Hôm nay đã 30 Tết. Các con vẫn ngủ muộn như mọi khi. Mình tỉnh từ 6h, nằm nghe gà gáy râm ran quanh nhà. Gần Tết, nhiều nhà mua gà sống về để đó, khi cần mới thịt chứ không như nhà mình thứ gì cũng đóng đá, vậy là Hà Nội bỗng biến thành làng quê. Ừ, lâu lắm rồi mình không còn nghe tiếng chim. Nhà nhà cứ mọc lên, ngõ nhà mình ngày xưa thoáng và nhiều cây, giờ chen chúc, chim chẳng còn chỗ đậu, lâu lâu mới thấy mấy chú chim lách chách bên ngoài cửa sổ, trên cây khế ngoài sân.
Đã thành thói
quen, cứ tỉnh là mình cầm điện thoại xem tin tức dịch bệnh. May quá, sáng nay Hà
Nội thông báo không có ca nhiễm mới. Nhưng tẹo sau thì đọc được một ca nghi nhiễm,
thôi thì an ủi là dù sao cũng không phải ca từ trên trời rơi xuống. Hôm qua chị
A. bảo mình bên đó lại mới bùng lên, thậm chí ngay gần nhà chị ấy. May mắn chị ấy
và I. không đến cửa hàng đó vào khung giờ “nguy hiểm”, và chị ấy cũng tự tin
hai anh chị khỏe mạnh. Lâu rồi mình không còn lưu tâm tình hình bên đó thế nào,
nhưng sáng nay lại lo lắng và ngó qua, 2 ca mới ở bang Victoria ☹.
Gần 7h mình quyết
tâm ra khỏi chiếc giường, làm đôi vòng đi bộ quanh chiếc ao trong làng và ghé
qua chợ mua thêm mấy bìa đậu phụ cho bữa lẩu tối mai mà mợ Q. và hai em đã hẹn sẽ
qua. Chợ khá đông, người người hối hả mua. Mình tự hỏi sao mọi người mua nhiều
thế nhỉ. Sao mọi người ăn nhiều thế nhỉ. Chưa kịp mua nên hôm nay ngày cuối mới
đi mua, hay cũng giống mình, đi mua thêm những gì còn thiếu? Có ở nền văn hóa nào
cái sự ám ảnh vì miếng ăn đi vào ngôn ngữ rõ nét như trong nền văn hóa Việt mình
không nhỉ? Trong tiếng Việt, người ta nói, hỏi thăm nhau về việc “ăn Tết” là chủ
yếu, chứ ít hỏi chơi Tết, vui Tết. Trong tiếng Anh người ta hay nói “celebrate
hay spend Christmas/New Year”. Và khi nói đến ăn Tết là trong đầu mình auto hiện
ra cảnh các mâm cỗ chật món, người người hối hả ăn, trò chuyện oang oang, ngồi
cạnh nhau mà muốn nói gì cũng phải hét lên. Những lúc như vậy mình chọn im lặng.
Những ngày này, các trang mạng tha hồ
đưa lên hướng dẫn nấu nướng rồi hình ảnh những mâm cỗ cầu kỳ, hàng chục món, cổ
súy cho việc biến phụ nữ thành những chiếc máy trong bếp, hay những osin tự
nguyện. Toàn thấy các bà các cô khoe sự khéo léo qua mâm cỗ, mà hình ảnh khác
không được chụp lên là bãi chiến trường bếp núc, trong đó mình dám chắc nhiều
khả năng vắng bóng người đàn ông (đây là mình suy ra từ những gia đình xung
quanh mà mình quan sát thấy.) Mình tự hỏi không nhẽ những gia đình đó ăn hết ngần
đó sao, và nếu không ăn hết thì làm sao, bỏ tủ lạnh hôm sau ăn tiếp hay đổ đi.
Nhà mình chỉ có ba mẹ con, chẳng ăn được bao nhiêu, mâm cỗ chiều ba mươi mình định
làm cho cậu con trai thắp hương sẽ đơn giản thôi, vì làm xong còn phải ăn chứ, chẳng
nhẽ thắp hương xong bỏ đi. Mình bảo ông chồng, anh muốn thắp hương thế nào thì
dặn dò con trai, em sẽ chuẩn bị mâm cỗ. Ông chồng bảo, không quan trọng, anh về
quê là ông bà về cùng rồi. Con trai thì băn khoăn nhưng con không biết cúng. Mình
bảo con, đây là niềm tin, con tin thế nào thì cứ làm như thế là đủ, đã có ai chết
đi rồi sống lại đâu mà biết rõ phải thế nào mới là đúng 😊.
Năm đầu tiên mình có một cái Tết khá
thảnh thơi. Hai mẹ con đã xem được 5 tập của series phim tài liệu Vietnam War của
PBS. Dù mình đã xem phim này từ 2017, khi tập phim mới được công chiếu, lần này
xem cùng con trai tỏ ra hữu ích hơn nhiều, vì mình có thể cùng con thảo luận khá
nhiều khía cạnh của series phim. Sau khi xem cảnh viên phi công bị bắn rơi và bị
bắt, bị buộc phải lên truyền hình phát biểu và nhân cơ hội đó viên phi công dùng
mắt đánh tín hiệu Morse để chuyển tải thông điệp “bị tra tấn/torture”, con trai
lập tức có hứng thú với hệ thống tín hiệu Morse. Tối qua con khoe, con đã học
xong bảng tín hiệu Morse rồi mẹ ạ, một nhóm học cùng lớp biết cái này cũng tốt,
nhắc bài nhau mẹ ạ. Cậu còn bảo, khi đi thi ấy, toàn thi trắc nghiệm, nên chỉ cần
học tín hiệu cho bốn chữ cái A, B, C, D và số nữa là xong, có khi cô giáo còn
chả biết hệ thống tín hiệu Morse ấy mẹ nhỉ. Ôi trời, cậu con trai của tôi, toàn
những ý nghĩ rất ma lanh 😊.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét