29 tháng 5 2014

NHỮNG NGÀY HÈ ĐẦU TIÊN



Thế là các con đã bắt đầu nghỉ hè. Đây là mùa hè đầu tiên các con tự ở nhà, không có bác Tiến chăm. Ngày đầu tiên hai anh em cùng ở nhà, mẹ cũng xin nghỉ theo. Trong tháng Sáu mẹ sẽ xin nghỉ phép thêm ít ngày, nhưng dù sao mẹ cũng chả thể nghỉ cả hai, ba tháng như các con nên các con sẽ phải thường xuyên đóng vai chính trong bộ phim “Ở nhà một mình”. Việc đầu tiên là lo giải quyết bữa trưa. Cứ 11h thì chàng trai đặt cơm. Giờ con nấu cơm thạo lắm rồi, chả bị khô nhão gì. Hình như lâu lắm rồi mẹ chả đặt nồi cơm nào, toàn con phụ trách. Trước khi đi làm mẹ sẽ dặn dò trưa ăn món gì, yêu cầu hai anh em nhặt rau. Món ăn mặn thì mẹ thường chế biến trước, trưa bố sẽ về xào nấu nhanh và ăn cùng các con.

Vì các con nghỉ ở nhà cả ngày nên bố mẹ yêu cầu các con giúp bố mẹ nhiều việc hơn. Ngoài việc quét sân, cùng mẹ nấu nướng, dọn cơm..., công việc rửa bát hàng ngày giờ được phân đều cho hai anh em, mỗi bạn một bữa. Rồi cứ thứ Tư hàng tuần thì giúp mẹ lau nhà, mỗi anh em một tầng. Thấy mẹ nói chuyện với các con, mấy cô ở cơ quan ngạc nhiên hỏi làm sao con lau nhà được, con còn bé thế cơ mà. Nghe mẹ giải thích, các cô cười bảo mẹ sướng, trồng cây đã đến ngày hái quả. Mẹ đi công tác, gọi điện về hỏi các con đang làm gì, bố bảo, con gái đang rửa bát, thấy thương con quá. Con mới học lớp hai, vẫn còn thật bé bỏng, đứng còn rất thấp so với cái bồn rửa, chân tay lóng ngóng. Nhưng mẹ tin mẹ làm đúng. Chưa nói đến nghĩa vụ hay trách nhiệm, những điều to tát, đơn giản nếu không biết chia sẻ việc nhà với bố mẹ từ bây giờ, làm sao các con biết làm những công việc đó về sau. Khác với bác T. kêu ca hồi anh H. chị Ph. tập rửa bát, một năm bác phải mua mới bát đũa tới 3 lần, các con rất ít khi làm vỡ, mới chỉ đôi ba chiếc, có lẽ thế, và cách đây vài ngày, sau một tiếng choang thì lát sau Tôm lên phòng mẹ, vẻ mặt rất hối lỗi bảo con mới "cẩu đầu trảm" một chiếc ly :-).  

Tất nhiên mọi chuyện chả dễ dàng tẹo nào. Luôn luôn có câu hỏi tại sao lại là con. Đôi khi còn kèm theo cả mưa dông nữa, thường là từ phía anh Tôm :-). Có hôm anh Tôm nước mắt ngắn dài phản kháng con không làm bất cứ việc gì nữa. Mẹ cố gắng kiềm chế hết mức, không cao giọng, chỉ cương quyết giải thích và đồng ý con có thể không động tay vào việc gì nếu con cũng không ăn bất cứ một thứ gì trong suốt cả ngày. Chiều nay, trước khi đi họp lớp cấp I (đấy, chàng đã lớn ghê, cuối năm lớp 6 thì đi họp lớp cấp I), chàng gọi điện xin mẹ, mẹ hỏi hai anh em lau nhà chưa, chàng nhăn nhó bảo con phải đi ngay bây giờ. Mẹ chỉ bảo, việc lau nhà mẹ giao từ sáng, con muốn làm sao thì làm, xong việc mới được đi chơi. Hiệu nghiệm. Chàng lau tầng ba, giao cho em tầng hai rồi chuồn.

