30 tháng 5 2016

NHẬT KÝ BỐ ỐM_01

Đã hơn tháng nay ông ốm và từ khi thực sự biết bệnh là ba tuần. Ông yếu đi nhanh chóng. Ông nằm nhiều trên giường, khuôn mặt buồn rười rượi, môi mím chặt. Tính ông vốn không muốn làm phiền người khác, vậy nên ông cố gắng hết mức. Bà chỉ có thể biết ông ngủ ngon hay không khi nghe tiếng ông ngáy hay không chứ ông không rên rỉ, không kêu ca, ít trở mình mà cứ nhắm mắt nằm im phăng phắc. Ông ăn rất ít, tý cháo xay với rau. Ông chịu khó uống thuốc, dù rằng nhìn ông uống thật vất vả, có khi ngậm mãi ông mới nuốt được ngụm thuốc. Thỉnh thoảng dỗ dành mãi thì ông ra nhà ngoài nằm ghế ở đó được ít phút.

Sau cơn choáng váng ban đầu mấy mẹ con đã dần bình tĩnh và lo thu xếp công việc. Thay bằng tổ chức một bữa cơm mời họ hàng đến đông đủ, mẹ và bác Tú thông báo để họ hàng xa gần dần đến thăm. Các con thay nhau về để hầu như lúc nào cũng có người ở bên ông. Mình làm việc từ thứ 2 đến thứ 5 rồi tối thứ 5 lên tàu về với ông bà. Ngồi lặng lẽ bên ông, lúc này lúc khác cho ông uống thuốc, cùng ông nghe đi nghe lại những chương trình trong 70 năm tình ca trong âm nhạc Việt Nam. Cả nhà bảo nhau tuyệt đối không ai được khóc trước mặt ông, chỉ có một lần bà không kìm nén nổi, sụt sùi một lúc làm mình và bác Vân không biết phải làm sao. Thỉnh thoảng mình lại kể một câu chuyện cười để được nhìn thấy nụ cười của ông. Cả mấy mẹ con đều mất ngủ và sụt cân. Được cái có vẻ như ông vẫn ngủ không tệ, trừ vài hôm cuối có vẻ kém hơn. Mình thường xuyên trong tình trạng ngồi ở văn phòng mà lòng dạ nóng như như lửa đốt, thỉnh thoảng nước mắt lại ứa ra. Mỗi Chủ Nhật khi mình chào ông ra về ông lại khóc, miệng mếu máo như đứa trẻ, làm bước chân mình đi không đành lòng.

Nhà đông con, mỗi đứa chăm sóc ông bà theo một cách. Bác cả ngày nào cũng chạy đi chạy lại mấy lần, làm vệ sinh cho ông, cùng bà chăm ông những lúc không có các em. Bác Vân tuần về với ông bà vài ngày, ngày nào cũng tụng kinh cho ông sáng chiều, mỗi lần tới cả 2 tiếng, để cầu cho ông nếu có phải ra đi thì được thanh thản, nhẹ nhàng. Bác Kiều thường xuyên về truyền cho ông, chăm sóc ông mọi việc liên quan đến thuốc men. Rồi bê về cho ông một chậu hoa rất đẹp để ông ngắm cho vui. Cậu út cũng đưa bọn trẻ về cho ông bà vui. Mình thì đọc hết tài liệu này tài liệu khác, cùng bàn với cả nhà cách cho ông ăn, thuốc cho ông. Bà xót xa, con cháu đầy đàn, chả thiếu gì mà sao ông nỡ bỏ đi. Ông cứ nằm đây, yếu thế này cũng được, để bà và con cháu được chăm ông, bao lâu cũng được.

Ông mổ ung thư đã được 26 năm. Việc ông sống đến tận giờ đã là một điều kỳ diệu và cả nhà chuẩn bị tinh thần cho điều xấu nhất. Dù vậy, nỗi đau, niềm xót xa thật khó tả thành lời. Từ khi ông bệnh, mình đã chả còn lúc nào hát, cười cũng hiếm hoi. Thỉnh thoảng mấy mẹ con ngồi với nhau ngoài bếp lặng lẽ lau nước mắt. Đã từ lâu lắm rồi mình mới lại hay khóc như vậy, những giọt nước mắt nhiều khi cứ ứa ra không cách gì ngăn được.

Tâm trạng cả nhà trồi sụt theo tình hình sức khỏe của ông. Có hôm ông khá lên, nói chuyện với mọi người được lâu lâu, nói đến chuyện viết tiếp hồi ký, cả nhà hồ hởi, mừng lắm, gọi điện thông báo nơi này nơi nọ. Thỉnh thoảng ông bảo mình đánh đàn cho ông nghe mình cũng mừng, tập bài Làng tôi để đánh cho ông nghe vì ông bảo nhạc cổ điển ông không hiểu lắm. Rồi bắt cô cháu Thảo ngồi vào tập đàn để nhà luôn có tiếng đàn cho ông vui.  Có hôm ông yếu đi, giọng nói đã không còn tròn tiếng, hoặc hơi sốt, cả nhà ủ rũ, bác Kiều vừa về đến Lao Cai lại vội vàng vào với ông bà, mấy chị em gọi điện cho nhau sụt sùi.


Vẫn biết điều kỳ diệu không dễ xảy ra, vậy mà mình cứ cầu mong. Như đã có lúc nào đó cách đây đôi năm, một hôm anh Hưng gọi điện khóc bảo với bố mình, mẹ cháu hôm nay không chịu ăn gì nữa rồi, thế mà sau đó bác Phương khỏe lại, đi lại được và giờ vẫn khỏe. Biết đâu điều kỳ diệu như vậy sẽ xảy ra với nhà mình. Và mình lại mơ đến một lúc nào đó ông khỏe lại, dù chẳng được như ngày xưa, không đi lại nhanh nhẹn được thì bọn mình sẽ đẩy ông trên xe, đưa ông đi chơi. Ông ơi, ông cố lên nhé. Ông đừng buông xuôi. Bà và tất cả chúng con bên ông, cả nhà mình lại chiến đấu, như ông đã từng vô cùng kiên cường chiến đấu hơn 25 năm trước, ông nhé! 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét