Vậy là bước vào năm học
cuối cùng của cấp II, mình lại được bố mẹ chuyển về trường Tiểu học và THCS thị
trấn. Chị Tú năm đó đã đi học xa nhà, chị Vân vừa tốt nghiệp, chị Kiều đang học
năm giữa cấp III, ngày đó còn gọi là lớp 9, mà sau đó, lứa bọn mình, do vào
đúng giai đoạn cải cách nên sẽ chuyển thẳng từ lớp 8 lên lớp 10. Em Thực thì học
cùng trường với mình, khi đó mới bắt đầu vào cấp II.
Giống như các chị, một buổi
mình đi học, một buổi giúp bố mẹ công việc. Rất nhiều việc cần phải làm. Xung
quanh nhà là đám vườn đến mùa cần được cuốc đất, gieo trồng, lâu lâu phải nhổ cỏ.
Mùa nào thức nấy, sau Tết thì gieo trồng ngô, đậu. Su hào hay cải sẽ trồng khi
chớm lạnh, để rồi tận năm sau mới thu hoạch hạt giống. Trồng cây thuốc bắc cũng
rất vất vả. Vào những năm 80 đó, Sapa là nơi cung cấp rất nhiều thuốc bắc, kể cả
hạt giống thuốc bắc cho Hà Nội. Khu vườn sau nhà trồng bạch truật, tụi mình thường
xuyên giúp bố mẹ làm cỏ, chăm nom. Bố mẹ còn làm cả một chiếc lều nhỏ để trông
khu vườn đó. Quanh nhà là một số cây đỗ trọng mà lâu lâu bố sẽ lột vỏ phơi khô,
và những đám đương quy. Ngay ngõ lại là những cây ngũ gia bì mà tụi mình hay đọc
“uống ngũ gia bì ngủ li bì”.
Đi rừng lấy củi là một
công việc khác. Nhà toàn con gái, không thể ngả những cây gỗ to, bọn mình sẽ
vào rừng chặt những cây củi nhỏ, hoặc đi nhặt dăm, tức những mảnh lẻ người ta vứt
lại sau khi đã hạ cây gỗ, bổ và lấy đi phần củi được sắp xếp đẹp đẽ. Bọn mình
chả thấy vất vả mà chỉ thấy những buổi đi lấy củi rất vui, một đoàn trẻ lít
nhít đi với nhau, vào rừng có thể nhanh chóng chặt những cây nhỏ, nhặt răm, rồi
bọn trẻ con đôi lúc cũng được ưu tiên nhảy nhót trong rừng, tìm quả rừng để ăn
hoặc chơi, dựng lều bằng những cây con, lợp lá cây lên đó. Dọc theo bờ suối, hoặc
nhiều khi giữa rừng sẽ có những cây cổ thụ cao, chót vót trên cao là những chùm
phong lan đẹp mê hồn (Chả thế mà về sau mình không thể nào mê nổi những bông
hoa phong lan xứ nóng, màu sắc và cánh đều vô duyên, có thể thấy đầy ở sân bay
Thái Lan hoặc Singapore…) Nhà luôn có mấy con lợn, tụi mình vào rừng lấy rau lợn,
thường có rất nhiều dọc theo suối, nào là sun sún, tàu bay, rau gai, hoặc mót
dây khoai lang. Cũng có hôm mấy chị lớn theo một đám bạn đi lấy cây chuối ở những
bản rất xa, tít qua khu đội Một, rồi leo lên ngọn núi mà những hôm các chị về
muộn, mình đứng ở đầu hồi nhà nhìn ra, có hôm thấy đám cháy le lói tít phía xa,
ngóng các chị về, mong một hôm nào đó đủ lớn để mẹ cho đi theo các chị.
Mùa xuân đến, hoa cải nở
tưng bừng. Cải xanh, cải mèo hoa màu vàng, cải trắng cải củ hoa màu trắng (Khi
mấy bạn ở văn phòng rủ nhau đi chụp ảnh hoa cười, mình đùa bảo chị đã chụp ảnh
hoa cải từ lúc còn cởi truồng. Nhưng vụ này là có thật, nhà còn giữ một bức ảnh
bé tẹo, do bác Võ An Ninh chụp từ xưa xửa xừa xưa). Mình và chị Kiều mò lên hiệu
ảnh chú Thọ chụp chân dung giữa những vườn cải đó, ảnh của hai chị em còn được
treo làm mẫu mãi bao lâu sau. Thật tiếc, chả biết giờ những tấm ảnh đó đã biến
thành cát bụi nơi nào, dù rằng mình còn nhớ thật rõ khuôn mặt mình trong bức ảnh
đó, chiếc áo hoa mình mặc, nụ cười tươi roi rói của chị Kiều.
Đã từng có hai năm học lớp
3 và 4 trước đó tại trường Tiểu học thị trấn, khi mình thường xuyên khổ sở vì bị
bọn con trai bắt nạt, giờ mình gặp lại một số bạn bè cũ. Lớn hơn nhiều, đã hay
được khen duyên dáng, giờ bọn con trai không còn bắt nạt mình nữa. Vốn luôn là
con ngoan trò giỏi, mình cũng lập tức đứng đầu lớp ở tất cả các môn, tranh vị
trí vốn trước đó thuộc về hai cô bạn cùng xóm là Quế và Hiền. Chả còn nhớ bao
nhiêu về việc học hành trong năm học đó, mình chỉ còn nhớ hình ảnh mỗi tối mấy chị
em ngồi quây quần xunh quanh chiếc bàn to, giữa là chiếc đèn dầu và mỗi bên có
2 ngăn cho 2 chị em. Chị Tú đã đi học xa nhưng vẫn đọng lại trong mình hình ảnh
chị ngày trước, chúa lười học, thường xuyên lén lút thập thò đọc trộm truyện,
có hôm còn bị mẹ bắt. Chị Kiều thì rất thông minh, chả thèm học hành cẩn thận
nhưng buổi sáng chăm chỉ ôn bài một chút là luôn đạt kết quả tốt.
Mình được nuôi dưỡng
trong môi trường văn thơ từ trước đó, giờ lại gặp thầy Ninh, khi đó còn rất trẻ,
dạy rất hay nên càng thích môn Văn hơn. Một hôm, trong giờ Văn, khi thầy đọc
bài Con cá chột nưa (chưa được dạy),
mình nói leo vài câu trong bài thơ và được thầy ngẫu hứng tặng cho một điểm mười.
Vì các thầy cô khác ít để lại ấn tượng, mình chỉ nhớ mỗi thầy Ninh, không còn
nhớ nổi tên bất kỳ một thầy cô giáo nào khác. Nhớ hình ảnh một buổi tối, đám bạn
cùng lớp từ tận đội Một vào nhà hỏi một bài tập môn Hóa, cái môn mà mình luôn
thấy rất thú vị, cứ như thể dạy làm phép màu, vậy mà mình vẫn dốt đến tận giờ J.
Rồi một hôm nào đó bọn mình cùng nhau mổ ếch trong giờ Sinh học, và loáng
thoáng những hình ảnh cắm trại, văn nghệ của các trường với màn trình diễn uốn
dẻo của chị Kiều cùng đám bạn vô cùng ấn tượng.
Thi xong tốt nghiệp cấp
II, hôm biết điểm khá cao, tất nhiên là đứng đầu huyện, được vào thẳng cấp III,
mình đã vô cùng sung sướng nhảy chân sáo suốt quãng đường từ suối ông Mạc về
nhà.
Chuẩn bị cho mình vào cấp
III bố mẹ cân nhắc khá nhiều do mình là đứa nghiêm túc và rất chăm chỉ học hành.
Chuyên Toán Hoàng Liên Sơn khi đó rất có tiếng, và vì bố mình đã từng học rất
giỏi toán, đến mức khi chính thức làm nông dân rồi mà vẫn đặt mua dài hạn báo Toán học tuổi trẻ, bố muốn mình thi vào
đó, ước mơ mình trở thành nhà toán học. Anh chị họ mình khi đó lại đang ở Yên
Bái, dạy ở chính ngôi trường có lớp Chuyên đó. Vậy là đầu hè mình được đưa về
nhà anh chị, ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp Chuyên Toán. Tình cờ năm đó
trường ĐHSPNN thông báo rộng rãi về việc ưu tiên tuyển 01 lớp học sinh các tỉnh
miền núi và 01 lớp học sinh khu vực đồng bằng cho trường Chuyên ngữ. Hai kỳ thi
đang chờ mình trước mắt, những bậc thang số phận dần dẫn dắt mình bước vào cuộc
đời với những ngã rẽ, bước ngoặt mà có lẽ đã được sắp đặt đã rất lâu từ trước.
Những kỷ niệm đẹp rất đáng trân trọng em à.
Trả lờiXóaHì hì, dấu hiệu của tuổi tác là viết hồi ký ạ :)
Xóa