Dù vẫn phải đấu tranh với các con, nhưng nhìn chung, làm việc nhà là chuyện nhỏ. Vụ việc khó xử lý hơn nhiều là chuyện Tôm hay trêu em cơ. Chiều qua, bố đưa cún đến cơ quan mẹ để sau giờ làm mẹ cho con đi học bơi, mẹ hỏi hai anh em ở nhà thế nào, câu trả lời là anh Tuấn trêu con 18 lần. Mẹ không nhịn được cười khi con kể tội anh. Nào là anh nằm ra ghế bảo ngủ rồi thè lưỡi làm ma dọa con, anh lườm con, anh làm con giật mình... Của đáng tội, Cún dạo này đọc mấy truyện thám tử Conan, có nhiều đoạn truyện ma, anh Tôm chỉ cần lừ đừ đi đến gần Cún hoặc bất ngờ hiện ra sau cánh cửa đã làm em sợ chết khiếp. Hôm nay mẹ hỏi thì Cún bảo anh trêu con 5 lần, bố mẹ lại phì cười bảo thế thì phải thưởng cho anh Tuấn vì đã giảm tới gần 4 lần :-). Rất thường xuyên mẹ chẳng thể nào phân định đúng sai. Tôm bảo con làm gì là việc của con, con ngủ, lưỡi cứ lè ra thế, ai bảo em nhìn cơ. Hôm qua mẹ chẳng làm gì em cũng hét lên, đấy, con cũng thế, chẳng làm gì em cứ tự dưng hét lên. Rồi anh Tôm hay bảo em là Dương thối. Anh chỉ thì thầm, hơi cong môi một tý là Cún đã hét ầm lên mách mẹ rồi. Tôm chuyển chiến thuật, chàng nói “ương ối”. Cún lại hét lên  anh Tuấn trêu con. Tôm cãi, con nói “tương muối” cũng không được à. Ôi chao là mệt, không cách gì xử lý nổi. Mẹ phải cương quyết, trước khi hét ầm lên mách mẹ thì hai anh em tự xử lý với nhau đi, nếu đã hét lên mách mẹ thì cả hai cùng được xơi lươn. Đỡ được một tý. Haiza, mệt ơi là mệt với cuộc chiến không dứt giữa các tiểu yêu nhà mình. 

Tất nhiên, cũng nhiều giây phút ngọt ngào lắm. Tối qua Cún vẻ rất mua bí bán mật hỏi mẹ thích màu gì, màu vàng hay xanh cốm, mẹ chọn màu xanh cốm. Nàng lại chìa tiếp mấy hình đầu mèo, đầu cú... hỏi mẹ thích hình nào, mẹ chọn hình đầu cú. Một lát sau thì nàng tặng mẹ một tấm bìa đánh dấu sách màu xanh cốm trên đó có vẽ hình chú cú mèo, xinh ơi là xinh. Mẹ cảm động quá cơ.

Đây mới là tuần đầu tiên của một mùa hè hứa hẹn sẽ thú vị. Mẹ và cún đang học bơi, mỗi tuần ba buổi. Cuối tuần này Cún sẽ tham dự Dạ hội Elsa, tiếp theo là chuyến xuất ngoại lần đầu của Cún sang Thái Lan và kết thúc bằng chuyến đi Sapa và nghỉ với ông bà lâu lâu lâu. Tôm đã lên lịch cách ngày đi bơi một lần với em Tôm nhà dì Th. Rồi Tôm cũng sẽ về cả hai quê, tham gia kỳ thi vào nhạc viện, tham gia thi nhạc ở trung tâm, đi dã ngoại với trung tâm... Mẹ thì đang lên kế hoạch cùng các con ôn tiếng Anh một chút. 

Mùa hè bắt đầu rồi. Chúc các con một mùa hè thật vui nhé. Và học thêm được nhiều điều mới, giúp mẹ việc nhà nhiều hơn :-). Mẹ yêu các con!

28 tháng 5 2014

CHUYỆN NHÀ TÔM Ở NƯỚC ANH_TÔM HỌC VÀ CHƠI



Việc học của Tôm như đã nói, rất nhẹ nhàng. Mình chả đặt nặng việc học chữ mà chỉ nghĩ con học nói là được rồi nên mãi cậu cũng chả đọc được bao nhiêu. Sau đôi ba tháng thì mỗi tuần cô giáo thường phát cho cậu một tờ giấy có vài dòng để Tôm tập đọc, tập viết ở nhà, nhưng đến tận cuối năm lớp Một thì trình đọc và viết vẫn gần như bằng không. Bù lại, khả năng nghe nói của con tiến bộ vượt bậc. Khoản nghe nói còn giữ được đến tận giờ, phát âm rất chuẩn và cậu xem phim hoặc các chương trình trẻ con khác dễ dàng như xem bằng tiếng Việt.
Chương trình học của Tôm rất thoải mái. Các giờ học mang tính thực hành nhiều. Các chủ điểm trong năm học tương ứng với những cột mốc cụ thể. Tuần nào Tôm cũng mang sản phẩm từ giờ học của con về. Rất nhiều thứ. Nào là đôi dép làm bằng giấy, nào là chú ngựa gỗ, đan lát, bưu thiếp, trồng hoa... Ở lớp thì cứ vài tuần mẹ lại thấy các con có sản phẩm mới treo trên bức tường to chỗ cửa lớp. Đó có thể là một bức tranh rất to, mô tả các phần của một cái cây. Hoặc một bức tranh mô tả ngày lễ... Rồi con kể về chuyện các con nuôi nòng nọc để theo dõi quá trình phát triển, tận đến khi nòng nọc mọc chân, phát triển thành ếch. Mùa xuân con mang về nhà một cây hoa thủy tiên nhỏ do tự tay chăm bón. Lớp có 26 bạn, bạn nào cũng yêu quý cô giáo vô kể. Cô giáo con trẻ trung và rất yêu trẻ. Mỗi sáng đưa con đến cửa lớp mẹ lại chứng kiến con và các bạn sà đến bên cô, khoe với cô cuốn sách cuối cùng các con mới đọc, hay bức tranh các bạn mới vẽ. Cô cười âu yếm, trìu mến thế à thế à với tất cả các bạn. Cũng như các bạn, Tôm yêu cô lắm, thỉnh thoảng lại vẽ tranh mang đến tặng cô.
Trong mỗi kỳ học các con đều có những hoạt động ngoại khóa mà nếu muốn phụ huynh luôn có thể tham gia với một khoản phí hết sức tượng trưng. Mình còn nhớ lần Tôm đi xem biểu diễn ở nhà hát, mang về con búp bê nhỏ với câu chuyện về điều ước khi đặt con búp bê đó dưới gối. Tôm tặng cô Tipper con búp bê đó làm cô cảm động vô kể. Rồi các con đi thư viện. Một chuyến đi mà Tôm sẽ nhớ rất lâu là chuyến đi vườn bách thú, nơi con được tận mắt nhìn các bạn hươu cao cổ vươn cổ ra tận bờ rào ăn những chiếc lá các con đưa, những chú chim cánh cụt ngụp lặn trong một chiếc bể, rồi những loài vật sống ở miền nhiệt đới như chú kỳ nhông đổi màu rất nhanh, những chú chim màu sắc sặc sỡ...  
Tôm cứ học vài tuần là lại có kỳ nghỉ. Kỳ nghỉ đầu tiên bắt đầu chỉ sau khi các con vào học mấy tuần, sau đó là kỳ nghỉ Giáng sinh-Năm mới khá dài, rồi nghỉ lễ Phục sinh, nghỉ giữa kỳ rồi lại nghỉ hè. Nói chung cứ học 6-7 tuần là lại nghỉ, khiến mình nhiều khi cũng khó thu xếp việc trông con. Mỗi đợt nghỉ hai mẹ con thường tranh thủ đi thư viện thường xuyên hơn. Thư viện thành phố có góc trẻ con, biết bao là truyện đẹp và hay. Nhờ những ngày tháng ở đó mà con đọc rất nhiều về xác ướp Ai Cập, về những con thuyền