Khi
lên kế hoạch cho chuyến đi mình cố gắng cân bằng giữa thời gian dành cho thiên
nhiên và văn hóa. Nhưng thiên nhiên Bali quá đẹp mà văn hóa thì cũng đặc sắc vô
cùng, không biết nên thăm gì bỏ gì. Vì thế vụ chọn địa điểm này mình loay hoay
mãi mới quyết định xong.
Ở
Bali có rất nhiều ngôi đền nổi tiếng, mỗi ngôi đền lại có một điểm đặc sắc nào
đó và hầu hết đều là các ngôi đền của đạo Hindu do có tới khoảng 86% dân số
theo đạo Hindu. Ngôi đền mình chọn cho buổi tối ngày đi chơi đầu tiên là
Uluwatu, một ngôi đền cổ được xây dựng từ thế kỷ 11, nằm cheo leo trên một mỏm
đá nhô ra biển. Bản thân ngôi đền không to nhưng khuôn viên toàn bộ khu đền khá
rộng, từ điểm trung tâm là ngôi đền có hai con đường bậc thang dẫn ra khá xa để
có thể ngắm toàn cảnh ngôi đền từ hai phía, hoặc đơn giản ngắm những con sóng
xô vào chân bờ đá. Đền có một khu sân khấu ngoài trời sức chứa tới cả nghìn người,
được sử dụng để biểu diễn múa Kecak và múa lửa vào mỗi tối, lúc 18.00 và 19.00.
Ngồi trên khán đài trong ánh hoàng hôn, ở tít phía xa kia mặt trời đỏ lựng đang
dần chìm xuống biển, trong tiếng hát lúc to lúc nhỏ thay cho nhạc cụ của hơn 50
người đàn ông, ngắm nhìn điệu múa ma mị, kỳ quái của những vũ công trong vai nữ
và nam thần, mình tưởng như đang quay trở lại quá khứ rất xa xưa nào đó trong một
bầu không khí đầy huyền ảo. Trong lúc ngồi chờ show diễn mình sơ sơ nhẩm tính,
mỗi vé 10 đô, chương trình mình xem cả nghìn khách, vậy là 10k đô ngon ơ, chưa
kể vé vào đền mỗi người 3.5 đô nữa. Kể cả show thứ hai lúc 7h nhiều khả năng vắng
khách hơn tương đối thì rõ ràng nguồn thu của họ không hề nhỏ chút nào, theo một
cách hoàn toàn chính đáng.
Đền
Ulan Danu Beratan nằm cách thị trấn Ubud khoảng 40km, tương đương với hơn một
tiếng xe qua những thị trấn, làng mạc với vô vàn những ngôi đền lớn nhỏ. Những
ngôi đền có thể của gia đình, giống như miếu của một nhà nào đó ở Việt Nam,
nhưng luôn luôn ở quy mô lớn hơn, được xây dựng cầu kỳ hơn. Những ngôi đền của
dòng họ thường to hơn đền của gia đình, rồi đền của làng và những ngôi đền lớn
là của chung toàn thể cộng đồng người Hindu. Những ngôi đền của gia đình, đôi
lúc có thể khá to, được giữ gìn từ đời này sang đời khác, con cháu không bao giờ
được bán khu đất đó đi và nếu trong gia đình không còn ai, người ta sẽ chuyển
giao ngôi đền đó cho làng trông coi. Đền Ulan Danu Beratan nằm bên một chiếc hồ
rất đẹp với những ngọn tháp nhô lên trên mặt hồ. Mình cứ thắc mắc về chất liệu
mái của những ngôi đền, giống như lông đuôi một loài nào đó. Bằng thứ tiếng Anh
không tốt lắm, bác lái xe giải thích rằng đó một loại lá gọi là alang alang, được bện lại, chắc giống kiểu
đánh tranh của nhà mình, để lợp. Ban đầu, những mái như vậy có màu vàng rơm,
theo thời gian sẽ chuyển sang màu tối, gần với màu đen. Định kỳ (5-7 năm) người
ta sẽ phải thay mái khi nó hỏng. Không hổ danh là thiên đường du lịch, trong
khi người ta giữ gìn truyền thống rất tốt bằng cách không cho khách du lịch vào
khu đền chính mà chỉ có thể đi vòng xung quanh ngắm, người ta đã tạo nên ở vòng
ngoài ngôi đền những chỗ check-in tuy đơn giản nhưng thu hút khá đông khách du
lịch dễ tính – đại để những chiếc vòm cổng, bãi cỏ, vườn hoa…, và thậm chí cả
khu vui chơi cho trẻ em, quán ăn, nhà hàng…
Đền
Tirta Empul hay còn gọi là Holy Spring Temple/Đền nguồn nước thiêng là nơi người
ta đến để thanh tẩy cơ thể và tâm hồn. Nghi thức bắt đầu bằng việc cầu nguyện,
dâng lễ vật và kết thúc bằng việc vào hồ nước thanh tẩy qua 12 vòi nước chảy ra
từ nguồn nước thiêng. Người theo đạo Hindu sẽ chọn ngày kỹ lưỡng để đến đền thực
hiện nghi lễ này, và nhiều gia đình chọn mang trẻ sau 3 tháng tuổi đến đây làm
nghi lễ như một cách cầu xin may mắn bình an cho đứa trẻ mới sinh. Hôm đến thăm
đền, khá funny, mình thấy có ít nhất hai cô Tây mắt xanh tóc vàng cũng ngồi khấn
bái xì xụp và vào hồ nước thiêng thanh tẩy sau đó J.
Các bảo
tàng là một điểm không thể bỏ qua khi đến Bali. Không thể ngờ trên một hòn đảo diện
tích chỉ chưa tới 6000 km2 mà có tới 11 bảo tàng lớn nhỏ. Mình chỉ có thể ghé
qua 3 bảo tàng nổi tiếng nhất – Museum Pacifika, Agung Rai Museum of Arts và
Bali Museum, hiểu thêm về lịch sử bị Hà lan cai trị của hòn đảo, về nền văn hóa
và nghệ thuật huyền bí và rực rỡ của hòn đảo này. Chưa nói tới các tác phẩm, mà
bộ sưu tập kiếm keris trong Bali Museum khiến chàng trai thích mê, thì bản thân
các tòa nhà bảo tàng, những đường chạm trổ, cánh cửa, cổng vòm đã là những tác
phẩm tuyệt vời.
Văn
hóa truyền thống Bali thực sự được lưu giữ vô cùng tốt. Bên cạnh kiến trúc và đền
chùa thì nghệ thuật biểu diễn là một điểm độc đáo khác của Bali. Ở thị trấn
Ubud các chương trình múa Legong và múa Barong được tổ chức gần như hàng tối ở
bảo tàng nghệ thuật Agung Rai và cung điện Ubud. Cả hai khách sạn/resort của
mình ở Nusa Dua hay Kuta cũng đều đặn có các chương trình biểu diễn như vậy.
Mình không đi xem chương trình nào ở Nhà hát Bali nhưng thoáng thấy tờ áp phích
quảng cáo chương trình nghệ thuật dân tộc rất hoành tráng. Chương trình múa
Legong mình xem ở cung điện Ubud kéo dài 1.5 tiếng, giá vẻ vỏn vẹn 7 đô, gồm 5
tiết mục, trong đó những tiết mục thu hút mình hơn là do các vũ nữ múa. Hai mẹ
con vô cùng ấn tượng với cách các vũ nữ điều khiển mắt và đầu, lúc thì dịu dàng
như một bông hoa hay nữ thần sắc đẹp, lúc khác đôi mắt trừng lên trông rất dữ tợn.
Bất chợt mình so sánh với Tinh hoa Bắc bộ giá vé ít nhất gấp 3 lần mà sau lần
cuối đi xem cách đây gần 1 năm thì mình đã tự nhủ không có lý do gì đi thêm lần
nữa.
Trọn
vẹn 5 ngày lang thang, mẹ con mình được đắm mình trong bầu không khí rất riêng
biệt của Bali. Những người phụ nữ Bali quấn sà rông đầy duyên dáng, đôi khi cài
thêm bông hoa đại trên tóc, cứ như thể ai cũng bước ra từ những cánh cửa xa xưa.
Những người đàn ông quấn sà rông hiền lành, thật thà và nhiệt tình, dù khi mình
ở trong resor hay cần hỏi đường ở bên ngoài. Khi ở bãi Diamond beach, bỏ lại
chiếc túi có máy tính trong xe để đi ngắm cảnh, sau khi đã dặn bạn lái xe 2 lần
là mình để máy tính trong xe mà thấy bạn ấy vẫn chưa khóa cửa xe, mình rất lo lắng,
hỏi thêm lần nữa, bạn ấy thản nhiên bảo, có bảo vệ kia rồi mà, tự dưng thấy
mình như đã bị thói không tin người ăn vào máu mất rồi L. Thức ăn Bali dễ ăn, tuy đôi lúc hơi mặn chút. Hai mẹ
con đã thử nào lợn sữa quay, nào vịt quay, gà nướng, thịt lợn nướng… Tuy thế
mình đã không thử món hải sản nướng nổi tiếng trên bờ biển Jimbaran, vì trải
nghiệm với món hải sản ở resort trước đó quá chán, làm Tuấn gàn mình. Thôi, hải
sản thì mình về chợ nhà, vài trăm nghìn là đủ ăn nhòe hải sản tươi ngon J.
Thế
là mình đã thực hiện được thêm một ước mơ nho nhỏ, đến thăm được một vùng đất mới.
Tạm biệt Bali và hẹn gặp lại. Biết đâu đấy, vẫn còn nhiều điểm mình muốn khám
phá ở đây lắm – núi lửa Batur, đảo rồng Komodo hay bãi cát hồng… Mình sẽ tiếp tục
mơ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét