đóng, đến
nỗi mãi tận năm 2004, trên con đường từ Sapa về Hà Nội, dừng nghỉ tại ngã ba
Yên Bái, cậu em trai còn bảo ở đây có bà lão bán nước là chị em sinh đôi với
Thu An, bị lạc từ ngày còn nhỏ, giờ già mà vẫn đẹp và giống Thu An lắm chị ạ.
Rời bãi chiếu bóng thường đã muộn, đám trẻ xóm mình đi về cùng nhau.
Đông lắm, qua con suối nhỏ gọi là suối ông Mạc một đoạn thì bắt đầu rơi rụng dần
khi đứa này đứa nọ rẽ vào nhà mình. Con đường từ cầu ông Mạc về nhà mình khi đó
là một con đường mòn nhỏ, có lẽ chỉ rộng vài chục phân. Tụi mình lựa chân đi
sao cho khỏi vấp ngã, lúc thì lựa chân đặt lên những tảng đá, lúc cố tránh giẫm
vào những vũng nước thường vẫn đọng lại khá lâu sau khi trời mưa. Mình nhớ mãi
câu dặn dò của bố mẹ “Trời mưa tránh trắng, trời nắng tránh đen”, ý là khi trời
mưa, tránh những chỗ loang loáng màu trắng vì đó đích thị là vũng nước, còn trời
nắng thì lại phải tránh những chỗ nhìn đen đen vì nhiều khả năng đó sẽ là mảng
đất còn mềm, ướt do chưa kịp khô hẳn. Qua nhà cô Hòa chú Ruân đám chó sủa nhặng
lên. Rồi rẽ lên lối mòn có bụi tre rất to, thêm vài bậc đá nữa là chị em đã vào
sân nhà mà có khi vẫn còn bàn tán mãi về bộ phim vừa xem.
Chỉ là một mảng ký ức bất chợt hiện ra trong một buổi chiều ở thị trấn
Thạnh Mỹ, mình kể cho Sarah, cô bạn cùng văn phòng nghe khi chúng mình đi bộ từ
nhà nghỉ ra quán ăn. Vậy mà Sarah bảo tao ấn tượng kinh khủng, như thể một thế
giới khác, khiến mình bỗng có hứng ghi lại vài dòng. Đúng, đấy thực sự là một
thế giới khác. Sapa bây giờ vẫn xinh đẹp, mình vẫn yêu nó vô cùng, nhưng mình
cũng hay nuối tiếc vẻ yên bình xa xưa biết bao, những con đường mòn nhỏ, dòng
suối trong vắt, mát lạnh những trưa hè, mảng hoa laydơn thóc bạt ngàn dọc theo
triền suối.
Cứ mỗi lần đến cái thị trấn Thạnh Mỹ nho nhỏ thanh bình ấy, bài hát “Còn
một chút gì để nhớ” hay trở đi trở lại trong mình. Bất chợt mình tự hỏi, liệu
trong số bao nhiêu chàng bộ đội của tiểu đội 7 đóng quân ở ngọn đồi sau nhà mình,
mà ngày đấy đã để lại những câu chuyện tình khiến bọn trẻ con chúng mình nghe lỏm
được từ mẹ, hay từ mấy chị lớn tuổi hơn, mắt tròn mắt dẹt, có một ngày nào nhớ
lại và nhủ thẩm như chàng trai trong bài hát trên “Xin cảm ơn thành phố có em/Xin cảm ơn một mái tóc mềm/Mai xa lắc trên
đồi biên giới/Còn một chút gì để nhớ để quên”.
Rồi mình lại lẩn thẩn tự hỏi, ngày nay có còn chàng trai nào si mê viết
những dòng thơ, lời hát về những người con gái dân tộc với đôi mắt thẳm sâu nơi
thị trấn phố núi nằm ở phía Đông Trường Sơn ấy, những người con gái “má đỏ môi hồng”,
“tóc em ướt và mắt em ướt”, khiến người
ta như lạc vào cõi mộng, thấy “đời còn dễ
thương”. Thật tiếc một thời kỳ lãng mạn đã qua mà liệu có còn khi nào mình
được chứng kiến?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét