15 tháng 2 2021

TẾT THỜI COVID_04

 

Chị A. hỏi thăm mình về Tết, sợ mình buồn, mình bảo chưa bao giờ có một cái Tết thư giãn như thế này. Đúng thật. Sáng nào các bạn ý cũng ngủ gần hết buổi sáng, rồi chiều mùng một và mùng hai thì đi chúc Tết. Mình vốn không định đi nhiều, chỉ vài nhà thôi, và với mình, đó là dịp được ngồi lâu với nhau, ôn lại những câu chuyện ngày xưa về lịch sử gia đình. Chàng trai và cô gái nhà mình say sưa nghe những câu chuyện của mẹ với bác L. Rồi hôm đi chúc Tết bác Nh., vốn là người thường xuyên hát những bản liên khúc dài bất tận, bất kể khán giả có quan tâm hay không, thì mình toàn lái, hỏi những câu mà mình biết chắc các bạn ấy sẽ thích nghe. Sau câu chuyện rất dài, lại còn ăn cơm ở nhà bác Nh. nữa thì bác dẫn mấy mẹ con sang quán nhà anh Quang, con trai bác. Quán cà phê của anh Quang, mà cún rất thích thú được biết đó là tác giả của Tôi và Đắc ta nhăng, trang trí toàn bằng tranh anh Quang tự vẽ, là một điểm đến khác gây bất ngờ cho cún. Vậy là trong hai ngày Tết hai bạn nhỏ cứ như thể được đi một tour lịch sử gia đình, với những câu chuyện rất thú vị về ông ngoại các con, rồi xa hơn nữa là cụ và những người họ hàng thân thiết khác. Mẹ sẽ phải sớm đưa các con về quê xưa (chứ không phải quê Sapa, nơi cún cứ tự nhận là quê 😊), để từ nơi khóm tre rất đẹp các con được nhìn ngắm cánh đồng mênh mông của ông bà ngày xưa, ở đó, nơi xa tít, những ngọn núi nhỏ và hàng cây hắt bóng xuống nước, tạo nên một bức họa vô cùng đẹp đẽ. Để các con ngắm dòng sông Hoạt trong cuốn hồi ký của ông, mà ngày còn nhỏ khi ở với ông bà mẹ vẫn được thấy những cánh buồm ngược xuôi trong những buổi chiều thanh bình, rồi mảnh vườn nhỏ, chiếc ao của ông bà với cây dừa lửa đứng nghiêng nghiêng, một chiều nào mẹ ngồi chơi ở đó xem người lớn thả lưới bắt cá, đánh rơi chiếc vòng vỏ ốc và khóc mãi.

Được nghe kể về gia đình, dòng họ, cún ấn tượng lắm, trầm trồ, ôi họ Đặng nhà mình hoành tráng thế, con muốn đổi sang họ Đặng. Sau đó nàng cứ nghĩ mãi nàng muốn đổi tên thành gì vì nàng không thích tên của mình. Mẹ giảng giải cho nàng rằng việc đổi họ tên rắc rối ra sao, liên quan đến những gì, tốt nhất con nên chọn nghệ danh thôi. Có vẻ xuôi xuôi 😊.

Chiều qua hai mẹ con sang nhà bác H. bạn mẹ chơi. Trong câu chuyện của mẹ và bác H. có những chi tiết khiến cún tròn mắt, rồi lại có lúc nàng quay sang nhìn mẹ với một dấu chấm hỏi to đùng. Về nhà mẹ trêu cún, con hay đi cùng mẹ, được biết nhiều bí mật quá nhỉ. Nàng bảo mẹ ơi mẹ còn người bạn nào như thế nữa không. Hì hì, bạn thì còn khối, nhưng bạn bè mình thường hẹn hò ở cà phê, và trước hoặc sau chứ không phải trong Tết. Kể cả đồng nghiệp của mình cũng không ai có ý định đến thăm nhau dịp Tết, văn hóa các công ty/tổ chức nước ngoài là như vậy. Cả năm làm việc cùng nhau, nhìn thấy nhau rồi, nên Tết thì tha cho nhau, Tết là của gia đình, không ai đi lòng vòng chúc Tết đồng nghiêp cả.

Mùng 3 và mùng 4 mình và con trai quay trở lại lịch cũ, mỗi buổi chiều một tập phim tài liệu. Và bạn cún thì có một buối tối ngọt ngào rủ mẹ xem bộ phim Cinderella. Ngoài 2 tiếng xem phim mỗi ngày, rồi tập đàn khoảng một tiếng nữa, ngày nào mình cũng đọc khá nhiều, ngoài những thứ gai góc thì những câu thơ của Lâm Vị Thủy, buồn da diết và đẹp đẽ vô cùng cũng khiến mình bị ám ảnh mãi.

Những ngày này Hà Nội cứ mỗi hôm lại 1-2 ca nhiễm. Nhưng vụ tối qua gây đau tim quá. Đồng chí người Nhật đó chết trong phòng khách sạn, và sau đó người ta mới phát hiện ra đồng chí ấy dương tính. OMG. Trong vòng hơn chục ngày từ khi rời khu cách ly sau 2 lần âm tính, ai mà biết được đồng chí ấy đã đi những đâu, làm những gì, và bây giờ thì chả có cách gì truy hết mọi dấu vết. Đến hôm nay thì có thêm 2 ca F1 của đồng chí ấy đã dương tính. Ai mà biết hiện ở Hà Nội còn biết bao ca đã nhiễm hoặc đang nhiễm mà không có triệu chứng lông nhông ngoài đường. Hoặc không chỉ Hà Nội mà dân Việt Nam nói chung đã bị nhiễm khá nhiều, do nhiều yếu tố nên cơn bệnh thoảng qua, như một cơn cúm, hoặc “cô thương” nên tự khỏi, không gây nên sự bất thường đặng chú ý nào. Anyway, sự cẩn thận của mình là không thừa. Mình tin mình đúng khi quyết định ba mẹ con ở lại Tết thế này và hạn chế đi lại.

Cún đã được thông báo sẽ học online đến hết tháng 2. Trường Tuấn chưa có thông báo nhưng nhiều khả năng cũng sẽ học online. Được cái cả hai đứa đều không thấy việc ở nhà là vấn đề to tát, thật may. Cầu cho các con không phải nghỉ một cái Tết đến tận hè như năm ngoái.

Và hôm nay thì Hải Dương đã giãn cách toàn tỉnh như hồi đầu năm ngoái, còn Hà Nội đã ra thông báo cấm các hàng quán vỉa hè, cà phê rồi .

12 tháng 2 2021

TẾT THỜI COVID_03

 Việc đầu tiên mình làm khi tỉnh dậy vào sáng mùng một là lướt vài phút trên chiếc điện thoại, sau đó đi bộ trong nhà hơn 10’, thế là được 1km, 1/3 định mức hàng ngày rồi. Gì thì gì, sức khỏe mới là thứ quý nhất, nên việc đầu tiên là chăm sóc sức khỏe, rồi mới đến các kiểu khai này khai nọ. Nói vậy chứ đêm qua, gần đến giao thừa thì hai đứa đã rủ mẹ xuống phòng khách ngồi đón giao thừa, “khai ly” bằng cách nhâm nhi chút rượu nếp cẩm mình mới chắt ra hôm nọ, mà cả hai đứa đồng tình bảo con thấy như uống siro ý 😊. Cún bảo chả cái nhà nào như nhà này, suốt ngày rượu chè. Hihi, là bởi vì trong bữa cơm tất niên ba mẹ con cũng đã nhâm nhi rồi, chúc nhau đủ thứ. Mẹ chúc con trai học hành vui vẻ, dự án start-up của con thành công, chúc con gái thi đỗ chuyên Hóa và có giải thưởng đàn harp. Con trai trêu mẹ, chúc mẹ tiền vào như nước [để mẹ có tiền cho các con], sau đó quay sang bảo em gái, em chúc mẹ nước chảy đều đi, tiền như nước thì trước hết phải có nước đã 😊.

Dad về quê, chiều 30 mẹ làm mâm cơm và bảo con trai chịu trách nhiệm thắp hương. Ngoài đôi món truyền thống mình còn thái thêm một đĩa thịt hun khói, bày biện khá đẹp nữa. Lúc hạ cỗ Tuấn bảo, không biết những ông bà từ 50 năm trước nhìn thấy món hiện đại thì có ăn được không nhỉ. Đúng mà, ngày xưa làm gì có thịt hun khói. Ít nữa mà cúng con bánh tẻ với bánh gai là con không ăn được đâu. Mà bây giờ người ta ăn pizza phổ biến, có khi ít nữa con thắp hương mẹ bánh pizza ý. Hahaha, chàng trai luôn có những góc nhìn rất độc đáo nhưng hoàn toàn có lý. Nếu xuất phát từ góc nhìn chúng ta thấy món gì ngon thì chia sẻ với những người đã khuất, lập luận của con rất hợp lý. Tại sao lúc nào cũng phải những mấy món truyền thống đó khi thế hệ trẻ bây giờ những món đó trên mâm chúng nó còn không động đũa, món canh măng của mình là ví dụ. Ừ, không biết 50-70 năm nữa mâm cỗ cúng có khác bây giờ nhiều không nhỉ. Cũng khá hài nếu nghĩ đến mâm cỗ cúng gồm bánh pizza và mỳ spaghetti, thịt bò bít tết, cơm cuộn, đại loại vậy, nhưng nếu nghĩ đến các cá nhân, rõ ràng là nên thắp hương những gì người ta thích ăn khi còn sống 😊.

Mình gửi đường link Zoom, hẹn cả nhà tối qua 9h lên mạng để chúc Tết nhau. Lần đầu dùng Zoom nên còn hơi lúng túng chút, phải chuyển sang Zalo rồi lại Zoom. Cả nhà rộn ràng chúc nhau, bà bảo thế này là hạnh phúc nhất rồi. Bác Tú vẫy vẫy phong bao từ xa, còn bà thì bảo yên tâm bà gửi anh Hiếu chị Thảo tiền mừng tuổi rồi, thế là chàng trai, cô gái nhà mình cười sung sướng. Nhưng sau đó mọi người nói hôm nay muộn quá, không có ông. Mình bảo, vụ này là nháp, tối mai hẹn hò lần nữa, phải đầy đủ hơn, nhắn cả vợ chồng Hải – đứa thì bên Pháp, đứa ở Vũng Tàu – cho ông được nhìn đầy đủ con cháu. Công nghệ thật tuyệt vời. Ngày trước, khi mình học bên Nga, một bức thư khi đến được tay thường mất mấy tuần. Thế mà giờ đây có thể nhìn thấy nhau thuận tiện như thế này, rút ngắn mọi khoảng cách, và mình sẽ bớt lo lắng nhiều khi con gái sắp đi học xa.

Con gái đã mấy ngày mang bộ mặt khó đăm đăm, tối khuya qua mình rủ xuống phòng mẹ tý đi, sau khi đã giúp nàng một sự vụ nho nhỏ. Nàng vui vẻ xuống chui vào giường mẹ và hai mẹ con nói chuyện về việc học của con, về các dự định, lựa chọn, về việc cô Nhi khen con tiến bộ nhanh và nếu cứ đà này con sẽ đi rất xa. Con bảo đấy là con mới tập 4 tiếng một tuần đấy, sau đây con sẽ tập 40 tiếng mỗi ngày 😊. Một bên ngón cái của con do tập nhiều, đầu ngón tay phồng lên, đang thâm đen. Mẹ cứ bắt con chìa ngón tay để mẹ xem ngón tay có dài thêm tý nào. Có vẻ như dài hơn một chút, mừng quá. Mẹ đưa con phong bao lì xì sớm, nàng he hé ra xem và không giấu nổi sự vui mừng khi nhìn thấy tờ tiền trong đó. Hôm nọ con gái bảo, năm nay dịch bệnh, mẹ ít đi, ít tốn tiền mừng tuổi, thôi mẹ tăng tiền mừng chúng con lên đi. Cũng có lý. Vả lại con gái lớn, có nhiều mối quan tâm, nhiều thứ thích sắm sửa, mẹ rất nên chiều con gái, right.

Giữa cuộc trò chuyện của hai mẹ con, anh Tuấn xông vào phòng cười cười, ơ sao Dương mặt tươi tỉnh thế, lâu lắm rồi mới thấy em tươi tỉnh thế này, lạ thế 😊. Hahaha, chàng trai không bao giờ chán việc trêu chọc em. Em cún lập tức chui đầu vào chăn, quay mông lại phía anh. Tuấn cũng chui vào chăn, nằm sát vào mẹ và bảo, me ôm cả em đi. Mẹ kể lại câu chuyện ngày hai anh em còn bé, mỗi khi nằm thì mẹ phải nằm giữa, ngửa mặt lên trời, nhưng thể nào cũng có đứa lấy tay kéo sao cho mặt mẹ nghiêng về bên mình hơn một chút hoặc tìm mọi cách tranh giành nhau. Một hôm mẹ trêu bảo, thôi các con lấy dao xẻ đôi mẹ ra, mỗi đứa giữ một nữa, đây xẻ dọc qua đầu, ngực, thân, thế này này. Xong rồi mình quay sang cún cười hahaha, cún sợ quá khóc ầm lên, hihi.

Trêu nhau thế nhưng chỉ một lát sau thì hai anh em đã lại chí chóe vui vẻ cùng mẹ đón giao thừa rồi. Hiếm khi mẹ con mình có một năm mới thư giãn thế này. Có lúc cún kêu hơi buồn chút nhưng sự buồn đó không kéo dài lâu. Nàng có kế hoạch lên Văn Miếu sáng mùng một, nhưng đến phút cuối chị bạn hẹn đi cùng lại không đi được nên kế hoạch đó bỏ lỡ.

Mẹ con mình hãy cùng nhau tận hưởng những ngày nghỉ ngơi, thư giãn này và cầu mong một năm mới bình an, hạnh phúc với chúng ta, các con nhé. Yêu các con thật nhiều!

11 tháng 2 2021

TẾT THỜI COVID_02

 Hôm nay đã 30 Tết. Các con vẫn ngủ muộn như mọi khi. Mình tỉnh từ 6h, nằm nghe gà gáy râm ran quanh nhà. Gần Tết, nhiều nhà mua gà sống về để đó, khi cần mới thịt chứ không như nhà mình thứ gì cũng đóng đá, vậy là Hà Nội bỗng biến thành làng quê. Ừ, lâu lắm rồi mình không còn nghe tiếng chim. Nhà nhà cứ mọc lên, ngõ nhà mình ngày xưa thoáng và nhiều cây, giờ chen chúc, chim chẳng còn chỗ đậu, lâu lâu mới thấy mấy chú chim lách chách bên ngoài cửa sổ, trên cây khế ngoài sân.

Đã thành thói quen, cứ tỉnh là mình cầm điện thoại xem tin tức dịch bệnh. May quá, sáng nay Hà Nội thông báo không có ca nhiễm mới. Nhưng tẹo sau thì đọc được một ca nghi nhiễm, thôi thì an ủi là dù sao cũng không phải ca từ trên trời rơi xuống. Hôm qua chị A. bảo mình bên đó lại mới bùng lên, thậm chí ngay gần nhà chị ấy. May mắn chị ấy và I. không đến cửa hàng đó vào khung giờ “nguy hiểm”, và chị ấy cũng tự tin hai anh chị khỏe mạnh. Lâu rồi mình không còn lưu tâm tình hình bên đó thế nào, nhưng sáng nay lại lo lắng và ngó qua, 2 ca mới ở bang Victoria .

Gần 7h mình quyết tâm ra khỏi chiếc giường, làm đôi vòng đi bộ quanh chiếc ao trong làng và ghé qua chợ mua thêm mấy bìa đậu phụ cho bữa lẩu tối mai mà mợ Q. và hai em đã hẹn sẽ qua. Chợ khá đông, người người hối hả mua. Mình tự hỏi sao mọi người mua nhiều thế nhỉ. Sao mọi người ăn nhiều thế nhỉ. Chưa kịp mua nên hôm nay ngày cuối mới đi mua, hay cũng giống mình, đi mua thêm những gì còn thiếu? Có ở nền văn hóa nào cái sự ám ảnh vì miếng ăn đi vào ngôn ngữ rõ nét như trong nền văn hóa Việt mình không nhỉ? Trong tiếng Việt, người ta nói, hỏi thăm nhau về việc “ăn Tết” là chủ yếu, chứ ít hỏi chơi Tết, vui Tết. Trong tiếng Anh người ta hay nói “celebrate hay spend Christmas/New Year”. Và khi nói đến ăn Tết là trong đầu mình auto hiện ra cảnh các mâm cỗ chật món, người người hối hả ăn, trò chuyện oang oang, ngồi cạnh nhau mà muốn nói gì cũng phải hét lên. Những lúc như vậy mình chọn im lặng.

Những ngày này, các trang mạng tha hồ đưa lên hướng dẫn nấu nướng rồi hình ảnh những mâm cỗ cầu kỳ, hàng chục món, cổ súy cho việc biến phụ nữ thành những chiếc máy trong bếp, hay những osin tự nguyện. Toàn thấy các bà các cô khoe sự khéo léo qua mâm cỗ, mà hình ảnh khác không được chụp lên là bãi chiến trường bếp núc, trong đó mình dám chắc nhiều khả năng vắng bóng người đàn ông (đây là mình suy ra từ những gia đình xung quanh mà mình quan sát thấy.) Mình tự hỏi không nhẽ những gia đình đó ăn hết ngần đó sao, và nếu không ăn hết thì làm sao, bỏ tủ lạnh hôm sau ăn tiếp hay đổ đi. Nhà mình chỉ có ba mẹ con, chẳng ăn được bao nhiêu, mâm cỗ chiều ba mươi mình định làm cho cậu con trai thắp hương sẽ đơn giản thôi, vì làm xong còn phải ăn chứ, chẳng nhẽ thắp hương xong bỏ đi. Mình bảo ông chồng, anh muốn thắp hương thế nào thì dặn dò con trai, em sẽ chuẩn bị mâm cỗ. Ông chồng bảo, không quan trọng, anh về quê là ông bà về cùng rồi. Con trai thì băn khoăn nhưng con không biết cúng. Mình bảo con, đây là niềm tin, con tin thế nào thì cứ làm như thế là đủ, đã có ai chết đi rồi sống lại đâu mà biết rõ phải thế nào mới là đúng 😊.

Năm đầu tiên mình có một cái Tết khá thảnh thơi. Hai mẹ con đã xem được 5 tập của series phim tài liệu Vietnam War của PBS. Dù mình đã xem phim này từ 2017, khi tập phim mới được công chiếu, lần này xem cùng con trai tỏ ra hữu ích hơn nhiều, vì mình có thể cùng con thảo luận khá nhiều khía cạnh của series phim. Sau khi xem cảnh viên phi công bị bắn rơi và bị bắt, bị buộc phải lên truyền hình phát biểu và nhân cơ hội đó viên phi công dùng mắt đánh tín hiệu Morse để chuyển tải thông điệp “bị tra tấn/torture”, con trai lập tức có hứng thú với hệ thống tín hiệu Morse. Tối qua con khoe, con đã học xong bảng tín hiệu Morse rồi mẹ ạ, một nhóm học cùng lớp biết cái này cũng tốt, nhắc bài nhau mẹ ạ. Cậu còn bảo, khi đi thi ấy, toàn thi trắc nghiệm, nên chỉ cần học tín hiệu cho bốn chữ cái A, B, C, D và số nữa là xong, có khi cô giáo còn chả biết hệ thống tín hiệu Morse ấy mẹ nhỉ. Ôi trời, cậu con trai của tôi, toàn những ý nghĩ rất ma lanh 😊.

Mình cắm một lọ hoa và bày một cây mai nhỏ chứ không thích trưng quá nhiều. Và năm nay, bỗng thấy thương nhớ những ngày xưa ghê gớm, mình cắm lọ hoa của thời bao cấp này, và bao ký ức tràn về :)

09 tháng 2 2021

TẾT THỜI COVID_01

Làng mình ở là ngôi làng cổ. Giữa làng vẫn còn giữ lại hồ sen và một số kiến trúc từ thời xưa – nhà mộc dục, đình, ao… 27 Tết hàng năm làng mở phiên chợ Tết. Thường mình sẽ lượn lờ ra đó chút hưởng không khí. Chiếu chèo ở ngay cổng làng, mỗi tội giá hát không cũng đã hay thì người ta nhất định khuyến mại thêm cái loa rè. Thường người ta hát những bài rất quen thuộc, Luyện năm cung, Sa lệch chênh... Nên dù loa rè, mình cũng thường đứng lại nghe và lẩm bẩm hát theo vài câu. Một đoạn dài phố được biến thành chợ xưa, với đủ các món đồ dân dã cho một phiên chợ Tết xưa – bánh đúc, bánh dán, bánh giày, kẹo kéo, lá dong, cây cảnh, mùi già, hoa quả cho mâm ngũ quả, tò he …, và để “gợi giấc mơ nay” thì phải có vô vàn những thứ của thời đại này nữa cho đủ combo – phong bao lì xì, những móc treo trang trí cây đào, bóng bay, tất cả đều sặc sỡ hết mức có thể, và rất nhiều quầy bán các món đồ trang sức và những món đồ lặt vặt khác made in China.

Khi mình có bầu Sỹ Tuấn, tầm Tết con được khoảng 4-5 tháng gì đó. Mình đi dạo chợ quê, nghe tiếng trống thùng thùng chỉ sợ con giật mình. Một năm khác, mẹ cùng con gái và bác Th. đi chơi chợ, được khen là mẹ con bà cháu giống nhau quá 😊. Năm nay chợ bị hủy, vậy nên mẹ con mình không lượn lờ chợ Tết được. Bù lại sáng 27 Tết chàng trai chở mẹ đi chợ hoa Bưởi-Hoàng Hoa Thám ngắm nghía. Ban đầu chàng trai không muốn, mẹ đi mà bảo em Dương, nhưng mình giải thích cặn kẽ, chăm lo bố mẹ vừa là nghĩa vụ mà cũng là quyền lợi nữa, có phải ai mẹ cũng nhờ đâu, mẹ yêu con nên mới muốn con chở đi đấy chứ. Dù bao giờ con lớn, bận rộn thì Tết con vẫn cần dành chút thời gian đưa mẹ đi chợ hoa và đi thăm họ hàng vài nơi. Chàng trai hiểu chuyện, vui vẻ đi cùng mẹ và cùng mẹ khuân về một cây mai rất đẹp. Khi mẹ cảm ơn chàng, chàng cười cười, con không thích cảm ơn suông đâu, mẹ cảm ơn con bằng cách rửa bát cho con đi, haha.

Thế là chàng trai đã đưa mẹ đi mua hoa rồi đưa mẹ đi chúc Tết bác T. và bà Qu. Con say sưa ngồi nghe người lớn nói chuyện, những câu chuyện lịch sử gia đình, rồi hai mẹ con lên thắp hương bàn thờ ông bà, mẹ giảng giải cho con về từng bức ảnh, về cụ ngoại con, một con người vô cùng tài giỏi trong làm ăn kinh tế. Em cún cũng đi chúc Tết bà X. cùng mẹ, ra ban công nhà bà ngồi và trầm trồ khác gì quán bar đâu, bà cùng hai mẹ con ngồi nói chuyện đến tận 10h đêm mới về, cứ ngồi mãi tít trên cao đó nhìn xuống thành phố sáng đèn bên dưới.

Hôm nay đã 28 Tết. Mưa suốt từ đêm qua, khá to, nên sẽ là một ngày không ra khỏi nhà dù mẹ vẫn chưa mua đồ bày mâm ngũ quả và tiền mặt trong ví cũng đã gần hết. Hôm qua Hà Nội thêm vài ca nhiễm, trong đó có một ca đã đi lang thang cả chục ngày trước khi phát bệnh, vậy nên mẹ quyết định mẹ và các con sẽ ở lại Hà Nội và hạn chế ra khỏi nhà. Dad thì bảo sao lại không về, không thể không về, vậy nên Dad sẽ về quê.

Những ngày này mẹ nhàn rỗi, vậy nên mẹ cố gắng nấu những món mà ngày thường không phải lúc nào các con muốn mẹ cũng làm được. Rồi mẹ và anh Tuấn lên kế hoạch xem hết 10 tập trong bộ Vietnam War của đài PBS trong dịp nghỉ này, vừa xem vừa lúc này lúc khác dừng lại để google thêm thông tin, trao đổi với nhau, thật thú vị. Nhờ những câu hỏi của con trai mà mẹ buộc phải tra cứu và biết thêm đôi điều. Đống dây đàn của con gái đặt mua từ lâu lắm rồi hôm qua mới nhận được để lắp vào những dây còn thiếu trên cây đàn cũ. Vừa nấu nướng, vừa nghe tiếng đàn của con gái vọng vào từ phòng khách thật là một cảm giác yên bình và hạnh phúc.

Ừ, cần gì phải hùng hục sắm sửa, chen chúc đi đây đó. Mẹ hoàn toàn happy với một cái Tết sống chậm như thế này. Và mẹ sẽ rủ các bác cùng online chúc Tết nhau nữa, thế là cũng đủ đầy, phải không chàng trai và cô gái của mẹ!

05 tháng 2 2021

NHẬT KÝ NĂM THỨ HAI COVID_02

Được nghỉ cả tuần nên cún bảo, mẹ xin bác L. cho con, con muốn tập cả sáng cả chiều. Mẹ hỏi thời gian thế nào, sáng 8.30 – 12.00, chiều 1.00 – 6.00. Nghe con gái nói mẹ suýt trợn mắt lên hỏi lại, nhưng may kìm lại được, chỉ bảo, okie. Dù vậy, vì trường anh Tuấn có ca dương tính nên mẹ nói phải chờ đã, xem nhỡ anh Tuấn có thuộc diện F nào không, mình không được mang rắc rối đến cho bác. May quá, đến tối thứ Hai thì mẹ có thể tự tin gửi tin nhắn hỏi bác L. Bác bảo, thời gian này đang dịch bệnh, cơ quan hạn chế người, vậy nên cháu nên vào một buổi thôi. Thế là hai hôm vừa rồi cún đi tập đến tận 7.00 tối mới đứng lên đi về.

Cún mang bộ mặt lạnh lùng với mẹ và nói chung với cả nhà mấy ngày hôm nay rồi. Được cái mẹ đã quen và đã thuộc bài bác L. dạy “Em shut up, rồi sẽ đến lúc con chủ động nói chuyện với em”, vậy nên mẹ kiên nhẫn chờ. Chiều qua nàng gửi tin nhắn cho mẹ lúc tầm 4.00, bảo mẹ gọi lại cho con. Tất nhiên mẹ vội gọi ngay. Tưởng có chuyện gì, hóa ra nàng băn khoăn sợ bác Honna với bác L. ghét con vì một lý do hết sức vớ vẩn 😊. Hihi, vẫn còn trẻ con đến thế đấy, mẹ phải giải thích mãi chẳng ai ghét con cả, tự dưng có một đứa chăm chỉ tập tành đến như thế, mọi người chắc chắn là quý con. Mà suy cho cùng, nhiệm vụ của con chỉ là tập cho tốt, học cho tốt thôi. Và các bác sẽ rất mừng khi con đi học tử tế về, dàn nhạc bỗng dưng có được một nghệ sỹ được đào tạo bài bản.

Tối 22 trong bữa cơm mẹ dặn mai là 23 Tết, con về sớm hơn 15’, 7.00 nhà mình ăn nhé. Nàng lạnh lùng, 23 thì làm sao, mẹ lại phải kiên nhẫn giải thích đó là ngày ông Công ông Táo lên trời.  Các con hỏi hôm nào nhà mình về quê đấy, mẹ bảo cái này bố quyết định, mẹ không biết, chắc gì đã về được. Bố rất tự tin bảo có về chứ, 29 về. Thế nhưng tối qua thì đã có thông tin 6 tỉnh thành yêu cầu cách ly người về từ vùng có dịch, còn thông tin mới nhất hôm nay là Hà Nội vận động người dân ở trong nhà, không ra ngoài khi không có việc cần thiết và hạn chế di chuyển trong dịp Tết. Khả năng ở lại Hà Nội đã khá hiện hữu, cái Tết đầu tiên của các con ở Hà Nội từ khi sinh ra đến giờ, hơn nữa lại còn ít được đi thăm họ hàng mà sẽ ở trong nhà nhiều hơn. Mẹ thì rủ rê hay nhà mình chịu khó đi những nơi thăm thú quanh Hà Nội, ngắm phong cảnh thôi. Hoặc chúng ta có thể lên một danh sách những bộ phim hay ho, những vở nhạc kịch, bale rồi cùng ngồi xem với nhau, etc. Một cái Tết sống chậm cũng là điều nên thử chứ có gì đâu.

