16 tháng 9 2015

NHỮNG KỶ NIỆM THỜI HỌC SINH_MỘT NĂM HỌC Ở SAPA

Vậy là bước vào năm học cuối cùng của cấp II, mình lại được bố mẹ chuyển về trường Tiểu học và THCS thị trấn. Chị Tú năm đó đã đi học xa nhà, chị Vân vừa tốt nghiệp, chị Kiều đang học năm giữa cấp III, ngày đó còn gọi là lớp 9, mà sau đó, lứa bọn mình, do vào đúng giai đoạn cải cách nên sẽ chuyển thẳng từ lớp 8 lên lớp 10. Em Thực thì học cùng trường với mình, khi đó mới bắt đầu vào cấp II.

Giống như các chị, một buổi mình đi học, một buổi giúp bố mẹ công việc. Rất nhiều việc cần phải làm. Xung quanh nhà là đám vườn đến mùa cần được cuốc đất, gieo trồng, lâu lâu phải nhổ cỏ. Mùa nào thức nấy, sau Tết thì gieo trồng ngô, đậu. Su hào hay cải sẽ trồng khi chớm lạnh, để rồi tận năm sau mới thu hoạch hạt giống. Trồng cây thuốc bắc cũng rất vất vả. Vào những năm 80 đó, Sapa là nơi cung cấp rất nhiều thuốc bắc, kể cả hạt giống thuốc bắc cho Hà Nội. Khu vườn sau nhà trồng bạch truật, tụi mình thường xuyên giúp bố mẹ làm cỏ, chăm nom. Bố mẹ còn làm cả một chiếc lều nhỏ để trông khu vườn đó. Quanh nhà là một số cây đỗ trọng mà lâu lâu bố sẽ lột vỏ phơi khô, và những đám đương quy. Ngay ngõ lại là những cây ngũ gia bì mà tụi mình hay đọc “uống ngũ gia bì ngủ li bì”.

Đi rừng lấy củi là một công việc khác. Nhà toàn con gái, không thể ngả những cây gỗ to, bọn mình sẽ vào rừng chặt những cây củi nhỏ, hoặc đi nhặt dăm, tức những mảnh lẻ người ta vứt lại sau khi đã hạ cây gỗ, bổ và lấy đi phần củi được sắp xếp đẹp đẽ. Bọn mình chả thấy vất vả mà chỉ thấy những buổi đi lấy củi rất vui, một đoàn trẻ lít nhít đi với nhau, vào rừng có thể nhanh chóng chặt những cây nhỏ, nhặt răm, rồi bọn trẻ con đôi lúc cũng được ưu tiên nhảy nhót trong rừng, tìm quả rừng để ăn hoặc chơi, dựng lều bằng những cây con, lợp lá cây lên đó. Dọc theo bờ suối, hoặc nhiều khi giữa rừng sẽ có những cây cổ thụ cao, chót vót trên cao là những chùm phong lan đẹp mê hồn (Chả thế mà về sau mình không thể nào mê nổi những bông hoa phong lan xứ nóng, màu sắc và cánh đều vô duyên, có thể thấy đầy ở sân bay Thái Lan hoặc Singapore…) Nhà luôn có mấy con lợn, tụi mình vào rừng lấy rau lợn, thường có rất nhiều dọc theo suối, nào là sun sún, tàu bay, rau gai, hoặc mót dây khoai lang. Cũng có hôm mấy chị lớn theo một đám bạn đi lấy cây chuối ở những bản rất xa, tít qua khu đội Một, rồi leo lên ngọn núi mà những hôm các chị về muộn, mình đứng ở đầu hồi nhà nhìn ra, có hôm thấy đám cháy le lói tít phía xa, ngóng các chị về, mong một hôm nào đó đủ lớn để mẹ cho đi theo các chị.

Mùa xuân đến, hoa cải nở tưng bừng. Cải xanh, cải mèo hoa màu vàng, cải trắng cải củ hoa màu trắng (Khi mấy bạn ở văn phòng rủ nhau đi chụp ảnh hoa cười, mình đùa bảo chị đã chụp ảnh hoa cải từ lúc còn cởi truồng. Nhưng vụ này là có thật, nhà còn giữ một bức ảnh bé tẹo, do bác Võ An Ninh chụp từ xưa xửa xừa xưa). Mình và chị Kiều mò lên hiệu ảnh chú Thọ chụp chân dung giữa những vườn cải đó, ảnh của hai chị em còn được treo làm mẫu mãi bao lâu sau. Thật tiếc, chả biết giờ những tấm ảnh đó đã biến thành cát bụi nơi nào, dù rằng mình còn nhớ thật rõ khuôn mặt mình trong bức ảnh đó, chiếc áo hoa mình mặc, nụ cười tươi roi rói của chị Kiều.

