Chú
Huỳnh, em bố mình mất vì bom Mỹ năm 1967 khi mới hai mấy tuổi và vừa cưới vợ được
4 tháng. Em Phong khi đó mới hai tháng trong bụng mẹ. Thím đã ở vậy suốt những
năm tháng biết bao cực khổ, nuôi em khôn lớn. Thương cháu mồ côi từ nhỏ, bố mẹ
mình luôn dành cho em tình cảm, tuy vậy, những năm tháng khốn khó đó, bố mẹ
mình cũng chật vật với năm đứa con lít nhít chỉ hơn nhau mỗi đứa hai tuổi, nên
về mặt vật chất chả thể nào đỡ đần thím được nhiều. Lấy vợ được một thời gian,
hai vợ chồng em vào lập nghiệp miền Trung, nơi có đông đúc họ hàng bên ngoại đã
ổn định cuộc sống trong đó. Từ ngày có điều kiện hơn chút, bố mẹ mình đã có thể
quan tâm đến em nhiều hơn. Dù thế, bố mình lâu nay vẫn canh cánh trong lòng nỗi
khắc khoải chưa biết đứa cháu mồ côi ăn ở ra sao. Cũng đã có lần mình bàn với
bà thu xếp ông bà đi vào trong đó thăm cháu, nhưng rồi thấy sức khỏe ông yếu
nhiều, đi lại chậm chạp, nghĩ đường xá cách trở, hai mẹ con lại ngại ngần. Đợt
về ăn Tết với ông bà, ông lại nhắc làm mình cũng thấy sốt ruột.
Về Hà
Nội được ít ngày, thấy cô bạn thông báo về đợt khuyến mại đường bay Hà Nội-Buôn
Mê Thuột, mình hỏi ý kiến bà, rồi hỏi thêm ý kiến một đôi người, hai mẹ con quyết
định ông bà sẽ làm một chuyến vào trong đó. Anh Như được ông bà mời đi cùng,
cũng là chăm sóc ông bà. Tuy vậy, mình thấy không hoàn toàn yên tâm nên cử thêm
ông chồng đi tháp tùng.
Tháng
ba thật nhiều việc. Ngay sau đám cưới cô cháu gái ít ngày thì ông bà về Hà Nội,
đi đi về về trong quê hai lần để tìm mộ cụ ngoại đằng bố mình. Vụ này cũng li kỳ
ra phết, nhưng mình chờ tháng Chín xong xuôi tất cả mọi việc thì mới viết, hì
hì. Rồi trưa ngày 23 thì ông bà, anh Như và ông chồng mình ra sân bay đi Buôn
Mê Thuột. Đường bay khá thuận tiện, chỉ bay có hơn tiếng rưỡi. Nhà em ở huyện Kư
Jút, tỉnh Đắc Nông. Mới nghe thì thấy xa xôi vậy, nhưng khi thực sự lên đường
thì hóa ra cũng thuận tiện. Từ sân bay, cả nhà chỉ cần đi thêm khoảng 1h xe nữa,
đại để cũng như từ sân bay Nội bài về Hà Nội.
Khỏi
phải nói, cả nhà em mừng đến thế nào khi bố mẹ mình vào thăm. Chắc hẳn cả nhà
đã nhắc đến ông bà, trông chờ ông bà đến cỡ nào, vậy nên ông trẻ vừa bước chân
vào nhà, bé Phú, đứa con thứ ba của Phong, năm nay 4 tuổi, đã chạy lại ôm chầm
lấy ông trẻ, thật chặt, đến mức ông chồng mình sợ ông có thể mất thăng bằng mà
ngã hay bị đứa cháu làm ngạt thở. Mấy ngày ngắn ngủi ở đó là mấy ngày cả nhà được
tiếp đón vô cùng ấm áp. Hôm nào cũng có một ai đó mời cơm. Hết các cháu của
thím lại đến em trai thím. Thị trấn nhỏ, nghèo, tạm bợ, hàng hóa còn ít. Vậy mà
Hướng, vợ của Phong cứ nhất định bắt mẹ mình đi cửa hàng, nằng nặc đòi tặng mẹ
mình một tấm vải may áo dài. Mẹ mình từ chối, vì thực sự bà có cả chục chiếc áo
chứ chả ít, diện hơn mình là cái chắc, nhưng Hướng khăng khăng, Bác không nhận
cháu khóc đây này. Mà nào chỉ có quà cho bà, cả mình cũng được một tấm vải may
áo :-).
