18 tháng 3 2014

MÃI MÃI BÊN NHAU



Bác họ mình là giáo viên, mà nếu mô tả thì mình chỉ cần tóm gọn trong hai từ, mô phạm và đức độ. Bác là một tấm gương cho con cháu về mọi mặt. Hai vợ chồng bác không có con, nuôi một đứa trẻ bị bỏ rơi từ ngày hai bác còn rất trẻ, hai mấy tuổi gì đó, từ ngày biết bác gái không có khả năng sinh con. Nếu là thời nay, việc chạy chữa có lẽ là có thể, nhưng từ những ngày cách đây vài chục năm, chuyện đó hầu như là không thể.

Tính tình hòa nhã, vui vẻ, vẻ ngoài nho nhã cộng với khối kiến thức uyên thâm, đương nhiên bác được nhiều người yêu mến, chẳng loại trừ nhiều người phụ nữ mong muốn được làm bạn với bác. Cứng rắn trước mọi cám dỗ, bác để râu từ khi còn khá trẻ, tạo cho mình một vẻ ngoài trông nhiều hơn tuổi thực. Mãi gần đây bác mới thổ lộ với bố mình, tôi để râu tóc bạc sớm vì nhớ tới lời thề với bà nhà tôi sống với nhau đến đầu bạc răng long, để râu tóc cho già, người khác khỏi để ý và cũng đừng ai mai mối gì.

Giờ đây, đã đầu bạc răng long, hai bác vẫn đầm ấm bên nhau. Có nhiều điều trong cuộc sống có lẽ còn lâu mới được như ý nhưng hai bác đã cùng nhau đi hết con đường. Lâu lâu đến thăm bác, mình thương bác vô cùng. Hai ông bà già đã yếu, anh con nuôi bị tai nạn nằm một chỗ tới 7  năm nay, mình cứ phẫn nộ nghĩ ông trời thật bất công, tại sao lại có thể trút nỗi bất hạnh lên vai một con người đức độ đến nhường ấy.

Thời của bố mẹ mình, của bác mình thường là như vậy. Đã thề là sẽ giữ lời thề, sẽ cố gắng bên nhau cả cuộc đời, cả lúc hạnh phúc và trong cơn hoạn nạn.

Chủ Nhật vừa rồi, đưa con gái đến nhà bạn chơi. Thấy mẹ bạn đón ở một nơi khác ngôi nhà đã có lần từng đến, mình hơi ngạc nhiên. Rồi căn phòng có vẻ tạm bợ, thiếu vắng bóng đàn ông, mình đã ngờ ngợ. Chiều về, con gái thì thầm, bạn G.H. bảo bố mẹ bạn ấy ly hôn rồi. Chỉ có thế thôi mà mình cứ bị ám ảnh mãi. Chẳng biết lỗi do ai thì mình vẫn thương cô ấy vô hạn. Mình hình dung cảnh tối tối hai mẹ con lủi thủi bên mâm cơm giờ chỉ còn hai chiếc bát. Mình hình dung người phụ nữ đó phải gồng mình thế nào để con gái không phải chứng kiến những giọt nước mắt của mẹ. Rồi ngày Chủ Nhật cố rủ nhiều bạn của con đến chơi cho con đỡ buồn. Tối mình gọi điện bảo, cuối tuần bận thì cứ vứt con bé con qua nhà chị, để nó chơi bao lâu cũng được. Hy vọng mình đem lại cho cô ấy một nụ cười, một chút cảm giác ấm lòng. Tự thấy mình có phần dở hơi, biết đâu cô ấy đang nhẹ người khi thoát được một bà mẹ chồng vô cùng khó tính, mà khó tính thế nào thì tự mình đã được kiểm chứng từ hồi lâu, khi gọi điện hẹn hò cho con gái đến chơi. Hoặc thoát được một ông chồng trăng hoa, lười biếng, suốt ngày chỉ biết bạn bè và coi nhà như một nơi ngủ trọ.   

Những người bạn, người quen của mình, ngày càng có nhiều người chia tay, nhiều người nuôi con một mình. Mình đã từ lâu qua cái tuổi dám phê phán và hiểu rằng chỉ người trong cuộc mới biết rõ vì sao họ làm như vậy, vì sao không thể hòa hợp với mẹ chồng, vì sao một người chồng không thể nói chuyện với vợ, vì sao một người vợ khi trong lòng trĩu nặng lại chẳng thể chia sẻ với chồng mà đành tựa vào một bờ vai khác. Mỗi cảnh đời là một bi kịch, một nỗi bất hạnh mà người ngoài chẳng thể nào hiểu. Và trong mọi chuyện có lẽ cũng khó lòng mà trách ai, chỉ trách ông trời sinh ra con người có trái tim biết yêu thương và lại cũng nặng tham sân si. Và biết đâu, chia tay lại là giải pháp cần thiết, giúp mỗi người có cuộc sống tốt đẹp hơn sau đó.

Dù thế, thấy thật buồn, thật ám ảnh. Nếu có một điều ước, một điều thôi, mình ước những người thân, quen của mình đang có đôi sẽ mãi mãi bên nhau. Ừ, ước mơ chỉ là ước mơ. Buồn thật là buồn.   

6 nhận xét:

  1. Vì bài toán không đủ dữ liệu nên kết quả đôi khi chỉ là phỏng đoán thôi em ạ. Tuy nhiên sự chia tay nào thì gánh nặng cuối cùng cũng sẽ sang vai người phụ nữ và những đứa con luôn phải chịu thiệt thòi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng thế anh ạ. Chỉ là phỏng đoán. Nhưng buồn thì vẫn buồn, mỗi khi thấy bất cứ đôi nào chia tay.

      Xóa
  2. Đọc xong bài viết của chị thấy sao thật buồn. Đúng là bố mẹ chia tay người thiệt thòi nhất vẫn là con cái.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nỗi đau nào rồi cũng sẽ qua. Nhưng sự thiệt thòi của trẻ con thì biết tính thế nào, dù rằng trong nhiều trường hợp, đối với đứa trẻ một mẹ một con có khi còn tốt hơn một gia đình đã không còn là tổ ấm.

      Xóa
  3. Cứ nghĩ đời là cõi tạm thì sẽ chẳng còn buồn nữa cô bạn yêu quý ạ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chẳng thể nào cô bạn ạ. Mà buồn vui cũng là chuyện bình thường mà. Nhìn bọn trẻ thấy thương, chứ người lớn thì kiểu gì cũng phải vượt qua.

      Xóa