Dù Piachigorsk là thành phố phương Nam, mùa hè cũng
chả kéo dài hơn nơi khác là bao. Cuối tháng Tám, đầu tháng 9, những vòm lá xanh
ngắt, thẫm lại, như thể bao nhiêu nhựa sống dồn hết lên đầu những chiếc lá trong những khoảnh khắc cuối, để rồi
chỉ vài tuần nữa, hàng cây hoàn diệp liễu dọc theo con đường trước cửa trường
mình sẽ khoác lên lớp áo hoàn toàn khác, óng ả vàng, óng ả chớm thu. Đó chính
là khoảnh khắc mùa thu vàng mong manh. Khoảnh khắc “mùa hè rớt”.
“Có một mùa trong ánh
sáng diệu kỳ
Sắc nắng êm như bầu trời
không chói
Mùa hè rớt cho những người
yếu đuối
Cứ ngỡ ngàng như mới sắp
vào xuân”
Chép bài Mùa hè rớt của Olga Bergôn vào cuốn sổ tay từ
những năm học cấp III, mình đã hạnh phúc đến chừng nào khi được chứng kiến “Những đàn sếu bay qua sương mù và khói tỏa/Trên
Mạc Tư Khoa lại đã thu rồi”
Mùa thu vàng đầu tiên của Minsk qua mau, với con phố
Rumianski gần quảng trường trung tâm cũng như toàn bộ thành phố, công viên ấy khoác lên mình bộ cánh lộng
lẫy. Không còn hương hoa nhài ngan ngát lúc đêm khuya mỗi khi tụi mình đi chơi
về muộn, mà là hơi thở lành lạnh, báo hiệu những bông tuyết đầu mùa chẳng mấy
chốc sẽ phủ trắng thành phố. Mùa thu vàng ấy ở Minsk, dù chỉ mỗi một năm dự bị ấy,
cứ trở đi trở lại trong mình, như những mảnh ghép của bức tranh ký ức.
Dù vậy, những mùa hè rớt của Piachigorsk mới luôn khiến
mình nao lòng. Đầu tháng Chín, có thể là muộn hơn chút, mới chớm thu nhưng trời
đã bắt đầu trở lạnh. Thế rồi như trong một câu chuyện thần kỳ, một sáng nào đó
mở cửa sổ, bầu không khí ấm áp tràn vào. Cùng với đó là một khung trời, một khối
màu pha lẫn giữa vàng rót mật, bầu trời xanh ngắt và làn không khí trong veo. Mơ
hồ thoảng đưa làn hương, mà có lẽ lẩn vào đó là hương những loài hoa chỉ nở một
lần trong năm, chọn đúng dịp này để kín đáo khoe mình, nhẹ nhàng tinh tế chứ
không đua tranh như những loài hoa rực rỡ đầu hạ.
Không gắn liền với câu chuyện cổ tích giống như kiểu
nàng Bân đan áo cho chồng, “mùa hè rớt”, dịch đúng nghĩa đen sẽ là “mùa hè của
những người đàn bà đứng tuổi”, một khái niệm không chỉ trong tiếng Nga mà cả
trong tiếng Đức và một số ngôn ngữ họ Slalơ, phải chăng vì chỉ những người đàn
bà mới có khả năng đem lại hơi ấm, cháy bùng kiểu như vậy, kể cả khi đã trải
qua bao nhọc nhằn.
Trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, thành phố bừng
sáng. Mọi người hối hả tận hưởng những ngày mùa hè cuối cùng. Tụi mình tranh thủ
đi nướng thịt lần cuối trong năm bên bờ hồ hay trong rừng. Mở loa hết
cỡ những bài hát Nga quen
thuộc, nhóm lửa, nướng thật nhiều thịt. Rồi khi đã no say thì nằm dài đọc truyện
hay ngủ. Những lúc như vậy, mình hay lang thang
xung quanh. Vắng vẻ. Bầu trời lúc đầu buổi chiều và suốt cả ngày vẫn vậy, xanh
ngắt một màu. Thảng hoặc những cụm mây côi lẻ loi lướt đi rất chậm, cứ như thể
mãi chúng đứng yên một chỗ. Toàn bộ khu rừng tĩnh lặng, cả bầy chim hình như
cũng đã trốn đi đâu. Loáng thoáng đâu đây những bông hoa dại còn sót lại. Trong
khu rừng ở sâu phía trong nơi đấu súng, một chỗ quen thuộc của tụi mình, mình
hay ngồi lên một tảng đá, lúc thì đọc cuốn truyện cầm theo, lúc khác lại mơ
màng lắng nghe những âm thanh rất nhẹ của khu rừng.
Vừa mới đấy mà
không thể nào hình dung nổi đã gần 20 năm trôi qua từ những “mùa hè rớt” vừa gần
gũi lại vừa xa xôi ấy. Có hôm ngủ trưa dậy, mình giật mình thảng thốt, sao lâu
lắm rồi tụi mình không lái xe luồn lách trong những khu rừng vắng lặng của ngọn
núi Piatigorsk, đã lâu lắm không trèo lên đỉnh Bestau, và phải ít phút sau mình
mới nhớ ra mình đang ở Hà Nội, nơi chẳng có ngọn Bestau nào cả, cũng chẳng có bờ
hoa tử đinh hương ở sau ký túc xá, vào dịp đầu thu này chỉ còn những chiếc lá
xanh thẫm, những bông hoa đã kết quả hay khô lại từ lâu. Cũng chẳng có những
con đường rừng rợp bóng cây, bọn mình lang thang cả tiếng mà chẳng gặp một ai.
Thỉnh thoảng có những điểm rất đẹp hay loài cây lạ, tụi mình lại dừng xe, ngó nghiêng mãi.
Bất chợt một làn
gió chớm thu sáng nay làm mình nhớ biết bao những mùa hè rớt xa xưa ấy. Những
mùa hè tuổi trẻ, những mùa hè của “yêu thương,
giận hờn, tha thiết, chia ly” đã ra đi mà sẽ chẳng bao giờ trở lại.
Ha ha, thế này thì nhất định phải xuất bản sách trong tương lai rồi em ạ.
Trả lờiXóaHì hì, có nên tiếp tay cho lâm tặc không nhỉ?
Xóa