31 tháng 8 2020

THẾ LÀ CHÀNG TRAI ĐÃ ĐỖ TÚ TÀI 😊

 Thi tốt nghiệp xong hôm 10/8, chàng trai huyên thuyên, con sẽ ôn tiếng Nhật, con muốn học thêm, con muốn này con muốn nọ bla bla, nhưng cuối cùng thì phần lớn thời gian chàng chung thủy với người tình trăm năm – điện thoại hoặc máy tính. Một đôi lần mẹ hỏi, thế nào con bắt đầu ôn tiếng Nhật chưa. Chàng cười ranh mãnh, con mệt lắm, con cần nghỉ ngơi tý đã, con đã vất vả học hành suốt thời gian vừa rồi.

Vụ [tiếp tục] nghỉ ngơi của chàng kéo dài từ đó đến tận bây giờ. Dù làm bài khá, chàng tự đánh giá mình sẽ được khoảng 15-16 điểm, thì chàng vẫn có ý ngóng chờ thông báo. Đến tuần cuối thì chàng đếm từng ngày, còn hai ngày nữa mẹ nhỉ, còn một hôm nữa thôi mẹ nhỉ. Mẹ cũng không để ý họ sẽ công bố điểm vào thời gian cụ thể nào nhưng tối 27 mẹ dặn con, sáng mai biết điểm thì gửi tin nhắn cho mẹ nhé. Đêm đó mẹ thức hơi khuya, nửa đêm thấy báo đưa tin điểm thi đã được đưa lên mạng, vội vàng sang gõ cửa phòng con. Chàng trai lập cập vào mạng tìm ngay. Nghẽn mẹ ạ, chắc nhiều người tra quá. Vài phút sau thì chàng cũng tra được điểm. Ôi mẹ không tin vào mắt mình, 6.6 Toán, 6.5 Văn, 6.25 Sử và 7.75 Địa. 20 điểm do Sử và Địa được coi là một môn và lấy điểm trung bình hai môn đó. Chàng trai excited quá, còn tra thêm ở trang khác nữa cho chắc chắn.

Mẹ exicted quá cũng mãi không ngủ được, trước khi nhắm mắt còn gửi tin nhắn vào nhóm chat chung của nhà mình để báo cáo. Không thể hình dung nổi, với 20 điểm thậm chí con có thể đăng ký vào khối trường đại học ấy chứ. Và mới cách đây khoảng một tháng con còn bị 1 điểm môn Văn, 3 điểm môn Sử cơ mà. Chàng trai tỏ vẻ khinh bạc, có gì đâu, thì cũng gần như con tính ấy mà. Nhưng chàng cũng thú nhận, con sợ nhất bị điểm liệt môn Sử, con đánh bừa mà cũng đúng nhiều phết nhỉ 😊.

Mẹ hay kể chuyện về con cho mấy cô ở cơ quan nghe, vậy nên sáng hôm đó mẹ nhận được tin nhắn hỏi thăm. Cô Th. bảo ngưỡng mộ con thật. Cô M. thì bảo chúc hai mẹ con đã qua một chặng đường gian nan.

Thế là chàng trai của mẹ đã vượt qua kỳ thi tú tài ngon ơ 😊. Khi mẹ bảo con chả học hành gì, chàng cãi, đâu, suốt một tuần trước khi thi con học hành chăm chỉ cực, cứ cách một ngày con lại học hai tiếng đấy. Ặc ặc. Cách một ngày hai tiếng, tức mỗi ngày một tiếng, và đó chính là những hôm chị Hạnh hoặc anh Tuấn đến học cùng con.

FPT đã gửi giấy thông báo làm thủ tục nhập học, chỉ vài tuần nữa chàng trai sẽ khăn gói đi ở ký túc xá. Chàng trai muốn đi xe máy lên đó – cách hơn 30km. Mẹ cương quyết không cho vì mẹ bảo không an toàn và tuyến xe bus lên đó rất tiện. Tranh luận một số lần và mẹ vẫn giữ quan điểm như vậy. Đến khi mẹ bảo, cứ cuối tuần con về thăm bố mẹ nhé, chàng trai tỉnh bơ, không, một tháng con về một lần thôi, đi lại ít cho an toàn. Hahaha, trả đũa mẹ đây hả. Tối qua khi hai mẹ con ngồi nói chuyện tương lai của con, chàng bảo, có khi con đi học ở đó một năm rồi con bỏ đi làm start-up ấy chứ. Nhỡ đâu gặp người có cùng chí hướng cùng ý tưởng. Cơ hội có phải lúc nào cũng đến đâu.

