08 tháng 5 2014

CHUYỆN NHÀ TÔM Ở NƯỚC ANH_NHÀ MÌNH KIẾM TIỀN Ở NƯỚC ANH :-)



Để chuẩn bị cho cả nhà một năm sống bên Anh, hai vợ chồng đã thu xếp một số tiền cần thiết tối thiểu. Dù thế, bọn mình không phải đại gia nên nghĩ đến chuyện tốn mấy trăm triệu cũng thấy xót. Một thời gian trước khi đi học, mấy đứa cùng nhóm tụi mình đã tìm hiểu về những cách làm thêm. Một cách khá phổ biến là đi làm “neo” (tức làm móng chân móng tay) thuê cho các cửa hiệu người Việt. Tất nhiên không hoàn toàn sẵn việc nhưng dù sao cũng dễ hơn. Có điều phải học nghề ở Việt Nam từ trước. Rồi có thể xin làm lao công ở các văn phòng, bưng bê ở quán, đi đưa thư, báo..., tựu chung lại là các công việc chân tay. Mọi người nói không quá khó để xin việc.
Ổn định nhà cửa xong, bọn mình nghĩ đến chuyện tìm việc làm cho ông chồng vì nếu cứ ngồi nhà thì không có tiền và cũng sẽ rất bí bích. Thật may, sau khi đến nhà mới ít lâu, một hôm Tipper, cô hàng xóm rủ ông chồng nhà mình đi xin việc cùng. Kể thêm một chút, hai vợ chồng Tipper là người gốc Băngladesh, chưa có con. Anh chồng làm nghiên cứu sinh ở trường Đại học tổng hợp Leicester, Tipper sang theo chồng, không có công việc chính thức. Ngôi nhà tụi mình thuê là một nhà hai tầng nhỏ, ở khu dân cư nghèo, trước sau nhà không có một khoảng sân hay vườn gì. Nhà Tipper ở tầng dưới, nhà mình tầng trên, gồm một phòng ngủ rộng khoảng hơn chục mét vuông, qua hành lang đến một phòng ngủ nhỏ chả biết có nổi 8m2, rồi đến một cái bếp cũng bé xíu xìu xiu mà nếu có 4-5 khách thì phải quẳng bàn vào phòng ngủ rồi trải báo ngồi bệt thì mới đủ chỗ. Đồ gỗ giới hạn ở mức tối thiểu đủ, tức mỗi phòng có một giường, một tủ và một bàn, đều cũ kỹ, chắc phải từ thời giữa thế kỷ trước. Mình sang thật, đã được đi Tây, lại còn được dùng toàn đồ cổ nữa, hehe.
Hỏi chuyện thì được biết, Tipper đi làm thông qua một văn phòng môi giới. Công việc không đều đặn cả 5 ngày/tuần và cũng chả cố định, hôm nhà máy bánh kẹo, hôm nhà máy đồ ăn nhanh vì thường mỗi sáng người ta mới biết hôm nay sẽ cần bao nhiêu người và ở đâu. Làm theo ca và ca mà Tipper rồi sau đó cả phu quân nhà mình cũng thường làm bắt đầu từ 6h sáng đến 2h chiều. Như vậy gần 4h sáng ông chồng đã phải dậy, cho suất ăn trưa vào ba lô, thường là bánh mì kẹp và quả táo, rồi đi bộ đến văn phòng môi giới cách nhà mình khoảng 25’, chờ xe đưa đến nhà máy, kịp vào ca lúc 6 h sáng và trở về nhà lúc khoảng 3 rưỡi 4h chiều. Tiền công thì ở mức tối thiểu, vào cái năm 2007 đó là 5.5 bảng/giờ. Mỗi tuần nếu làm đều đặn thì được 220 bảng, rồi trừ thuế 20% thì còn lại chưa được 180 bảng. Nhưng do công việc không đều nên thường mỗi tuần chỉ được khoảng 120-140 bảng. Bọn mình thấy thế là ổn. Tổng cộng có lẽ phu quân nhà mình đi làm 8-9 tháng gì đó. Cũng có nghỉ phép đàng hoàng, mình chả nhớ rõ bao nhiêu ngày, hình như 4-6 ngày hưởng lương gì đó. Rồi số tiền phải đóng thuế về sau tụi mình làm thủ tục hoàn lại, do thu nhập thấp, chắc cũng được vài trăm bảng.
