20 tháng 11 2013

BĂNG CỐC DU KÝ 1



Kể từ chuyến đi Thái năm 2010, đây đã là chuyến thứ tư của mình. Vẫn họp ở cái khách sạn mà 3 năm trước mình họp. Vẫn những khuôn mặt đã gặp ở hết hội nghị này đến hội nghị khác, nếu tính đây là lần thứ 4 mình tham dự các kiểu sự kiện như thế này do UNESCO tổ chức. Đã trở thành “professional conference-goer”, mình chẳng buồn kêu ca về cái tủ đá, vì đằng nào cũng chẳng ai làm khác đi, mà chỉ nhớ mang theo khăn choàng. Đồ ăn thì vẫn thế, cứ như thể 3 năm qua chẳng có gì thay đổi. Ừ, tối qua có một điều khá hay ho là nhân buổi tiệc tối, bác giám đốc UNESCO Băng cốc ôm đàn khuyến mại mọi người mấy bản, dù không thể coi là tuyệt tác nhưng rõ ràng rất hay. Chỗ tụi mình mấy năm trước ngồi chơi dưới sảnh, giờ người ta đặt một cây đàn piano ba chân. Mình rất muốn thử sức thử đánh một bản nhưng họ không cho đụng vào đàn :). Rồi điểm khác nữa là giờ ở khách sạn nhiều sao người ta cũng khuyến mại wifi, không phải trả tiền rất đắt như ngày xưa nữa.

Ngày thứ hai, mình gật gà gật gù suốt cả buổi chiều, buồn ngủ khủng khiếp. Giải lao cả bọn vội vàng ra sân ngồi, tranh thủ hưởng tý cái ấm áp của mặt trời, đứa nào cũng kêu bị lạnh cóng. Mình bảo, thế này là giáo dục vì sự phát triển bền vững đây nhưng có vẻ chẳng đứa nào hưởng ứng, chắc sợ vạ miệng, UNESCO giận, sang năm không mời :). Mình cóc sợ, không mời thì thôi, mà bọn nó cũng cần có người tham dự để nghe tụi nó nói chứ. Hehe, mình đang vi phạm nguyên tắc không nói chuyện công việc trên blog rồi. Thoát khỏi cái tủ đá lúc 5.30, chẳng có nhu cầu đi đâu, mình chui về phòng ngồi, post lại cái bài viết cách đây hơn 3 năm, khi lần đầu mình đến đây, còn hứng thú đi shopping và tìm hiểu.

HÒN NGỌC VIỄN ĐÔNG VÀ MỘT HÒN KHÔNG NGỌC CŨNG Ở VIỄN ĐÔNG – 35 NĂM TRƯỚC VÀ BÂY GIỜ
(Đăng lần đầu 11/9/2010)
Mình mới dự một hội thảo Giáo dục vì Sự phát triển Bền vững tại Băng Cốc do UNESCO Băng Cốc tổ chức. Sẽ không nói gì nhiều về nội dung hội thảo, mình chỉ muốn ghi lại một vài cảm tưởng về chuyến đi.

Tụi mình đến Băng Cốc vào buổi trưa. Từ trên cao nhìn xuống, cảm giác như chẳng khác Việt Nam bao xa, cũng những khoảng xanh nâu chen lẫn. Tuy vậy, xuống gần hơn một chút là cảm nhận được sự khác biệt ngay, các ô xanh, nâu hay ô gì đi nữa đều vuông vức, gọn gàng. Sân bay quốc tế Suvarnabhumi mới được đưa vào sử dụng 3 năm nay, rộng mênh mông, thiết kế thuận tiện, đẹp đẽ.

Trên đường về khách sạn, khi xe chạy trên con đường cao tốc thênh thang, đôi lúc là những đường vòng, đường cắt hiện đại, sạch sẽ, mình cứ thấy buồn. 35 năm trước, Sài Gòn của mình được ca ngợi là hòn ngọc Viễn Đông. Giờ đây hòn ngọc đấy ở đâu rồi? Đến Sài Gòn hay Hà Nội chỉ cảm giác thấy sự nhếch nhác, ồn ào, bụi bặm, lộn xộn… Suy cho cùng cũng là một kiểu độc đáo không nơi nào trên thế giới có thể có được, nhưng liệu có bao nhiêu người thích cái sự độc đáo đấy?