Ôi ôi, chàng trai của mẹ! Chú Th. bảo mẹ uống thuốc trợ tim dần đi, con nói đúng đấy, có cơ hội là phải nắm bắt ngay. Mọi người cứ khen mẹ dũng cảm, thấu hiểu… Mẹ luôn bảo, ôi có gì đâu, mẹ đơn giản chỉ là ngoan ngoãn nghe lời con cái ý mà. Bị buộc phải nghe lời .

Chàng trai của mẹ tối nay xin đi ăn với đám bạn, thực ra là các anh chị, học cùng kỳ cuối ở FPT. Mẹ bảo đúng, con rất nên giữ các mối quan hệ. Vậy đây là ngân sách nhà nước hay tự chi? Chàng ranh mãnh tủm tỉm, ngân sách nhà nước chứ. (Các con rất biết tiếc tiền, vậy nên chỉ toàn chi tiền của bố mẹ thôi, tiền của mình cất kỹ cực.) Thế là bà mẹ lại ngoan ngoãn móc túi. Ừ, cũng rất nên thưởng cho vụ chàng trai đã đỗ tú tài một cách ngoạn mục nữa chứ 😊.

19 tháng 8 2020

PHẦN NỔI CỦA TẢNG BĂNG

Suốt hơn ba năm thời kỳ con nổi loạn, bắt đầu từ lớp 8 đến đâu đó lớp 11, mẹ không nhớ mình đã khóc bao nhiêu vì con. Như trong một bài mẹ đã viết, khi đó mẹ cảm tưởng như mình đang đi trong một đường hầm mà không nhìn thấy ánh sáng nào phía trước. Ơn Chúa, mọi chuyện đã lùi xa. Giờ con đã trở thành một chàng trai đáng yêu với tính hài hước vô tận. Các chị truyền thông ở FPT Aptech thấy câu chuyện mẹ chia sẻ trong lễ tốt nghiệp hay quá nên xin viết bài về con. Bài lên báo, mẹ gửi cho một số bạn bè thân thiết, rồi cả bác Kh. - bác sỹ tâm lý của con, cô Th. - cô giáo duy nhất hiểu con, chấp nhận con và là cô giáo duy nhất con yêu quý từ ngày đó đến giờ. Mấy người bạn trầm trồ, ôi con trai giỏi thế, chị sướng thế, nhưng bác Th. thì hiểu rất rõ chặng đường chông gai mẹ con mình đã vượt qua. Những gì mọi người đọc trên báo bây giờ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Dù sao cũng thật cảm ơn con. Một người bạn mẹ bảo, May mà nó chiến thắng ba năm khóc của em [tức để con được đi theo con đường con chọn], nếu không nó bị sang chấn tâm lý/trầm cảm thì em khóc cả đời. Có lẽ đúng là như vậy. Mẹ đã học được từ con rất nhiều điều, nên bây giờ tiếp tục trải qua thời kỳ nổi loạn của em cún, với một thần kinh đã được con tôi luyện vững vàng :)

Lưu lại bài báo về con ở đây làm kỷ niệm cho con nhé.

Chọn trường cho con – Sao phải áp đặt khi nên thấu hiểu?

Mỗi bạn trẻ 2k2 đều có một tư duy đặc biệt, có những lựa chọn, hoài bão tương lai rõ ràng cho bản thân. Những lối đi truyền thống mà cha mẹ ướm cho các bạn, liệu có vừa vặn cho tài năng và nguyện vọng của các bạn?

Về một cậu bé có tư duy đặc biệt

Thế hệ Gen Z được kỳ vọng sẽ thay đổi cả thế giới, bởi các bạn trưởng thành trong một thế giới đa dạng và nhiều thách thức. Khác với các thế hệ đi trước, GenZ nắm biết nhiều thông tin hơn, và do đó các bạn biết mình có nhiều lựa chọn – nhiều hướng đi. Các bạn sẵn sàng theo đuổi niềm đam mê của mình, dù sẽ có nhiều thách thức. Và Nguyễn Sỹ Tuấn, cựu sinh viên Aptech (cơ sở số 8A Tôn Thất Thuyết) là một GenZ như thế.

Sỹ Tuấn vốn là cậu bé có cá tính và đặc biệt yêu thích máy tính từ nhỏ, như các bạn đồng trang lứa. Sỹ Tuấn bắt đầu làm quen với lập trình từ năm lớp 7 và cảm thấy bản thân thực sự bị cuốn hút bởi lĩnh vực này. Hành trình học tập của Sỹ Tuấn tiếp tục đến giai đoạn chuyển cấp thì bạn ấy bắt đầu có suy nghĩ chương trình học truyền thống không dành cho mình. Bước ngoặt cho tương lai của Tuấn bắt đầu từ đây.