Mình cũng loay hoay tìm việc, một phần vì muốn có thêm thu nhập, và lý do quan trọng hơn là mình muốn tìm hiểu về cuộc sống, càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, mình chỉ được phép làm tối đa 20 tiếng/tuần. Rồi còn phải đi học, phải thu xếp đưa đón con do ông chồng đã đi làm. Nói chung chả dễ dàng gì. Lọ mọ các trang web, một hồi thì mình tìm được một cơ hội có vẻ phù hợp, nộp đơn, phỏng vấn và được nhận vào làm. Mình làm hai buổi sáng cuối tuần, từ 7h đến 12 h trưa, tức 10 tiếng/tuần, mức lương 6.5 bảng/giờ. Mỹ từ là Trợ lý Giặt là (hehe, nghe oách phết) ở một nhà dưỡng lão. Nội hàm thì vô cùng đơn giản, quản lý 3 cái máy giặt, 2 cái máy sấy và 1 máy là công nghiệp loại nhỏ, chuyên dùng là ga gối và 1 chiếc bàn là thông thường. Mình sẽ phải phân loại quần áo bẩn và rất bẩn ở những thùng đồ mà các cô y tá đã kéo đến để trước cửa phòng giặt, sau đó cho vào máy giặt, chờ hết giờ, lôi ra cho vào máy sấy, gấp gọn gàng và là nếu cần thiết, để vào khay của từng người (tổng cộng khoảng 15 ông bà) rồi cuối mỗi buổi làm thì đẩy xe đi cất quần áo vào tủ riêng trong các phòng, ga gối thì cất vào tủ chung. Có những hôm quần áo chất đống, mình cong mông làm hết cả 5 tiếng. Nhiều hôm khác chả có quần áo mấy, mình ngồi đọc tiểu thuyết, chơi ô chữ.
Nhờ có thời gian làm ở nhà dưỡng lão mà mình đã biết thêm bao điều về cuộc sống của những người già ở bên đó. Chỉ thoáng lướt qua những căn phòng trong nhà dưỡng lão có thể biết ngay ai là người được con cái chăm lo, ai là người không may mắn bị bỏ mặc. Vì mình làm vào cuối tuần nên thậm chí còn quen mặt những người hay đến thăm bố mẹ và những căn phòng nơi bố mẹ họ ở được trang trí gần giống với ở nhà, nhiều ảnh con cháu, ảnh họ lúc còn trẻ... Tuy thế, cũng có phòng mình chả bao giờ gặp ai. Và những phòng đó cũng chả được trang trí gì ngoài vài đồ dùng của bệnh viện. Mình còn nhớ bà cụ Mayfield trên tầng hai, một cụ già to béo, chân bị phù, không đi lại được, mà lúc nào cũng vẫn rất đỏm dáng. Bà ở một mình một phòng, nhiều đồ đạc và những đồ trang trí nho nhỏ. Mỗi lần mình vào cất quần áo bao giờ bà cũng giữ mình lại, chuyện trò vài câu, khoe con khoe cháu, mời mình đôi chiếc kẹo. Chắc hẳn bà là người may mắn, được con cháu thường xuyên đến thăm và chăm sóc. Một số cụ bà khác, quần áo các bà rách đến tang thương. Mình không hiểu nổi, tiền trả cho nhà dưỡng lão rất đắt, thấp nhất cũng từ 400-500 bảng/tuần, còn quần áo thì vài chục bảng là có thể mua đồ tương đối rồi, vậy mà người ta trả tiền nhà dưỡng lão nhưng không mua quần áo, và hiển nhiên cũng chả cảm nhận được sự chăm sóc nào của con cháu. Một số ông bà cụ tỉnh táo, nói chuyện bình thường nhưng cũng nhiều người trong tình trạng nằm liệt giường, dù được chăm sóc cẩn thận thì mùi những căn phòng như vậy vẫn rất đặc trưng.
Ăn uống lại là một chuyện khác. Đến bữa thì những ông bà cụ còn tỉnh táo sẽ được đẩy xuống phòng ăn chung và có lẽ đó cũng là dịp để họ giao lưu với nhau. Tuy thế, nhiều ông bà được đẩy xuống đó rồi cũng chỉ ngồi nghẹo đầu, phải có người bón. Dịp Giáng sinh, nhà dưỡng lão cũng tổ chức liên hoan, cố gắng tạo không khí ấm cúng nhất có thể. Dù vậy, dù không dự mình cũng hình dung được. Toàn các ông bà già, có đến hơn nửa chả còn sức làm bất cứ việc gì ngoài mở miệng để chờ bón. Mỗi gia đình có một người thì ít cảm nhận được việc đó. Tập hợp hết tại một chỗ, haiza, cảnh chả vui gì.
Chăm sóc người già là công việc nặng nhọc mà lương các cô điều dưỡng cũng chả bao nhiêu, hơn mức tối thiểu tý. Rất nhiều cô gốc Ấn, vóc dáng cũng chỉ như mình. Các cô làm việc theo ca, sắp xếp dọn dẹp phòng, vệ sinh, tắm rửa cho các cụ. Để đưa các cụ đi tắm phải có dụng cụ riêng, dùng bộ dây buộc ngang người, nâng các cụ lên, đại để vậy. Rồi mấy bà cụ đỏm dáng, hành các cô đến khổ, đòi mặc váy này váy kia (trong tủ đồ thường là khiêm tốn), rồi sấy tóc điệu đà... Nếu chẳng may có hôm nhà bếp nấu món gì đó khác đi, hoặc thức ăn có vấn đề thì thôi rồi là vất vả vụ thay bỉm.
Mới vào làm được mấy tháng, một thứ Bảy, vào dọn phòng bà Mayfield, không thấy bà cụ ở đó, mình hỏi thì được biết bà đã mất trước đó mấy hôm, trong khi vừa mấy hôm trước còn cười nói với mình rất vui vẻ. Mình hơi choáng một chút. Nhưng sau đó mình phải quen dần, các ông bà nhiều tuổi, nhiều người bị bệnh, cứ ít lâu lại có người theo chân nhau ra đi. Mỗi lần có người ra đi, mình lại thoáng lo sợ.
Mới đó mà vèo một cái đã 6 năm. Đến tận giờ mình vẫn còn nhớ gần như từng khung cảnh, ngôi nhà, rặng cây, bụi hoa mùa xuân trên con đường khoảng 2km mà mình đã đi về 2 lần mỗi tuần trong suốt gần một năm trời. Nào là cái nhà trẻ mang tên Morrison, con đường Knighton với ngôi nhà có hai giỏ hoa tuyệt đẹp, bụi hoa thủy tiên trên đoạn kéo dài của London Road, tòa nhà cũng trên con đường đó nhìn như một tu viện trong bộ phim từ xa xưa. Những cái tên như Avenue Road, Springfield, Cross Road sẽ còn lại mãi với mình. Ôi những tháng ngày xưa cũ! Nhờ nó mà cuộc sống của mình cũng có nhiều điều để kể phết :-)

2 nhận xét:

  1. Cảm ơn em, nhờ note này của em chị cũng được biết thêm nhiều điều, cuộc sống luôn là như vậy mà. Nghĩ đến lúc già buồn nhỉ, hi hi
    Em tài thật, nhớ cả những chi tiết nhỏ của những ngày đã qua. Chị thích đọc lắm, hãy cứ share cho chị đợc với nhé!
    Chị chờ đợi!! :)

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì, chị đọc những bài trước đi. Cũng nhiều thông tin lắm, còn thú vị hay không thì còn tùy :D

      Xóa