Tụi mình ở khách sạn Imperial Queen’s Park. Khách sạn không có không gian bên ngoài rộng, nhưng sảnh bên trong thì mênh mông, nói chung là rất đẹp. Và bù lại, ngay cửa sau của khách sạn là một công viên khá đẹp gọi là Queen’s Park. Phòng thì chẳng hơn các khách sạn 3 sao, 4 sao mình đã ở Đà Nẵng hay Quảng Ngãi bao nhiêu nhưng đẳng cấp khách sạn 4 sao thể hiện ở nhiều điểm. Một ví dụ, xà phòng và sữa tắm, dầu gội … là đồ xịn, được thiết kế riêng, thơm độc đáo chứ không phải loại hàng chợ như khách sạn 4 sao ở Việt Nam nơi mình đã qua. Khách sạn của mình ở ngay khu trung tâm nhất của Băng Cốc, ô cửa sổ nhìn ra toàn lô nhô nhà cao tầng, ngay đối diện khách sạn mình ở là 4 ngôi nhà khoảng hơn 50 tầng khác.
À, mà đẳng cấp khách sạn 4 sao cũng phải thể hiện ở giá cả nữa chứ nhỉ. Khỏi phải nói về dịch vụ hay giá phòng, mình chỉ muốn nhắc tới một chi tiết nhỏ. Khách sạn không cho khách dùng Internet miễn phí. Giờ đầu tiên giá khoảng 200.000. Còn dùng từ giờ tiếp theo tới 24 tiếng là khoảng 400.000. Hihi, trong khi ngoài đường thì café với wifi miễn phí đầy ra. Hơi bất tiện chút nhưng mình nói đùa với cậu đồng nghiệp là mình có lý do chính đáng để khỏi phải check mail.

Mọi sự so sánh đều là khập khiễng, tuy nhiên, vẫn phải nói rằng cái khách sạn này tuy chỉ 4 sao nhưng chẳng một khách sạn 5 sao nào ở Hà Nội sánh được về mặt không gian và số lượng phòng và các dịch vụ đi kèm.

Buổi chiều đó tụi mình được một người bạn cũ mời dùng cơm. Nhà anh bạn đó không ở Băng Cốc mà ở ngoại ô, tụi mình phải đi tắc xi khá xa, hết 350 bạt (tương đương 200.000). Thật may, tụi mình có cơ hội được biết một góc khác của Băng Cốc. Đó là một khu cao cấp, dành cho người nước ngoài và người Thái giàu có. Mình không biết dùng từ gì hơn để mô tả ngoài một từ “tuyệt”. Các nhà đều là liền kề, xây vòng vòng tạo thành một vòng tròn. Mặt bằng mỗi căn hộ (hay nhà) như vậy khá rộng, khoảng 180m, 3 tầng, thiết kế theo một mẫu chung. Các con đường trong khu đều vô cùng sạch sẽ, hai bên đường đầy cây và hoa. Có những loài mình biết, như hoa giấy đủ các màu, hoa dâm bụt các màu đỏ, hồng và trắng, hoa mẫu đơn, hoa sứ các màu… Thường khoảng 35-40 hộ sẽ tạo thành một khu nhỏ theo hình tròn với những tên gọi rất dễ thương như Palm Palace, Palm Garden .... Trong mỗi khu nhỏ như vậy lại có một bể bơi ở giữa. Bể bơi không nằm dưới mặt đất mà nằm ngang tầng 2, từ các nhà có cầu thang nhỏ bằng gỗ dẫn từ tầng 2 ra bể bơi. Giá thuê một căn hộ như vậy rất rất rẻ so với Việt Nam: 800 đô.  

Trên đường về có một kỷ niệm nho nhỏ. Lúc xe dừng chờ đèn đỏ, có một cậu bé trông rất dễ thương, mắt rất sáng, đến bên cửa sổ xe mình và phun ít nước xà phòng lên kính xe rồi dùng chổi lau kính. Lau xong, cậu bé chắp tay trước ngực lễ độ và chờ đợi. Hẳn nhiên mình chẳng bắt buộc phải cho, nhưng ai nỡ từ chối một cách xin lịch sự như thế.

Như đã nói, mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Nhưng mình không thể không nghĩ đến hòn ngọc Viễn Đông ngày nào và một cái hòn chẳng hề có tên ngày đó!

2 nhận xét:

  1. đọc bài của chị vui quá chị ạ. Em qua Bangkok rất nhanh, hai mẹ con đều vội vàng muốn đi Bắc Kinh luôn. Em chỉ ân tượng xe bán hoa quả rong ngoài đường rất sạch sẽ và chuyên nghiệp, nhìn rất là muốn ăn. Người dân Thái thì lành.... Mà cứ 6 giờ tối đang đi bộ trên đường có nhạc quốc ca cái là mọi người đều đứng hết lại, hết nhạc mới đi.

    Trả lờiXóa