Chuyển cấp: Cha mẹ vs. con

Học cấp hai xong, thi vào cấp ba, rồi thi đại học như bao học sinh khác – đó cũng là dự định mà cha mẹ của Sỹ Tuấn đã đinh ninh chuẩn bị cho bạn ấy. Một hành trình chung của xã hội, có vẻ sẽ đảm bảo cho tương lai và "như bao nhiêu người khác".

Nhưng cha mẹ Tuấn sớm đã nhận ra: Tuấn sẽ không đi theo hành trình đó.

Một cuộc thảo luận giữa cha mẹ và Tuấn, kết thúc bởi sự phản đối rất nghiêm túc của Tuấn. Cha mẹ Tuấn đã hoàn toàn thay đổi cách nhìn về con, thông qua những chia sẻ của Tuấn về mong muốn và đam mê của bạn ấy. Và bước đầu tiên bắt đầu từ việc chọn trường, cha mẹ cho Tuấn quyết định. Và bạn hãy hình dung xem cha mẹ của Tuấn đã cảm giác như thế nào khi biết được quyết định của Tuấn?

Sỹ Tuấn đã chọn cho mình – không phải 1 lộ trình – mà là 3. Khi ấy 15 tuổi, Sỹ Tuấn đã quyết định theo đuổi cùng lúc: Chương trình học văn hóa và chương trình Piano Jazz tại Học viện Âm nhạc Quốc gia, và chương trình Lập trình viên Quốc tế tại Aptech.

Vì sao lại là âm nhạc và lập trình? Hẳn bạn cũng thắc mắc như thế!

Theo cách Sỹ Tuấn chia sẻ thì: "Khi đánh đàn, em phải sử dụng hai tay, hai chân cùng lúc. Nó khiến não em hoạt động nhanh hơn. Và quan trọng nhất khi hòa mình cùng âm nhạc, cần rất nhiều đến cảm xúc, và em có cảm giác rằng nó giúp em thể hiện tốt hơn trong những dòng code của mình". Ánh mắt Sỹ Tuấn rạng ngời khi nói về hai niềm đam mê lớn nhất của mình, và có lẽ ánh mắt đó đã giúp Tuấn lấy được sự tin tưởng của ba mẹ.

Một nút thắt cần được tháo gỡ bằng những trao đổi – cảm thông và tin tưởng. Nút thắt của Sỹ Tuấn đã được tháo ra khi cha mẹ bạn ấy tin tưởng và thấu hiểu cho con, bỏ qua các dự định đã từng áp đặt lên con.

Cần có thấu hiểu để có tự hào

Suốt những ngày tháng dõi theo con với sự thấu hiểu, hẳn trong lòng cha mẹ của Sỹ Tuấn cũng nhiều lo âu. Chứng kiến Tuấn học tập và thực hành thật say mê và vui vẻ, không biết mệt mỏi dù phải học cùng lúc 3 chương trình, cha mẹ Sỹ Tuấn giờ đây đã có thể ấm lòng tự hào về con.

Ở tuổi 18, Sỹ Tuấn tốt nghiệp chương trình Lập trình viên Quốc tế tại Aptech. Trong lễ tốt nghiệp, bà Đặng Tuyết Anh, mẹ Sỹ Tuấn, xúc động chia sẻ: "Là một người mẹ, tôi cảm thấy vô cùng tự hào về con trai mình. Con trai tôi vừa trải qua sinh nhật lần thứ 18, và hành trang con có là một tấm bằng Kỹ sư phần mềm của Aptech. Con đã được đi thực tập có lương như một nhân viên thực thụ, chỉ sau 1,5 năm học tại Aptech – khi con mới là học sinh lớp 11. Trên hết, con tự tin và trưởng thành hơn, và đây sẽ là bước đà để con tiếp tục sự nghiệp trở thành kỹ sư phần mềm của mình".

Xem bài phát biểu của Bà Đặng Tuyết Anh – Phụ huynh sinh viên Sỹ Tuấn trong lễ tốt nghiệp tại đây.

Nói về chương trình học Lập trình tại Aptech, bà Đặng Tuyết Anh nhận xét đây là một chương trình đào tạo chất lượng và hoàn chỉnh. Tuấn có kể với mẹ rằng chương trình liên tục được cập nhật những công nghệ mới, lịch học linh hoạt nên thuận tiện, và quan trọng là Tuấn được thực hành nhiều, là điểm mà Tuấn thích nhất.


Mỗi bạn trẻ GenZ sẽ có riêng một con đường đi đến thành công. Bên cạnh các bạn, luôn có cha mẹ đồng hành với niềm tin yêu và lắng nghe để thấu hiểu. Hướng đi hôm nay con chọn sẽ cần bàn tay cha mẹ trên vai để động viên con đi đến cuối hành trình để tiến đến thành công.

"Con hiểu rằng những lo lắng và dự định của cha mẹ là vì thương con. Nên vì thương con, cha mẹ hãy tin tưởng và cùng con chọn một hướng đi tươi sáng đến tương lai!".

12 tháng 8 2020

RA BIỂN LỚN-02_LAO ĐỘNG NGHỆ THUẬT [THẬT] DỨT CHI LÀ GIAN NAN :)

Sau buổi biểu diễn đầu tiên, mà con vẻ rất quan trọng gọi là “debut”, thỉnh thoảng nàng lại hỏi, mẹ ơi bao giờ bác L. lại gọi con đi biểu diễn, con say mê thật rồi. Ơ, con phải hỏi bác chứ, mẹ làm sao biết được, mà những chương trình như vậy hiếm hoi lắm, một năm chỉ có vài chương trình thôi con ạ. Vậy nhưng đến ngoài 20 tháng 7 đã thấy bác L. hỏi mẹ con có muốn đi biểu diễn cùng dàn nhạc trong một chương trình sẽ diễn ra vào giữa tháng 8 không. Cún nhảy cẫng lên, mẹ bảo có đi có đi. Hihi, mẹ nhắn tin cho bác con rất vui được đi biểu diễn, và vì bây giờ là mùa hè nên con sẽ có nhiều thời gian tập hơn. Vậy là đang từ tập 2 buổi một tuần, con xin bác cho vào dàn nhạc tập tất cả các buổi chiều từ thứ Hai đến thứ Bảy, 2h đến 5h chiều.

Tập một mình được 2 tuần thì đến phần tập ghép với dàn nhạc. Đây là một chương trình lớn của Bộ CA, có tới 16 tiết mục, toàn các ca sỹ tên tuổi dòng chính thống. Con sẽ cùng dàn nhạc đệm cho 02 bài hát. Miệt mài tập phần đệm cho 2 bài đó, nhưng đến khi đi ghép cùng dàn nhạc thì những rắc rối nảy sinh. Lịch thay đổi thường xuyên, có hôm con không kịp đến vì lịch bị đổi và báo gấp quá. Rồi hôm theo lịch đến thì lại không ghép được do không có ca sỹ. Rồi bài hát bị đổi, cách phối đệm bị đổi.... Một hôm đi về con phụng phịu, bây giờ con chỉ còn đệm có 1/2 bài. Con có nên gửi tin nhắn cho bác Honna xin bác cho con đánh thêm. Tất nhiên, rất nên. Thế con gửi tin nhắn tiếng Anh hay tiếng Nhật nhỉ, hay gửi bằng tiếng Nhật cho ấn tượng. Đúng rồi con gái ạ, bác sẽ rất ấn tượng với con, nghĩ rằng con là một đứa trẻ hết sức cá tính và đằng nào con cũng chả mất gì, chỉ được đánh thêm hay không thôi. Thế là nàng gửi cho bác chỉ huy dàn nhạc một tin nhắn dài ngoằng bằng tiếng Nhật mà nàng đã nhờ cô giáo tiếng Nhật kiểm tra trước cho chắc chắn là viết đúng và đủ ý.

Còn đúng một tuần nữa là đến ngày diễn thì chiều thứ Hai nàng gọi cho mẹ giọng vô cùng náo nức, mẹ ơi con được đánh thêm 2 bài nữa. Chú ấy vừa đưa bài cho con chiều nay, bảo sáng mai ghép nhạc luôn, chắc hôm nay con tập đến tối muộn quá. Ôi trời, mẹ không thể hình dung nổi. Con tập đệm cho 2 bài “Sông Lô” và “Người Hà Nội”, và giờ là hai bài khác hoàn toàn – “Tổ quốc gọi tên mình” và “Miền xa thẳm”. Ừ, vậy thì con cứ ngồi ở dàn nhạc tập đi, nếu đói thì bảo anh Hiếu mua đồ ăn cho con nhé. Kết quả là nàng ngồi tập đến tận 9h tối mới về, nhưng chẳng kêu ca mệt gì cả mà happy lắm. Tóm lại là gần như cả tuần cứ sáng thì con tập cùng dàn nhạc ở Trung tâm hội nghị quốc gia, rồi chiều con sang dàn nhạc để tự tập tiếp. Mọi khi mẹ để con đi xe đạp điện đến nhạc viện, rồi khi tập ở dàn nhạc có anh Hiếu ngồi cùng. Hôm qua hỏi con đi sang dàn nhạc bằng cách nào con bảo, đồng nghiệp chở con đến cơ quan. Hahaha, đồng nghiệp cơ à, lại còn cơ quan nữa. Thế đồng nghiệp đó là ai, cho mẹ biết tên nào. Vâng, vâng, con sẽ cho mẹ toàn bộ thông tin, họ tên, nhà cửa luôn.

Con là đứa trẻ duy nhất hiếm hoi trong dàn nhạc. Đúng là có mấy khi họ cho một đứa trẻ vào dàn nhạc như thế này đâu. Mẹ hỏi, mọi người có hỏi tuổi con không, con bảo chị chơi piano hỏi tuổi con, con trả lời, bạn bao nhiêu tuổi không quan trọng, quan trọng là bạn trông bao nhiêu tuổi 😊. Con rên rỉ, mẹ có cái váy nào cho con mượn không, con không thích mặc thế này [áo phông, quần đen xắn gấu], trông trẻ trâu lắm. Có hôm nàng lôi một chiếc váy hoa của mẹ mặc, bảo con thích phong cách quý cô thanh lịch thế này 😊.

Thế là con đã miệt mài tập đến tuần thứ tư cho hai buổi biểu diễn cuối tuần này rồi. Được cái dạo này mùa hè, con tha hồ tập, dù vẫn theo các buổi học thêm khá đầy đủ với vô số bài tập về nhà. Con đúng là đứa trẻ đặc biệt, chẳng hiểu gien của ai. Sự cương quyết có lẽ thừa hưởng phần nào từ mẹ, nhưng còn gien âm nhạc, liệu từ ông Tựa chăng? Nếu mọi người biết con còn chơi được violin thì mọi người còn ngạc nhiên nữa, dân học nhạc dân tộc, lại đi biểu diễn đàn hạc và chơi cả violin. Con bảo hôm nay khi nghỉ giải lao con sẽ mượn một cây đàn violin và giả vờ nhờ một chị chỉ cách chơi, hihi.

Tối qua con tập khuya quá, đến mức hôm nay mẹ phải nghiêm khắc yêu cầu, con tập đến 6h tối thôi, về ăn cơm với cả nhà. Nàng vẫn nằm cuộn tròn trên giường, trông hết sức đáng yêu vui vẻ hét trả, No no, thế chết con à, hôm qua con bị bác Honna lườm đấy, con sợ lắm. Vì một tương lai không bị bác Honna lườm con phải tập hết sức. Thỏa hiệp của hai mẹ con là con “chỉ tập đến 8h tối”. “Chỉ đến 8h tối”, chỉ tập 6 tiếng chiều hôm nay, zời ạ, chuẩn nào thế này.

Lâu lâu mẹ lại hỏi vậy tóm lại con muốn học ngành gì, rồi dỗ dành, con cứ học đại học một ngành nào đó liên quan đến Hóa. Trong lúc đó con vẫn học nhạc như bây giờ. Rồi nếu con muốn, học xong đại học bố mẹ vẫn cho con ra nước ngoài học đàn hạc 1-2 năm là đủ, không nhất thiết phải theo hẳn âm nhạc. Tuấn cười cười, mẹ đang bảo nghề nhạc là cái nghề chết đói đấy em ơi. Vớ vẩn, mẹ có nói thế đâu. Nhưng thái độ và cách nói của mẹ đúng là thế mà. Hôm khác thì mẹ bảo, em cún chỉ việc xinh đẹp và chơi đàn hay thôi, tiền nong đã có anh Tuấn lo, nhể. Tuấn lại cười rất đểu, con thấy cả hai mục tiêu của mẹ đều hơi cao đấy. Hahaha, cậu cả không bao giờ thiếu óc hài hước, mẹ thì cười bò còn em cún tức điên lên được.

Con gái cứ theo đuổi đam mê của mình nhé. Sinh con ra là để con được sống cuộc đời hạnh phúc. Miễn con tìm được niềm vui, được làm điều con thích và mẹ luôn ở bên con, hết lòng hỗ trợ con. Những buổi tập/diễn thế này, một mặt rất áp lực, mặt khác lại là cơ hội tuyệt vời để con nâng cao kỹ năng. Mẹ tin rằng chỉ trong vài tháng vừa qua kỹ năng chơi đàn, kỹ năng biểu diễn và bản lĩnh sân khấu của con được rèn luyện rất nhiều. Và nó sẽ giúp con hiểu rõ liệu con có thực sự muốn đi theo con đường nghệ thuật đầy gian nan nhưng chắc chắn cũng rất nhiều niềm vui này. Yêu con gái của mẹ rất nhiều!