cướp biển Viking, về những đám cháy lớn, về những điều kỳ diệu trong vũ trụ, đại dương... Rồi có hôm hai mẹ con lên thư viện trường mình, lục lọi, mượn những cuốn truyện tranh ba chiều, mà Tôm nhớ nhất có lẽ là cuốn truyện tranh ma, giở đến mỗi trang lại có những con ma thò đầu ra. Những cuốn truyện tranh nổi như vậy đã để lại cho Tôm bao ký ức đẹp mà đến tận giờ, thỉnh thoảng kể lại hai mẹ con vẫn cười với nhau. Tối nào cũng vậy, từ 8h đến 9h là khoảng thời gian đọc truyện cho con. Có hôm mình mải xem một chương trình vô tuyến, chàng dang tay đứng trước mặt mẹ, chắn chiếc ti vi và lên giọng, Mẹ không muốn con trở nên hiểu biết à :-)?
Tranh thủ những lúc rỗi rãi, nhà mình đưa con đi bảo tàng xem xác ướp Ai Cập và bộ xương khủng long. Rất may, bảo tàng ở Leicester miễn phí vé vào cửa :-). Rồi cả nhà đi thăm Trung tâm Vũ trụ Leicester (vé đắt lòi, 11 bảng/người). Cậu cả náo nức chui vào hố đen bò một vòng, đứng lên cân để thử xem trên mặt trăng thì trọng lượng là bao nhiêu, mải mê điều khiển người máy trên mặt trăng, mải mê khám phá những hành tinh khác, xem một bộ phim về vũ trụ trong phòng chiếu có vòm tạo cảm giác đang ở bay vào không gian...
Những tháng ngày ở đó cũng là lúc Tôm bắt đầu làm quen với trò chơi xếp hình. Gần nhà mình có một cửa hàng từ thiện, rất thường xuyên có những món đồ chơi còn mới nguyên và giá bao giờ cũng chỉ 50 pen hoặc 1 bảng. Mình đã mua rất nhiều đồ chơi và cả những hộp xếp hình ở đó. Nhiều hôm hai mẹ con chơi xếp hình đến đau cả lưng với những bộ xếp hình lên tới 500 mảnh.
Chiều Chủ Nhật nào cũng vậy, nếu trời không mưa thì cả nhà sẽ đi công viên cho Tôm chạy nhảy, chơi đủ mọi trò ở những công viên rộng mênh mông với thảm cỏ xanh rất đặc trưng của nước Anh.
Những ngày tháng thật êm đềm. Dù cảnh sống của nhà mình khi đó chả khác gì dân quê lên Hà Nội đi học nhưng bù lại mình đã có thể dành cho con thật nhiều thời gian. Mình nhớ mãi lần đưa con đi công viên chơi hội chợ, khi người ta dựng lên những trò chơi thu tiền, với giá thường 2-3 bảng/trò. Nếu ở Hà Nội, đưa con đi công viên Bách thú thì mình để con chơi thỏa thích, vậy nhưng khi ở bên đó mình giao hẹn với con chỉ chơi 3 trò thôi. Rồi một lần khác, tụi mình đến nhà một người bạn ở khá xa chơi, đại để là tiết kiệm tiền vé xe buýt, lúc về mình bắt con đi bộ hơi xa. Đúng là Đi Tây thì sống như ta/Đến khi về nhà lại sống như Tây :-).
Đấy là mình nghĩ thương con vậy thôi, chắc hẳn cậu chàng chẳng hề biết rằng cậu học ở ngôi trường dành cho trẻ con nhà nghèo, dân nhập cư. Cậu cũng chẳng ghen tỵ với ai vì bố mẹ vẫn hết sức chăm lo cho cậu, cậu vẫn thường xuyên có những món đồ chơi đẹp mang đến trường mỗi ngày thứ Sáu. Rồi trong một năm ở đó, mình đã tranh thủ đưa con đi chơi thật nhiều, mà chắc phải viết vài entries nữa mới kể được sơ lược những chuyến đi để đời của Tôm. 
 Tôm đang được vẽ mặt lần đầu tiên trong đời tại công viên Castle, Leicester

