31 tháng 12 2019

NHỮNG KỶ NIỆM THỜI HỌC SINH_THANH XUÂN


Với số điểm thi đại học tương đối khá, mình là 1 trong số 7 sinh viên năm đó của trường ĐHSP NN được gửi đi học nước ngoài, tất cả đều là đi Nga. Với gia đình nhà mình, đó là một niềm vui vô cùng lớn. Chủ nghĩa lý lịch đã vào hồi thoái trào chứ nếu còn nặng nề thì chắc cũng chẳng đến lượt mình. Hôm nhận giấy báo cả đêm bố không ngủ được. Bố đi ra đi vào, mừng đến phát khóc vì đã có đứa con giờ sẽ học thay cho bố, “đi máy bay thay cho bố mẹ”.

Đầu năm 89, trong khi đám bạn nhập học vào Khoa Anh và Khoa Nga thì mình nhập học bên Khoa lưu học sinh của trường ĐH NN, ngày đó bọn mình gọi đơn giản là Thanh Xuân. Khoa Lưu học sinh năm đó có hơn 400 học sinh, quá nửa học tiếng Nga để đi Nga, số còn lại sẽ đi các nước Hung, Bun, Đức, Tiệp… Đám thi đại học bằng khối C và D được chia vào học ở 3 lớp – C1, C2, C3, trong khi đám thi đại học bằng khối A được chia vào các lớp A. Khoa Lưu học sinh thực sự là nơi tập hợp những sinh viên ưu tú nhất trong mọi lĩnh vực, từ học thuật đến nghệ thuật và mình đã được biết những người thật giỏi giang. Lớp C1 của chúng mình là một tập hợp những người sẽ học các ngành rất đa dạng – ngôn ngữ, quân sự, mỹ thuật, luật… Một số đứa tụi mình học chuyên Nga đã 3 năm thì việc học tiếng Nga ở khoa dự bị giống như một trò thư giãn, chả khó khăn gì. Trong khi đó những người thi đại học bằng khối C, giờ mới bắt đầu học tiếng Nga thì thật vất vả. Không đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ cũng có nghĩa không được đi học nên ai cũng phải cố gắng hết sức. Dù tiếng Nga đã khá hơn rất nhiều so với các bạn trong lớp, mình vẫn là đứa chăm chỉ. Ngày ngày miệt mài học và tối lại lên thư viện. Lớp học bọn mình trên tầng 3 ở tòa nhà D2. Khoảng sân trước tòa nhà đó trồng rất nhiều cây trúc đào, trong bức ảnh chụp cả lớp ngày đó, mình mặc chiếc áo màu xanh có những chấm nhạt và chiếc quần màu trắng, tóc xõa ngang vai. Mình và Th., cô bạn ngồi cùng bàn đã có màn trao đổi thơ với một người nào đó, nhiều khả năng một chàng sinh viên, suốt một thời gian dài. Bọn mình để lại một đôi câu thơ, và người kia họa lại. Chẳng cố tìm hiểu đó là ai, trò chơi dấu mặt đó kéo dài một thời gian. Cô bạn mình ngày đó khá thân thiết, mình hay lên phòng bạn chơi, một chiếc phòng xép chỉ 2 người chứ không phải phòng tập thể 12 người như bọn mình, giờ bạn ở phương nao? Nhớ một buổi chiều nào đó, từ ô cửa sổ bé xíu phòng bạn mình cố dõi theo một bóng dáng thân quen đi dưới bóng những cây xà cừ to trên con đường ra cổng.

Anh Ch., người đã cùng mình, anh D. và bạn L. lên thư viện học cùng nhau biết bao buổi tối, giờ ở một phương trời xa tít và thật may bọn mình vẫn giữ được những kỷ niệm trong sáng vô cùng đẹp đẽ của cái tuổi đôi mươi đấy. Mình sẽ chẳng thể nào quên một ngày mùa đông 89-90 ấy, anh chở mình bằng xe đạp suốt đoạn đường đi chùa Thầy. Đêm Giáng sinh, cả đám rất đông bọn mình cùng nhau đi nhà thờ Phùng Khoang, dự hết cả lễ nửa đêm mới về. Và buổi liên hoan Giáng sinh làm mình cứ ngơ ngẩn mãi với món quà của một bạn phòng 418.  

Cuối năm đó bọn mình có một kỳ thi quan trọng. Mặc dù khi thi đại học thường dân khối Đ thi Sư phạm hoặc ngôn ngữ tiếng Anh hoặc tiếng Nga, kỳ thi này cho phép bọn mình được chọn lại ngành. Những ngành năm đó đưa ra là tiếng Ả rập, tiếng Indonexia, Đông phương học và tiếng Nga và ngôn ngữ văn học Nga. Bọn mình miệt mài chuẩn bị cho kỳ thi đó. Điểm của mình tốt, 19 điểm/2 môn, cộng thêm điểm ưu tiên mình được 20.5, chỉ đứng sau mỗi cô bạn H. được 21 điểm. Thuộc diện được chọn ngành trước, mình cân nhắc rất nhiều giữa học tiếng Ả rập, Indonexia hay Đông phương học, cuối cùng mình chọn học tiếng Ả rập, với tư duy vô cùng đơn giản – thứ gì hiếm thì quý – mà ngày đó những người Việt học tiếng Ả rập quả thực đếm trên đầu ngón tay.

Một năm học Thanh xuân trôi qua rất mau, với biết bao kỷ niệm. Có lẽ đây là năm học với nhiều những kỷ niệm ngọt ngào nhất cuộc đời mình. Việc học khá nhẹ nhàng, và mình biết thêm khá nhiều bạn mới, bao gồm cả một số các fan hâm mộ mà giờ nghĩ lại vẫn xao xuyến với những điều ngọt ngào nho nhỏ dù rằng mình chưa có người bạn trai nào theo đúng nghĩa suốt cả năm học đó. Hay vì mình chưa có bạn trai nên cuộc sống của mình mới nhiều màu sắc như vậy?

Tạm biệt Thanh xuân, tạm biệt một năm đầy kỷ niệm, những kỷ niệm của một thời thanh xuân, như sương, như khói. Nhiều khi tưởng như đã quên, nhưng thật ra những kỷ niệm đó chỉ nằm ở một nơi thật sâu trong lòng, chờ thời điểm thích hợp để bỗng dưng ùa về, như mình đã có một “"chiều nao thấy hoa cười". Và chiều nay, một chiều cuối cùng của năm, sao bỗng dưng nhớ đến thế những ngày tuổi xuân, những người bạn, những kỷ niệm tuổi xanh!


Tạm biệt một năm êm đềm, đẹp đẽ đến vậy, mình nào có thể hình dung cuộc sống đang dành cho mình vô vàn những bất ngờ, khó khăn ở phía trước. Nhưng trước mắt là hơn hai tháng hè đầm ấm với gia đình, trước khi cuộc sống quăng mình vào một nước Nga trong cơn khủng hoảng, và cơn trọng bệnh của bố mà mẹ đã phải gồng mình đến thế nào để chèo chống gia đình vượt qua!



26 tháng 12 2019

NHỮNG KỶ NIỆM THỜI HỌC SINH_THÁNG NĂM CHUYÊN NGỮ (Tiếp)

Nhà bác Quang ngày đó ở dãy nhà K16, khu tập thể Trương Định. Đó chỉ là một căn phòng nhỏ, rộng có lẽ chỉ 10m2, nằm trên tầng 2 của dãy nhà lắp ghép hai tầng. Những tấm gỗ cầu thang ọp ẹp dẫn xuống một gian bé tý xíu lợp giấy dầu làm chỗ đi vệ sinh, tắm rửa. Và ở bên ngách là một phòng cơi nới, rộng chỉ vài m2. Anh Lân và bác ở gian phòng cơi nới bên dưới, mình được ưu tiên ở gian phòng tử tế trên tầng 2.

Từ nhà bác Quang có hai cách để đi vào trường mình. Cách thứ nhất là đi ra đường Trương Định, rẽ sang đường Đại La, sau đó đi tiếp hết đường Trường chinh, hay còn gọi là đường Tàu bay, rồi vào đường Láng - ngày đó còn đầy những mảnh ruộng trồng rau húng - hết đường Láng thì đi vào đường Cầu giấy và cuối con đường đó là trường mình. Có thể đi tắt một đoạn, đó là từ khu tập thể Trương Định đi qua cây cầu khỉ sang đường Giải phóng, ngược lên ngã tư Vọng rồi từ đó vào đường Tàu bay. Nếu đi tắt thì gần được hơn 1km, có lẽ thế. Đấy là đoạn đường mình đã đi học suốt cả năm học lớp 12. Nghĩ lại, mình không thể hình dung nổi. Đoạn đường dài tới 13-14km. Ngày nào anh Lân cũng dậy rất sớm nấu cơm để mình và anh cho vào cặp lồng mang đi học, đi làm – em đi vào tận Cầu Giấy, anh thì xuống Văn Điển. Món ăn thường xuyên của hai anh em là lạc rang muối, mà hai anh em hay gọi đùa là chả lăn, cộng thêm một món rau nào đó, mùa đông thường xuyên là bắp cải xào. Chắc anh Lân dậy từ 4.30, vì mình phải đi học rất sớm, ngày nào cũng phải ra khỏi nhà trước 6h sáng, hôm nào trực nhật chắc còn sớm hơn nữa. Mình còn nhớ vào những ngày mùa đông mình đạp xe đến tận Ngã tư Sở trời mới tờ mờ sáng. Một thời gian sau khi ra ở ngoại trú thì mình kết bạn với H.Th., cô bạn bây giờ đã là một sếp lớn của ngành ngân hàng. Mình và H.Th ngày nào cũng chờ nhau ở chỗ cống Mọc và hai đứa vừa đạp xe song song vừa ôn bài với nhau suốt đoạn đường còn lại.

Buổi trưa, cùng một vài đứa bạn cũng ở ngoại trú như vậy tụi mình lôi cặp lồng cơm lạnh ngắt ra ăn. Bây giờ thì nuốt không nổi nhưng ngày đó chả kêu ca gì, thậm chí bọn ở nội trú nhiều khi còn xin vài hạt lạc của tụi mình, nắc nỏm khen ngon nữa. Câu chuyện thỉnh thoảng mình và anh Lân hay kể lại cùng nhau là một hôm anh Lân mang trứng đi ăn, anh đồng nghiệp cùng phòng xuýt xoa, hẳn một quả trứng cơ à, sang thế 😊

Dù căn phòng nhỏ như vậy, từ thời cô Huệ đã trồng một giàn thiên lý và khi anh Lân tiếp quản ngôi nhà thì giàn hoa vẫn còn đó. Mình còn nhớ những buổi chiều đầm ấm, hai anh em hái hoa thiên lý, thậm chí khi chưa có hoa thì còn hái cả những chiếc lá non để nấu canh. Và từ nhà bên văng vẳng vọng sang câu hát, Đêm đêm ngửi mùi hương, mùi hoa sứ nhà nàng. Anh Lân khi đó đã đi làm nhưng vẫn chăm chỉ học lắm, tối tối phóng xe đi học thêm tiếng Anh. Rồi có hôm còn khoe với mình anh dịch mấy câu thơ tiếng Anh này, lâu quá mình chả còn nhớ gì, nhưng nhớ là mấy câu thơ về cây thông. Việc học hành như vậy về sau giúp anh Lân có khá nhiều cơ hội xin các khóa học bổng ngắn hạn và công việc cũng rất tốt.

Lên lớp 12 bọn bạn cùng lớp học thêm như điên. Bọn ở ngoại trú càng đồn thổi thầy cô này kia dạy hay, đua nhau đi luyện. Mình học thêm rất ít, duy nhất mỗi môn văn, vẫn là của cô Th. Những hôm phải học thêm mình về rất muộn. Đường Láng ngày đó hình như còn chưa có điện đường, bọn mình, thường chỉ có 2 đứa con gái, cắm cúi đạp xe qua cả đoạn đường dài khá tối với những cây xà cừ to đùng, tỏa bóng đầy hăm họa.

Mình không còn nhớ nhiều về những tháng ngày ôn thi đó, chỉ nhớ mình miệt mài ôn luyện Toán theo 2 cuốn bộ đề mà hình như năm đó mới ra. Mình cũng không thức đêm hôm nhiều, trong khi một cô bạn cùng lớp tên là H. thường kể về chuyện bạn ấy thức đêm thức hôm thế nào, rồi kiệt sức và nhắm mắt ngủ toàn thấy quan tài bay lơ lửng. Bọn khác bảo, con H. toàn bốc phét. Của đáng tội, H. thi đại học điểm hoàn toàn toàn bình thường.  

Đến ngày thi, anh Thanh (anh của anh Lân), xung phong đưa mình đi thi để mình đỡ mệt. Anh mượn được một chiếc Babeta – mà ngày đấy nhà mình gọi đùa là Ba bét nhè – chở mình đi trong 2 ngày thi.
Kết thúc một năm học gian truân, ngày nào cũng đạp xe gần 30km dưới trời lạnh khi mùa đông, nóng lúc mùa hè, không kể những hôm mưa to gió lớn chỉ có mảnh áo mưa buộc túm lại. Và cứ tự giác học hành như điên. Bố mẹ ở xa, nào có ai hỏi chuyện bài vở mình bao giờ. Mà nghĩ lại, ngày đó mình chả mảy may nghĩ mình vất vả, cứ hồn nhiên sống, hồn nhiên học như một lẽ thường vậy thôi.

Mình đã được đền đáp xứng đáng. 10 điểm Toán (Khóa thi năm đó của trường ĐHSPNN chỉ có 2 điểm 10 Toán), 7 điểm Văn và 8 điểm tiếng Nga. Tiếng Nga thì hơi tệ, học chuyên mà được có 8 điểm, trong khi đó điểm tiếng Nga tính hệ số 2. Nhưng dù sao đó cũng là một thành tích tốt. Mình được 33/40, đứng khá cao trong bảng điểm của trường và được đi Nga học. Ngày đó chưa dùng chữ “được học bổng”. Được đi học mang nghĩa được nhà nước đài thọ hoàn toàn mọi chi phí đi học.

Kết thúc những năm tháng chuyên ngữ với biết bao kỷ niệm. Bây giờ con trai thỉnh thoảng cười cười trêu, ngày xưa mẹ được 10 điểm Toán thi đại học, thế bây giờ mẹ còn nhớ gì không. Những lúc như vậy mình bảo cậu, mẹ không nhớ rất nhiều điều trong Toán, nhưng mẹ tin những bài học ngày đó đã cho mẹ cách tư duy để mẹ học tiếp về sau, đã giúp mẹ trở thành con người như ngày hôm nay.

Dù đã phải sống cuộc sống hoàn toàn tự lập, xa bố mẹ từ năm 14 tuổi. Dù đã đói ăn, vất vả biết bao nhiêu, giờ đây, mỗi khi nhớ về quãng thời gian chuyên ngữ, trong mình chỉ còn lại những kỷ niệm ấm áp. Và chuyên ngữ chính là nấc thang để giúp mình đi tiếp những bước về sau. Nếu không học chuyên ngữ, nhiều khả năng mình cũng giống các chị, ở lại Sapa, lấy chồng Sapa, được bố mẹ đẻ/bố mẹ chồng cho miếng đất và nhiều khả năng giờ cũng giàu lên vì đất. Dù thế, mình rất thật lòng mấy lần bảo mẹ, nếu con ở lại Sapa, làm bà chủ khách sạn và có trăm tỷ thì con cũng không đánh đổi cuộc sống của con bây giờ dù con chỉ có ít tiền.