10 tháng 8 2020

THÍ SINH DUY NHẤT PHẢI CHỞ PHỤ HUYNH ĐI THI :)

12 năm đèn sách, mà nói vậy thì chả đúng với cậu cả, vì suốt 3 năm học cấp 3 chàng hầu như không có khái niệm sách vở, nay đã đến lúc chàng đi thi. Để chuẩn bị thi, đợt gần đây anh Tuấn học cùng con nhiều hơn một chút, chị Hạnh cũng vậy. Của đáng tội, không có anh chị không biết con thi kiểu gì. Suốt 3 năm cấp 3 con đến lớp chỉ để điểm danh. Hồi lớp 10 con hay ngủ trong lớp, sau đó khi lên lớp 11-12 con ít ngủ hơn, nhưng con mang máy tính đến ngồi học lập trình, làm việc riêng, thậm chí mang cuốn Clean Code đến đó ngồi đọc. Đầu năm lớp 12 con bảo, mẹ xin cô đề cương đi, cần bài kiểm tra nào con làm hết một lượt cho xong để con còn nghỉ. Đây, con chép hết cả bài của học kỳ 2 rồi, mẹ bảo cô kiểm tra rồi để cho con yên… Đại để vậy. Nói chung là không hề có khái niệm học hành. Chỉ khi nào có anh Tuấn hay chị Hạnh ngồi cùng thì con học, ôn một chút, còn ngoài ra không bao giờ con đụng vào sách vở. Bài thi thử đầu tiên con được 8 điểm Toán, 3 điểm Sử-Địa và 1 điểm Văn – con chả biết tác phẩm đấy là cái gì. Điểm liệt, đương nhiên như vậy là sẽ trượt tốt nghiệp dù các điểm khác có đủ bù lại để trung bình các môn trên 5. Mẹ rên rỉ, con ơi kiểu gì con cũng phải tốt nghiệp chứ, làm sao con lại được 1 điểm, cứ chịu khó bịa luyên thuyên, có chữ thì người ta mới cho điểm được chứ. Mẹ yên tâm, con biết con biết. Ít hôm sau chàng bảo, con đọc qua sách giáo khoa Văn một lượt rồi, mẹ không phải lo. Lần thi thử thứ hai, cô giáo bảo em thấy bài con viết khá dài chị ạ. Mẹ hỏi điểm cô mấy lần nhưng cuối cùng thì vẫn chẳng biết mấy điểm, nhưng cả hai mẹ con đều khá tự tin con được trên 1.5, vừa đủ để không bị liệt 😊.

Trước ngày đi thi con bảo, con biết cách để được trên 1.5 điểm [Văn] rồi. Chỉ cần viết mở bài xong kết luận luôn đã được 1 điểm rồi mẹ ạ. Suốt cả tuần trước ngày thi hai mẹ con phấp phỏng – hủy thi, không hủy thi. Ban đầu con mong hủy, nhưng đến những ngày cuối thì con bảo, con thấy thi cái này cũng chả có gì, dễ ấy mà. Cuối cùng thì cái bộ dục crazy vẫn quyết định tổ chức thi trong bối cảnh ca nhiễm ở Đà Nẵng tăng đều đặn, lan ra các tỉnh thành khác, và Hà Nội thì có vài ca mới.

Cuối cùng ngày G đã điểm! Hôm làm thủ tục mẹ đi cùng con đến cổng trường. Mẹ ngồi đợi con ở cà phê trong lúc con làm thủ tục. Lúc về mẹ hỏi, có nhiều bạn được phụ huynh đưa đi không. Chàng tỉnh bơ, có, nhiều lắm, còn con là thí sinh duy nhất phải chở phụ huynh đi thi. Không thể chấp nhận được! (Lâu nay mẹ đã bỏ đi xe máy hoàn toàn, xe cũng bán rồi, nên tiếng là đưa con đi thi, nhưng trên thực tế thì mẹ ngồi sau lưng con, chờ con rồi con lại chở về.) Hahaha, chàng thật hài hước làm mẹ phì cười. Buổi sáng thứ nhất thi Văn trôi qua trong bình yên. Con viết đến tận trang thứ tư đấy mẹ biết không, cứ có thơ là con không sợ vì kiểu gì người ta cũng trích thơ ở đó. Chiều hôm đó thi môn Toán, chàng tự đi, và chỉ 15’ sau khi ra khỏi nhà thì đã có cuộc gọi về, mẹ bảo bố mang căn cước và thẻ dự thi cho con, con quên. Đấy mà, không có mẹ nhắc nhở là xảy ra sự cố ngay.

