29 tháng 12 2018

NHẬT KÝ MYANMAR_Mandalay, thành phố của những ngọn tháp vàng

Mình thật sáng suốt khi lựa chọn đi chuyến xe lúc 4h từ Bagan tới Mandalay. Dân du lịch bụi thường chọn đi xe đêm để tiết kiệm một đêm tiền phòng. Còn mình tính toán đi lúc 4h thì đến Mandalay vào khoảng 9h tối, vẫn có [gần như] cả ngày thăm thú Bagan mà lại được ngủ đêm tử tế.

Lần này thì không tốn 12,000 kyats đi tắc xi nữa mà nhà xe cho xe đến đón tụi mình tận khách sạn. Chẹp chẹp, oai thật, xe đưa đón tận nơi 😊. Chiếc xe giống xe tải nhỏ, thùng xe có mái nhưng hai bên thùng xe chỉ là những thanh sắt thưa, có tấm rèm mỏng, chắc để kéo ra che khi trời nắng. Mỗi bên thùng xe có một dãy ghế dọc để ngồi. Nhiều xe tương tự chở người địa phương còn chẳng có ghế, hành khách ngồi bệt xuống sàn xe. Đoạn đường từ khách sạn đến chỗ xe đỗ không xa gì, chắc khoảng 15’. Chiếc xe khách nhỏ, loại xe 24 chỗ nhưng chở tổng cộng có lẽ chỉ 15 khách, trong đó khoảng một nửa là dân du lịch. Mình ngồi ngang hàng với một thanh niên địa phương, bị tra tấn bởi tiếng nói chuyện điện thoại oang oang của cậu ta trên gần suốt dọc đường. Cái bọn dân châu Á nói gì thì nói vẫn giống nhau ở rất nhiều điểm xấu.

Con đường Bagan – Mandalay đẹp đến ngạc nhiên nếu so với những con đường đất ngay rìa New Bagan chỗ khách sạn mình ở. Đường rộng chỉ vừa đủ nhưng phẳng lỳ, xe chạy êm ru. Đoạn gần Bagan đất đai khô cằn, ngoài cây thốt nốt thì không có vườn rau hay cây ăn quả gì, nhưng chỉ ra khỏi Bagan một đoạn đã có thể nhìn thấy những mảnh ruộng trù phú, xanh um rau cỏ và có đoạn là cây thuốc lá. Mình mê mải ngắm khung cảnh hai bên đến tận hơn 6h, khi trời bắt đầu tối, và chẳng bao lâu sau thì vầng trăng lại lơ lửng ngoài cửa xe, theo chiếc xe của chúng mình trong đêm. Gần đến Mandalay cậu bé phụ xe đi hỏi từng người địa chỉ. Hơn 8h chút thì xe đến Mandalay và tụi mình được đưa đến tận khách sạn, dễ chịu thế cơ chứ. Lên phòng được ít phút thì mình phát hiện cún quên balo trên xe, vội vàng nhờ khách sạn liên lạc và hôm sau nhà xe mang trả lại tận khách sạn cho mình. Nói chung dịch vụ rất tốt với một giá vé khá rẻ – 9.000 kyats/người, tức khoảng 5.5 đô. Về vụ vé cầu đường thì ngoài vài trạm thu phí chính thức, thỉnh thoảng mình lại thấy bác tài dừng lại trước một baria hoàn toàn tượng trưng làm bằng cây tre hoặc đơn giản một thanh tre/gỗ gác ngang mấy thùng nhựa đường cũ. Có vẻ như vụ cát cứ, thu tiền ở từng vùng rất giống Việt Nam một thời gian trước đây.

Khách sạn nằm ngay trung tâm Mandalay, mình đặt với giá 45 đô/phòng và chất lượng cũng tương đương, nghĩa là tàm tạm, kiểu khách sạn 3 sao ở Việt Nam. Sáng hôm sau, khi từ phòng ăn trên tầng 6 nhìn xuống mình mới phát hiện ra nó nằm cạnh một chiếc chợ khá lớn, còn khi đó mình chỉ phát hiện ra ngay cạnh đó là nhà hàng BBQ. Nói chung đi đến đâu cũng phải liếc ngay để còn lo vụ ăn uống chứ. Cũng như khi đến Bagan, việc đầu tiên là hỏi xe đi hồ Inle. Từ khi lên kế hoạch, mình đã định đặt xe riêng cho đoạn đường Mandalay – hồ Inle vì không muốn đi xe đêm. Đi máy bay thì phải rời Mandalay từ sáng, thấy tiếc thời gian. Khách sạn đưa ra giá 200 đô cho một chiếc xe riêng. Chát quá, chờ tớ đến tầm đại gia xịn vung tiền không tiếc đã nhé, chứ bi giờ thì tớ vưỡn phải tính toán các cậu ạ. Lôi ra một số điện thoại mà mình moi được trên mạng trong khi lang thang đọc để tìm hiểu cho chuyến đi, mình nhờ khách sạn hỏi xe giúp. Giá được đưa ra là 130 đô, sau một hồi mặc cả bác lái xe đưa ra giá 125, giải thích rằng đây là xe to chứ không phải xe 4 chỗ, cho đoạn đường 7 tiếng Mandalay – hồ Inle. Okie, các “đại da” Hà thành tuy hơi xót (vì khi đọc trên mạng chỉ là 100 đô thôi) nhưng cũng đồng ý. Và đặt một chiếc taxi cho chuyến tham quan vòng ngoài Mandalay vào ngày hôm sau với giá 35 đô.