Tạm biệt chuyên ngữ. Mình đang vô cùng náo nức trước cả một tương lai rộng mở. Nhưng trước mắt sẽ là một năm học dự bị ở Thanh Xuân, nơi mình đã gặp người bạn trai đầu tiên với những kỷ niệm vừa ngọt ngào, vừa đau đớn. Và đó cũng là nơi mình gặp người không phải là bạn trai ngày nào nhưng để lại những ký ức không thể quên. Có phải vì nơi đó tên là Thanh Xuân mà nó đã lưu giữ của mình nhiều kỷ niệm đến vậy, để mỗi khi nhớ lại, lòng chẳng thể nguôi yên!

NHỮNG KỶ NIỆM THỜI HỌC SINH_THÁNG NĂM CHUYÊN NGỮ (Tiếp)

Những chiều mùa đông, gió lùa hun hút. Sau giờ học, cả lũ vội vã xuống nhà ăn sớm để còn được bát cơm nóng, rồi đóng cửa tránh gió lùa, ngồi trên giường đút chân vào chăn để học bài. Khổ nỗi chỉ một lúc sau bữa ăn thì bụng lại réo như thường. Hai lưng cơm chấm cơm chẳng giúp bọn đang tuổi ăn tuổi lớn no được. Trong tình trạng đó chả mấy đứa có thể ngồi yên học bài được. Thế là cả bọn bắt đầu kể về những món ngon đã từng được bố mẹ cho ăn. Rồi lôi lọ muối vừng, lọ sườn băm hay bất cứ món dự trữ nào hiện có ra để nhấm nháp. Thường sau 7.30 thì mấy cô nhà bếp sẽ đi bán vài món quà vặt. Với những buổi tối mùa đông lạnh lẽo thì những món quà đơn sơ như khoai lang luộc, sắn luộc, bánh mì (tất nhiên không kẹp bất cứ thứ gì cả) đều làm bọn mình ứa nước bọt. Mùa hè thì món phổ biến hơn cả là chè đỗ đen. Nhưng bọn mình cũng chả thường xuyên mua, vì tiền tiêu vặt bố mẹ cho rất ít, quá tay một chút cũng có nghĩa sẽ phải hy sinh nhiều thứ khác hoặc vay mượn bạn bè.

Một số lần, những chiều đông chỉ se se lạnh, lũ chúng mình vượt qua đường cái, sang những mảnh ruộng phía bên kia đường, mà ngày nay là bên kia đường Phạm Văn Đồng, hái những mớ rau dại về nấu bát canh. Tất nhiên là canh suông, chẳng có một thứ gì, nhưng đối với bọn mình vẫn thật ngon.
Một năm học cứ thế vèo vèo trôi qua rất nhanh. Mùa hè lại có nỗi khổ khác. Điện không có, nên tất nhiên quạt là khái niệm xa xỉ. Mình không còn nhớ nhưng G. kể chuyện mấy đứa gác tấm dát giường lên cửa sổ và thành ban công phía đằng sau, nằm ngủ cả đêm cho mát. Trời ạ, phòng bọn mình ở tầng 4, làm sao lại có thể ngủ như thế cả đêm mà không xảy ra chuyện gì.

Những ngày học thi tụi mình hay sang bên trường Sư phạm, ngày đó gọi là trường 1. Nơi bây giờ vẫn còn lại ngôi chùa nằm giữa sân trường ĐHSP thì ngày đó hết sức vắng vẻ, xung quanh chùa là con đường nhỏ, mương nước và hàng nhãn. Tụi mình ngồi ôn thi dưới hàng nhãn cả buổi, tự học thuộc lòng rồi truy bài nhau. Những chú ve kêu ran ran, đến nhức óc, và ở cuối con đường từ trường ĐH SP NN ra cổng, mấy cây phượng nở đỏ rực. Bọn mình chép thơ vào sổ, vương vấn mãi những câu kiểu như “Quay đi không dám nhận/Chùm phượng thắm thế kia/Bạn hiểu cho khi ấy/Xung quanh đông lắm kìa”.

Một sự kiện lớn trong nhà mình là khi mình học lớp 11 thì chị Vân lấy chồng, vào khoảng tháng 9/1987. Đối với mình, đó là một sự kiện rất lớn. Muốn về dự đám cưới chị lắm mà không biết làm sao. Buổi tối mình cùng cái H. đánh liều sang nhà cô Việt xin nghỉ, chả hiểu sao tay mình khi đó cầm mỗi cái lược, còn vài đồng tiền lẻ có lẽ nhét trong túi. Xin được cô xong thì phải ra ga tàu ngay nếu không thì sẽ muộn. Không còn nhớ gì nhiều nhưng ngày đó mới thay đổi, và ga tàu khá gần trường mình. Mình về cưới chị như vậy, trong tay có mỗi cái lược, không quần áo, túi xách mang theo 😊. Tận bây giờ mẹ vẫn hay kể chuyện đám đưa dâu đi thì mình lại phải về trường đi học. Con bé ngày đó mới 15 tuổi, và chuyện đi lại của cái thưở cách đây hơn 30 trần ai đến cỡ nào.

Hai năm ở tập thể trôi qua vèo vèo với biết bao kỷ niệm. Rất nhiều niềm vui nhưng cũng có những rắc rối. Phòng tập thể 14 đứa con gái tuổi teen, không có mới là chuyện lạ. Đến đầu năm lớp 12 mình xin bố mẹ được về nhà bác Quang ở, với lý do mình muốn được tập trung học. Bố mẹ đồng ý và sắm cho mình một chiếc xe đạp để mình tự đạp xe đi học hàng ngày. Bắt đầu một quãng thời gian mới với bao điều đáng nhớ khác.

NHỮNG KỶ NIỆM THỜI HỌC SINH_THÁNG NĂM CHUYÊN NGỮ


Dù vào được chuyên ngữ, rõ ràng xuất phát điểm của mình thấp hơn rất nhiều bạn lớp B (lớp dành cho học sinh vùng đồng bằng) và lớp C (toàn các tiểu thư công tử của các gia đình có điều kiện ở Hà Nội). Mình được có 9 điểm – 2 điểm văn và 7 điểm toán, so với điểm đầu vào của lớp B hình như 11, và lớp C chắc còn cao hơn tương đối. Ý thức về điều đó, mình rất chăm chỉ học. Mình và M., cô bạn cùng giường tầng, nấu ăn sáng cùng nhau, cùng nhau lên giảng đường học bài. Bọn mình rất ngoan ngoãn, chăm chỉ, có đôi phần lặng lẽ, ít tham gia vào các cuộc tán phét, nghịch ngợm tập thể mà ở đó luôn có rất nhiều nói tục chửi bậy. Chả thế mà một năm – có lẽ cuối lớp 11-12 gì đó, trong cuốn sổ đoàn viên của mình bạn bí thư lớp ghi nhận xét “còn chưa thực sự hòa đồng”. Trong gia đình nhà mình các từ chửi bậy, nói tục không hề xuất hiện, thậm chí việc gọi con cái là mày tao cũng vô cùng hãn hữu, chỉ một đôi lần mẹ mình quá giận giữ mới dùng đến từ đó, nên ngày đó và mãi tận về sau nói tục là một thứ hoàn toàn xa lạ với mình. Chà chà, nếu nói tục là một tiêu chí đánh giá sự hòa đồng thì giờ mình ngon rồi. Thời làm cho bộ Dục mình xì chét đến mức nhiều khi rất cần văng tục cho đỡ điên, giờ thỉnh thoảng vẫn văng những lúc bực lên, tất nhiên không phải trước mặt bọn trẻ, hoặc theo cách tao nhã, ví dụ như Dm thì hét lên rê thứ chẳng hạn :P.