Sáng nay con đã thi xong môn cuối cùng. Buổi sáng mẹ ra khỏi nhà cùng con rất sớm - 6.20. Gần đến điểm thi, con chỉ vào  một bạn mặc áo đồng phục trắng, ngồi sau lưng mẹ trên chiếc xe ngay trước hai mẹ con mấy mét, đấy mẹ thấy không, các bạn được chở đi thi kia kìa, chỉ có con là thí sinh duy nhất phải chở phụ huynh đi đấy. Mẹ bảo, tinh thần là chủ yếu, ngồi trước hay sau quan trọng gì. No no, người ngồi sau là ăn bám. Kakaka, chàng trai của mẹ rất biết làm mẹ cười. Cảm ơn con về tất cả, về khiếu hài hước, về việc con đã nhẹ nhàng qua một cột mốc mới để mẹ thêm yên tâm về con.

Chúc mừng con trai. Chắc chắn điểm con sẽ không quá tệ, thoải mái tốt nghiệp để tháng sau con vào FPT. Hôm qua trên đường cùng mẹ từ điểm thi về, chàng luyên thuyên, đấy mẹ thấy không, quan trọng không phải chăm chỉ, mà phải làm việc một cách thông minh. Đúng, chàng trai của mẹ chọn đi một con đường hoàn toàn khác hẳn các bạn. Nhẹ nhàng hơn cho con, chả vật vã thi vào cấp 3, chả vật vã ôn thi tốt nghiệp, cố gắng được điểm cao để vào trường đại học mong muốn. Mọi việc với con cứ nhẹ nhàng thế thôi. Con tiếp tục nghỉ ngơi, như đã nghỉ ngơi từ lâu lắm đến giờ, sau khi nộp đồ án tốt nghiệp cao đẳng lập trình, trước khi bước vào những năm học đại học con nhé 😊.

03 tháng 8 2020

CON TRAI HỌC TIẾNG ANH NHƯ THẾ NÀO

Con trai tập nói sớm, nói nhiều và dùng từ rất chuẩn. Thỉnh thoảng đọc lại cuốn nhật ký ghi lại những bước phát triển của con, mẹ thường xuyên phì cười vì bao điều ngộ nghĩnh. Ngày con 16 tháng, bác Thu cho con ăn, đến khi chán không muốn ăn nữa, con bảo, Đổ cống, đổ cống. Khi con tròn 24 tháng, khi bị ốm và bị mẹ bắt uống thuốc, con hét lên, Không uống cái tác phẩm này đâu.

Con trai có năng khiếu hát, học rất nhanh và không chỉ tiếng Việt. Xem phim Tôn Ngộ Không mẹ thấy con hát bài bằng tiếng Trung, đi nghỉ với bác mấy hôm về thấy nghêu ngao tiếng Hàn, rồi xem Doremon thì hát tiếng Nhật…

Con được gần 4 tuổi thì mẹ cho con đi học tiếng Anh. Thời đó các lớp tiếng Anh cho trẻ con còn rất ít. Mẹ đăng ký cho con học ở May School, ngày đó học tít trên trung tâm. Vậy là tuần nào cũng chở con đi học rất xa, rồi ngồi chờ con tiếng rưỡi, suốt như vậy cho đến khi mẹ sinh em cún lúc con được 4 tuổi 2 tháng. Chắc cả khoảng thời gian đó cũng được ba chữ vào đầu 😊.

Khi được 5 tuổi con sang Anh cùng mẹ một năm khi mẹ theo học khóa Thạc sỹ và con học tiếng Anh rất nhanh, phát âm chuẩn như trẻ con Anh luôn. Quay trở về Việt Nam và vào lớp Một, thỉnh thoảng mấy cô giáo lại bảo con nói tiếng Anh cho các cô nghe vì con phát âm rất hay. Con học hệ quốc tế trong trường dân lập, tuần nào cũng có vài tiết do người bản xứ dạy nên con vẫn giữ được kỹ năng nói, nhưng ngữ pháp thì kém như thường vì con vốn rất ghét việc học theo sách vở. Khi con còn nhỏ, buổi tối mẹ hay lôi cuốn Bách khoa toàn thư của trẻ con bằng tiếng Anh ra, đọc cùng con một đôi trang, rồi đọc các cuốn sách tiếng Anh đơn giản như về khủng long hay những chủ đề thú vị khác. Khi con lên cấp 2 mẹ bắt đầu không học được cùng con nữa, đơn giản con từ chối mọi sự học theo truyền thống. Và từ khi lên cấp 3 hình như con chả bao giờ cầm vào những cuốn sách giáo khoa thông thường, trừ những giờ học cùng các anh chị gia sư cho hai môn Văn – Toán.