Đã từng có hai năm học lớp 3 và 4 trước đó tại trường Tiểu học thị trấn, khi mình thường xuyên khổ sở vì bị bọn con trai bắt nạt, giờ mình gặp lại một số bạn bè cũ. Lớn hơn nhiều, đã hay được khen duyên dáng, giờ bọn con trai không còn bắt nạt mình nữa. Vốn luôn là con ngoan trò giỏi, mình cũng lập tức đứng đầu lớp ở tất cả các môn, tranh vị trí vốn trước đó thuộc về hai cô bạn cùng xóm là Quế và Hiền. Chả còn nhớ bao nhiêu về việc học hành trong năm học đó, mình chỉ còn nhớ hình ảnh mỗi tối mấy chị em ngồi quây quần xunh quanh chiếc bàn to, giữa là chiếc đèn dầu và mỗi bên có 2 ngăn cho 2 chị em. Chị Tú đã đi học xa nhưng vẫn đọng lại trong mình hình ảnh chị ngày trước, chúa lười học, thường xuyên lén lút thập thò đọc trộm truyện, có hôm còn bị mẹ bắt. Chị Kiều thì rất thông minh, chả thèm học hành cẩn thận nhưng buổi sáng chăm chỉ ôn bài một chút là luôn đạt kết quả tốt.

Mình được nuôi dưỡng trong môi trường văn thơ từ trước đó, giờ lại gặp thầy Ninh, khi đó còn rất trẻ, dạy rất hay nên càng thích môn Văn hơn. Một hôm, trong giờ Văn, khi thầy đọc bài Con cá chột nưa (chưa được dạy), mình nói leo vài câu trong bài thơ và được thầy ngẫu hứng tặng cho một điểm mười. Vì các thầy cô khác ít để lại ấn tượng, mình chỉ nhớ mỗi thầy Ninh, không còn nhớ nổi tên bất kỳ một thầy cô giáo nào khác. Nhớ hình ảnh một buổi tối, đám bạn cùng lớp từ tận đội Một vào nhà hỏi một bài tập môn Hóa, cái môn mà mình luôn thấy rất thú vị, cứ như thể dạy làm phép màu, vậy mà mình vẫn dốt đến tận giờ J. Rồi một hôm nào đó bọn mình cùng nhau mổ ếch trong giờ Sinh học, và loáng thoáng những hình ảnh cắm trại, văn nghệ của các trường với màn trình diễn uốn dẻo của chị Kiều cùng đám bạn vô cùng ấn tượng.

Thi xong tốt nghiệp cấp II, hôm biết điểm khá cao, tất nhiên là đứng đầu huyện, được vào thẳng cấp III, mình đã vô cùng sung sướng nhảy chân sáo suốt quãng đường từ suối ông Mạc về nhà.


Chuẩn bị cho mình vào cấp III bố mẹ cân nhắc khá nhiều do mình là đứa nghiêm túc và rất chăm chỉ học hành. Chuyên Toán Hoàng Liên Sơn khi đó rất có tiếng, và vì bố mình đã từng học rất giỏi toán, đến mức khi chính thức làm nông dân rồi mà vẫn đặt mua dài hạn báo Toán học tuổi trẻ, bố muốn mình thi vào đó, ước mơ mình trở thành nhà toán học. Anh chị họ mình khi đó lại đang ở Yên Bái, dạy ở chính ngôi trường có lớp Chuyên đó. Vậy là đầu hè mình được đưa về nhà anh chị, ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp Chuyên Toán. Tình cờ năm đó trường ĐHSPNN thông báo rộng rãi về việc ưu tiên tuyển 01 lớp học sinh các tỉnh miền núi và 01 lớp học sinh khu vực đồng bằng cho trường Chuyên ngữ. Hai kỳ thi đang chờ mình trước mắt, những bậc thang số phận dần dẫn dắt mình bước vào cuộc đời với những ngã rẽ, bước ngoặt mà có lẽ đã được sắp đặt đã rất lâu từ trước. 

11 tháng 9 2015

“CÓ MỘT MÙA TRONG ÁNH SÁNG DIỆU KỲ”

Dù Piachigorsk là thành phố phương Nam, mùa hè cũng chả kéo dài hơn nơi khác là bao. Cuối tháng Tám, đầu tháng 9, những vòm lá xanh ngắt, thẫm lại, như thể bao nhiêu nhựa sống dồn hết lên đầu những chiếc lá trong những khoảnh khắc cuối, để rồi chỉ vài tuần nữa, hàng cây hoàn diệp liễu dọc theo con đường trước cửa trường mình sẽ khoác lên lớp áo hoàn toàn khác, óng ả vàng, óng ả chớm thu. Đó chính là khoảnh khắc mùa thu vàng mong manh. Khoảnh khắc “mùa hè rớt”.

“Có một mùa trong ánh sáng diệu kỳ
Sắc nắng êm như bầu trời không chói
Mùa hè rớt cho những người yếu đuối
Cứ ngỡ ngàng như mới sắp vào xuân”

Chép bài Mùa hè rớt của Olga Bergôn vào cuốn sổ tay từ những năm học cấp III, mình đã hạnh phúc đến chừng nào khi được chứng kiến “Những đàn sếu bay qua sương mù và khói tỏa/Trên Mạc Tư Khoa lại đã thu rồi”

Mùa thu vàng đầu tiên của Minsk qua mau, với con phố Rumianski gần quảng trường trung tâm cũng như toàn bộ thành  phố, công viên ấy khoác lên mình bộ cánh lộng lẫy. Không còn hương hoa nhài ngan ngát lúc đêm khuya mỗi khi tụi mình đi chơi về muộn, mà là hơi thở lành lạnh, báo hiệu những bông tuyết đầu mùa chẳng mấy chốc sẽ phủ trắng thành phố. Mùa thu vàng ấy ở Minsk, dù chỉ mỗi một năm dự bị ấy, cứ trở đi trở lại trong mình, như những mảnh ghép của bức tranh ký ức.

Dù vậy, những mùa hè rớt của Piachigorsk mới luôn khiến mình nao lòng. Đầu tháng Chín, có thể là muộn hơn chút, mới chớm thu nhưng trời đã bắt đầu trở lạnh. Thế rồi như trong một câu chuyện thần kỳ, một sáng nào đó mở cửa sổ, bầu không khí ấm áp tràn vào. Cùng với đó là một khung trời, một khối màu pha lẫn giữa vàng rót mật, bầu trời xanh ngắt và làn không khí trong veo. Mơ hồ thoảng đưa làn hương, mà có lẽ lẩn vào đó là hương những loài hoa chỉ nở một lần trong năm, chọn đúng dịp này để kín đáo khoe mình, nhẹ nhàng tinh tế chứ không đua tranh như những loài hoa rực rỡ đầu hạ.

Không gắn liền với câu chuyện cổ tích giống như kiểu nàng Bân đan áo cho chồng, “mùa hè rớt”, dịch đúng nghĩa đen sẽ là “mùa hè của những người đàn bà đứng tuổi”, một khái niệm không chỉ trong tiếng Nga mà cả trong tiếng Đức và một số ngôn ngữ họ Slalơ, phải chăng vì chỉ những người đàn bà mới có khả năng đem lại hơi ấm, cháy bùng kiểu như vậy, kể cả khi đã trải qua bao nhọc nhằn.

Trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, thành phố bừng sáng. Mọi người hối hả tận hưởng những ngày mùa hè cuối cùng. Tụi mình tranh thủ đi nướng thịt lần cuối trong năm bên bờ hồ hay trong rừng. Mở loa hết cỡ những bài hát Nga quen thuộc, nhóm lửa, nướng thật nhiều thịt. Rồi khi đã no say thì nằm dài đọc truyện hay ngủ. Những lúc như vậy, mình hay lang thang xung quanh. Vắng vẻ. Bầu trời lúc đầu buổi chiều và suốt cả ngày vẫn vậy, xanh ngắt một màu. Thảng hoặc những cụm mây côi lẻ loi lướt đi rất chậm, cứ như thể mãi chúng đứng yên một chỗ. Toàn bộ khu rừng tĩnh lặng, cả bầy chim hình như cũng đã trốn đi đâu. Loáng thoáng đâu đây những bông hoa dại còn sót lại. Trong khu rừng ở sâu phía trong nơi đấu súng, một chỗ quen thuộc của tụi mình, mình hay ngồi lên một tảng đá, lúc thì đọc cuốn truyện cầm theo, lúc khác lại mơ màng lắng nghe những âm thanh rất nhẹ của khu rừng.