Không
chỉ được hết nhà này đến nhà khác mời cơm, rồi hôm nào cũng chuyện trò rất lâu,
vì chẳng nói ra thì ai cũng hiểu rằng chuyến đi này của bố mình là lần đầu tiên
và cũng là lần duy nhất ông có thể vào đó, Phong còn xin nghỉ làm hai ngày để đưa
hai bác đi chơi. Thế là ngoài việc thăm cháu, bố mẹ mình còn được đi thăm thác
Đrây Sáp nổi tiếng và cưỡi voi ở bản Đôn. Chẳng được bám đuôi ông bà trong chuyến
đi này vì còn phải ở nhà làm nghĩa vụ với đám tiểu yêu, chỉ nghe bà kể lại về
tình cảm ấm áp của những người lần đầu tiên gặp mặt mà mắt mình cũng thấy cay
cay. Hì hì, về vụ này mình cũng giống ông nốt. Mỗi khi có sự kiện gì trọng đại,
mà nào có xa xôi gì, vừa mới hôm đám cưới cô cháu gái hôm đầu tháng, khi hai họ
gặp mặt, phát biểu này nọ, bố mình khóc suốt.
Thấy
ông bà vui, mình cũng thấy vui quá vì làm được thêm một điều nho nhỏ cho ông
bà. Ông bà nói đi nói lại, chuyến đi thật có ý nghĩa, thấy cháu mình được nhà
ngoại đùm bọc hết lòng, giờ thì ông yên tâm lắm rồi. Rồi ông còn được gặp chắt “đít
sắt” của ông bà nữa chứ. Dù không ai nhắc nhở, dù không phải là cháu đích tôn, Phong
đã tự nguyện cố sinh thêm đứa con thứ ba khi biết ông mình chưa có chắt hương
khói sau này.
Vụ mùa xuân du ký của ông bà năm nay nhiều việc để kể ghê. Sau đây, thể theo nguyện vọng của ông bà và các anh chị, mình còn có nhiệm vụ thiết kế một chuyến đi nghỉ hè cho cả đại gia đình nữa. Hy vọng sẽ có một mùa hè du ký với nhiều chi tiết thú vị :-)
Ông bà bên tháp Đray Sáp, với đứa cháu lần đầu gặp mà đã rất gắn bó
Hì hì, ông bà tình củm ghê :-)
Trong khi ở Hà Nội mưa sụt sùi suốt thì nắng ở Buôn Đôn làm mình nhớ đến câu hát "Tháng Ba mùa con ong đi lấy mật"
Trên lưng voi đi ngang qua dòng sông Serepôk
Hay quá nhỉ. Vậy là ông đã đi Tây Nguyên. Mừng cho Phong ổn định, có thêm con trai. Hình như khi mất chú Huỳnh ngoài 30 em ạ. Trong BLOG của anh có một bài về chú Huỳnh
Trả lờiXóaEm vừa hỏi lại ông rồi anh ạ. Chú Huỳnh mất năm 36 tuổi.
XóaNhà em thật đoàn kết và hạnh phúc, chẳng mấy ai có được như thế đâu, đó chính là Phúc của Các Cụ, Ông Bà để lại!
Trả lờiXóaChúc Bố Mẹ em mạnh khoẻ và luôn sống trong thương yêu vui vẻ như thế này!
Tuyệt vời lắm
Cảm ơn chị. Em tình nguyện làm thư ký cho gia đình, ghi lại những chuyến đi, những kỷ niệm của ông bà cho chính mình và các anh chị, sợ không lưu giữ thì mọi sự qua đi, rồi mình cũng quên mất :-)
Xóa