Dù vậy, điểm tiếng Anh của con ở lớp cấp 2 luôn khá tốt. Lên cấp 3 thì trường con chả có môn tiếng Anh luôn nhưng con bảo con vẫn tự học. Con toàn đọc truyện, chat chit bằng tiếng Anh đấy. Đến gần lớp cuối cấp thì mẹ nghĩ con cần có chứng chỉ tiếng Anh, như một thứ thông hành cho rất nhiều mục tiêu – học tiếp lên, đi xin việc… Vậy là hè năm lớp 11 mẹ dẫn con đến IELTS Fighter đăng ký lớp. Bài kiểm tra đầu vào, chỉ kiểm tra 2 kỹ năng nghe và đọc, con lập tức được 6.5. Chà chà. Không hề tệ tý nào. Theo đuổi lớp đó hơn 20 buổi nhưng con bảo con chưa tự tin đi thi vì ở đó họ dạy viết chưa kỹ. Con cần học thêm một số buổi nữa trước khi đi thi. Cứ chần chừ mãi vì tìm người kèm không dễ, rồi sau đó là dịch bệnh tràn đến, vậy nên mãi đến đầu tháng 6 con mới bắt đầu được buổi học thêm đầu tiên với một chị mà mẹ nhờ người quen tìm được. Ban đầu dự định học 5-7 buổi nhưng cuối cùng chị đã học cùng con 12 buổi.

Con đặt mục tiêu khá cao, Con muốn được 7.5, hay 8 đi, cho ngầu 😊. Ôi trời, ngồi đó không học gì mà mơ 7.5 mới 8. Mẹ đây, giáo viên tiếng Anh, ngữ pháp rất chắc và chăm chỉ ôn luyện mà cũng chỉ được có 7.0 hồi năm 2006. Túm lại là con vẫn như mọi khi, chả hề ôn luyện gì, chị giao bài tập nào thì làm bài đó, chấm hết. Không hề có cảnh tự lôi sách ra luyện hết đề này đến đề khác. Nhưng vẫn tỏ vẻ tự tin lắm, mẹ biết không, nghe và nói con toàn ổn định ở mức 8.0-8.5 đấy. Chỉ cần viết và nói được 6.5 là con được 7.5 rồi.

Chàng trai tự làm thủ tục, nộp tiền để đi thi. Buổi tập trung nghe phổ biến quy định trước ngày thi con ngủ quên không đi nghe 😊. Hôm con đi thi mẹ hẹn con sau ca thi buổi sáng thì lên văn phòng đi ăn trưa với mẹ, nghỉ ngơi rồi chiều đi thi nói. Ừ, thế là xong một việc. FPT chỉ yêu cầu 6.0 để miễn 01 năm học tiếng Anh đầu tiên. Mà 6.0 thì chắc chắn con sẽ được. Mẹ mong con được điểm cao hơn. Chứng chỉ 6.5 cho vào hồ sơ đi xin việc đã là không tệ nhưng nếu được 7.0 thì hồ sơ sẽ đẹp hơn nhiều.

Hai tuần chờ đợi và cuối cùng thì con đã có điểm – 7.0. Mẹ khoe với mọi người, ai cũng chúc mừng con. Bác H., mà ngày xưa mẹ rất ngưỡng mộ vì bác nói tiếng Anh hay và dạy rất giỏi, bảo ôi còn cao hơn bác thi lần đầu tiên, ngưỡng mộ Sỹ Tuấn quá. Mẹ cũng ngưỡng mộ con đây, có học hành gì đâu mà được tận 7 điểm, bằng mẹ ngày xưa ôn luyện miệt mài. Thế là thời gian học đại học của con sẽ được rút ngắn nhiều, trước mắt là với 01 năm học tiếng Anh, và sau đây, khi vào trường, xem xét cụ thể những môn con đã học ở cao đẳng thì nhiều khả năng con còn được rút ngắn thêm vài tháng nữa.

Chúc mừng con trai yêu. Từng cột mốc đã được con chinh phục một cách ngon ơ. Con dự định sau khi thi xong tốt nghiệp thì quay trở lại ôn luyện tiếng Nhật, giờ đã ở mức N4 và con muốn đạt được N3, hoặc thậm chí N2 trước khi tốt nghiệp đại học.

Lúc con bé, mọi người hay bảo, lưỡi dài và nhọn thế này, nói tốt lắm đây. Có vẻ như điều đó đúng với khả năng ngôn ngữ của con, với cả sự hài hước mà bữa cơm nào cũng khiến mẹ cười bò. Cảm ơn con trai yêu của mẹ. Vững bước vào cuộc sống con trai nhé!