Trong khoang tàu vũ trụ tại Trung tâm Vũ trụ, Leicester

Đạp xe trên con đường New Walk, đoạn ngay gần tòa nhà của Đại học Leicester

Trong công viên Victoria (ngày đó Tôm thản nhiên đạp chiếc xe cũ mẹ mua cho màu hồng, giờ thì cậu bực bội với mọi tấm ảnh có chiếc xe đạp :)

Rất sung sướng với khuôn mặt được vẽ
 Tôm vui chơi trong hội chợ
 Tôm khi đó vẫn thật bé bỏng. Giờ thì mẹ chả thể bế con thế này được nữa
 Chàng trai thật sung sướng với công viên mùa hè

 

18 tháng 5 2014

TÂM SỰ CỦA NÔ



Nôbita trở thành bạn thân của Tôm từ khi Tôm mới khoảng 4 tuổi. Tối nào bố mẹ cũng phải đọc cho con nghe vài ba truyện ngắn về Nôbita. Đến khi biết đọc, Doraemon là bộ truyện con đọc nhiều nhất, giống phần lớn các bạn. 

Cứ tưởng Cún sẽ thích các truyện công chúa hoàng tử nhiều hơn, hóa ra nàng cũng say sưa đọc Doraemon. Nàng bị ám ảnh tới mức câu chuyện ngày nào trên đường đi học cũng có bóng dáng Nôbita. Cách đây lâu lâu, bỗng dưng một hôm nàng bảo, con muốn giống Nôbita, học hành dốt nát, làm cái gì cũng hậu đậu, mở công ty thì công ty bị hỏa hoạn, phá sản, thế là con cháu đời sau sợ bị ảnh hưởng, phải gửi chú mèo máy đến giúp đỡ. Rồi có hôm nàng mơ màng ao ước có phiếu dự định, thích mua gì chỉ cần gì vào đó là bố mẹ sẽ mua ngay cho. Mẹ trêu ngay, ừ, nếu muốn tặng lươn cho hai anh em mẹ cũng chỉ cần ghi vào phiếu dự định là lươn sẽ tự động hiện trên mông hai anh em. Rồi nào những ý tưởng về chong chóng tre, cánh cửa thần kỳ, sổ tay như ý, khăn trải bàn và vô vàn những dụng cụ thần kỳ khác.

Những mẩu chuyện về Nôbita và chú mèo máy thật thú vị. Nhiều khi Tôm khăng khăng chìa vào tận mặt bắt mẹ đọc và mẹ cũng phải cười phá lên với những ý tưởng thật buồn cười. Các con cũng thật sự thu lượm được rất nhiều kiến thức từ những mẩu chuyện nhỏ đấy. Đôi lúc mẹ ngạc nhiên hỏi tại sao con biết chuyện này chuyện kia, con thản nhiên, con đọc trong truyện Doraemon. Về sau, bạn nhà mình còn hay vênh mặt lên, đấy mẹ thấy chưa, thế mà mẹ cứ bảo là truyện tranh không tốt.

Nhưng hơn tất cả, có lẽ câu chuyện về Nôbita chiếm được trái tim các con chắc vì các con thấy bạn ấy thật gần gũi. Nào là lười học, chữ xấu, hậu đậu, ngủ muộn, lười nhác, học bài mãi không thuộc, nói dối mẹ... Có những lần mẹ nhắc nhở con học, con lém lỉnh cười bảo mẹ “Học nhiều thì ấm vào thân/Nhưng mà đi ngủ thì ấm từ chân đến đầu”. Nói chung, bạn Tôm nhà mình đúng là một phiên bản của Nobita, đến nỗi có một thời gian bố mẹ hay trêu, gọi Tôm là Nôbitôm.

Cách đây vài ngày, đang trong bữa ăn con gái đố, Con đố mẹ biết tâm sự của Nô là gì. Tất nhiên mẹ không biết. Mẹ còn chả biết đó là cách gọi tắt tên Nôbita. Đáp án của con là, Mình ghét nhất trên đời này một đứa. Mình chưa gặp nó bao giờ nhưng cứ mỗi lần mắng mình là bố mẹ lại lôi nó ra. Nó là cái đứa “con nhà người ta”. Bố mẹ cười suýt sặc. Nhưng thật sự, câu đố của con làm mẹ giật mình tự kiểm điểm. Mẹ ít khi dùng cụm từ “con nhà người ta” nhưng rõ ràng đã một số lần anh Tôm hậm hực hét lên, sao mẹ cứ so sánh con với các bạn thế nhỉ. Mẹ cố gắng không đặt áp lực học hành lên các con, chưa từng quở trách nếu các con bị điểm kém mà chỉ hỏi con học được điều gì sau bài này, sau đây mình sẽ phải làm sao... Nhưng mặt khác, mẹ vẫn luôn nhắc nhở các con cố gắng học và chắc cũng nhiều lần so sánh các con và các bạn. Bố thì hay nói đến chuyện các bạn bằng tuổi con ở quê thiệt thòi thế nào, các con được sung sướng ra sao mà không biết...

Tâm sự của Nô, nhưng có lẽ cũng là tâm sự của các con. Một mẩu truyện cười nhỏ như vậy mà khiến mẹ băn khoăn. Bài toán làm mẹ thật khó. Haiza. Mẹ hứa mẹ sẽ cố gắng, để các con không thù ghét cái đứa “con nhà người ta” :-)   

08 tháng 5 2014

CHUYỆN NHÀ TÔM Ở NƯỚC ANH_NHÀ MÌNH KIẾM TIỀN Ở NƯỚC ANH :-)



Để chuẩn bị cho cả nhà một năm sống bên Anh, hai vợ chồng đã thu xếp một số tiền cần thiết tối thiểu. Dù thế, bọn mình không phải đại gia nên nghĩ đến chuyện tốn mấy trăm triệu cũng thấy xót. Một thời gian trước khi đi học, mấy đứa cùng nhóm tụi mình đã tìm hiểu về những cách làm thêm. Một cách khá phổ biến là đi làm “neo” (tức làm móng chân móng tay) thuê cho các cửa hiệu người Việt. Tất nhiên không hoàn toàn sẵn việc nhưng dù sao cũng dễ hơn. Có điều phải học nghề ở Việt Nam từ trước. Rồi có thể xin làm lao công ở các văn phòng, bưng bê ở quán, đi đưa thư, báo..., tựu chung lại là các công việc chân tay. Mọi người nói không quá khó để xin việc.
Ổn định nhà cửa xong, bọn mình nghĩ đến chuyện tìm việc làm cho ông chồng vì nếu cứ ngồi nhà thì không có tiền và cũng sẽ rất bí bích. Thật may, sau khi đến nhà mới ít lâu, một hôm Tipper, cô hàng xóm rủ ông chồng nhà mình đi xin việc cùng. Kể thêm một chút, hai vợ chồng Tipper là người gốc Băngladesh, chưa có con. Anh chồng làm nghiên cứu sinh ở trường Đại học tổng hợp Leicester, Tipper sang theo chồng, không có công việc chính thức. Ngôi nhà tụi mình thuê là một nhà hai tầng nhỏ, ở khu dân cư nghèo, trước sau nhà không có một khoảng sân hay vườn gì. Nhà Tipper ở tầng dưới, nhà mình tầng trên, gồm một phòng ngủ rộng khoảng hơn chục mét vuông, qua hành lang đến một phòng ngủ nhỏ chả biết có nổi 8m2, rồi đến một cái bếp cũng bé xíu xìu xiu mà nếu có 4-5 khách thì phải quẳng bàn vào phòng ngủ rồi trải báo ngồi bệt thì mới đủ chỗ. Đồ gỗ giới hạn ở mức tối thiểu đủ, tức mỗi phòng có một giường, một tủ và một bàn, đều cũ kỹ, chắc phải từ thời giữa thế kỷ trước. Mình sang thật, đã được đi Tây, lại còn được dùng toàn đồ cổ nữa, hehe.
Hỏi chuyện thì được biết, Tipper đi làm thông qua một văn phòng môi giới. Công việc không đều đặn cả 5 ngày/tuần và cũng chả cố định, hôm nhà máy bánh kẹo, hôm nhà máy đồ ăn nhanh vì thường mỗi sáng người ta mới biết hôm nay sẽ cần bao nhiêu người và ở đâu. Làm theo ca và ca mà Tipper rồi sau đó cả phu quân nhà mình cũng thường làm bắt đầu từ 6h sáng đến 2h chiều. Như vậy gần 4h sáng ông chồng đã phải dậy, cho suất ăn trưa vào ba lô, thường là bánh mì kẹp và quả táo, rồi đi bộ đến văn phòng môi giới cách nhà mình khoảng 25’, chờ xe đưa đến nhà máy, kịp vào ca lúc 6 h sáng và trở về nhà lúc khoảng 3 rưỡi 4h chiều. Tiền công thì ở mức tối thiểu, vào cái năm 2007 đó là 5.5 bảng/giờ. Mỗi tuần