Tuấn thì hoàn toàn happy với việc ở trong nhà. Chàng bảo, con có ở nhà cả tháng nữa cũng chả sao. Chàng khoe, con học xong khóa học trên Coursera rồi đấy. Con học 4 ngày là xong, bài kiểm tra cuối cùng chấm chéo, con được 98/100 điểm đấy, mẹ biết không, 98/100 điểm đấy. Đúng là cái gì cần làm và chàng thích thì chàng làm rất nhanh. Khóa học online đó là một yêu cầu của nhà trường, sinh viên tự học, nộp chứng chỉ do Coursera cấp. Khóa học online kéo dài 6 tuần, đến tuần thứ 3 chàng mới mò vào học vì nghĩ cũng đã qua một nửa thời gian rồi, cần phải bắt đầu thôi, và loáng cái đã xong. Dạo này chàng đang cùng cô H. làm một việc gì đó mà mẹ cũng chả hiểu bao nhiêu, nhưng chiều qua chàng hồ hởi khoe, để lập trình cái này con phải đọc nhiều kinh khủng, con không hiểu sao có người lại không thích đọc (tuyệt 😊). Mà ít nữa con ghi vào hồ sơ là con đã start-up từ năm 18 tuổi là hơi ghê đấy. Mẹ trêu trêu, mẹ nghĩ nhiều tiền thế này chỉ nghĩ chuyện tiêu gì cũng phát mệt. Không không mẹ nhầm rồi, đây là doanh nghiệp xã hội, lợi nhuận không phải ưu tiên hàng đầu, mà là đóng góp cho xã hội.

Ôi con trai của mẹ, mẹ mừng quá, con đang dần trưởng thành, và những điều mẹ hay chia sẻ, những giá trị trong cuộc sống dường như đã ngấm vào các con phần nào. Con trai của mẹ đã 18 tuổi rưỡi nhưng con không tập tành hút thuốc, không mải mê chơi bời. Bên cạnh chơi game thì con đọc sách khá nhiều, phần lớn toàn bằng tiếng Anh và thích tìm hiểu toàn những thứ rất khác thường – nào là cơn say mê tiếng Latin, rồi cơn say mê tìm hiểu về vũ khí, luật liên quan đến vũ khí … Riêng vụ nói bậy thì hơi khiếp, cứ chơi game với bạn là các con sẽ nói bậy ầm ĩ. Bố mẹ kêu ca, nhắc nhở thì con cười phân trần, mẹ thấy đấy chỉ khi nào chơi game phấn khích con mới gáy, cũng phải để con gáy tý chứ :P. À, còn vụ uống rượu không chớp mắt nữa chứ, được cái chỉ là trong những bữa ăn đặc biệt của gia đình thôi. Cho phép, nhể :P.

Tối qua HN có thêm một ca, tòa nhà 88 Láng Hạ, cách nhà mình chưa đầy 1km. Chả biết rồi Tết có được đi đâu không. Mình thì thấy ở nhà cả chục ngày cũng okie. Mình sẽ tranh thủ đọc thêm đủ thứ, trang bị thêm những kiến thức cần thiết. Một cái Tết sống chậm cũng có sao đâu!

02 tháng 2 2021

NHẬT KÝ NĂM THỨ HAI COVID_01

Thế là đã hơn một năm qua, kể từ cái tối 23/1/2020, mình và mẹ cùng Q. và bọn trẻ ngồi bên bếp lửa, đọc tin tức về Vũ Hán. Hình ảnh tivi những ngày Tết năm ngoái đưa tin về những ca “viêm phổi lạ” đầu tiên. Một năm thật đau thương. Mình nhớ mình đã lặng lẽ rơi nước mắt khi mẹ bác G. mất và bác ấy chỉ có thể ngồi nhà dự đám tang qua Zoom. Rồi đến lượt bố chồng A. ở New Zealand vào viện trong khi hai anh chị ở Úc. Mà anh ấy là con trai duy nhất chứ. Kết cục là chồng A., sau rất nhiều thủ tục, giấy tờ bay sang được New Zealand và mới qua được một tuần cách ly, vẫn còn phải cách ly thêm 1 tuần nữa thì ông cụ đã mất, không đợi nổi con. Đám tang được tổ chức sau đó 2 tuần, khi anh I. ra khỏi trại và lo được mọi việc, còn chị A. ngồi dự đám tang qua Zoom. 

Biết bao thay đổi từ đầu tháng 5 đến giờ. Hết đợt dịch này đến đợt dịch khác, những con số giờ chỉ còn là những con số lạnh lùng, con người dần trở nên vô cảm trước quá nhiều nỗi đau. Mình hay bảo với chị A. và cả bọn trẻ, chúng ta thuộc nhóm người may mắn khi chúng ta có nhà cửa ấm áp và không phải lo bữa ăn hàng ngày. Công việc của mình không ảnh hưởng gì nhiều, chỉ là chuyển từ làm việc trực tiếp sang online, nhưng lương thì vẫn lĩnh. Cả năm nay nhà mình không đi nghỉ đi chơi đâu cả, có thời gian là về thăm ông bà. Đợt mùa hè dân tình đi ầm ầm thì các bạn nhà mình vẫn mải miết học và những kế hoạch riêng. Vả lại, chỉ nghĩ đến những địa điểm du lịch chen chúc, đi lấy được ấy mình đã thấy hãi. 

Trận dịch bùng lên mấy ngày trước làm đảo lộn mọi kế hoạch Tết. Thấy khả năng được nghỉ Tết sớm, cún bảo con muốn về với ông bà, mình ngăn ngay, mẹ không dám chắc con đi được. Chúng ta là những người trẻ khỏe, nhỡ có bị dính cũng không sao, nhưng mình phải giữ gìn cho ông bà, không về với ông bà là vì thế. 

Đến tối CN thì thông tin về cậu sinh viên FPT dương tính được thông báo rộng rãi. Con trai được yêu cầu ở nhà, hạn chế ra ngoài. Ngày thứ Hai mình cũng làm việc ở nhà khi chưa rõ cậu con trai có thuộc diện F nào không. Nhưng rất nhanh chóng đã rõ là con trai không có bất kỳ mối liên hệ nào với bạn kia. Sinh viên FPT học ở phòng cố định, cậu kia cũng không tham dự mấy sự kiện đông người nên cuối cùng chỉ có hơn 50 người tiếp xúc gần. Tuy thế, Tuấn vẫn còn một cậu bạn vì ở lại ký túc xá hôm cuối tuần nên giờ bị nhốt trong đó luôn rồi. Đến cuối ngày rủ con trai ra ngoài đi bộ một lát, chàng làm bộ nghiêm túc, No no, con đang tự cách ly. Không những thế còn bắt nạt mẹ, mẹ mua hộ con cái này cái kia, mình lườm, con tự đi chứ sao lại cứ nhờ mẹ thế. Không không, con đang tự cách ly mà, ặc ặc. 

Hôm nay mình quyết định lên văn phòng và hình như khiến một số người sợ, đăng ký làm ở nhà 😊. Mình bảo bọn trẻ, ở nhà mẹ bị bạo hành quá, mẹ lên văn phòng làm việc đây. Chàng trai cười cười, ôi con bị tổn thương quá 😊 Ngoài những giây phút tình cảm hiếm hoi, hai anh em luôn chiến đấu với nhau. Và bạn cún thì đang ở tuổi nổi loạn, làm mẹ hết sức đau đầu. Đã mấy hôm nay con gái luôn giữ một bộ mặt bánh đa nhúng nước, có lúc mẹ hỏi cũng không thèm trả lời, hoặc trả lời cụt ngủn, có, không, con không biết, vâng, đại để vậy. Mình ngơ ngác hỏi Dad và con trai, không biết em cún có vấn đề gì nhỉ. Tuấn không bỏ lỡ cơ hội, xông vào bá vai mẹ cười kiểu chọc ngoáy, đấy mẹ thấy chưa, mẹ quá chiều em, giờ em chả coi mẹ ra gì, không thể nào chấp nhận được. Hầu như cứ khi nào chàng trai mở miệng là mình không thể nhịn cười nhưng vẫn phải cố giải thích cho cậu con trai, em đang tuổi nổi loạn, con nhường nhịn em đi, bố mẹ cũng đã từng chịu đựng con như thế khi con ở tuổi đấy đấy. Một hôm chưa lâu, khi cả hai anh em đều được nghỉ, giữa giờ thấy cún gọi điện cho mẹ và khóc, bảo anh Tuấn trêu con. Gọi cho con trai, con trai bảo, con chả làm gì em cả, con xuống bếp, thấy em đang đang ăn, con hỏi em đang ăn à, thế là em mang bát ra phòng khách ngồi, con hỏi em ăn mì gì thế, thế là em khóc. Mình nghe giọng tỉnh bơ của nó mà bực, bảo con lại hỏi đểu em chứ gì. Đểu gì mà đểu, chỉ có hai câu thế thôi, mẹ thử hỏi đểu xem có được không. Nó làm mình phì cười. Mẹ chốt, chỉ có hai anh em ở nhà, em khóc là tại con. Được rồi, đã thế con xuống đấm em một quả cho bõ mẹ bảo vì con. Ặc ặc, những trận chiến không bao giờ dứt. 

Trong bữa cơm tối qua, hai bạn đã thống nhất rằng cún sẽ nấu nướng bữa trưa, còn anh Tuấn rửa bát. Tuấn lại cười cười rất đểu, con sẽ hỏi em ăn mì gì. Ôi ôi, bạo hành tinh thần mẹ với những trò xị mặt và trêu nhau thế này thì mẹ cần tránh đi là đúng quá rồi.