Chả hiểu
năm nay nàng Bân đan áo cho chồng ra sao, hay ông bà Ngâu giận dỗi bất chợt thế
nào, suốt từ sau Tết, trời ẩm ướt, rét mướt liên tục. Đã cuối tháng Ba mà sáng
thứ Bảy tuần trước trời thật lạnh. Đã thế, đến lúc chuẩn bị ra khỏi nhà, trời đổ
mưa ào ào, cứ như thể mưa mùa hè, hình như còn có cả sấm. Ba mẹ con lùng bùng
trong áo mưa, đưa anh Tôm đến tận gần cuối đường Đại Cồ Việt để học đàn. Tất
nhiên là suốt cả dọc đường cuộc chiến giữa hai tiểu yêu làm mẹ nhiều khi phát
điên. Có khi chỉ một cái gật đầu của anh Tôm cũng làm cún hét toáng lên, anh cố
tình chọc mũ vào đầu con. Anh Tôm thì hét em không cho con để chân, tóc em bay vào mặt con.... Nhiều khi việc
hai anh em đánh nhau làm mẹ buồn cười đến nỗi không quát được các con. 9h kém15
mẹ đã phải thả anh ở chỗ học đàn, sớm 15’ so với lịch để còn kịp đưa con vào lớp
học vẽ ở Bảo tàng Mỹ thuật lúc 9h. Rồi mẹ sẽ vòng lại Đại Cồ Việt, trong lúc chờ
đến 10h anh tan thì tranh thủ tập đàn vài phút, rồi lại chở anh lên Bảo tàng Mỹ
thuật đón con lúc 10.30. Thường 11h ba mẹ con mới về đến nhà, hoàn thành nghĩa
vụ sáng thứ Bảy. Đoạn đường sáng thứ Bảy của mẹ, hoặc của bố những lúc mẹ bận,
sẽ là hơn 20km đi đi về về như vậy. Trời mưa vất vả kiểu trời mưa, nhưng mùa hè
đến thì cũng chả mấy dễ chịu, mẹ đã hình dung thấy từ bây giờ.
Chiều
thứ Bảy hơi hửng lên một chút, mẹ đã mừng. Thế nhưng niềm vui chả kéo dài lâu, cả
ngày Chủ Nhật tiếp tục mưa. Bố đi vắng, sáng thứ Hai vốn vất vả hơn ngày thường,
đánh thức được các con, giục giã mặc quần áo, chải đầu tóc, đến gần 7h thì lại
một trận ào ào khác. Mẹ giúp anh Tôm mặc áo mưa cẩn thận để anh tự đạp xe, dù vậy
chiều về anh vẫn bảo bị ướt giày. Mưa to quá, dù hai mẹ con mỗi người một áo
mưa, mới đi được một đoạn thì con đã bảo con bị ướt quần. Mỗi khi mưa to, áo
mưa kiểu nào thì sau một hồi cũng ướt chỗ này chỗ nọ. Mẹ động viên, đến trường
con thay tất để khỏi lạnh chân, bảo con cố tìm cách giải quyết, chỉ có đi xe ô
tô mới khô ráo được thôi. Con gái hỏi mẹ, sao nhà mình không mua xe ô tô. Mẹ trả
lời, rất đơn giản thôi con ạ, nhà mình không có tiền mua xe. Con có vẻ hơi phụng
phịu tý. Mẹ phải giải thích ngay, một chút vất vả ngày nắng ngày mưa chả là gì
so với sự khổ cực bao bạn nhỏ khác phải chịu mà tự con cũng đã tận mắt nhìn thấy
nhiều lần.
Thế là
lại nhớ chuyện ngày xưa. Làm gì có áo mưa tử tế. Tụi mình mỗi đứa một tấm nilong
hình vuông, hai đầu được buộc lại phía trước hoặc đằng sau, rồi đội nón, vậy
thôi. Đi bộ cũng ướt mà đạp xe thì càng chóng ướt hơn. Chả còn nhớ mình đã đi học
trong những ngày mưa bão thế nào, đoạn đường từ Trương Định đến tận chuyên ngữ ở
Cầu Giấy, nếu đi tắt lối cầu khỉ thì cũng phải tới hơn chục cây chứ ít gì, suốt
cả năm học lớp 10. Và những hôm mùa đông, thường mình đạp xe đến tận ngã tư Sở
thì trời mới mờ mờ sáng. Lúc đấy chả mảy may nghĩ gì, coi là lẽ đương nhiên, thế
mà giờ bảo đi xe máy hàng ngày đoạn đường ấy cũng còn ngại chứ đừng nói đạp xe.
Kể lại
cho con chuyện đi học trời mưa ngày nhỏ, rồi cả chuyện năm anh em nhà thỏ chuyển
nhà, đang khiêng một chiếc bàn to và gặp cơn mưa, bốn anh khiêng bốn góc, cho
em út vào giữa tránh mưa, để con thấy sự vất vả ở đây đúng là muỗi, con nhỉ. Mà
dù nắng, dù mưa, có con ấm áp và yêu thương ngồi sau, lúc nào cũng líu lo như
chú chim non và luôn tìm cách nói, Con yêu mẹ, mẹ thấy đoạn đường nào
cũng ngắn lại. Yêu con gái thật nhiều.
Cuộc sống thường ngày với nhiều cung bậc khác nhau, khó khăn là chuyện bình thường mà, hi hi
Trả lờiXóaChúc ba mẹ con sẽ có nhiều kỷ niệm và tình thương yêu trên những con đường đồng hành cùng nhau, các con sau này sẽ hiểu đó chính là hạnh phúc!
Muốn viết giống mẹ Tuyết Anh mà chưa thể vượt qua được ( sự lười biếng) chính mình
Hãy cứ share chị đọc mí nhé :)
Cảm ơn độc giả trung thành của em :-)
Xóa