Mình mến mộ Bùi Minh Quốc từ những ngày học cấp III, với Bài
thơ về hạnh phúc của ông mình thuộc đến tận giờ. Có thể một phần do những
bài thơ của ông, mà phần nữa là câu chuyện tình yêu của hai vợ chồng nhà thơ đã
ám ảnh lớp trẻ chúng mình. Về sau nhà thơ càng trở nên nổi tiếng hơn với những
hành động đấu tranh vì dân chủ, về những phát biểu tại Đại hội nhà văn…
Mình ngưỡng mộ những con người dũng cảm như vây. Tuy nhiên, mãi tận đến năm
2011 mình mới được tận mắt nhìn thấy nhà thơ trong buổi lễ kỷ niệm 1 năm ngày
mất, 90 năm ngày sinh nhà thơ Hoàng Cầm. Thú thật khi đó mình đã hơi thất vọng
vì theo đánh giá chủ quan của mình, phần phát biểu của ông về Hoàng Cầm trong
buổi lễ hôm đó rất nhạt. Có thể, giống như Nguyễn Quang Lập nhận xét về một nhà
văn nổi tiếng khác, bao nhiêu duyên của nhà thơ đã lặn vào câu chữ cả rồi
chăng? Dù vậy, lòng mến mộ của mình chẳng vì thế mà giảm đi, vậy nên tuần trước
nhận được thư mời của Đông Tây, mình đã nghĩ cách gì cũng phải đi dự buổi ra
mắt tập thơ mới của nhà thơ mang tên Trinh thiêng.
Bố đi vắng mấy ngày, không muốn chiến tranh giữa các vì sao diễn
ra dai dẳng cả buổi sáng, mẹ rủ con gái đi cùng và con gái vui vẻ đồng ý. Vậy
là mang theo đôi cuốn sách và bút tô màu, mẹ đèo con gái đến từ sớm.
Cũng giống như những buổi giới thiệu sách khác, trước hết là MC,
hôm qua là anh Phạm Xuân Nguyên, dẫn dắt, giới thiệu về tác giả, rồi tác giả
phát biểu, rồi bạn bè văn nghệ phát biểu cảm tưởng. Mình luôn thích anh Nguyên
làm MC, cách dẫn dắt của anh ấy và hôm qua anh ấy cũng dẫn rất hay. Bạn bè văn
nghệ thì quanh đi quẩn vẫn những tên tuổi đó, Nguyễn Trọng Tạo, nhà phê bình
Ngô Thảo, dịch giả Thúy Toàn, nhà thơ Bằng Việt… Có những ấn tượng thú vị
như một phát biểu rằng sau này mọi người sẽ nhớ đến Bùi Minh Quốc vì cả một
thời gian dài ông chẳng làm gì cả mà nuôi được bao nhiêu người (ý nói những
người được phân công theo dõi ông ngày đêm). Đoạn này mọi người vỗ tay rần rần.
Rồi Bùi Minh Quốc kể về việc nhà thơ Dương Thị Xuân Quý báo mộng giúp ông tìm
lại được bản thảo quan trọng, về việc cái tên ứng vào cuộc đời con gái ông…
Mình khó chịu với Bằng Việt khi nhà thơ nói rằng Bùi Minh Quốc cực đoan quá nên
cuộc đời vất vả và có vẻ như lên giọng dạy dỗ Bùi Minh Quốc. Vâng, thưa nhà thơ
Bằng Việt, không phải ai cũng khéo léo, lúc nào cũng chỉ biết nhắm mắt một lòng
“phò chính thống” (chữ của Dương Thu Hương) như ông đâu, kể cả khi cái chính
thống đó rất đáng bị đặt câu hỏi. (Nói thêm, mình không thích cách Nhật Tuấn
viết về các nhà thơ/nhà văn, nhưng hôm qua, sau khi đi dự buổi nói chuyện về,
nhất thiết phải đọc lại bài của bác này về Bằng Việt.)
Gần cuối, Bùi Minh Quốc đọc lại Bài thơ về hạnh phúc.
