Sau những ngày ôn thi miệt
mài mà ngày nào con cũng tập đàn 3-4 tiếng, một ngày cuối tháng 6 mẹ đưa con đi
thi. Tuấn Anh nhất thiết đòi đi cùng để cổ vũ tinh thần anh Sỹ Tuấn. Sau một hồi
rất lâu đứng cùng con để chờ lấy phiếu vào thi, khi con đã vào phòng thi, mẹ và
em ngồi trong quán cà phê đối diện nhạc viện, nhìn ra cái nóng rang rang của tiết
trời tháng Sáu. Được cái chỉ chờ một lát thì con đã thi xong, vì khoa con chỉ
có 9 bạn dự thi, mỗi người đánh vài bản nhạc ngắn. Ngay sau ngày thi mẹ tìm mọi
cách hỏi điểm cho con. Chả hỏi được ai, vì nhà mình làm gì có các mối quen biết
ở đó. Cô L. thì khăng khăng Sỹ Tuấn nhất định sẽ đỗ, cô đã đi cầu và xin được
như vậy J. Một hồi thì cũng biết điểm, 8 điểm chuyên ngành và 8 điểm năng
khiếu. Rồi đến đầu tháng 8 thì con có tên trong danh sách đỗ. Nhận tin con đỗ
vào nhạc viện, mẹ mừng lắm. Thực ra mẹ vẫn hết sức băn khoăn về việc có nên cho
con học ở nhạc viện, có nên theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp, nhưng việc
con đỗ cho thấy con đã lớn, con đặt mục tiêu, cố gắng và đạt được. Vậy thôi. Khi
mọi người chúc mừng mẹ vẫn hay bảo hoàn toàn có thể con sẽ bỏ học sau vài tháng
nữa vì không chịu được sự vất vả cũng như chưa đủ đam mê.
Con trai thì có vẻ vững
vàng lắm. Thầy T. dặn dò vào nhạc viện con chỉ được phép đứng thứ nhất, vì nghệ
sỹ là phải luôn luôn số 1, không được phép đứng số 2. Vậy nên mấy lần con bảo mẹ,
rồi mẹ sẽ thấy, con sẽ đứng đầu lớp cho mẹ xem. Dù chả mấy tin vào những điều
con luyên thuyên, mẹ vẫn vui vì con đã vượt qua một nấc thang quan trọng.
Chuẩn bị cho ngày nhập học,
mẹ nhắc Dad cắt tóc cho con trai, em Cún bảo, đừng cắt, cứ để tóc dài thế này
cho nghệ sỹ J. Đấy, cún chưa gì
đã tập tành làm stylist adviser cho anh, hihi.
Buổi sáng đưa con vào nhạc
viện nhập học mẹ bước đi trong niềm vui lâng lâng. Con trai đã cao gần bằng mẹ,
đi bên cạnh không cho mẹ dắt tay, không cho mẹ khoác vai. Không những thế con
còn cằn nhằn, con thích đi một mình, nhưng mẹ bảo, không, kể cả khi con vào đại
học mẹ vẫn đi nhập học cùng với con. Than ôi, những cơn nổi loạn tuổi teen, mẹ
biết bố mẹ sẽ phải còn chịu đựng con lâu, và có thể đây còn là những trái ngọt,
quả đắng vẫn còn đang chờ mẹ, rất nhiều, đằng trước í J.
Các bước làm thủ tục khá
đơn giản. Điền một đôi thứ, nộp sơ yếu lí lịch mà mẹ đã lấy dấu ở cơ quan. Rồi
xếp hàng chờ đóng học phí hơi lâu. Xong xuôi mấy công đoạn hành chính, hai mẹ
con leo lên tầng 7, khoa nhạc Jazz. Thầy T. đã dặn dò từ trước nên mẹ không bị
choáng vì cái đoạn tập trung cũng rất theo kiểu nghệ sỹ này. Một căn phòng khá
rộng nhưng chỉ có một dãy bàn gồm 2 chiếc dành cho giáo viên, 2 dãy ghế đối diện
dành cho học sinh, đương nhiên. Góc phía bên kia là một cây đàn piano ba chân,
một bộ trống và vài nhạc cụ khác. Học sinh cả khoa, vài chục bạn, từ tầm lớp 6
đến sinh viên lớn, ngồi tập trung ở 2 dãy ghế và một số chiếc kê dọc bức tường
kế bên. Đọc đến tên học sinh nào thì em đó sẽ đọc số điện thoại của mình cho một
thầy [có vẻ như là giảng viên và có thể kiêm thêm nhiệm vụ giáo vụ] ghi lại.
Sau đó ghi tên và số điện thoại của thầy giáo sẽ dậy mình. Tự liên lạc, nhận lịch
học và bài về tập. Chấm hết. Màn chào đón tân sinh viên chỉ có thể. Thầy T. dặn
con cần chủ động trong tất cả mọi việc, ở đây không ai quan tâm, nhắc nhở con
đâu. Thầy giáo của Sỹ Tuấn đi công tác. Hai mẹ con gọi điện cho thầy, xin phép
thầy đến thăm nhà và cũng là ra mắt luôn thể. Vì Sỹ Tuấn vẫn học văn hóa ở trường
ngoài nên thủ tục chỉ có vậy. Những bạn nào đăng ký học văn hóa ở nhạc viện hoặc
ở ký túc xá thì còn một số thủ tục khác. Rồi sau đây con trai sẽ đi khám sức khỏe,
làm thẻ nữa là xong.
Thế là con đã trở thành
sinh viên nhạc viện. Thi đỗ, dù cuộc thi không hề dễ dàng, mới chỉ là bước đầu
tiên. Những năm học vất vả khó khăn giờ mới bắt đầu. Mẹ luôn nói với con, làm
nghề nào cũng khó, cũng cần chăm chỉ và cố gắng hết mình. Chúc con chân cứng đá
mềm bước trên con đường của mình. Mẹ giờ đây còn có thể bước cùng con, nhưng chẳng
bao lâu nữa sẽ chẳng thể cùng con mọi lúc. Với khởi đầu suôn sẻ, hy vọng cuộc đời
con sẽ gặp nhiều may mắn. Rồi biết đâu mẹ sẽ là người đưa con tham dự các cuộc thi, đưa con đi biểu diễn, hồi hộp sau cánh gà
sửa lại chiếc cổ áo cho con. Mà nếu như sau một thời gian con cảm thấy âm nhạc
không phải là lựa chọn cả đời và con muốn học sâu về một ngành nghề khác thì mẹ
vẫn vui lòng. Dù vậy, mẹ tin âm nhạc đã trở thành
người bạn và sẽ bên con những lúc con buồn, con vui sau này và mừng về việc mẹ đã khuyến khích được con học đàn đến bây giờ. Không có gì nhiều
cho các con, đó là món quà mẹ tặng con và em, cho cuộc sống của các con sau này. Mẹ yêu hai anh em và thơm hai anh em một nghìn lần!
Chúc con gặt hái nhiều thành công trên con đường âm nhạc, Sỹ Tuấn nhé!
Trả lờiXóaCảm ơn bác nhiều. Bạn ấy còn phải cố gắng nhiều lắm. Ít nhất thì cũng đặt chân được lên nấc thang đầu tiên
Xóa