Tối tối mình và M. thường lên phòng học – là khu nhà lắp ghép cũ của chuyên ngữ học bài. Thời kỳ đầu còn chưa có điện, bọn mình mỗi đứa mang theo một chiếc đèn dầu bé tý. Từ ký túc xá lên chỗ phòng học chẳng xa xôi gì, vài bước chân. Nhưng buổi tối và vào cái thời chưa có điện đó thì cũng là vấn đề. Một vài lần có mấy chị lớp trên, rồi cả mấy đứa lớp mình, chùm tấm khăn trắng đứng nấp ở cầu thang/hành lang dọa ma, sợ chết khiếp. Một thời gian sau thì có điện. Lớp học, ký túc xá sáng sủa hơn nhiều, cuộc sống bọn mình cũng bớt phần tăm tối.

Mình không còn nhớ việc học ở chuyên ngữ có khó không, nhưng bây giờ mỗi lần gặp lại bọn bạn cùng lớp vẫn kể mình là tấm gương ngoan ngoãn, chăm chỉ và học giỏi thế nào. Và lôi chuyện những đứa học kém, với những đoạn văn đã trở thành “huyền thoại” của chuyên ngữ ra kể lại, cười nghiêng ngả. Nào là chuyện “canh gà Thọ Xương rất ngon”, “các thầy cô chuyên ngữ đã cho chúng em một chiếc gậy”… Một đôi lần hiếm hoi mình cũng bị điểm kém, mà đáng nhớ nhất là một lần điểm dưới trung bình môn Hóa. Mình còn nhớ mình đã đau khổ vì nó đến như thế nào, như thể đó là một thảm họa vô cùng khủng khiếp vậy. Đôi lúc mình cũng gây ra một số rắc rối nho nhỏ. Đó là một giờ văn, cô Th. đang thao thao giảng về việc bác về đến biên giới, cúi xuống hôn mảnh đất, mình cười cười thì thầm với cái D. ngồi bên canh, bác bị ngã xuống đấy. Chà chà, mới mười mấy tuổi, lại là cái đứa vốn ngoan ngoãn xưa nay, sao mình lại nghĩ ra thế nhỉ 😊. Cô Th. tra đến tận cùng, bắt mình đứng lên, dọa sẽ cho mình hạnh kiểm kém các kiểu. Con bé đứng cúi gằm mặt, lý nhí nhận lỗi nói chuyện riêng và những tội khác về nhận thức nữa :P. Khổ thân con bé Tết đó về nhà bò nhoài ra thu thập cánh hoa đào, phơi khô, đem lối lộ để cô làm nước dưỡng da. Thế rồi chuyện cũng qua.

Ngoài chuyện đó ra mình chả còn kỷ niệm gì đặc biệt về việc học. Nhớ mang máng là mình học khá, các bài kiểm tra chung toàn khối điểm mình luôn khá cao, nhưng trong mắt các thầy cô mình không hề nổi.

Ngày đó chúng mình học cả thứ Bảy, vậy nên cuối tuần chỉ có một ngày Chủ nhật. Cứ buổi chiều thứ Bảy khu ký túc xá vắng vẻ hẳn vì nhiều đứa sẽ đi thăm, ăn chực bữa cơm ở nhà họ hàng. Những đứa ở lại nghĩ đủ trò tiêu khiển ngày thứ Bảy. Một trong những trò đó là hát. Một bài hát được yêu thích nhất của tụi mình ngày đó mà bây giờ mình không thể nào tìm được trên mạng mình còn nhớ mang máng như sau:
“Xuống phố chiều nay ta đi trong nắng hanh
Náo nức người đi như con sông chảy quanh
Đường phố cũng vui hơn vì chiều nay thứ Bảy
Và em cũng vui hơn vì lòng em có anh”

Rồi những bài khác vẫn còn đọng lại trong mình như “Hát trên nông trường cao nguyên”, “Mây lang thang”, rồi cả “Hỏi người còn nhớ đến ta” của Hoàng Thi Thơ nữa chứ 😊. Viết những dòng này, mình nhớ lại hình ảnh bọn mình ngồi trên giường, đập tay ầm ầm xuống giường hát toáng lên “Xuống phố chiều nay ta đi trong nắng hanh”. Và biết bao những kỷ niệm thân thương của một thời cứ thế tràn về!