nếu làm đều đặn thì được 220 bảng, rồi trừ thuế 20% thì còn lại chưa được 180 bảng. Nhưng do công việc không đều nên thường mỗi tuần chỉ được khoảng 120-140 bảng. Bọn mình thấy thế là ổn. Tổng cộng có lẽ phu quân nhà mình đi làm 8-9 tháng gì đó. Cũng có nghỉ phép đàng hoàng, mình chả nhớ rõ bao nhiêu ngày, hình như 4-6 ngày hưởng lương gì đó. Rồi số tiền phải đóng thuế về sau tụi mình làm thủ tục hoàn lại, do thu nhập thấp, chắc cũng được vài trăm bảng.
Mình cũng loay hoay tìm việc, một phần vì muốn có thêm thu nhập, và lý do quan trọng hơn là mình muốn tìm hiểu về cuộc sống, càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, mình chỉ được phép làm tối đa 20 tiếng/tuần. Rồi còn phải đi học, phải thu xếp đưa đón con do ông chồng đã đi làm. Nói chung chả dễ dàng gì. Lọ mọ các trang web, một hồi thì mình tìm được một cơ hội có vẻ phù hợp, nộp đơn, phỏng vấn và được nhận vào làm. Mình làm hai buổi sáng cuối tuần, từ 7h đến 12 h trưa, tức 10 tiếng/tuần, mức lương 6.5 bảng/giờ. Mỹ từ là Trợ lý Giặt là (hehe, nghe oách phết) ở một nhà dưỡng lão. Nội hàm thì vô cùng đơn giản, quản lý 3 cái máy giặt, 2 cái máy sấy và 1 máy là công nghiệp loại nhỏ, chuyên dùng là ga gối và 1 chiếc bàn là thông thường. Mình sẽ phải phân loại quần áo bẩn và rất bẩn ở những thùng đồ mà các cô y tá đã kéo đến để trước cửa phòng giặt, sau đó cho vào máy giặt, chờ hết giờ, lôi ra cho vào máy sấy, gấp gọn gàng và là nếu cần thiết, để vào khay của từng người (tổng cộng khoảng 15 ông bà) rồi cuối mỗi buổi làm thì đẩy xe đi cất quần áo vào tủ riêng trong các phòng, ga gối thì cất vào tủ chung. Có những hôm quần áo chất đống, mình cong mông làm hết cả 5 tiếng. Nhiều hôm khác chả có quần áo mấy, mình ngồi đọc tiểu thuyết, chơi ô chữ.
Nhờ có thời gian làm ở nhà dưỡng lão mà mình đã biết thêm bao điều về cuộc sống của những người già ở bên đó. Chỉ thoáng lướt qua những căn phòng trong nhà dưỡng lão có thể biết ngay ai là người được con cái chăm lo, ai là người không may mắn bị bỏ mặc. Vì mình làm vào cuối tuần nên thậm chí còn quen mặt những người hay đến thăm bố mẹ và những căn phòng nơi bố mẹ họ ở được trang trí gần giống với ở nhà, nhiều ảnh con cháu, ảnh họ lúc còn trẻ... Tuy thế, cũng có phòng mình chả bao giờ gặp ai. Và những phòng đó cũng chả được trang trí gì ngoài vài đồ dùng của bệnh viện. Mình còn nhớ bà cụ Mayfield trên tầng hai, một cụ già to béo, chân bị phù, không đi lại được, mà lúc nào cũng vẫn rất đỏm dáng. Bà ở một mình một phòng, nhiều đồ đạc và những đồ trang trí nho nhỏ. Mỗi lần mình vào cất quần áo bao giờ bà cũng giữ mình lại, chuyện trò vài câu, khoe con khoe cháu, mời mình đôi chiếc kẹo. Chắc hẳn bà là người may mắn, được con cháu thường xuyên đến thăm và chăm sóc. Một số cụ bà khác, quần áo các bà rách đến tang thương. Mình không hiểu nổi, tiền trả cho nhà dưỡng lão rất đắt, thấp nhất cũng từ 400-500 bảng/tuần, còn quần áo thì vài chục bảng là có thể mua đồ tương đối rồi, vậy mà người ta trả tiền nhà dưỡng lão nhưng không mua quần áo, và hiển nhiên cũng chả cảm nhận được sự chăm sóc nào của con cháu. Một số ông bà cụ tỉnh táo, nói chuyện bình thường nhưng cũng nhiều người trong tình trạng nằm liệt giường, dù được chăm sóc cẩn thận thì mùi những căn phòng như vậy vẫn rất đặc trưng.
Ăn uống lại là một chuyện khác. Đến bữa thì những ông bà cụ còn tỉnh táo sẽ được đẩy xuống phòng ăn chung và có lẽ đó cũng là dịp để họ giao lưu với nhau. Tuy thế, nhiều ông bà được đẩy xuống đó rồi cũng chỉ ngồi nghẹo đầu, phải có người bón. Dịp Giáng sinh, nhà dưỡng lão cũng tổ chức liên hoan, cố gắng tạo không khí ấm cúng nhất có thể. Dù vậy, dù không dự mình cũng hình dung được. Toàn các ông bà già, có đến hơn nửa chả còn sức làm bất cứ việc gì ngoài mở miệng để chờ bón. Mỗi gia đình có một người thì ít cảm nhận được việc đó. Tập hợp hết tại một chỗ, haiza, cảnh chả vui gì.
Chăm sóc người già là công việc nặng nhọc mà lương các cô điều dưỡng cũng chả bao nhiêu, hơn mức tối thiểu tý. Rất nhiều cô gốc Ấn, vóc dáng cũng chỉ như mình. Các cô làm việc theo ca, sắp xếp dọn dẹp phòng, vệ sinh, tắm rửa cho các cụ. Để đưa các cụ đi tắm phải có dụng cụ riêng, dùng bộ dây buộc ngang người, nâng các cụ lên, đại để vậy. Rồi mấy bà cụ đỏm dáng, hành các cô đến khổ, đòi mặc váy này váy kia (trong tủ đồ thường là khiêm tốn), rồi sấy tóc điệu đà... Nếu chẳng may có hôm nhà bếp nấu món gì đó khác đi, hoặc thức ăn có vấn đề thì thôi rồi là vất vả vụ thay bỉm.
Mới vào làm được mấy tháng, một thứ Bảy, vào dọn phòng bà Mayfield, không thấy bà cụ ở đó, mình hỏi thì được biết bà đã mất trước đó mấy hôm, trong khi vừa mấy hôm trước còn cười nói với mình rất vui vẻ. Mình hơi choáng một chút. Nhưng sau đó mình phải quen dần, các ông bà nhiều tuổi, nhiều người bị bệnh, cứ ít lâu lại có người theo chân nhau ra đi. Mỗi lần có người ra đi, mình lại thoáng lo sợ.
Mới đó mà vèo một cái đã 6 năm. Đến tận giờ mình vẫn còn nhớ gần như từng khung cảnh, ngôi nhà, rặng cây, bụi hoa mùa xuân trên con đường khoảng 2km mà mình đã đi về 2 lần mỗi tuần trong suốt gần một năm trời. Nào là cái nhà trẻ mang tên Morrison, con đường Knighton với ngôi nhà có hai giỏ hoa tuyệt đẹp, bụi hoa thủy tiên trên đoạn kéo dài của London Road, tòa nhà cũng trên con đường đó nhìn như một tu viện trong bộ phim từ xa xưa. Những cái tên như Avenue Road, Springfield, Cross Road sẽ còn lại mãi với mình. Ôi những tháng ngày xưa cũ! Nhờ nó mà cuộc sống của mình cũng có nhiều điều để kể phết :-)