Mình ngồi nghe mà vẫn thấy vô cùng xúc động. Sau này, mình đã có dịp đi qua
những địa danh được nhắc đến trong bài thơ và cảm thấy mình thật may mắn về
điều đó.
Cún rất ít quấy mẹ, mẹ mua cho cún bim bim, rồi cún tô màu, xem
sách, chạy loanh quanh. Mấy bác ở đó tha hồ chụp ảnh cún, bác Trần Định chộp
được vài khoảnh khắc rất đẹp của con, hứa sẽ gửi cho hai mẹ con, rồi bác Đoàn
Tử Huyến cũng chụp con rất nhiều.
Có lẽ mình chưa đủ trình độ để đọc/thẩm tập thơ mới của Bùi Minh
Quốc mang tên Trinh thiêng nhưng mình đã được đắm trong bầu không khí
rất dễ chịu của buổi giới thiệu. Còn một chuyện này cũng đáng để nhắc. Gần cuối
có một cô tên là Hồng được giới thiệu lên phát biểu. Mình thấy một cô trông
phúc hậu nhưng ăn mặc hệt như một bà già nhà quê, thậm chí không có dáng vẻ của
người làm cơ quan, lòng thắc mắc tự hỏi không biết cô này là ai. Hóa ra đó là
biên tập viên của nhà xuất bản Phụ nữ, người đã dũng cảm đỡ đầu cho tập Ru
xa của Bùi Minh Quốc trong lúc ông còn đang bị quản thúc tại Đà Lạt. Mình
ngưỡng mộ cô ấy quá. Câu ngạn ngữ của Nga chưa bao giờ sai, “Đón tiếp nhau bằng
vẻ bề ngoài, tiễn đưa nhau bằng tâm hồn”. Đối lập với cô ấy là hai nường khác,
chắc để muốn tỏ rõ rằng ta mới ở bển về, các nường ăn mặc mát mẻ hết chỗ nói,
một cô thì váy hai dây màu hồng phấn và bên trên là một khuôn mặt khá cứng tuổi
không mấy xinh đẹp, mình không biết nường này. Nường thứ hai thì mình hơi biết
trên mạng, nhà thơ ĐHM, theo trường phái thơ mới mà mình không thể tiêu hóa
nổi, nường mặc áo hai dây màu đỏ sơ vin trong quần trắng, mặt mũi ưa nhìn. Chỉ
có điều thưa nường, nường thích khoe ti thì cứ việc, nhưng nhớ chọn áo lót cẩn
thận nường ạ, và đừng để lộ cả mảng to áo lót màu đen ra bên ngoài áo hai dây
màu đỏ, vì nếu như thế thì thay bằng ghi điểm nường sẽ bị mất điểm đấy. Mà nói
thật, trong một không gian văn hóa như ở Đông Tây hôm qua, cách ăn mặc của hai
nường không mấy phù hợp, không kể đến việc tuổi tác hai nường không còn thích
hợp cho kiểu ăn mặc như thế.
Bác Nguyên nhà ta, chẳng hiểu dựa trên cơ sở nào, có lẽ chỉ với
giả định rằng ở bển về thì sang hơn đám hàng nội, mời hai nường lên phát biểu,
và hai nường cũng chẳng có gì nhiều để nói (biết gì mà nói, có kỷ niệm sâu sắc
gì mà nói!). Đoạn này chán òm, mình phản đối bằng cách bỏ ra về trong lúc nường
thứ nhất đang phát biểu. Khổ thân nhà thơ Bùi Minh Quốc còn bị hai nường tặng
sách đầu tay và thơ nữa chứ.
Nói gì thì nói, hai mẹ con đã có một buổi sáng thật thú vị. Mẹ
hỏi lần sau có đi với mẹ nữa không, cún bảo có ạ. Con gái mẹ lớn quá rồi, sắp
thành bạn của mẹ rồi đấy.
P/S: Khuyến mại thêm ít thông tin, nhà thơ Bùi Minh Quốc có bài
"Thơ rất thiêng" ở đây. Rất rất nên đọc!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét