01 tháng 11 2013

ĐỂ TIẾT KIỆM THỜI GIAN_KỸ NĂNG PHÁT BIỂU

Trong vòng chưa đầy một tuần, mình đã phải ngồi tham dự tới 4 cuộc họp tổng kết, mà tại 2 cuộc họp đó mình cũng phải phát biểu đôi câu. Mình nói đùa với chị ngồi bên cạnh, đóng góp lớn nhất của em cho hội nghị là nói thật ngắn phần của mình :). Rất thường xuyên, mỗi lần dự họp hành, mình lại nhớ tới bài này. Chỉ có điều, than ôi, hình như bây giờ nhiều lúc mình cũng đóng góp vào việc tổ chức nên những cuộc họp "cứu chuộc thế giới". Haiza. Đăng lại bài mình đã viết từ đời nảo đời nào nhưng đối với mình mọi việc vẫn hoàn toàn đúng là như vậy.
 
(Đăng lần đầu 25/9/2011)
Trong nửa cuộc đời đã qua, mình đã có lúc [gọi là] có tý “chức tước” nho nhỏ: Làm chủ tịch công đoàn một đơn vị gần 30 người. Đôi lúc mình cũng “được” phát biểu chút. Lần trang trọng nhất là đọc Báo cáo tổng kết hoạt động công đoàn. Hìhì, báo cáo rất dài, rất nhiều trang, mình đọc mỗi đoạn ngắn, nhìn xuống thấy chẳng ai nghe, phần lớn là từng đôi mải mê nói chuyện, ai đó mơ màng… Vậy là mình nhảy cóc, chỉ đọc đề mục chính rồi trong mỗi đề mục đọc đôi dòng. Tất nhiên không ai thắc mắc gì, tận giờ nghĩ lại, mình vẫn chẳng thấy ân hận mà còn thấy mình đã làm đúng. Ít nhất mình đã cố gắng tiết kiệm thời gian cho bản thân và cho tất cả, nếu mỗi người chỉ 5 phút thì cộng lại cũng ra khối.

Chắc mọi người cũng giống như mình, thường xuyên phải nghe phát biểu. Ai mà chẳng mỗi năm đôi lần đi họp phụ huynh, họp giao ban đầu tuần, đại hội công nhân viên chức, họp tổng kết, vân vân và mây mây. Tính ra, mỗi người mỗi năm ít cũng phải tham gia số cuộc họp tính bằng hàng chục. Sau khi tham dự, quan sát vô số cuộc họp hành như vậy, mà gần nhất là vừa hôm qua thôi, đi họp phụ huynh cho con, mình thương cô quá khi cô nói liền tù tì 1 tiếng liền, mình muốn đưa ra một số nhận xét nho nhỏ về kỹ năng phát biểu của người quản lý (những cuộc họp như mình vừa nêu trên chỉ là cán bộ quản lý ở cấp thấp, ai muốn tìm hiểu kỹ năng phát biểu của cán bộ quản lý/lãnh đạo cấp cao thì có thể theo dõi các cuộc họp đại biểu quốc hội, hay ở đây, ở đây rồi lại ở đây. Theo nhận xét chủ quan của mình, ai có tham vọng muốn làm quản lý thì nên cố luyện theo những nhận xét sau, còn cái diện như mình, ở cái tuổi này rồi, hẳn nhiên là không bao giờ nên cơm cháo gì nên cũng khỏi cần:
-          Không đi trực tiếp vào ý chính;
-          Lòng vòng, đi từ ý này sang ý khác, dây cà sang dây muống một cách tài tình;
-          Có khả năng nói rất lâu không cần ngừng nghỉ (tức cần luyện dây thanh quản);
-          Sẵn sàng phát biểu mọi lúc mọi nơi không cần chuẩn bị;
-          Thuộc lòng một bài dùng được cho nhiều hoàn cảnh.

Có vẻ như những lời phát biểu dài dòng thì không quá ảnh hưởng trực tiếp đến ai. Nhưng nếu nhìn rộng ra, việc phát biểu dài dòng và sử dụng mỹ từ đã trở thành căn bệnh kinh niên trong mọi ngành, mọi mặt trong đời sống xã hội. Chắc mọi người vẫn còn nhớ câu chuyện khi cầu Cần Thơ bị sập, người ta mang tới đó một chiếc máy để cứu giúp người bị nạn. Nhưng thay vì mang ngay chiếc máy ra sử dụng, người ta còn phải chụp ảnh, phát biểu, cảm ơn… Cái này báo chí chính thống đưa tin đấy nhé, không phải mình bịa ra đâu. Nghe thấy thật nhẫn tâm làm sao.

Giá như sự thay đổi được bắt đầu từ một điều thật nhỏ: Mọi bài phát biểu được rút ngắn tối đa, tiết kiệm thời gian tối đa. Để làm sao trong ngày khai giảng, các con không phải đứng/ngồi cả tiếng đồng hồ chỉ để nghe đọc hết bài diễn văn này đến bài diễn văn khác mà được biểu diễn văn nghệ, chơi trò chơi, sao cho ngày khai giảng thực sự là một ngày vui (By the way, mình đã có lần đi dự lễ khai giảng ở trường Nga trong Đại Sứ quán Nga tại Hà Nội, phần phát biểu kéo dài không quá 5 phút. Trong buổi biểu diễn văn nghệ mừng Giáng sinh tại trường con trai mình học bên Anh, thầy hiệu trưởng cũng chỉ nói có 2 phút). Để làm sao các cuộc họp không mất tới cả tiếng đồng hồ hay hơn nữa cho đủ mọi diễn văn khai mạc mà có thời gian bàn các vấn đề thiết thực (Tạm cho rằng người ta tổ chức họp là vì có vấn đề thiết thực, còn những cuộc họp, hội thảo, hội nghị chỉ để tiêu tiền thì không tính). Nếu mình là lãnh đạo, mình sẽ ra một chỉ thị thế này, mọi cuộc họp đều phải được lên kế hoạch rõ ràng, ai phát biểu bao lâu phải được tính trước (để nội dung nào cần thiết thì được phân bổ nhiều thời gian hơn, nội dung nào ít quan trọng thì ít thời gian…), hết giờ thì bị nhắc (bằng cách rung chuông, giơ biển báo…), phát biểu khai mạc nhất thiết không được dài (theo mình chỉ nên 2-3 phút/người là quá đủ và cũng chỉ nên 2-3 người)... AQ một tý, chắc vì mình là con người mơ mộng hão huyền đến thế nên mình không thể nào lên được bất cứ chức nào (ngoài vị trí “công đùn” vốn chẳng nhiều người ham) chứ không phải vì mình dốt. Hehe.

Để ai đọc bài này không bị tâm trạng, khuyến mại thêm một câu chuyện cười:
Một bác lãnh đạo, khi đọc bản báo cáo tổng kết cuối năm đã bắt đầu như sau: Để tiết kiệm thời gian, tôi xin phép được bỏ qua phần “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập, tự do, hạnh phúc”. Bây giờ, sau khi đã bỏ qua phần “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập, tự do, hạnh phúc”, tôi xin phép được đi vào nội dung chính. Như vậy là, chúng ta đã bỏ qua phần “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Độc lập, tự do, hạnh phúc”, chúng ta biết rằng bla bla.

Nào, chúng ta cùng thực hành kỹ năng phát biểu "để tiết kiệm thời gian"!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét