29 tháng 10 2013

HƯƠNG QUẾ TRÀ BỒNG

Đây là chuyến công tác miền Trung lần thứ 3 của mình trong năm nay. Chưa viết được gì, mình đưa lại bài cũ, viết từ ngày mình đến Trà Bồng vào tháng 7  năm 2012. Chẳng thể nói rất nhiều ấn tượng hay kỷ niệm, nhưng mỗi chuyến đi đều đọng lại trong mình một vài điều đáng nhớ. 



Với rất nhiều người, một tựa đề như vậy chẳng có bao nhiêu ý nghĩa. Nhưng với người Quảng Ngãi thì không, đó là tên bài hát khá nổi tiếng của nhạc sỹ Đào Việt Hưng viết về Trà Bồng. 
Lần đầu tiên mình đến Trà Bồng là năm 1999, hình như nhân dịp kỷ niệm khởi nghĩa Trà Bồng vào tháng Tám (ngày đó mình làm cho Nhà máy lọc dầu, tụi mình đi dự lễ kỷ niệm khởi nghĩa). Chẳng có ấn tượng gì nhiều ngoài việc đường đi khá khó khăn, chiếc xe chở tụi mình ì ạch, ì ạch. Buổi lễ ầm ĩ, rồi tụi mình mua vài món đồ làm từ vỏ quế. Nhớ nhất là trên đường đi có một ao sen rất đẹp. Hết.
Chuyến công tác lần này mình đến Trà Bồng với một tâm thế khác. Chín chắn hơn, mỗi chuyến đi mình mong muốn học hỏi, biết thêm được những điều mới và chuẩn bị cho việc đó. Con đường tỉnh lộ 622 từ Quảng Ngãi đến Trà Bồng khá đẹp, xe chạy bon bon, chỉ mất hơn giờ đồng hồ. Những cánh đồng lúa, cánh đồng mía, còn lâu mới đến mùa trổ bông nằm xen ruộng sắn, khoai. Khi mình đi cách đây 13 năm, hầu như còn chưa có nhà cửa gì nhiều. Giờ thì khác hẳn, chạy dọc theo con đường tỉnh lộ nhiều đoạn nhà cửa khá khang trang, vườn cây, những cây dừa, cây cau vươn cao tít, xa xa là những ngọn núi, phong cảnh trữ tình rất đặc trưng của khu vực miền Trung.
Con đường ấy đây:


Đây nữa:


Thị xã Trà Bồng nhỏ, khoảng 5.000 dân, chạy dọc theo con sông Trà Bồng đang mùa cạn nước. Người Kinh sống ở khu vực trung tâm, buôn bán, làm lúa nước. Người dân tộc, chủ yếu là dân tộc Coh, sống xa hơn chút, trồng lúa nương và trồng quế.  Nói thêm, ở khu vực này, rất nhiều địa danh được bắt đầu từ chữ “Trà”. Nào Trà Khúc, Trà Bồng, Trà My, Trà Xuân, Trà Mỹ, Trà Phú, Trà Bình… Từ "Trà" có gốc từ jaya trong tiếng Phạn, và là một trong bốn họ chính thống của các vua Chiêm: On, Ma, Trà, Chế.
Ngôi trường mình đến là trường THCS Trà Xuân, một ngôi trường rất đẹp so với nhiều ngôi trường ở khu vực miền núi phía Bắc mà mình đã có dịp đến, nhà cửa khang trang, phòng máy rộng rãi, phòng chức năng gọn gàng… Trong sân trường, mấy cây bàng đã có quả to, chen lẫn chùm hoa bàng đang nở, và điểm những chiếc lá vàng, chẳng mấy chốc nữa sẽ đỏ ối, “đỏ như giọt máu lịm rơi cuối chiều”. Chẳng hiểu sao, chẳng tâm trạng gì mà mình lại nhớ đến những câu thơ của Nguyễn Bính:
Thu đi trên những cành bàng
Chỉ còn hai chiếc lá vàng mà thôi.
Hôm qua đã rụng một rồi
Lá theo gió cuốn ra ngoài sơn thôn.
Hôm nay lá thấy tôi buồn
Lìa cành theo gió lá luồn qua song.
Hai tay ôm lá vào lòng
Than ôi chiếc lá cuối cùng là đây!
Quạnh hiu như tấm thân này
Lại âm thầm sống những ngày gió mưa...
Cây bàng đây, nào lá non, lá già, lá vàng, nào hoa nào quả:


Trà Bồng nổi tiếng với các rừng quế và sản phẩm từ quế. Muốn được ngắm rừng quế, nhưng không thể đi xa vì còn bận công việc, mình đành hài lòng với tấm ảnh chụp từ rất xa, và những tấm ảnh một khu vườn ươm quế khá rộng, cây non cao khoảng hơn gang tay đang lên xanh mướt mát. Chui vào một khu vườn ngắm cây quế vài năm tuổi, ngắt mấy chiếc lá quế trong tay, thấy mùi hương mãi vương vấn, nhớ ngày bé tụi mình chia nhau những mảnh quế bé tí xiu, nhâm nhi mãi trong những ngày đông lạnh, để cái vị ngọt thơm đọng thật lâu trong miệng. Thật may mắn, mình được mọi người dẫn vào một cơ sở sản xuất sản phẩm mỹ nghệ từ quế, tranh thủ chụp được bao ảnh về các công đoạn để mảnh vỏ quế trở thành một món đồ mỹ nghệ. 
Vườn ươm quế:


Cây quế:


Phơi vỏ quế:

Đây nữa, phơi ngay ngoài đường:

Sắp hoàn thành hộp đựng tăm rồi. Đựng tăm trong hộp quế thế này rất thơm:

Trưa hôm đó, mình lại được nếm lần nữa món cá niên đặc sản, loại cá bé bằng ngón tay cái, dài khoảng 10-15cm, khi luộc lên người ta để cả ruột, ban đầu ăn thì hơi đắng nhưng chỉ vài giây sau sẽ cảm nhận được vị ngọt thơm trong miệng. Ngay trước quán ăn, rồi cả xung quanh đó là những bụi tre rất đẹp, từng đốt tre mượt mà vàng óng, đây đó điểm những dải rất nhỏ màu xanh. Mình chợt nhớ lâu lắm rồi mình chẳng được ngắm những bụi tre đẹp như thế này. Và bâng khuâng nhớ về những ngày tuổi thơ sống với ông bà ở Nga Sơn. Bụi tre đẹp quá, chẳng thế mà quán có tên là Tre Vàng:
À, còn bài Hương quế Trà Bồng thì đây. Mình không đặc biệt thích, nhưng có lẽ người gốc Trà Bồng nghe bài này sẽ có cảm giác như khi mình nghe bài Sapa thành phố trong sương. Chắc vậy!

5 nhận xét:

  1. Toàn đặc sản TA được thưởng thức quế cay, cá đắng.Bài viết rất hay ...

    Trả lờiXóa
  2. Minh phải chuyển sang ăn cay và đắng thôi, ăn ngọt chóng chết:), ai cũng bảo thế - Cám ơn bài viết TA đã đựợc đi thăm miền Trà Bồng cay đắng

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì hì, cảm ơn bạn. Nhưng ai mà lại không để tên thế này nhỉ :)

      Xóa
  3. cảm ơn Bạn đã viết về trà Bồng quê hương tôi,Người trà bồng cũng chưa chắc viết được như thế!.có điều bạn biết không Ngôi trường Bạn nhắc đến trước đây có rất nhiều cội cây phượng vĩ già (trồng từ thập niên 60 của TK trước),mùa hè ra hoa đỏ rực .Cánh phượng rơi ngập cả sân trường như ai trãi thảm đỏ...Biết bao thê hệ bâng khuâng nhớ nhung một sân trường mùa hè như thế.với chúng tôi những người sống xa quê .mỗi lần có dịp về quê lại bồi hồi bao kỷ niệm.Nói đến cá niên bạn hãy tim đọc bài " Ăn miếng cá niên tan mọi ưu phiền " Của nhà văn ,nhà thơ Thanh Thảo đăng trên báo thanh niên.Dù sao cũng cảm ơn bạn rất nhiều ,lần sau có về trà bồng hãy viết về Lễ hội trường Bà về các điểm du lịch như Cà Đú, Suối chè,suối trà bói ... mùa hè hảy đến đây là rất tuyệt

    Trả lờiXóa