Vừa mới đấy mà không thể nào hình dung nổi đã gần 20 năm trôi qua từ những “mùa hè rớt” vừa gần gũi lại vừa xa xôi ấy. Có hôm ngủ trưa dậy, mình giật mình thảng thốt, sao lâu lắm rồi tụi mình không lái xe luồn lách trong những khu rừng vắng lặng của ngọn núi Piatigorsk, đã lâu lắm không trèo lên đỉnh Bestau, và phải ít phút sau mình mới nhớ ra mình đang ở Hà Nội, nơi chẳng có ngọn Bestau nào cả, cũng chẳng có bờ hoa tử đinh hương ở sau ký túc xá, vào dịp đầu thu này chỉ còn những chiếc lá xanh thẫm, những bông hoa đã kết quả hay khô lại từ lâu. Cũng chẳng có những con đường rừng rợp bóng cây, bọn mình lang thang cả tiếng mà chẳng gặp một ai. Thỉnh thoảng có những điểm rất đẹp hay loài cây lạ, tụi mình lại dừng xe,  ngó nghiêng mãi.


Bất chợt một làn gió chớm thu sáng nay làm mình nhớ biết bao những mùa hè rớt xa xưa ấy. Những mùa hè tuổi trẻ, những mùa hè của “yêu thương, giận hờn, tha thiết, chia ly” đã ra đi mà sẽ chẳng bao giờ trở lại.

10 tháng 9 2015

NGÀY CON LÊN LỚP 4

Sau gần 2 tháng ở Sapa với bác và ông bà, được bác nhồi nhét, con lên tới 2.5 kg, gồm trả lại chỗ thịt đã bị mất đi trong chuyến đi Thái Lan đầu hè, và lên thêm 2kg nữa. Ngoài ra, con cũng cao bổng lên, vậy nên trở về nhà nhìn con lớn hẳn, chững chạc hơn nhiều.

Buổi đầu tiên đưa con đi học con vui lắm. Vẫn còn đôi chút luyến tiếc mùa hè hết sức vui vẻ và mát mẻ ở Sapa, nhưng niềm vui gặp lại bạn cũ chẳng mấy chốc đã lấn át nỗi luyến tiếc giờ đã trở nên xa xôi. Đã mong chờ, xin phép mẹ suốt từ đầu hè, con mời các bạn đến chơi ngày Chủ nhật, cũng là tổ chức sinh nhật của con. Con kêu ca chưa bao giờ con được mời các bạn đến sinh nhật tại nhà, vậy nên lần này phải “có sự khác biệt chứ”. Sự khác biệt mà con nói tới ở đây là con muốn mẹ cho các con ăn sushi chứ không ăn pizza như mọi khi. Và kèm theo món mì Ý. Rồi mua bánh sinh nhật, dù rằng lần này đã là lần thổi nến thứ tư của con, rải rác suốt từ giữa tháng Bảy đến giờ J. Cả ngày chơi với các bạn thật vui, dù rằng cũng giống mọi khi, không thể thiếu được màn xầm xì chuẩn bị đổ mưa, lần này là do các con chơi và làm mất một miếng nối quan trọng trong bộ lego lâu đài tuyết của Elsa.
Poster thiết kế cho buổi tụ tập :)
Cùng các bạn thổi nến. Có bạn đã về rồi, bạn Khánh Minh chiều mới đến rồi ngủ lại cùng con nên ở đây chỉ có mỗi ba bạn

Ngay khi lên đến Sapa, con đã đi mua vô khối quà cho các bạn trong lớp. Buổi đầu tiên đến lớp con chia quà hết lượt cho những người bạn thân thiết, Cô Ph., cô chủ nhiệm mà con mới gặp lần đầu cũng được nhận quà. Con khoe cô còn hỏi xin thêm con một chiếc túi thổ cẩm để cô tặng người bạn Hàn Quốc. Rồi con nhiệt tình mời cô khi nào đi Sapa nghỉ thì vào nghỉ ở nhà ông bà con. Ngay hôm sau khi mẹ và bác Ch. nói chuyện, khi kể cô Ph. làm chủ nhiệm lớp con, bác cười bảo biết rồi, rồi còn nói cô Ph. đã biết con có ông bà ở Sapa, mẹ ngạc nhiên quá, hỏi lại thì mới biết câu chuyện như vậy. Haha, vụ ngoại giao này thì con hơn đứt mẹ rồi. Tận tới bây giờ mẹ vẫn ngại ngần, không dễ dàng khi tiếp xúc với người lạ và cũng ít kết bạn. Rồi hôm sau mẹ Phương Trang kể với mẹ, con gái em bảo bạn Thùy Dương mời nhà mình đi Sapa nghỉ ở nhà ông bà bạn ấy, mời thật lòng ấy mẹ ạ. Con gái của mẹ, con đúng là thật ngọt ngào và thơm thảo, biết quan tâm và sẵn sàng chia sẻ.

Vì chuẩn bị về quê, mẹ đã bỏ lỡ buổi khai giảng của con vào sáng Thứ Bảy, thật tiếc. Dù vậy, hôm nào trên đường đi học hai mẹ con cũng có thật nhiều câu chuyện vui để kể cho nhau nghe. Con kể con thích cô H. dạy toán, cô hiền lắm, nhưng hóa ra cô chỉ dạy thay một buổi, còn cô dạy chính thức là cô Tr. cơ. Buổi học tin học đầu tiên hóa ra là chỉ tập đi ra đi vào mẹ ạ. Con đã để dép đúng rồi mà cô cứ bắt xếp đi xếp lại. Con được cô khen đấy, rồi con kéo mẹ lên lớp, mở sổ đầu bài chỉ cho mẹ xem những tiết nào con được khen. Con yêu cô  Ph. lắm, con đang rất mong đến ngày 20/10 để tặng quà cho con, mà món quà con chọn làm mẹ hơi choáng chút. Con yêu cầu mẹ đưa con đi mua cuốn Thiếu nữa đeo hoa tai ngọc trai để con tặng cô, vì con muốn tặng cô sách mẹ dich. Kakaka.

Năm nay lên lớp 4, con đã là anh chị, được phân công phụ trách các em trong sinh hoạt sao. Sao của con có 4 em, có một em bị tự kỷ. Con kể các em quý con, thích chơi với con thế nào và chiều thứ Sáu là buổi chiều rất vui với các em. Nhưng chẳng riêng chiều thứ Sáu, chiều nào cũng rất vui. Các con thường hay ngồi ở góc sân cỏ yêu thích nô đùa, và thời gian cuối thì thêm vụ tô màu nữa, cuốn sách mà cả đến mẹ cũng thích mê. Hôm qua khi mẹ trêu đùa hỏi con, thế năm nay con và Khánh Minh không tuyển vệ sỹ nữa à, con bảo, cần gì tuyển vệ sỹ nữa, bọn con còn tấn công cả vệ sỹ ấy chứ. Thời của Minh B hết rồi (Minh B là một bạn trai trong lớp, nổi tiếng nghịch ngợm và hay trêu bọn con gái), bây giờ là thời của bọn con gái đanh đá. Mẹ phì cười và bảo, thế cứ thản nhiên nhận mình là đanh đá thế con không thấy sao à. Nàng bảo, không, mình phải nói đúng sự thật chứ, quy y rồi không được nói dối. Kakaka. Buổi tối, sau vụ ngồi tập đàn trông hết sức dịu dàng, có thể làm tan chảy mọi trái tim, rồi khi mẹ ngồi đánh mấy nốt nhạc thì con nổi hứng lên múa theo và đòi đi học múa tiếp, chỉ sau ít phút nàng công chúa vụt biến thành một cô nương khác hẳn, bảo mẹ ơi xem con tập võ này. Con vung chân tay, đạp chân lên rất cao, bảo đấy, con phải tập hàng ngày cho dẻo, mẹ xem con đá lên cao chưa. Ặc ặc, con gái làm diễn viên được đấy. Ừ, mà mẹ vẫn nợ con vụ tìm chỗ nào cho con đóng phim đây.
Một niềm say mê nữa của hai mẹ con thời gian cuối đây. Con thường mang cuốn sách tô màu này đến lớp để tô vào cuối giờ, khi chờ mẹ đón. Đây là một trong những tác  phẩm của hai mẹ con.

Một buổi tối, trò chuyện trước khi đi ngủ, con bảo, cả lớp con đang đồn ầm lên là G.B thích Kh.M đấy, rồi con kể tên 2 bạn trai khác thích hai bạn gái. Mẹ hỏi vậy có bạn nào thích con hay con có thích bạn nào không, con trả lời, không, may quá. Ừ, mẹ cũng thấy may. Mẹ dặn dò con các con còn bé lắm, chuyện đó là chưa cần thiết. Dặn dò vậy nhưng lòng mẹ thắt lại vì lo lắng. Con lớn quá rồi, chẳng mấy chốc sẽ rời xa vòng tay mẹ. Mẹ sẽ phải làm sao để mãi là bạn của con, để con luôn kể đủ mọi chuyện như thế này cho mẹ.

Chứng kiến con lớn lên hàng ngày, nhiều khi mẹ vẫn thấy ngạc nhiên là mình đã sinh ra một cô con gái đáng yêu như vậy và giờ con đã lớn thế này. Những câu chuyện trên đường con đi học hàng ngày luôn làm mẹ cười. Hôm qua con còn cập nhật cho mẹ truyện cười Vô va học tiếng Anh nữa chứ. Thỉnh thoảng bác V. nhắc mẹ không được khen con, sợ con sẽ tự kiêu. Mẹ thì không nghĩ vậy, mẹ chỉ muốn bày tỏ với con tình yêu của mình. Và mẹ thực lòng tự hào có một cô con gái như con. Làm sao mà không tự hào được cơ chứ, với một cô bé đáng yêu và tự tin đến vậy. Tối qua, khi mẹ đưa anh Tôm đến ra mắt thầy, con đòi đi cùng, còn chua thêm, để thầy biết mặt hot girl, em gái của hot boy chứ. Haha, đến đây thì dù óc tưởng tượng phong phú đến đâu mẹ cũng bó tay thực sự.
Chiến công cuối mùa hè của con đây, khi mẹ nói nếu con không thích trượt patan thì mẹ cho đôi patan đi cho khỏi phí vì sắp chật rồi, con nhiệt tình tập và chỉ vài hôm đã lướt được. Con rất sung sướng trượt ở ngõ nhà ông bà hôm cuối tuần vừa rồi.

08 tháng 9 2015

BƯỚC CÙNG CON_CON TRAI TRỞ THÀNH TÂN SINH VIÊN NHẠC VIỆN

Sau những ngày ôn thi miệt mài mà ngày nào con cũng tập đàn 3-4 tiếng, một ngày cuối tháng 6 mẹ đưa con đi thi. Tuấn Anh nhất thiết đòi đi cùng để cổ vũ tinh thần anh Sỹ Tuấn. Sau một hồi rất lâu đứng cùng con để chờ lấy phiếu vào thi, khi con đã vào phòng thi, mẹ và em ngồi trong quán cà phê đối diện nhạc viện, nhìn ra cái nóng rang rang của tiết trời tháng Sáu. Được cái chỉ chờ một lát thì con đã thi xong, vì khoa con chỉ có 9 bạn dự thi, mỗi người đánh vài bản nhạc ngắn. Ngay sau ngày thi mẹ tìm mọi cách hỏi điểm cho con. Chả hỏi được ai, vì nhà mình làm gì có các mối quen biết ở đó. Cô L. thì khăng khăng Sỹ Tuấn nhất định sẽ đỗ, cô đã đi cầu và xin được như vậy J. Một hồi thì cũng biết điểm, 8 điểm chuyên ngành và 8 điểm năng khiếu. Rồi đến đầu tháng 8 thì con có tên trong danh sách đỗ. Nhận tin con đỗ vào nhạc viện, mẹ mừng lắm. Thực ra mẹ vẫn hết sức băn khoăn về việc có nên cho con học ở nhạc viện, có nên theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp, nhưng việc con đỗ cho thấy con đã lớn, con đặt mục tiêu, cố gắng và đạt được. Vậy thôi. Khi mọi người chúc mừng mẹ vẫn hay bảo hoàn toàn có thể con sẽ bỏ học sau vài tháng nữa vì không chịu được sự vất vả cũng như chưa đủ đam mê.

Con trai thì có vẻ vững vàng lắm. Thầy T. dặn dò vào nhạc viện con chỉ được phép đứng thứ nhất, vì nghệ sỹ là phải luôn luôn số 1, không được phép đứng số 2. Vậy nên mấy lần con bảo mẹ, rồi mẹ sẽ thấy, con sẽ đứng đầu lớp cho mẹ xem. Dù chả mấy tin vào những điều con luyên thuyên, mẹ vẫn vui vì con đã vượt qua một nấc thang quan trọng.

Chuẩn bị cho ngày nhập học, mẹ nhắc Dad cắt tóc cho con trai, em Cún bảo, đừng cắt, cứ để tóc dài thế này cho nghệ sỹ J. Đấy, cún chưa gì đã tập tành làm stylist adviser cho anh, hihi.

Buổi sáng đưa con vào nhạc viện nhập học mẹ bước đi trong niềm vui lâng lâng. Con trai đã cao gần bằng mẹ, đi bên cạnh không cho mẹ dắt tay, không cho mẹ khoác vai. Không những thế con còn cằn nhằn, con thích đi một mình, nhưng mẹ bảo, không, kể cả khi con vào đại học mẹ vẫn đi nhập học cùng với con. Than ôi, những cơn nổi loạn tuổi teen, mẹ biết bố mẹ sẽ phải còn chịu đựng con lâu, và có thể đây còn là những trái ngọt, quả đắng vẫn còn đang chờ mẹ, rất nhiều, đằng trước í J.

Các bước làm thủ tục khá đơn giản. Điền một đôi thứ, nộp sơ yếu lí lịch mà mẹ đã lấy dấu ở cơ quan. Rồi xếp hàng chờ đóng học phí hơi lâu. Xong xuôi mấy công đoạn hành chính, hai mẹ con leo lên tầng 7, khoa nhạc Jazz. Thầy T. đã dặn dò từ trước nên mẹ không bị choáng vì cái đoạn tập trung cũng rất theo kiểu nghệ sỹ này. Một căn phòng khá rộng nhưng chỉ có một dãy bàn gồm 2 chiếc dành cho giáo viên, 2 dãy ghế đối diện dành cho học sinh, đương nhiên. Góc phía bên kia là một cây đàn piano ba chân, một bộ trống và vài nhạc cụ khác. Học sinh cả khoa, vài chục bạn, từ tầm lớp 6 đến sinh viên lớn, ngồi tập trung ở 2 dãy ghế và một số chiếc kê dọc bức tường kế bên. Đọc đến tên học sinh nào thì em đó sẽ đọc số điện thoại của mình cho một thầy [có vẻ như là giảng viên và có thể kiêm thêm nhiệm vụ giáo vụ] ghi lại. Sau đó ghi tên và số điện thoại của thầy giáo sẽ dậy mình. Tự liên lạc, nhận lịch học và bài về tập. Chấm hết. Màn chào đón tân sinh viên chỉ có thể. Thầy T. dặn con cần chủ động trong tất cả mọi việc, ở đây không ai quan tâm, nhắc nhở con đâu. Thầy giáo của Sỹ Tuấn đi công tác. Hai mẹ con gọi điện cho thầy, xin phép thầy đến thăm nhà và cũng là ra mắt luôn thể. Vì Sỹ Tuấn vẫn học văn hóa ở trường ngoài nên thủ tục chỉ có vậy. Những bạn nào đăng ký học văn hóa ở nhạc viện hoặc ở ký túc xá thì còn một số thủ tục khác. Rồi sau đây con trai sẽ đi khám sức khỏe, làm thẻ nữa là xong.

Thế là con đã trở thành sinh viên nhạc viện. Thi đỗ, dù cuộc thi không hề dễ dàng, mới chỉ là bước đầu tiên. Những năm học vất vả khó khăn giờ mới bắt đầu. Mẹ luôn nói với con, làm nghề nào cũng khó, cũng cần chăm chỉ và cố gắng hết mình. Chúc con chân cứng đá mềm bước trên con đường của mình. Mẹ giờ đây còn có thể bước cùng con, nhưng chẳng bao lâu nữa sẽ chẳng thể cùng con mọi lúc. Với khởi đầu suôn sẻ, hy vọng cuộc đời con sẽ gặp nhiều may mắn. Rồi biết đâu mẹ sẽ là người đưa con tham dự các cuộc  thi, đưa con đi biểu diễn, hồi hộp sau cánh gà sửa lại chiếc cổ áo cho con. Mà nếu như sau một thời gian con cảm thấy âm nhạc không phải là lựa chọn cả đời và con muốn học sâu về một ngành nghề khác thì mẹ vẫn vui lòng. Dù vậy, mẹ tin âm nhạc đã trở thành người bạn và sẽ bên con những lúc con buồn, con vui sau này và mừng về việc mẹ đã khuyến khích được con học đàn đến bây giờ. Không có gì nhiều cho các con, đó là món quà mẹ tặng con và em, cho cuộc sống của các con sau này. Mẹ yêu hai anh em và thơm hai anh em một nghìn lần! 

04 tháng 9 2015

TРАНЗИТНЫЙ ПАССАЖИР_NGƯỜI KHÁCH QUA ĐƯỜNG



Những bài hát Nga đã theo mình suốt thời tuổi trẻ. Con đường rợp bóng cây. Những lá hoàn diệp liễu vàng óng khi mùa thu tới. Phải vì vậy mà Irina Allegrova hát "Там без меня догорают осины. Желтая грусть.../Nỗi buồn thu hoàn diệp liễu cháy bùng". Người đàn bà trong bài hát tràn đầy tình yêu, tha thiết, cầu khẩn “một lần xin hãy gọi/ một lần xin níu kéo”, nhưng cũng đầy kiêu hãnh “Chia tay anh riêng em khó vô cùng/Dẫu có thế, không để lòng níu kéo!" Thật giận bản thân không chuyển tải được hết những nét tinh tế của bài hát. Và chúng mình, những đứa con gái 20, đã khóc, đã cười cùng những bài hát Nga thân thiết thưở nào. Và hôm nay, sao mà nhớ những bài hát thưở ấy.

Tранзитный пассажир_Người khách qua đường

Ты говорил - расставаться полезно, вот я и ушла...
В город чужой ненадолго проездом, oсень занесла...
Лето покинув, в тревожную зиму, nоезд влетел.
Мне расставаться невыносимо - Но ты так хотел.

Anh đã nói chia tay là cần thiết
Bởi vậy nên em lặng lẽ ra đi
Thành phố lạ xa mùa thu mang em đến
Rời bỏ mùa hè, chuyến tàu thẳng vào đông
Chia tay anh riêng em khó vô cùng
Nhưng anh muốn, em đành lòng, lặng lẽ

Припев
Я так молила - позови.. Но ты молчал.
Я так молила - удержи... Не удержал.
Я твой транзитный пассажир, Меня, увы, никто не ждал..
Ты был транзитный мой вокзал...

Điệp khúc:
Em cầu khẩn – một lời xin hãy gọi
Anh lạnh lùng im lặng trước lời em
Em cầu khẩn – một lần xin níu kéo
Anh vô tình nhẹ bước quay lưng …
Em - người khách qua đường, nào ai níu
Anh mong manh nơi bến đỗ tạm thời

Ты говорил - расставаться полезно, Вот так и сбылось.
В жизни твоей побывала проездом.
И поезд унес. Там без меня догорают осины
Желтая грусть...
Мне расставаться невыносимо - Но я не вернусь!...
Anh đã nói chia tay là cần thiết
Vậy nên em đau khổ rời xa
Thoảng qua đời anh ga tàu đỗ tạm
Chuyến tàu mang em, nỗi buồn thu
 hoàn diệp liễu cháy bùng
Chia tay anh riêng em khó vô cùng
Dẫu có thế, không để lòng níu kéo!

Припев
Я так молила - позови.. но ты молчал.
Я так молила - удержи... не удержал.
Я твой транзитный пассажир, неня, увы, никто не ждал..
Ты был транзитный мой вокзал...
Điệp khúc:
Em cầu khẩn – một lời xin hãy gọi
Anh lạnh lùng im lặng trước lời em
Em cầu khẩn – một lần xin níu kéo
Anh vô tình nhẹ bước quay lưng …
Em - người khách qua đường, nào ai níu
Anh mong manh nơi bến đỗ tạm thời