Đọc chán chê về Mandalay rồi nên hỏi ý kiến một em lễ tân rất dễ thương ít phút là mình hình dung ra ngay chặng đường cho ngày tham quan. Nhưng thực ra điều đó cũng chả cần thiết lắm vì cậu lái taxi – một giai trẻ rất thân thiện, miệng lúc nào cũng nhai trầu bỏm bẻm, chắc hẳn đã có vô vàn kinh nghiệm chở khách đi thế này, hôm sau sẽ nhiệt tình đưa bọn mình đi và còn dặn dò đủ kiểu để nhóm mình enjoy được nhiều nhất và tránh bị chặt chém không cần thiết.

Một ngày ở vùng ngoại ô Mandalay
Điểm dừng đầu tiên trên con đường ra ngoại ô Mandalay của bọn mình là ngôi chùa Mahamuni với bức tượng Phật rất lớn dát vàng. Chỉ đàn ông mới được vào bên trong, sát chỗ tượng Phật, còn phụ nữ không được vào mà chỉ có thể quỳ lạy từ tít xa. Cún nhận xét ngay, đấy, xã hội như thế thì làm sao phát triển được 😊. Rất nhiều người mua những lát vàng mỏng dính, bé xíu để dán lên tượng, và qua năm tháng, lớp vàng dát thêm đó [được nói rằng] đã dày tới 15cm.

Tiếp theo là một tu viện cổ nhỏ bằng gỗ mà mình không mấy ấn tượng. Sau đó chàng lái xe đưa bọn mình đi một đoạn khá xa, ra vùng ngoại ô Mandalay đến tu viện Mahagandayon. Đây là một học viện Phật giáo với số người theo học tới khoảng 1.400 giáo sinh, từ các em bé chỉ 7-8 tuổi cho đến lứa tuổi thiếu niên, thanh niên. 10.00 sáng hàng ngày các giáo sinh/tu sỹ trong bộ đồ màu đỏ từ những dãy nhà xa gần sẽ lần lượt đến, xếp hàng trật tự trên con đường bên nhà ăn để vào ăn trưa. Khi nhóm mình đến đó và lúc gần 10h thì đã có khá nhiều khách du lịch đứng chờ dọc hai bên con đường dài khoảng hơn trăm mét đó. Đến khi những em bé đầu tiên bắt đầu đứng xếp hàng thì cả rừng máy ảnh, điện thoại di động chìa ra. Một số “quý bà” đã chuẩn bị bánh kẹo, lần lượt chia cho các em bé và nhất định phải chìa khuôn mặt mình vào đó tự sướng mới yên tâm. Đến đoạn các giáo sinh đã vào nhà ăn và bắt đầu ăn thì cũng không thiếu người chìa máy ảnh chụp cảnh đó. Cún bực bội, vô duyên, ăn mà cũng không để người ta yên. Mẹ hoàn toàn đồng tình với nàng.

Xếp hàng chuẩn bị ăn trưa
Chuyến viếng thăm khu đồi Sangaing, nơi từng là thủ đô của vương quốc Shan trong một khoảng thời gian ngắn ngủi từ thể kỷ 14, với hai ngôi chùa trên núi cho mình cái nhìn toàn cảnh xuống bên dưới với vô vàn các tháp đền chùa và dòng sông Irra Wady uốn lượn mềm mại dưới chân đồi. Khác với Bagan, nơi phần nhiều các ngôi chùa và tháp đều rất cổ, được xây cả gần nghìn năm trước bằng gạch đỏ, phần lớn những ngôi chùa của Mandalay mới hơn, chỉ hơn trăm năm, với những chóp nhọn màu trắng hoặc vàng, được xây dựng vào thời kỳ Mandalay là cố đô của Burma, trước khi vương quốc này rơi vào tay thực dân Anh. Người đi chùa không đốt hương mà chỉ cúng hoa, những chùm hoa được kết rất đẹp, thơm ngát.
Ngọn tháp dát vàng rực lên trên nền trời xanh biếc và cái nắng trong suốt
Hoa để dâng vào chùa

 Khu đồi Sangaing nhìn từ bờ sông Irra Wady
Và đền chùa, và dòng sông nhìn từ đỉnh đồi Sangaing
Mái vòm của Đại học Phật giáo
Ăn xong bữa trưa rất ngon, chàng lái xe đưa nhóm mình đi thăm cố đô Inwa, cố đô cổ của Burma trong khoảng thời gian thế kỷ 14-19. Sau một đoạn trên con đường bờ đê rợp bóng cây, tụi mình đến được bến thuyền lúc khoảng 2h. Chàng kéo mình đến bên một gốc cây to trên đó có tấm bạt quảng cáo, chỉ cho mình những địa điểm nên đến và cả giá tiền, dặn dò để mình không bị chặt chém và nhắc muộn nhất 4.30 phải quay trở lại để đi thăm cây cầu gỗ U-bein.

Từ bờ bên này đến bờ bên kia chỉ mất khoảng 5-7 phút trên một loại thuyền máy khá to chở được khoảng 20-30 người với 1 đô tiền vé. Bước lên bờ là cả một rừng những chiếc xe ngựa đang chờ trên một bãi đất kín đầy phân ngựa, mùi hôi nồng nặc. Nếu đọc review có ai đó nói đến vụ này thì có khi mình sẽ lưỡng lự không muốn đi. Nhưng đã đến rồi thì phải đi thôi. Tụi mình mau chóng lấy 2 chiếc xe vì ở đây mỗi xe họ cương quyết chỉ chở hai người. May quá, thoát khỏi bãi đất đó một đoạn thì mùi hôi cũng hết dần. Ngôi chùa đổ nát – điểm đến đầu tiên trong khu cố đô – mang nhiều những nét tương đồng với những đền tháp ở Bagan, nhưng tu viện gỗ tiếp theo thì khác hẳn. Tu viện mang tên Bagaya Kyaung được làm hoàn toàn bằng gỗ tếch với hơn 267 cây cột gỗ tếch khổng lồ và những hàng rui kèo gỗ tếch chạm trổ hết sức tinh tế. Qua năm tháng, những mái rui kèo, sàn nhà, cột gỗ trở nên đen bóng, ánh lên trong nắng.
Phế tích chùa Yandana Sinme, gợi nhớ những phế tích ở Bagan

Những cây cột gỗ tếch rất to của tu viện Bagaya
Đi xe ngựa mà cũng tắc đường :)

Điểm nhóm mình dừng chân khá lâu tiếp theo là tu viện Mahar Aung Mye Bon San. Tu viện có quy mô khá lớn, với những nét trầm mặc cổ kính, những cây táo dại nơi góc tường. Ánh nắng buổi chiều chiếu lên những bờ tường, bức tượng, tạo nên một quang cảnh đẹp khó lòng diễn tả.  
Tu viện Mahar Aung Mye Bon San

Tạm biệt hai bác đánh xe ngựa tuy không biết nói tiếng Anh nhưng luôn chờ đón tụi mình với nụ cười hiền lành mỗi khi tụi mình xuống xe đi vào điểm tham quan, nhóm mình quay được về bờ bên kia lúc hơn 4 rưỡi. Điểm đến tiếp theo mà mình rất náo nức là cây cầu gỗ tếch dài nhất thế giới – 1.2km, nơi mình quảng cáo mấy lần rồi là ngắm hoàng hôn từ đó thì tuyệt đẹp. Than ôi, đời không như là mơ. Cây cầu đông nghẹt người, không thể thậm chí chụp một bức ảnh. Nếu vắng người thì quả là cây cầu sẽ rất đẹp. Cầu hoàn toàn bằng gỗ tếch, rộng khoảng 1.5m, chẳng có lan can gì cả, và cứ kéo dài hun hút. Tụi mình đi bộ ít bước nhưng chán quá đành quay về và rủ nhau xuống dưới gầm cầu chụp ảnh hoàng hôn trên ruộng. Nói chung không như mong đợi nên cả nhóm mau chóng rời nơi đó đi về. Chàng lái xe bảo kể cả sáng sớm cây cầu cũng đông nghẹt như vậy. Biết làm sao được. Mình thích đi ngắm, làm sao có thể cấm người khác cũng đi như mình 😊.

Một ngày thăm thú hết sức thú vị với tổng cộng 35 đô tiền xe, 20 đô tiền bữa trưa, 25 đô tiền vé vào cửa (mà sẽ còn sử dụng cho cả ngày hôm sau), tức mỗi người chỉ tốn 20 đô. Bọn mình nói đi nói lại, phê vãi phê vãi :P. Nhưng tụi mình chưa hình dung rằng phía trước còn rất nhiều điều hay ho hơn nữa đang chờ đợi. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét